CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Thứ Năm Tuần 3 TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 10:19-25; Mk 4:21-25.

1/ Bài đọc I: 19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh.
20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.
21 Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa.22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền.23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.24 Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.25 Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần.

2/ Phúc Âm: 21 Người nói với các ông: "Chẳng lẽ đèn được mang tới để bị đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để được đặt trên trụ đèn sao?
22 Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.
23 Ai có tai nghe thì nghe! "
24 Người nói với các ông: "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.
25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất."


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

Làm sao con người có thể tiến gần tới Thiên Chúa? Phải chăng bằng kiến thức bí mật? Phải chăng bằng máu chiên bò? Phải qua Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu, Người là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-thái so sánh Bức Màn trong Đền Thờ, ngăn cản giữa con người với Thiên Chúa, với Bức Màn mới, là chính thân thể của Đức Kitô. Ngài đã xé tan bức màn trong Đền Thờ để con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi thời. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô dẫn chứng một số những câu nói của Chúa Giêsu về ánh sáng, về sự thật, về sự liên hệ giữa việc cho đi và nhận lại; và về sự cần thiết phải luôn cố gắng trau dồi thêm.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu đã mở toang bức màn ngăn cản giữa con người và Thiên Chúa.

1.1/ Bức màn ngăn cản giữa Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ: Để hiểu ý tác-giả, chúng ta cần phải trở về với cấu trúc trong Đền Thờ của Cựu-Ước. Để phân biệt Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, một “bức màn” che kín từ trên xuống dưới được dựng nên, để ngăn cách con người khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ có Thầy Thượng Tế mới được vượt qua bức màn này để dâng của lễ đền tội mỗi năm một lần mà thôi.
Khi Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thánh Giá, các tác giả của Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện “bức màn này trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới” (Mat 27:51, Mk 15:38, Lk. 23:45).

1.2/ Ý nghĩa của biến cố này: Tác giả Thư Do-Thái chú giải: “Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” Nhờ Chúa Giêsu, từ nay con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa bất cứ lúc nào.

2/ Phúc Âm: Những thực tại trần gian và trên trời.

Trong Tin Mừng hôm nay, Marcô tường thuật một lúc những câu dạy dỗ của Chúa Giêsu ở nhiều biến cố khác nhau. Một người có thể nhận ra điều này khi đối chiếu với Tin Mừng của Matthew. Vì thế, chúng ta sẽ phân tích từng câu một; vì mỗi câu tự nó đã đầy đủ ý nghĩa; sau đó chúng ta sẽ tìm xem nếu các câu có liên hệ với nhau.

2.1/ Mục đích của đèn là để soi sáng: Chúa Giêsu nói: "Chẳng lẽ đèn được mang tới để bị đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để được đặt trên trụ đèn sao?” Ai ai cũng đều hiểu công dụng của đèn là để soi sáng cho mọi người; vì thế, cần phải đặt trên trụ cao để soi sáng một diện tích lớn chung quanh. Đèn để dưới sàn chỉ có thể soi sáng một diện tích nhỏ. Lấy thùng úp vào đèn hay đặt dưới gầm giường là làm mất công dụng của đèn.
Sự Thật được ví như đèn; mục đích của sự thật là để hướng dẫn đời sống con người. Vì thế, con người cần phải học, nói, và sống theo sự thật. Con người không được che đậy hay ẩn giấu sự thật, cho dẫu “sự thật mất lòng.” Sống theo sự thật có thể làm một người bị chê bai, ghét bỏ, thiệt hại, ngay cả mất mạng sống; nhưng chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người. Các thánh tử đạo là những ví dụ của những người dám sống theo sự thật.

2.2/ Sự Thật không thể bị che giấu: “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!" Con người có thể làm ngơ, từ chối, đàn áp, hay tiêu diệt sự thật; nhưng sau cùng, họ cũng phải đương đầu với sự thật: không ở đời này cũng ở đời sau. Ví dụ: Giáo Hội, trong quá khứ, đã từ chối không chấp nhận nguyên lý “trái đất xoay chung quanh mặt trời” của Copernicus và Galileo (thế kỷ 16 và 17); nhưng sau cùng Giáo Hội cũng phải chấp nhận sự kiện khoa học này. Vì thế, con người phải rất cẩn thận khi sống ngược với sự thật, vì phải lãnh mọi hậu quả của nó. Sức mạnh có thể làm cho người ta sợ; nhưng không thể nào bưng bít sự thật. Hơn nữa, cho dẫu con người có thể giấu sự thật khỏi tất cả mọi người, nhưng họ không thể giấu khỏi Thiên Chúa, Đấng nhìn xem và thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng.

2.3/ Cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại bấy nhiêu: Chúa Giêsu dạy: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” Điều này phải trở thành nguyên tắc làm việc cho con người: hậu quả hay phần thưởng có được tùy thuộc vào cố gắng hay nỗ lực một người bỏ ra. Nếu một người chuẩn bị và cố gắng nhiều, họ sẽ thu thập nhiều; và nếu một người chuẩn bị và cố gắng ít, họ sẽ thu thập ít.
Ví dụ, trong lãnh vực học hỏi, nếu một người chịu bỏ thời gian nghiên cứu học hỏi, người đó sẽ càng ngày càng có kiến thức rộng rãi về lãnh vực chuyên môn người đó theo đuổi. Tương tự trong lãnh vực thờ phượng, nếu một giáo dân chịu khó chuẩn bị đọc các bài đọc ngay từ lúc còn ở nhà, họ sẽ dễ dàng hiểu và thâu thập được nhiều hơn khi vị linh mục chia sẻ Tin Mừng. Điều này càng đúng trong lãnh vực phục vụ, nếu vị chủ chiên chịu bỏ thời giờ để dạy dỗ và huấn luyện đòan chiên, giáo dân sẽ hiểu biết và hăng say tích cực trong việc giữ đạo hơn. Ngược lại, nếu con người không chịu bỏ thời gian chuẩn bị, và cố gắng; làm sao con người có thể đòi kết quả như mình mong ước được?

2.4/ Phải biết dùng thời gian, tài năng, và của cải Chúa ban: “Ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy mất.” Đây cũng là một nguyên lý sống cho con người: phải năng dùng tài năng mình đang có, sẽ càng ngày càng tinh luyện hơn; nếu không, sẽ mất dần những tài năng mình có. Ví dụ, việc học ngọai ngữ: Nếu một người tiếp tục học hỏi và áp dụng những gì học ở trường, người đó sẽ dần dần thông thạo về ngọai ngữ đó; nhưng nếu người đó không chịu tiếp tục học hỏi, vốn liếng đã thâu nhận ở trường cũng từ từ mất đi. Tương tự với món quà vô giá là đức tin: Nếu một tín hữu chịu khó đào sâu và tìm cơ hội để sống đức tin, người đó sẽ sở hữu một đức tin vững chắc, không gì có thể lay chuyển được; nhưng nếu người đó không chịu đào sâu và tìm dịp sống đức tin, người đó sẽ có ngày mất niềm tin đã được trao ban.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa Kitô là Vị trung gian đem Thiên Chúa đến cho con người, và đem con người về cho Thiên Chúa.
- Chúng ta phải là những ngọn đèn soi cho thế gian bằng cuộc sống thực theo Tin Mừng, để soi sáng cho mọi người nhìn thấy và tin tưởng vào Chúa.
- Những gì chúng ta sẽ nhận lãnh tùy thuộc vào những gì chúng ta cho đi. Thiên Chúa và tha nhân sẽ bù đắp lại tất cả những gì chúng ta đã hy sinh cho đi, và còn hơn thế nữa. Nếu chúng ta chỉ ích kỷ giữ lại cho mình, chúng ta sẽ mất dần những gì chúng ta đang sở hữu.


Không có nhận xét nào: