VRNs (26.06.2014) –
Sài Gòn –Ngày thứ II trong Tam nhật thánh mừng kính Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp (ĐMHCG) với thánh lễ diễn ra lúc 18 giờ ngày 26.06, tại Đền ĐMHCG,
số 38 Kỳ Đồng quận 3, Sài Gòn. Trước đó, vào lúc 17g30 cộng đoàn sốt
sắng hành hương kính ĐMHCG.
Trong ngày thứ II này, thánh lễ đặc biệt
dành riêng cho các em thiếu nhi. Bước vào thánh lễ, cộng đoàn cung
nghinh Mẹ vào Đền Thánh bằng đoàn rước khởi đi từ sân Hiệp Nhất. Kiệu
Đức Mẹ được trang hoàng bằng những đóa hoa tươi thắm, lộng lẫy, chính
giữa kiệu hoa là linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Từ trên kiệu cao, Mẹ
nhìn đoàn thiếu nhi hai hàng trang nghiêm sốt sắng tiến vào Đền Thờ.
Chủ tế trong thánh lễ là cha G.B Lê Đình
Phương, cùng đồng tế có khoảng 20 linh mục trong Dòng và cùng đông đảo
phụ huynh của các em thiếu nhi tham dự.
Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nhắc lại
lịch sử của bức linh ảnh ĐMHCG trong đó có liên quan đến một vài nhân
vật cùng lứa tuổi với các em thiếu nhi.
Dựa vào Tin Mừng Gioan được trích đọc,
kể về biến cố Đức Maria dưới chân thập giá (x. Ga 19,25-27), cha chủ tế
nói về sự chở che của Đức Maria cho môn đệ Gioan và cho tất cả mỗi người
chúng ta.
Vì là thánh lễ đặc biệt dành riêng cho
các em thiếu nhi nên cha chủ tế có một lối giảng sinh động và cuốn hút
các em khi diễn nghĩa về các biểu tượng trên bức linh ảnh ĐMHCG.
Đây là một bức Icon thuộc trường phái
Byzantine vào thời Trung Cổ. Những nét trên bức họa đều mang một biểu
tượng, hướng người xem nhìn ra ý nghĩa sâu xa bên trong. Khi chiêm ngắm
bức ảnh này, người họa sĩ, thường là các đan sĩ có đời sống cầu nguyện
và chiêm niệm trong nhiều năm, mời gọi chúng ta nhìn xa hơn là một bức
họa. Bức họa chỉ là khung cửa sổ để mở ra một chân trời bao la và rộng
lớn hơn.
Icon mang những ý nghĩa phong phú như
thế thì tác giả icon phải là người thế nào? Một hoạ sĩ icon phải hơn hẳn
các hoạ sĩ vẽ tranh ảnh khác, bởi công việc sáng tác vượt xa tầm mức
nghệ thuật, vì chỉ có nghệ thuật thôi thì chưa đủ. Tiên vàn, hoạ sĩ icon
phải là người có đời sống thánh thiện, rồi người ấy phải sống sự sống
của bức icon mình muốn phóng tác trước đã, nhờ đó người ấy mới có thể
dùng bút vẽ để tô những mầu nhiệm linh thiêng lên sáng tác của mình. Một
hoạ sĩ icon thực thụ không chỉ hoàn thiện vẻ bề ngoài, mà trên hết phải
hoàn thiện tính chất linh thiêng của bức icon. Tiêu chuẩn của nghệ
thuật icon Ki-tô giáo là phải có khả năng phản chiếu hào quang của Chúa
Thánh Thần. Vì thế, trên nguyên tắc, Chúa Thánh Thần chính là Hoạ sĩ
trước nhất của bức icon.
Mời các bạn lắng nghe trọn bài giảng tại đây:
Về các ý nghĩa trên bức họa ĐMHGC, các bạn có thể xem bức ảnh sau đây:
Trước khi kết thúc thánh lễ vào lúc 19g,
là một vũ điệu vui nhộn của các em thiếu nhi dâng lên cho Đức Mẹ.
Nguyện xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp gìn giữ và chở che chúng con luôn luôn.
Pv. VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét