CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả tuyệt vời qua Đức Kitô.





Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm A
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống


Bài đọc: Deut 7:6-11; 1 Jn 4:7-16; Mt 11:25-30.

1/ Bài đọc I: 6 Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. 7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.
8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. 9 Anh em phải biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người. 10 Còn ai thù ghét Người, thì Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết; với kẻ thù ghét Người, Người không trì hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa. 11 Vậy anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành.

2/ Bài đọc II: 7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.
8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.
9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
11 Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
12 Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. 14 Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. 15 Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy
và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.
16 Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó.
Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

3/ Phúc Âm: 25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả tuyệt vời qua Đức Kitô.

Tình yêu có lẽ là một đề tài được nói đến nhiều nhất trong cuộc sống con người. Điều này không lạ vì tình yêu là động lực chi phối mọi hoạt động của con người. Nhưng khi phải định nghĩa tình yêu là gì, thì mọi người đều lúng túng. Thi sĩ Xuân Diệu định nghĩa “yêu là chết trong lòng một ít.” Định nghĩa này chắc chắn bị nhiều người bác bỏ, nhất là những người đau đớn vì bị tình phụ. Văn sĩ Antoine de Saint-Exupéry định nghĩa “yêu không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.” Định nghĩa này cũng không ổn, vì làm sao kiếm được người nhìn cùng một hướng như mình trong hết mọi sự. Thánh Gioan trong Thư thứ nhất có lẽ cho một định nghĩa sâu sắc và tuyệt vời nhất: “Thiên Chúa là tình yêu.” Tuy nhiên, định nghĩa này có tính cách thần học và cần được diễn giảng cách rõ ràng hơn.
Các bài đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm giúp chúng ta hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua những biểu lộ rất cụ thể trong lịch sử, và nhất là qua Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả Sách Thứ Luật nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu và chọn lựa dân tộc Israel làm dân riêng của Ngài trước khi họ biết và đáp trả lại. Ngài đã làm giao ước với các tổ phụ để bảo vệ họ và Ngài đã trung thành với giao ước đó suốt đời. Trong bài đọc II, thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu thương con người trước vì Ngài là tình yêu. Thiên Chúa yêu con người đến độ Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để đền tội cho con người; hy sinh Người Con Một là hy sinh chính Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết mọi con người đều phải vất vả và gồng gánh nặng nề, nên Ngài kêu gọi tất cả hãy đến với Ngài để được Ngài dạy dỗ và cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người.

1.1/ Thiên Chúa đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Để hiểu những lời này, chúng ta cần phải trở về với Sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa chọn Abraham và làm giao ước với ông (Gen 17:5-10). Theo giao ước này, Ngài sẽ cho ông một dòng dõi và sẽ ban Đất Hứa là đất Canaan cho dòng dõi của Abraham cư ngụ. Phần Abraham và dòng dõi của ông, họ phải cắt bì và tuân giữ mọi điều Thiên Chúa truyền dạy. Tác giả Sách Thứ Luật xác quyết lý do duy nhất Thiên Chúa làm những điều này là vì Ngài yêu thương anh em, chứ không phải bất cứ một lý do nào khác: “Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.” Điều này hiển nhiên, vì khi Thiên Chúa làm giao ước này, dân tộc Israel chưa có mặt trong cuộc đời, và Abraham chưa có Isaac, người con sẽ sinh ra một dòng dõi.
Thế rồi theo thời gian, dòng dõi Abraham được sinh ra và tăng trưởng qua Isaac và Israel cùng với các con của ông. Vì Giuse, con của Israel, làm quan Tể Tướng bên Ai-cập, ông đã đem cha và các anh em sang định cư bên Ai-cập. Họ đã gia tăng dân số rất nhanh, nhưng bị người Ai-cập đối xử rất dã man và tìm đủ mọi cách để triệt sản. Họ kêu cầu lên Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã dùng ông Moses và Aaron để đưa dân ra khỏi Ai-cập, vào sa mạc để được thanh luyện và gần gũi Thiên Chúa, trước khi tiến vào Đất Hứa. Tác giả Sách Thứ Luật vắn tắt tiến trình này như sau: “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharao, vua Ai-cập.”

1.2/ Thiên Chúa của anh em là Thiên Chúa trung thành: Giao ước được ký kết giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Theo truyền thống con người, nếu một bên vi phạm bất cứ điều nào đã ký kết, giao ước sẽ trở nên vô hiệu. Đọc lại lịch sử của dân tộc Israel, một người sẽ nhận thấy Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài đã hứa; phản bội luôn đến từ phía dân tộc Israel. Tác giả Sách Thứ Luật cũng xác quyết điều này: “Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa là tình yêu.

2.1/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Tác giả Thư Gioan thứ nhất dạy chúng ta nhiều điều quan trọng về tình yêu:
(1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu thương con người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc đời. Mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, anh em, bạn hữu...
(2) Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh (selem) và đức tính (demut) của Ngài (Gen 1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
(3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong vũ trụ và trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là Ngài đã hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”
(4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con người khi họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”

2.2/ Chúng ta cũng phải yêu thương nhau: Như đã nói trên, điều làm cho con người giống Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương đáp trả tình yêu Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các tín hữu của Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được nhấn mạnh hơn nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Jn 13:34).
Có nhiều loại tình yêu khác nhau trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai gái, tình yêu chung thủy giữa vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những người chung chí hướng, tình yêu thương xót khi gặp người đau khổ... Đức Giáo Hoàng Benedict trong Thông Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất toàn so với tình yêu của chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị kỷ. Tình yêu hoàn hảo nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa, vì với tình yêu này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta...

3/ Phúc Âm: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos) với kẻ bé mọn (nêpios), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ là tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ.

3.1/ Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "epiginôskô," biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy từ bên trong.

3.2/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng theo cách của thế gian, mà mang chúng theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng cách, họ cần phải học với Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu với mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trước khi chúng ta có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài.
- Tình yêu phải được diễn tả bằng hành động. Chúa Cha biểu lộ tình yêu của Ngài bằng cách hy sinh Người Con Một cho con người. Đức Kitô biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh chết trên trên Thập Giá cho con người. Chúng ta cũng phải biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh cho nhau.


Không có nhận xét nào: