CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 26/06 - 02/07/2014 - Đền Thờ Thánh Phêrô tại Rôma

1. Hãy nên như trẻ thơ để đón nhận tình Chúa

Sáng thứ Sáu 27 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong bài giảng ngài đã suy niệm về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa như tương quan giữa con trẻ với một người Cha đầy lòng yêu thương.

Đức Thánh Cha nói:

"Khi chúng ta đến, Ngài đã ở đó. Khi chúng ta tìm kiếm Ngài, Ngài đã tìm kiếm chúng ta. Ngài luôn luôn đi trước chúng ta, chờ đợi để đón nhận chúng ta vào trái tim Ngài, vào tình yêu của Ngài. Đó là hai điều có thể giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Để chúng ta hiểu được mầu nhiệm này, Chúa cần chúng ta trở nên giống như trẻ nhỏ, cần chúng ta hạ mình xuống, và Ngài cần sự ngạc nhiên của chúng ta khi chúng ta tìm kiếm Ngài và nhận ra Ngài đã ở đó, chờ đợi chúng ta. "

Chỉ với tâm hồn trẻ thơ và sự bỡ ngỡ đến kinh ngạc trước tình Chúa yêu ta mới giúp ta hiểu được “sự dịu dàng của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài; đây là những gì Ngài muốn nói với chúng ta và điều này đem lại cho chúng ta sức mạnh để có thể dịu dàng.”

Trái lại, nếu chúng ta cảm thấy mình đã quá mạnh mẽ, chúng ta sẽ không bao giờ cảm nghiệm được sự chăm sóc của Chúa, những vuốt ve của Ngài.

"Đừng sợ, vì ta ở với con và ta sẽ giữ chặt bàn tay con trong tay ta” Đây là những lời Chúa nói với chúng ta để giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Khi nói về chính mình, Chúa Giêsu nói: "Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng." Ngay cả Đấng là Con Thiên Chúa, cũng tự hạ mình xuống để đón nhận tình yêu của Chúa Cha.

2. Chúa Giêsu là một mục tử, không phải là một nhà đạo đức học

Trong thánh lễ sáng thứ Năm 26 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao dân chúng đã lũ lượt theo Chúa Giêsu. Lý do là vì Chúa Kitô đến gần với dân Ngài và lời Ngài động đến con tim của họ.

Đức Thánh Cha nói:

"Ngài là Mục Tử Nhân Lành. Đó là lý do tại sao dân chúng theo Chúa Giêsu. Ngài không phải là một nhà đạo đức học, không phải là những người Biệt Phái thích tranh biện phức tạp, Ngài cũng không phải là người theo bè Sađốc đầu cơ chính trị với kẻ quyền thế. Ngài cũng chẳng phải là một du kích quân đang tìm cách giải phóng chính trị cho người dân của mình. Ngài cũng chẳng phải là một thiền sư chiêm niệm trong tu viện. Ngài là một mục tử nói ngôn ngữ của dân Ngài, là Đấng thấu hiểu, là Đấng nói sự thật, không thêu dệt thêm, về những điều thuộc về Thiên Chúa nhưng trong một cách thế khiến mọi người yêu thích những điều ấy."

Giải thích tại sao dân chúng không theo những người Biệt Phái là những kẻ hay thích tranh biện những tình tiết phức tạp, Đức Thánh Cha nói:

"Lấy ví dụ là điều răn thứ tư! Ngươi phải thảo kính cha mẹ ngươi. Vâng, đúng thế. Ngươi phải nuôi cha mẹ già của ngươi. Nhưng như bạn biết, tôi không thể làm thế vì tôi không có tiền, có bao nhiêu tôi đã dâng cúng vào đền thờ hết rồi! Nhưng nếu bạn không nuôi nấng cha mẹ già, thì họ sẽ chết đói. Làm sao bây giờ? Tạo ra những tình tiết mâu thuẫn là thứ tranh biện đạo đức độc ác nhất. Người ta tôn trọng những người Biệt Phái, bởi vì ai cũng đều tôn trọng họ. Họ tôn trọng đấy, nhưng họ không lắng nghe! Họ lờ đi và tiếp tục cuộc sống theo ý mình."

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng chúng ta phải dừng lại để suy tư cẩn thận xem chúng ta đang theo ai và "xin Chúa mang chúng ta đến gần hơn với Chúa Giêsu."

"Người mà tôi muốn theo là ai? Có phải là những người nói với tôi về những điều trừu tượng hay về những tranh biện đạo đức? Hay những kẻ nói với tôi về Thiên Chúa trong khi chẳng có chút đức tin nào và chỉ chăm chăm đầu cơ chính trị với bọn quyền thế chính trị và bọn có tiền? Hay những kẻ chỉ thích làm những điều kỳ lạ, những điều gây ra những tàn phá trong cái gọi là chiến tranh giải phóng, nhưng mà cuối cùng không phải là những nẻo đường của Chúa? Hay những người chiêm niệm xa vời? Người mà tôi muốn theo là ai? "

3. Bài huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thánh Phêrô và Phaolô "đã nhận được tình yêu của Thiên Chúa và để cho mình được biến đổi bởi tình thương của Ngài; do đó họ trở thành bạn bè và là tông đồ của Chúa Kitô. "

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 tháng 6 Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Hàng ngàn khách hành hương bất chấp cái nóng mùa hè ở Rôma đã tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô để lắng nghe bài huấn đức của Đức Thánh Cha.

Trước buổi đọc kinh truyền tin, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Thánh Phêrô và Phaolô trong thánh lễ được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nơi ngài đã trao các dây pallium cho 24 tổng giám mục từ khắp nơi trên thế giới.

Đề cập đến hai vị thánh được mừng kính trong cùng một ngày, Đức Thánh Cha nói rằng niềm tin vào Chúa Kitô làm cho hai vị trở nên anh em và phúc tử đạo đã kết hiệp hai vị nên một.

"Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, rất khác nhau trên bình diện con người, đã được đích thân Chúa chọn và hai vị đã đáp lại bằng cách dâng hiến toàn bộ cuộc sống của mình. Nơi cả hai vị, ân sủng của Chúa Kitô đã thực hiện những điều tuyệt vời, Ngài đã biến đổi họ. Và Ngài chuyển hóa hai vị kỳ diệu biết bao! "

Thánh Phêrô, người đã chối Chúa ba lần, và thánh Phaolô, người đã đàn áp thẳng tay các Kitô hữu tiên khởi, đã để cho mình được biến đổi bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Gương của hai vị cho chúng ta thấy con đường hướng tới sự cứu rỗi.

"Ngay cả chúng ta, nếu chẳng may chúng ta rơi vào một tội lỗi nghiêm trọng thì ngay cả trong đêm đen tối nhất, Thiên Chúa vẫn luôn luôn có khả năng chuyển hóa chúng ta, như Ngài đã chuyển hóa thánh Phêrô và Phaolô; Ngài sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta và tha thứ tất cả cho chúng ta, biến bóng tối của tội lỗi thành một buổi bình minh của ánh sáng".

"Thiên Chúa là như thế: Ngài biến đổi chúng ta, Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta, như Ngài đã làm với hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ."

Ngày lễ hôm nay khơi lên niềm vui trong chúng ta vì nó nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã thể hiện tình yêu của Ngài nơi hai con người đã phạm vào những tội rất nặng.

Trước khi đọc lời cầu nguyện kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng Thiên Chúa cũng muốn ban cho chúng ta cùng một ân sủng mà Ngài đã trao cho hai vị tông đồ tuyệt vời.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta nhận ra được điều này như hai vị thánh, với một trái tim rộng mở, để ân sủng Chúa đừng trở nên vô ích nơi chúng ta.

4. Kitô hữu hãy loan báo về Thiên Chúa, không cần phải loan báo về chính mình

Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Ba 24 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ơn gọi Kitô hữu. Ngài trích dẫn Thánh Gioan Tẩy Giả như một mẫu gương cho mọi Kitô hữu bắt chước.

Đức Thánh Cha nói:

"Có ba ơn gọi trong dân Chúa: đó là dọn đường cho Chúa, biết phân định đâu là chân lý và để cho Chúa lớn lên trong khi làm cho chúng ta bé nhỏ đi. Thật đẹp để nghĩ về ơn gọi Kitô hữu theo cách này: Một Kitô hữu không cần phải loan báo về chính mình nhưng là công bố người khác. Kitô hữu dọn đường cho người khác là Chúa. Một Kitô hữu phải biết làm thế nào để phân định, phải học cách phân biệt sự thật từ những gì có vẻ là chân lý, nhưng thật ra không phải. Để trở thành một người biết phân định, Kitô hữu phải biết làm cho mình nhỏ đi để Chúa lớn lên trong ta, cũng như trong trái tim và linh hồn của những người khác. "

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Thánh Gioan cũng bị cám dỗ để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng ngài biết xác định vị trí của mình và dọn đường cho Chúa.

Mở đầu bài giảng thánh lễ Kính Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng ca ngợi Thánh Gioan là một người chuẩn bị con đường cho Chúa mà không tìm bất kỳ vinh quang nào cho chính mình. Dân chúng theo ngài vì thánh nhân là một người truyền giảng đầy uy thế, nhưng khi được hỏi ngài có phải là Đấng Thiên Sai hay không, thánh Gioan trả lời rằng ngài chỉ là "một tiếng kêu dọn đường cho Chúa."

Ơn gọi thứ hai của thánh Gioan Tẩy Giả, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, là để phân định, trong số rất nhiều người tốt, ai mới chính là Đấng Mêsia. Khi Gioan nhìn thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông nói với các môn đệ, "Hãy nhìn xem, đó là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian". Các môn đệ nhìn, nhưng họ không theo Chúa Giêsu và lờ đi để Ngài đi tiếp, nên thánh Gioan lặp đi lặp lại với họ vào ngày hôm sau, "Hãy nhìn xem, đây là Đấng Thiên Chúa đã chọn!".

Ơn gọi thứ ba của Gioan Tẩy Giả, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là để làm mình nhỏ lại ngõ hầu Chúa lớn lên trong trái tim của những người khác.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng giai đoạn thứ ba này trong ơn gọi của thánh Gioan là một trong những điều khó khăn nhất, bởi vì Chúa Giêsu đã có một cách hành xử rất khác với những gì thánh Gioan đã tưởng tượng ra trước đó. Ngay trước khi thánh nhân qua đời trong tù, ngài vẫn đầy những nghi ngờ và vì thế đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu nếu Ngài có thực sự là Đấng Mêsia hay không. Thánh nhân chịu tủi nhục không chỉ trong cái chết của mình mà còn trong bóng tối của những nghi ngờ của mình, nhưng ngài vẫn là một mẫu gương cho các Kitô hữu hôm nay. Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng là Kitô hữu chúng ta cũng phải dọn đường cho Chúa, chúng ta phải biết phân định đâu là sự thật và chúng ta phải làm chính mình nhỏ lại để Chúa có thể lớn lên trong ta và trong tâm hồn của những người khác.

5. Ngày nay quá nhiều Kitô hữu bị bách hại vì niềm tin của họ

Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Hai 30 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay quá nhiều Kitô hữu bị bách hại vì niềm tin của họ, nhiều hơn rất nhiều so với những ngày đầu của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta biết rằng Giáo Hội không thể tăng trưởng nếu không có Chúa: chính Ngài làm cho Giáo Hội phát triển, chính Ngài hình thành nên các cộng đoàn Giáo Hội. Thế nhưng chứng tá của các Kitô hữu cũng là cần thiết. Khi hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi phải có chứng tá mạnh mẽ, lúc đó có các vị tử đạo là các chứng nhân vĩ đại nhất. Giáo Hội tăng trưởng nhờ máu của các vị tử đạo. Đây là vẻ đẹp của tử đạo. Nó bắt đầu với những chứng tá, ngày qua ngày, và nó có thể kết thúc như Chúa Giêsu, vị tử đạo đầu tiên, chứng nhân đầu tiên, với chứng tá thành tín nhất là máu của Ngài".

"Trong bài Tin Mừng hôm nay một trong những môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng ông sẽ theo Chúa, nhưng chỉ sau khi đã chôn cất cha mình. .. và Chúa trả lời: ‘Không, hãy theo ta vô điều kiện!’ Chứng tá của anh chị em phải quyết liệt, anh chị em phải sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ như Chúa Giêsu đã dùng: 'lời các con phải là: có thì nói có, không thì nói không;’.. Đây là ngôn ngữ của chứng tá".

"Có rất nhiều vị tử đạo ngày hôm nay, trong Giáo Hội. Có rất nhiều những Kitô hữu đang bị bách hại. Hãy nghĩ về Trung Đông, nơi các Kitô hữu phải chạy trốn sự đàn áp, nơi các Kitô hữu bị giết. Ngay cả khi các Kitô hữu bị những người đeo ‘găng tay trắng’ lịch sự mời đi chỗ khác thì đó cũng là đàn áp. Có nhiều chứng nhân, nhiều vị tử đạo trong Giáo Hội ngày nay hơn là trong các thế kỷ đầu tiên. Vì vậy, trong Thánh lễ này, khi kính nhớ đến tổ tiên vinh quang của chúng ta, chúng ta cũng nghĩ đến anh chị em chúng ta là những người đang bị bách hại, những người đang đau khổ và những người bằng máu của họ đang dưỡng nuôi những hạt giống đức tin của rất nhiều các cộng đoàn nhỏ trên thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho chúng ta".

6. Câu chuyện về Đền Thờ Thánh Phêrô tại Rôma

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong các bản tin của VietCatholic, địa danh được đề cập đến nhiều nhất có lẽ là Đền Thờ Thánh Phêrô tại Rôma. Thật vậy, đây là nơi xảy ra hầu hết các biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội hoàn vũ.

Ngôi đền thờ này đã được Đại Đế Constantino xây dựng vào năm 324. Năm đó, vị đại đế đã quan quân hùng hậu đến khu vực Vaticano nơi có ngôi mộ Thánh Phêrô được an táng sau khi chịu tử đạo, Nhà vua cởi bỏ hoàng bào nằm phủ phục trước mộ Thánh Phêrô. Sau đó, ngài cầm chiếc xẻng lớn và chính ngài bắt đầu đào, xác định khu vực xây đại Vương Cung Thánh Ðường mới. Hoàng Ðế cũng đổ đầy và vác trên vai 12 giỏ đất như một cử chỉ tôn kính 12 Tông Ðồ. Con của ngài là Hoàng Ðế Costante đã được vinh dự hoàn tất công trình to lớn xây cất Ðền Thờ vào năm 349, sau 25 năm kiến thiết.

Tuy nhiên, ngôi đền thờ mà chúng ta thấy hiện nay đã được tái thiết hồi đầu thế kỷ thứ 16 và công trình này đã kéo dài trong vòng 120 năm dưới sự điều khiển của 12 kiến trúc sư, trong đó có những người nổi tiếng như Bramante, Michelangelo, Raffaello, Bernini và Maderno. Cả Ðền Thờ cũ cũng như Ðền Thờ mới đều được xây trên mộ của Thánh Phêrô tông đồ.

Từ xa, người ta đã có thể nhìn thấy mái vòm to lớn, độc đáo của Ðền Thờ Thánh Phêrô do Michelangelo vẽ kiểu. Và khi đứng trên Via della Conciliazione /vi-a đê-la con-si-li-a-zi-ôn-nê/ người Việt thường dịch là Đại Lộ Hòa Giải, ta có thể thấy hàng cột hình vòng cung do kiến trúc sư Bernini thiết kế giống như vòng tay mở rộng tiếp đón yêu thương, nhấn mạnh ý tưởng Mẹ Giáo Hội, trong Chúa Kitô, trở thành một cộng đoàn các anh chị em, thuộc nhiều dân nước khác nhau.

Trong bài tuần trước nói về Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Như Ý đã có dịp thưa với quý vị và anh chị em là cho đến năm 1377, dinh của Ðức Giáo Hoàng là Ðiện Laterano, cạnh đền thờ này. Sau năm 1377, Đức Giáo Hoàng Nicôlas Đệ Ngũ mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Nếu đi sâu vào chi tiết, có lẽ phải nói thêm là trong vòng 73 năm từ năm 1309 đến năm 1377, 7 vị Giáo Hoàng, bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Ngũ đã cư ngụ trong miền Avignon Bên Pháp.

Trong 73 năm Ðức Giáo Hoàng ở Avignon, Ðền Thánh Phêrô bị bỏ hoang đến độ hầu như không thể trùng tu được. Thực vậy, sau một ngàn năm huy hoàng, Ðền Thánh Phêrô do Hoàng Ðế Costantino xây bắt đầu có những dấu hiệu tàn lụi. Vì thế, các vị Giáo Hoàng đã nảy ra ý tưởng xây lại hoàn toàn một Ðền Thờ mới.

Nói hết những chuyện liên quan đến Ðền Thờ mới này có lẽ phải mất hàng tháng trời. Do đó, trong phần sau Như Ý chỉ xin tóm tắt một số những điểm chính.

Ðền Thờ mới như chúng ta thấy ngày nay được coi là thánh đường có kích thước lớn nhất thế giới Kitô giáo. Từ nền tầng hầm Ðền Thờ tới mái vòm cao đến 136 mét. Nếu chỉ tính từ nền Ðền thờ đến mái vòm thì cao 133 mét. Nguyên diện tích đền thờ, không kể nhà mặc áo, có diện tích hơn 2 hécta, tức là 22,067 mét vuông. Mặt tiền đền thờ, giống như một sân bóng đá, cao 46 mét và chiều ngang 115 mét. Các cột cao gần 29 mét, đường kính 2.65 mét.

Ðền Thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi, nhưng thực tế, trong các đại lễ do Đức Thánh Cha cử hành, thường chỉ có 10 ngàn người ngồi dự lễ.

Trong Ðền Thờ có 46 bàn thờ, bàn thờ cuối cùng được Ðức Piô 9 (1846-1878) thánh hiến ngày 16-1-1856. Có 9 bàn thờ dâng kính Ðức Mẹ dưới nhiều tước hiệu khác nhau.

Trong tầng hầm nhà thờ có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Mộ của 147 trong tổng số 264 giáo hoàng cũng được đặt tại đây.

Cửa Thánh. Trong số 5 cửa vào Ðền Thờ, có một cửa chỉ được mở ra vào Năm Thánh. Cửa năm Thánh 2000 đã được Đức Thánh Cha mở trong đêm vọng giáng sinh 24-12-1999 và được đóng lại vào ngày 6-1-2001.

Mái vòm Ðền Thờ có chu vi bên trong là 42.7 mét và chu vi bên ngoài là 58 mét, và cao 50.35 mét. Tính từ nền tới đỉnh cao nhất của mái vòm với thánh giá là 135.2 mét. Thánh giá trên đỉnh cao 4.87 mét và thanh ngang rộng 2.65 mét. Trọng lượng của mái vòm theo các nhà toán học Boscovich, Le-Leur và Lacquer, là 56,208,837.46 kílô.

Ngoài 2 cầu thang vòng mà các du khách leo lên mái vòm, còn có 9 cầu thang khác, 7 cái lớn và 2 cái nhỏ, mặc dù đi từ bên trong Ðền Thờ, nhưng đều dẫn tới cùng một đích điểm.

Bàn thờ chính của Ðền Thờ, được gọi là bàn Thờ Tuyên Xưng đức tin, được xây ngay bên trên mộ Thánh Phêrô theo lệnh của Ðức Clemente VIII (1592-1605). Bàn thờ có tán che và 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do Bernini thực hiện. Tượng các thiên thần ở trên mỗi góc cao 3.5 mét. Tán che đền thờ được khánh thành ngày 29-6-1633.

Dưới bàn thờ này, có một bàn thờ khác của Ðức Giáo Hoàng Callisto II (1119-1124), và bên dưới đó, lại có một bàn thờ khác nữa của Ðức Gregorio Cả (590-604). Ði xuống sâu hơn, người ta gặp một khối hình vuông, bọc cẩm thạch trắng và đá vân đỏ. Ðó là đài do Hoàng Ðế Costantino thực hiện để kính nhớ Thánh Phêrô Tông Ðồ và có lẽ trong dịp lễ tưởng niệm chiến thắng của ông tại Cầu Milvio ngày 28-10-312.

Tượng thánh Phêrô bằng đồng, có từ thế kỷ 13, được tôn kính trong Ðền Thờ: chân phải của ngài bị mòn nhiều vì sự hôn kính của hàng triệu tín hữu qua dòng thời gian, kể từ khi Ðức Piô IX ban ân xá 50 ngày cho những ai hôn chân này sau khi đi xưng tội.

Theo một truyền thống cổ kính, ngày 29-6 mỗi năm, lễ thánh Phêrô, người ta mặc phẩm phục giáo hoàng cho tượng thánh Phêrô. Năm 1798-1799, lễ nghi mặc áo bị chính quyền cộng hòa cấm, tạo nên sự bất mãn rất lớn nơi dân Roma, vốn rất trung thành với truyền thống, khiến cho bộ trưởng tư pháp phải cho mặc áo, ngoại trừ chiếc mũ ba tầng.

Tượng Ðức Mẹ Sầu Bi (Pietà) – ở bên tay phải, khi mới bước vào Ðền Thờ, bằng cẩm thạch trắng, diễn tả Mẹ Maria đang ẵm xác Chúa Giêsu từ trên thánh giá mới tháo xuống, do Michelangelo thực hiện năm 1500 khi mới 25 tuổi và là tác phẩm duy nhất mang chữ ký của ông. Tên ông được khắc vào vệt áo băng qua ngực Ðức Mẹ. Cho đến năm 1972, du khách có thể đến gần ngắm tượng, nhưng một người điên Hungari, quốc tịch Úc, đã leo qua rào dùng búa đập vào tượng nhiều lần trước khi bị cản lại. Mũi Ðức Mẹ bị đập vỡ. Người ta thu thập các mảnh vở và gắn lại. Hiện nay người ta đặt kính chắn đạn để bảo vệ kiệt tác nghệ thuật này, nhưng khách viếng thăm cũng khó chiêm ngưỡng pho tượng này hơn so với trước kia.



Không có nhận xét nào: