Thứ Sáu Tuần VII PS
Chi tiết
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng
hoặc tải xuống
Thứ Sáu Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 25:13-21: Jn
21:15-19.
1/ Bài đọc I: 13 Ít
ngày sau, vua Ác-ríp-pa và bà Béc-ni-kê đến Xê-da-rê chào mừng ông Phét-tô.
14 Vì hai người ở lại đó
nhiều ngày, ông Phét-tô mới đem vụ ông Phao-lô ra trình bày với nhà vua. Ông
nói: "Ở đây có một người tù ông Phê-lích để lại.
15 Khi tôi tới Giê-ru-sa-lem,
các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án người ấy.
16 Tôi đã trả lời họ rằng
người Rô-ma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với
nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo.
17 Vậy họ cùng đến đây với
tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương
sự đến.
18 Đứng quanh đương sự, các
nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng.
19 Họ chỉ tranh luận với
ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một
ông Giê-su nào đó đã chết, mà Phao-lô quả quyết là vẫn sống.
20 Phần tôi, phân vân trước
cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Giê-ru-sa-lem
để được xử tại đó về vụ này không.
21 Nhưng Phao-lô đã kháng
cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại
cho đến khi giải lên hoàng đế."
2/ Phúc Âm: 15 Khi các
môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông
Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy
có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm
sóc chiên con của Thầy."
16 Người lại hỏi: "Này
anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa
Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên
của Thầy."
17 Người hỏi lần thứ ba:
"Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông
Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? "
Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy."
Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
18 Thật, Thầy bảo thật cho
anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã
về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh
chẳng muốn."
19 Người nói vậy, có ý ám
chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông:
"Hãy theo Thầy."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ
phải lãnh trách nhiệm coi sóc và hy sinh cho đoàn chiên.
Trong cuộc đời, chúng ta rất dễ
tìm người lãnh đạo ngoài xã hội, vì ai cũng mong có địa vị, uy quyền, và các lợi
lộc vật chất; nhưng không dễ tìm người lãnh đạo trong Giáo Hội, vì chẳng những
không có lợi lộc vật chất, mà còn đòi phải chịu phê bình, bắt bớ, tù đày, và
ngay cả phải hy sinh đến tính mạng. Vì thế, chẳng lạ gì mà càng ngày càng thiếu
những người tình nguyện hy sinh cuộc đời làm mục tử để lãnh đạo Dân Chúa, nhất
là trong những quốc gia phát triển, nơi mà sự thành công được đo lường trên địa
vị và lương bổng. Điều gì đã thúc đẩy các mục tử trong Giáo Hội sẵn sàng hy
sinh quên mình, để chăm sóc cho đoàn chiên của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta
thấy những mẫu gương và lý do của việc hy sinh phục vụ. Trong Bài Đọc I, Phaolô
bị các người Do-thái trong Thượng Hội Đồng bắt nộp cho Thống-đốc Rôma, vì niềm
tin vào Đức Kitô và sự loan truyền đạo lý của Ngài. Những nhà cầm quyền Rôma
không dám tha cho Phaolô, dù không tìm thấy nơi ông tội gì đáng chết, vì họ sợ
người Do-thái. Phaolô kháng cáo lên hoàng đế Caesar vì ông có quốc tịch Rôma.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: "Anh có yêu mến Thầy
không?" trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Nếu
không có tình yêu dành cho Chúa Giêsu, Phêrô không bao giờ có thể hy sinh nghề
nghiệp để chăm sóc đoàn chiên, nhất là phải chịu tù đày và hy sinh mạng sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô được chuyển
đi Rôma để được xét xử bởi Hoàng-đế Caesar.
1.1/ Các nguyên cáo đã không đưa
ra một tội trạng nào như tôi tưởng: Khi vua Agrippa trị vì lãnh thổ của Galilee
và Perea, và Bernice, chị em với bà Drussila, vợ của Felix, tới Judea thăm
Festus, là Thống-đốc của Judea, Festus biết Agrippa có kiến thức sâu rộng về Đạo
Do-thái và truyền thống, nên đã đề nghị ông có cuộc nói chuyện về trường hợp của
Phaolô. Ông nói với Agrippa: "Ở đây có một người tù do ông Felix để lại.
Khi tôi tới Jerusalem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin
tôi kết án người ấy. Tôi đã trả lời họ rằng người Rôma không có lệ nộp bị cáo
nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời
tố cáo. Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi
ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã
không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng."
1.2/ Tranh luận về tôn giáo: Giống
như trong trường hợp của Chúa Giêsu, Philatô không tìm được một lý do chính trị
hay luật pháp nào để buộc tội Chúa. Người Do-thái phải họp nhau để lập mưu và
tìm một lý do chính trị "Chúa Giêsu xưng mình là Vua! Ai xưng mình là Vua,
kẻ ấy chống lại Caesar!" Với lý do đó, Philatô sợ và trao Chúa Giêsu cho họ
mang đi đóng đinh. Trong trường hợp của Phaolô, Festus nói: "Họ chỉ tranh
luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên
quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Phần tôi,
phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn
đi Jerusalem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phaolô đã kháng
cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại
cho đến khi giải lên hoàng đế." Phaolô rất khôn ngoan, vì ông biết nếu họ
xử ông ở Jerusalem, ông chắc chắn sẽ bị buộc tội và bị chết.
2/ Phúc Âm: Hãy chăm sóc chiên của
Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu trao cho Phêrô
nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài: Trình thuật hôm nay nằm trong chương cuối
cùng của Tin Mừng Gioan. Nhiều học giả Kinh Thánh cho chương 21 không phải
chính Gioan viết, nhưng là do các môn đệ của ông thêm vào; nhưng có rất nhiều
điểm Gioan đã trình bày trong các chương trước được nêu bật trong chương này:
(1) Sự quan trọng của tình yêu:
Trong các chương 13-16, Chúa Giêsu đã đề cập rất nhiều với các môn đệ về việc
liên hệ giữa tình yêu và giữ các giới răn: Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các
giới răn của Thầy; và giới răn quan trọng nhất trong Tin Mừng Gioan là giới luật
yêu thương. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến 3 lần:
"Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Điều này
làm chúng la liên tưởng ngay đến 3 lần Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong Cuộc
Thương Khó của Ngài.
(2) Phải có tình yêu của Thiên
Chúa trước khi có thể phục vụ tha nhân: Bắt đầu chương 13, khi Chúa Giêsu biết
đã sắp đến giờ Ngài phải về với Chúa Cha; và để tỏ tình yêu thương cho các môn
đệ, Ngài đã hạ mình làm công việc của người đầy tớ phục vụ chủ: Ngài rửa chân
cho các ông! Sau khi rửa chân, Ngài đã nói với các môn đệ đang sững sờ ngạc
nhiên về hành động của Ngài: " Anh em gọi Thầy là "Thầy," là
"Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu
Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa
chân cho nhau" (Jn 13:13-14).
Chúa Giêsu phải hỏi Phêrô tới 3
lần trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của
Ngài. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phải có tình yêu Chúa ông mới có
thể hoàn tất sứ vụ Ngài trao; vì đó là sứ vụ rất khó khăn và đòi nhiều hy sinh
và kiên nhẫn. Đó cũng là sứ vụ rất dễ bị nản chí và bỏ cuộc, vì không được đền
bù bằng địa vị và lương bổng.
2.2/ Phải sẵn sàng hy sinh tính
mạng vì đòan chiên: Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng dạy dỗ các môn đệ:
"Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh
tính mạng cho người mình yêu." Chúa Giêsu không chỉ dạy như một điều lý tưởng;
nhưng Ngài đi tiên phong vác Thập Giá và chết cho các ông và con người, để khuyến
khích các ông cũng phải làm như vậy cho nhau và cho đoàn chiên Chúa như người Mục
Tử Tốt Lành. Trong trình thuật hôm nay, Ngài nói với Phêrô: "Thật, Thầy bảo
thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý.
Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn
anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết
cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy!"
Noi gương Thầy Chí Thánh, Phêrô
can đảm từ bỏ mọi sự: gia đình, nghề nghiệp, danh vọng, để lãnh trách nhiệm coi
sóc đoàn chiên Chúa là Giáo Hội, trong giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn; và trong
khi về già, ông sẵn sàng chịu chết vì Danh Chúa. Chỉ có một điều khác với Chúa
Giêsu là ông xin cho được chịu đóng đinh ngược, vì ông cảm thấy mình không xứng
đáng để chịu đóng đinh như Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lãnh đạo các tín hữu trong
Giáo Hội rất khác với lề lối lãnh đạo dân chúng ngoài xã hội. Chúa Giêsu đòi hỏi
người mục tử phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, và lãnh đạo bằng tình yêu và
phục vụ; chứ không bằng quyền hành và ra lệnh.
- Vì yêu Thiên Chúa, người mục tử
được trao phó đoàn chiên để săn sóc, bảo vệ, và yêu thương. Để hoàn tất sứ vụ,
người mục tử nhiều khi phải hy sinh đến tính mạng của mình.
- Người mục tử sẽ không được đền
bù theo kiểu của thế gian: địa vị, quyền hành, và lợi nhuận vật chất; nhưng ông
sẽ tìm được niềm vui và yêu thương nơi Thiên Chúa, vì đã được đáp trả tình yêu
của Ngài dành cho ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét