Thứ Ba Tuần 17 TN2
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 17 TN2, KÍNH THÁNH NỮ
MARTHA
Bài đọc: Jer 14:17-22; Jn
11:19-27
1/ Bài đọc I: 17 Mắt
tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt,
vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn,
vết trọng thương hết đường cứu chữa.
18 Tôi bước ra đồng nội:
này kẻ chết vì gươm,
quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả.
19 Lạy Chúa, phải chăng
Ngài đã quyết từ bỏ Giu-đa?
Phải chăng Xi-on khiến lòng Ngài ghê tởm?
Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy?
Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết!
Mong đến thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!
20 Lạy CHÚA, chúng con nhận
rằng mình gian ác
và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!
21 Vì Danh Thánh, xin Chúa
đừng chê bỏ chúng con, đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài.
Dám xin Ngài nhớ lại, đừng huỷ bỏ giao ước giữa Ngài với chúng con.
22 Trong số chư thần của
các dân tộc, có thần nào làm được mưa chăng?
Có phải trời đổ được mưa rào, hay chính Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của
chúng con?
Chúng con trông cậy nơi Ngài, vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!
2/ Phúc Âm: 38 Trong
khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là
Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ
ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo
việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ,
mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "41 Chúa
đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ
có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy
đi."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người đều
phải chịu trách nhiệm về những hành động mình làm.
Không có một hành động nào con
người làm mà không gây ra hậu quả cho cá nhân người đó, cho gia đình, và cho xã
hội. Nhiều khi con người nghĩ hành động đó có đáng gì đâu, nhưng nếu họ có thể
nhìn thấu suốt tương lai, họ sẽ rùng mình về những hậu quả do hành động đó gây
ra. Vì thế, mỗi khi quyết định làm một việc gì, con người cần suy nghĩ khôn
ngoan và chín chắn, để đừng gây ra những thiệt hại cho bản thân và cho tha
nhân.
Các bài đọc hôm nay muốn cho con
người nhìn thấy những thiệt hại do những hành động quá khứ của con người gây
ra. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah muốn cho chúng ta học bài học lịch sử. Vì
con cái Israel khinh thường Lề Luật và Lời Chúa được phán qua các ngôn sứ, họ
đã phải chịu hậu quả là nước mất, nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, và toàn dân bị
đem đi lưu đày. Trong Phúc Âm, Lucas trình bày hai cách đón tiếp Chúa Giêsu
khác nhau của chị em cô Martha: Cô chị, Martha, chọn tiếp đãi Chúa bằng việc nấu
ăn và trang hoàng nhà cửa; trong khi cô em, Maria, ngồi ngay chân Chúa Giêsu để
nghe Lời người dạy bảo. Khi cô chị than phiền, Chúa trả lời cô, “Mác-ta! Mác-ta
ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà
thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con cái Israel nhận
ra tội lỗi của họ khi phải chịu đau khổ.
1.1/ Chúng con đợi hoà bình
nhưng chẳng được may lành chi hết! Trình thuật hôm nay giả sử chiến tranh đã
bùng nổ trên toàn cõi Judah đúng như lời các ngôn sứ Micah và Isaiah loan báo.
Ngôn sứ Jeremiah được coi là ngôn sứ của thời lưu đày. Ông đã chứng kiến mọi sự
xảy ra như một ứng nghiệm lời Đức Chúa đã tuyên phán qua các ngôn sứ. Toàn thể
Judah được ông nhân cách hóa như một cô gái bị đánh nhừ đòn, chỉ còn thoi thóp
chờ chết.
Họ phải đương đầu một lúc với hai tai họa kinh khủng là chiến tranh và đói
khát: “Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm, quay trở lại đô thành: nọ bao
người đói lả.” Khi phải đương đầu với những đau khổ, họ nhận ra Thiên Chúa đã
thực sự lìa bỏ họ. Trước đây, họ không nghĩ là Thiên Chúa sẽ bỏ họ, sẽ để cho
quân thù phương Bắc tới hủy diệt Đền Thờ là nơi cực thánh Ngài cư ngụ; nhưng
nay mọi lời các ngôn sứ loan báo đã thành sự thật. Những lời của ngôn sứ
Jeremiah trong trình thuật hôm nay chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa đã nói trước
qua các ngôn sứ: “Lạy Chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Judah? Phải chăng
Sion khiến lòng Ngài ghê tởm? Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương
chữa chạy? Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết! Mong đến
thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”
1.2/ Con cái Israel bắt đầu nhận
ra sự thật.
(1) Họ nhận ra tội lỗi của mình:
Trước đây, họ nghĩ Thiên Chúa chỉ dọa chứ không làm, họ nghĩ họ sẽ không phải
gánh chịu những thiệt hại của những hành động thất nhân ác đức của họ; nhưng giờ
đây họ cảm nghiệm thấy hậu quả của mọi tội lỗi, và của những lời Thiên Chúa
phán. Họ nhận tội với Ngài: “Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha
ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!”
Tuy nhiên, họ nhận ra họ vẫn còn hy vọng vào lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ
và các ngôn sứ: Thiên Chúa sẽ bảo vệ và chúc lành, nếu họ biết ăn năn trở lại.
Vì thế, họ kêu cầu lên Thiên Chúa: “Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng
con, đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài. Dám xin Ngài nhớ lại, đừng huỷ bỏ
giao ước giữa Ngài với chúng con.”
(2) Nhận ra quyền năng của Thiên
Chúa: Câu này giả sử vương quốc Judah bị hạn hán. Giống như thời ngôn sứ
Elijah, khi con cái Israel giàu có và sung túc vì được mủa, họ không nghĩ tới
Thiên Chúa đã chúc lành bằng cách ban mưa thuận gió hòa cho mùa màng của họ. Họ
nghĩ là thần Baal đã ban cho hay nhờ sức lực cố gắng mà họ được như thế. Để mở
mắt cho con cái Israel, Elijah truyền lệnh đóng cửa trời trong 3 năm, không mưa
và cũng chẳng có sương rơi xuống. Hậu quả là mùa màng thất thoát, súc vật lăn
ra chết vì không có cỏ, con người cũng bị chết vì đói và khát. Jeremiah cũng
tuyên nhận quyền năng của Thiên Chúa khi dân chúng phải đương đầu với đói khát,
họ phải nhận ra: “Trong số chư thần của các dân tộc, có thần nào làm được mưa
chăng?
Có phải trời đổ được mưa rào, hay chính Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của
chúng con? Chúng con trông cậy nơi Ngài, vì chính Ngài đã làm ra tất cả những
điều đó!”
2/ Phúc Âm: “Maria đã chọn
phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
2.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân
Chúa để nghe Ngài giảng dạy: Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Martha:
con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay chân!" Nhưng đây là một lựa
chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một
số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:
+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria
biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì
thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.
+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa
không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không
biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học
nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp
xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có
mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!
+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị
bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không
chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong
phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế,
quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.
3.2/ Chị Martha chọn để vất vả
lo việc phục vụ Chúa Giêsu.
Khi
một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội
trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả
lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy,
em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp
con một tay!" Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp:
"Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một
chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy
đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
+ Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm
cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy
đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại
trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc
trong cuộc đời.
+ Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới
đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người
chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như
mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng
không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố
rõ ràng bởi Thiên Chúa.
+ Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết khi nào Chúa đến,
vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa,
Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm
viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều
này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc,
khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ
phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hai giới răn “mến Chúa yêu người” đòi chúng ta phải có tinh thần hiếu
khách với Thiên Chúa và với tha nhân. Để tỏ tinh thần hiếu khách đúng đắn,
chúng ta cần biết những gì Thiên Chúa và tha nhân muốn, và những gì chúng ta có
thể làm được.
- Tổ chức ăn uống linh đình không phải là dấu hiệu của tinh thần hiếu khách, vì
nhiều khi chúng ta quá chú trọng vào việc nấu nướng và chuẩn bị, chúng ta có thể
bỏ qua những lịch sự tối thiểu và làm buồn lòng khách.
- Những giá trị tinh thần như ơn cứu độ, rao giảng Tin Mừng, tinh thần hiệp nhất,
và sống đạo phải đặt trên những ăn uống và tiệc tùng.