CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng.




Lễ Thánh Barnabas Tông Đồ 

Chi tiết
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Lễ Thánh Barnabas, Tông Đồ.
  
Bài đọc: Acts 11:21b-26, 13:1-3; Mt 10:7-13.

1/ Bài đọc I: 21 Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.22 Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người ta cử ông Ba-na-ba đi An-ti-ô-khi-a.23 Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa,24 vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa.25 Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô.26 Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu.1 Trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô.2 Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm."3 Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi. 

2/ Phúc Âm: 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.11 "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng.

             Có rất nhiều lý do làm cản trở việc rao giảng Tin Mừng: quyền lợi, danh vọng, tiền của, chức vụ, tình cảm, ngại ngùng, lo sợ, phe đảng ... Những lý do này bóp nghẹt Tin Mừng làm cho Nước Chúa không trị đến, gây cản trở cho Giáo Hội trong việc sắp xếp nhân sự, làm gương xấu cho các tín hữu, và đánh đổ lý tưởng cao đẹp của người môn đệ Đức Kitô.
             Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những hiểu biết cần thiết để tránh mọi lý do làm cản trở sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường trình sự hình thành của giáo đoàn Antiochia là do: ơn thánh của Thiên Chúa, tổ chức của Hội Thánh, và sự cộng tác của nhiều người. Đang khi thi hành sứ vụ cách thành công, Hội Thánh được sự hướng dẫn của Thánh Thần, lại cắt cử hai ông Barnabas và Phaolô cho sứ vụ mới, sứ vụ loan báo Tin Mừng cho Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi rao giảng và căn dặn các ông một số điều vô cùng cần thiết khi đi đường: Phải tin tưởng vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa; không được dùng Tin Mừng để mưu cầu lợi lộc vật chất: "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy;" và người môn đệ phải biết sống một cuộc đời đơn giản.  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy dành riêng Barnabas và Saolô cho Ta.

1.1/ Sự hình thành của giáo-đoàn Antiochia: Sau biến cố tử đạo của Phó-tế Stephen, Hội Thánh tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội, các môn đệ của Chúa phải tản mác đi khắp nơi, tới đâu các ông loan báo Tin Mừng tại đó: Phêrô xuống Joppa, phó-tế Philip xuống Gaza, một số môn đệ gốc Cyprius và Cyrene tới Antiochia và giảng đạo cho người Hy-lạp cư ngụ tại đó.
            (1) Giáo-đoàn Antiochia được thành lập là do công của nhiều người:
            - Trước tiên là sự quan phòng của Thiên Chúa: Vì biến cố bắt đạo làm các môn đệ phải tản mác đi, và một số các môn đệ gốc Cyprius và Cyrene đã đến loan báo Tin Mừng tại Antiochia.
            - Thứ đến, là ơn thánh của Chúa hoạt động trong tâm hồn con người: Trình thuật hôm nay nêu rõ lý do tại sao có các tín hữu đầu tiên tại Antiochia: ''Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.'' Các môn đệ chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để rao giảng, việc soi sáng và hoán cải tâm hồn để người ta trở lại là công việc của Thiên Chúa làm từ trong tâm hồn.
            - Kế tiếp, là việc tổ chức của Hội Thánh: Khi tin ấy đến tai Hội Thánh tại Jerusalem, nên người ta cử ông Barnabas đi Antiochia.
            - Rồi đến, việc làm của Barnabas: ''Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnabas mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa.''
            - Sau cùng, việc làm của Phaolô: Ông Barnabas trẩy đi Tarsus tìm ông Saolô. Tìm được rồi, ông đưa ông Saolô đến Antiochia. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiochia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu.
            (2) Tranh chấp con người: Nhìn lại lịch sử thành lập của giáo-đòan Antiochia sẽ giúp chúng ta tránh được sự tranh chấp giữa các môn đệ và giữa các giáo dân. Nhiều cha xứ lầm tưởng mình là lý do tại sao giáo dân đạo đức sốt sắng, nên dễ sinh ra kiêu ngạo và khinh thường các vị tiền nhiệm. Nhiều giáo dân nghĩ sở dĩ giáo xứ tiến bộ là do công của cha này, cha kia, nên chia rẽ và lập phe đảng. Trường hợp này đã xảy ra nhiều nơi, ngay từ thời sơ khai trong giáo-đoàn Corintô. Phaolô đã làm sáng tỏ vấn đề như sau: ''Khi người này nói: "Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô;" và người khác: "Tôi, tôi thuộc về ông Apollo," anh em chẳng là người phàm tục sao?
Vậy Apollo là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban." Phaolô nói một câu làm chúng ta phải suy nghĩ: ''Tôi trồng, anh Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên'' (I Cor 3:4-6).
            
1.2/ Sứ vụ đặc biệt của Phaolô và Barnabas: Ngoài ra, giáo-đoàn Antiochia còn được sự giúp đỡ của nhiều người, như trình thuật hôm nay đề cập: ''Trong Hội Thánh tại Antiochia, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Barnabas, Simeon biệt hiệu là Đen, Lucius người Cyrene, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Herode, và Saolô.''
            Dẫu Barnabas và Phaolô đang phục vụ thành công như vậy tại giáo-đoàn Antiochia; một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Barnabas và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.
            Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn sẵn sàng để được sai đi tới những biên cương mới để rao giảng Tin Mừng. Phaolô và Barnabas không tiếc công mình đã bỏ ra để xây dựng một "giáo đoàn đang trên đà phát triển;" hai ông sẵn sàng lên đường thi hành sứ vụ của Thánh Thần và Hội Thánh đã tin tưởng trao phó. 

2/ Phúc Âm: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.

2.1/ Chúa Giêsu biết hành trang cần thiết của người môn đệ:
- Thấu hiểu Kinh Thánh để rao giảng Tin Mừng: Khi rao giảng là nói về: ''Nước Trời đã đến gần.''
- Sức mạnh của người môn đệ đến từ Thiên Chúa: ''Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.''
- Không được dùng Tin Mừng để kiếm lợi nhuận vật chất: ''Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.'' Ngài còn nói rõ hơn, ''Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.''
- Sống đơn giản và trông cậy nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: ''Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.''

2.2/ Cách cư xử của người môn đệ khi đến nơi rao giảng:
- Tìm người xứng đáng để có chỗ cư ngụ: "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.'' Chúa không muốn người rao giảng đi từ nhà này qua nhà khác. Lý do có lẽ sợ gây chia rẽ trong cộng đoàn.
- Người rao giảng Tin Mừng mang bình an của Thiên Chúa đến cho người tiếp nhận: ''Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.''
           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            - Chúng ta phải gạt bỏ mọi lý do ngăn cản việc rao truyền Tin Mừng, để có thể cộng tác với mọi thành phần Dân Chúa trong sứ vụ làm cho Nước Chúa mau trị đến.
            - Phaolô trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa làm cho lớn mạnh lên. Chúng ta đừng đánh cắp ơn thánh của Thiên Chúa và các cố gắng của tha nhân.
            - Một cuộc sống đơn giản và tin cậy nơi sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ giúp người môn đệ dễ dàng chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, và sống xứng đáng người môn đệ Đức Kitô.

Không có nhận xét nào: