CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

ĐTC: Tại sao suy tôn Thánh Giá?




VRNs (15.09.2014) – Sài Gòn- “Tại sao các Kitô hữu suy tôn Thánh Giá Đức Kitô?” Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt câu hỏi như thế với khách hành hương vào Chúa nhật hôm qua, 14.09 tại quảng trường thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin. Vì Thánh Giá nơi Chúa Kitô bị đóng đinh trên đó “là khởi nguồn lòng thương xót Thiên Chúa bao trùm toàn thể thế giới”. Nó không chỉ là một thanh dọc và thanh ngang nhưng là nguồn ơn cứu độ chúng ta.
Và hôm nay – ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá – Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại và giết chết vì tin vào Chúa Kitô. “Đặc biệt ở những nơi mà không có tự do tôn giáo hay tự do tôn giáo không được thực thi đầy đủ. Nhưng nó cũng xảy ra tại những nước và những môi trường trên nguyên tắc bảo vệ tự do và các quyền con người, nhưng trong thực tế cụ thể các tín hữu, nhất là các tín hữu Kitô, bị giới hạn hoặc kỳ thị. Họ bị phân biệt đối xử, bị hạn chế gặp gỡ. Vì vậy, hôm nay chúng ta nhớ đến họ và cầu nguyện đặc biệt cho họ”.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ngài:
Anh chị em thân mến,
Ngày 14.09 hàng năm, Giáo Hội cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Một số người ngoài Kitô giáo có thể hỏi: tại sao lại “đề cao” Thánh Giá? Chúng ta có thể trả lời rằng chúng tôi không đề cao một thanh dọc và thanh ngang: chúng tôi tôn vinh Thánh Giá Chúa Giêsu vì tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại đã được biểu lộ trọn vẹn nơi đó. Đó là những gì Tin Mừng Gioan nói với chúng ta trong phụng vụ hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (3:16). Thiên Chúa Cha đã “ban” Con để cứu độ chúng ta qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Tại sao Thánh Giá là cần thiết? Vì tội lỗi đã trói buộc chúng ta trong tình trạng nô lệ. Thập giá của Chúa Giêsu thể hiện hai ý nghĩa: nơi đó phô bày tất cả thần lực sự dữ, nhưng đồng thời cũng diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Thập giá chỉ cho thấy sự thất bại của Đức Kitô, nhưng thực ra nói đến sự chiến thắng của Ngài. Trên đồi Canvê, những kẻ chế nhạo Ngài nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi cây thập tự đi để chúng tôi tin” (x. Mt 27,40). Sự chế nhạo này lại là sự thật. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài treo trên thập giá, trung thành trọn vẹn cho kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Và vì lý do này Thiên Chúa đã “siêu tôn” Chúa Giêsu (x.Pl 2,9) và trao vương quyền phổ quát cho Ngài.
Khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh chúng ta thấy gì? Chúng ta chiêm ngắm dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta và nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.  Thánh Giá như thế là nguồn gốc lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm toàn thế giới. Nhờ Thánh Giá Đức Kitô sự dữ được khắc phục, cái chết bị đánh bại, chúng ta có niềm hy vọng được phục hồi. Đó là điều quan trọng: Nhờ Thập Giá Chúa Kitô niềm hy vọng được phục hồi. Thập giá Chúa Giêsu là hy vọng duy nhất của chúng ta! Đó là lý do tại sao Giáo Hội “đề cao” Thánh Giá, đó là lý do tại sao người Kitô hữu làm dấu Thánh Giá. Chúng ta không đề cao thập giá nhưng tôn vinh Chúa Kitô chiến thắng vinh quang, dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, ơn cứu độ và cuộc hành trình của chúng ta hướng về niềm hy vọng phục sinh. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.  
Khi chúng ta chiêm ngưỡng và tôn vinh Thánh Giá, chúng ta suy nghĩ về tình cảnh của rất nhiều anh chị em chúng ta đang bị bách hại và giết chết vì tin vào Chúa Kitô. Đặc biệt ở những nơi mà không có tự do tôn giáo hay tự do tôn giáo không được thực thi đầy đủ. Nhưng nó cũng xảy ra tại những nước và những môi trường trên nguyên tắc bảo vệ tự do và các quyền con người, nhưng trong thực tế cụ thể các tín hữu, nhất là các tín hữu Kitô, bị giới hạn hoặc kỳ thị. Họ bị phân biệt đối xử, bị hạn chế gặp gỡ. Vì vậy, hôm nay chúng ta nhớ đến họ và cầu nguyện đặc biệt cho họ.  
Trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria (x.Ga 19,25-27). Mẹ mang tước hiệu là Mẹ Sầu Bi mà chúng ta sẽ cử hành thánh lễ này vào ngày mai. Chúng ta hãy phó thác hiện tại và tương lai của Giáo Hội cho Mẹ, nhờ đó chúng ta có thể khám phá và đón nhận sứ điệp tình yêu và ơn cứu độ nơi Thập Giá Chúa Kitô. Chúng ta hãy phó thác cách đặc biệt cho Mẹ các cặp vợ chồng vừa kết hôn trong thánh lễ mà tôi cử hành sáng hôm nay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
Hoàng Minh


Không có nhận xét nào: