CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17/05 – 22/05/2014 - Bức Tường Than Khóc của Giêrusalem



1. Buổi triều yết chung thứ Tư 21 tháng 5

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 21 tháng 5 trước hàng mấy chục ngàn tín hữu và khách hành hương, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Ơn Khôn Ngoan trong loạt bài nói về Bẩy ơn Chúa Thánh Thần.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến : Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về bảy ơn của Chúa Thánh Thần, giờ đây chúng ta xem xét đến ân sủng tri thức. Thông qua ân sủng siêu nhiên này, chúng ta có thể nhìn tất cả mọi người, và thế giới xung quanh chúng ta, dưới ánh sáng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Trong một nghĩa nào đó, chúng ta thấy vẻ đẹp , sự hài hòa và sự tốt lành của tất cả kỳ công sáng tạo với con mắt của Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành trời đất. Từ cuộc sống của Thánh Phanxicô thành Assisi và rất nhiều vị thánh khác, chúng ta thấy rõ rằng ơn khôn ngoan làm phát sinh sự chiêm ngưỡng với lòng biết ơn thế giới tự nhiên và sự khen ngợi vui mừng Đấng Tạo Hóa. Ơn sủng siêu nhiên này dẫn chúng ta đến sự tôn trọng kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa và sự quản lý khôn ngoan các nguồn tài nguyên thiên nhiên hầu mưu ích cho toàn thể gia đình nhân loại. Nó cũng khiến tầm nhìn của chúng ta có thể vươn xa hơn những thực tại trần thế, để thấy rằng trật tự, giá trị và vẻ đẹp của thiên nhiên là những dấu chỉ hướng về Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch và là chung cuộc của mọi thứ. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết để chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa đang hướng dẫn thế giới, và biết đáp lại với lòng biết ơn và sự ngợi khen Chúa vì sự tốt lành và tình yêu vô hạn của Ngài .

2. Họp báo về chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha

Sáng 15 tháng Năm, phòng Báo Chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo liên quan đến chuyến thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha bắt đầu vào thứ Bẩy 24 tháng Năm tới đây.

Thứ Bẩy 24 tháng 5

Lúc 8:15 sáng thứ Bẩy 24 tháng 5, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino để bay đi Amman thủ đô của Jordan nơi Quốc vương Abdullah và Hoàng hậu Rania sẽ chào đón ngài tại phi trường Hoàng Hậu Alia lúc 13h.

Cuộc tiếp kiến chính thức sẽ diễn ra tại cung điện Hoàng gia lúc 13:45. Một giờ sau đó, Đức Thánh Cha sẽ đọc một diễn từ trước các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Jordan.

Lúc 16h, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại sân vận động quốc tế của thủ đô Amman. Cha Federico Lombardi cho biết:

"Tại Jordan có rất nhiều người tị nạn từ rất nhiều quốc gia như Syria , Iraq và Palestine, vì vậy chắc chắn tất cả các nhóm này sẽ có đại diện trong số những người được Rước Lễ đầu tiên."

Lúc 19h, Đức Thánh Cha đến Bethany để viếng thăm sông Jordan nơi Chúa Giêsu đã được Thánh Gioan Tiền Hô rửa tội. Nơi đây cũng sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với những người tị nạn và những người trẻ khuyết tật.

Điều thú vị là trong phái đoàn của Vatican sẽ có hai người không phải là các viên chức tại Vatican. Cha Giám Đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Phái đoàn của Đức Giáo Hoàng sẽ bao gồm Rabbi Skorka và ông Omar Ahmed Abboud là Tổng thư ký của Viện Đối thoại Liên tôn Á Căn Đình. Đức Thánh Cha quen biết cả hai vị này từ thời ngài là Tổng Giám Mục Buenos Aires. "

Ngày Chúa Nhật 25 tháng 5

Sáng Chúa Nhật, sau nghi lễ tiễn biệt tại phi trường Hoàng Hậu Alia diễn ra lúc 8:15, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng tới Bethlehem trong phần đất của Palestine. Tại đó, sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào lúc 9:30 tại dinh Tổng Thống, Đức Thánh Cha sẽ đọc một diễn từ trước các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Palestine lúc 10h và lúc 11h ngài chủ sự một thánh lễ tại Quảng trường Máng Cỏ.

Lúc 13:30 ngài sẽ ăn trưa với một số gia đình người Palestine tại tu viện Casa Nova của dòng anh em hèn mọn.

Sau khi ăn trưa, lúc 15h ngài sẽ đến thăm hang đá Giáng sinh, nơi Ngôi Hai xuống thế làm người và thăm các trẻ em đến từ các trại tị nạn Deheisheh, Aida và Beit Jibrin tại trung tâm sinh hoạt của trại tị nạn Deheisheh.

Lúc 16:00, ngài sẽ đáp máy bay trực thăng đến phi trường quốc tế Ben Gurion của thủ đô Tel Aviv.

Sau nghi thức chào đón của các nhà lãnh đạo Do Thái, lúc 17:15, Đức Thánh Cha sẽ bay ngược trở lại Jerusalem. Nửa giờ sau đó, trực thăng sẽ hạ cánh tại núi Scopus.

Lúc 18:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinope tại dinh Sứ Thần Tòa Thánh ở Jerusalem. Nơi đây, hai vị sẽ ký kết một tuyên bố chung.

Lúc 19h tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Mộ Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Giáo, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ diễn ra năm 1964 giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Athenagoras.

Cha Federico Lombardi lưu ý cá ký giả chi tiết sau:

"Lúc đó, Đức Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ cùng đọc kinh 'Lạy Cha' với nhau, nhưng không công khai. Lần này, việc cầu nguyện chung này được thực hiện công khai và nó sẽ được phát sóng quốc tế. Đó sẽ là một thời điểm đại kết với biểu tượng phi thường. "

Lúc 20h15, ngài sẽ dùng bữa tối tại Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh.

Thứ Hai 26 tháng 5

Lúc 8:15, sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm vị đại giáo trưởng Hồi Giáo của Jerusalem tại đền thờ Hồi giáo Jerusalem. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ tới thăm Bức tường Than Khóc và viện bảo tàng Yad Vashem. Ngài cũng sẽ gặp gỡ với hai đại giáo trưởng sĩ của Israel, Tổng thống Shimon Peres và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Lúc 15:30, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Đức Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinope tại núi Cây Dầu.

Lúc 16h, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ tại nhà thờ Giệtsimani ở núi Cây Dầu. Ngài sẽ chủ lễ tại nhà Tiệc Ly vào lúc 17:20.

Lúc 19:30 ngài sẽ khởi hành đi Tel Aviv nơi sẽ diễn ra buổi lễ tiễn biệt của nhà nước Do Thái tại phi trường quốc tế Ben Gurion của thủ đô Tel Aviv vào lúc 20h.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bay trở lại Rôma.

Dự kiến máy bay sẽ hạ cánh lúc 11 giờ đêm hôm đó.

5. Bức tường than khóc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em thăm viếng một kỳ quan của Giêrusalem là Bức Tường Than Khóc hay cũng gọi là Bức Tường Phía Tây.

Ba ngàn năm trước Chúa Giáng Sinh, Giêrusalem chỉ là vùng đất nhỏ bé. Người Canaan đã đến đó sinh sống, đồng hoá sắc dân bản địa. Vua Đa Vít đã quyết định chọn Giêrusalem là thủ đô và khoảng năm 1000 trước Chúa Giáng Sinh, con ông, là vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ Giêrusalem vĩ đại nhất thời bấy giờ.

Đến năm 586, trước Chúa Giáng Sinh, đền thờ do vua Solomon xây bị đế quốc Babylon phá huỷ. Đến năm 19 trước khi Chúa Giáng Sinh, vua Herôđê xây lại hết sức nguy nga đồ sộ.

Khi đế quốc La Mã dẹp vụ nổi loạn của người Do Thái vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh thì ngôi đền đã bị phá hủy chỉ còn lại một bức tường phía Tây vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Sở dĩ bức tường này có tên là Than Khóc là vì nơi đây chính là nơi mà người Do Thái thường tới cầu nguyện và than khóc cho thân phận lạc loài, lưu vong mất nước của họ từ cả ngàn năm về trước.

Theo dòng lịch sử, Giêrusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và bị chiếm và tái chiếm lại 44 lần.

Bức tường than khóc dài 57 thước tọa lạc tại khu vực Núi Đền làm bằng đá vôi cao 20 thước và gồm có 45 phiến đá rất lớn, trung bình mỗi phiến nặng từ 2 đến 3 tấn và có phiến lớn nhất nặng hàng trăm tấn. Cho đến nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra được kỹ thuật của cổ nhân làm thế nào để di chuyển những phiến đá đó và ráp thành những bức tường tại ngôi đền thờ.

Phía sau bức tường là thành cổ Giêrusalem được chia thành các khu là khu Armenia, khu Kitô Giáo, khu Do Thái Giáo, và khu Hồi giáo. Thành cổ đã trở thành một di sản thế giới vào năm 1981. Hiện tại Giêrusalem đã phát triển vượt xa ranh giới thành phố cổ.

Hàng ngày, đông đảo người Do Thái Giáo đến cầu nguyện trước bức tường. Những người có điều gì ước muốn thì viết một bức thư rồi gắn vào một kẽ trong bức tường. Hàng ngày có hàng ngàn người tới viết “ thỉnh nguyện thư” tại bức tường này. Các lá thư đó đều được thu góp lại và đem đi chôn cất tại núi Cây Dầu.

6. Chuyến viếng thăm Thánh Địa của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Cuộc thăm viếng năm 2000 của Đức Gioan Phaolô II được chào đón như một ánh sáng mới trên mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Do Thái và được truyền thông thế giới chào đón như một bước đột phá trong nền ngoại giao quốc tế. Không như cuộc viếng thăm của Đức Phaolô VI, cuộc viếng thăm này có tính chính thức. Ngoài việc viếng thăm các nơi thánh, Đức Gioan Phaolô II còn viếng Bức Tường Than Khóc và viện bảo tàng Yad Vashem tưởng niệm biến cố Diệt Chủng, vốn được coi như chủ yếu đối với Do Thái Giáo.

Và hành vi đặt lời cầu nguyện của ngài tại Bức Tường Than Khóc vào ngày 26 tháng Ba năm 2000 đã được người Do Thái đặc biệt lưu ý. Lời Cầu Nguyện ấy như sau:

“Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,

Chúa đã chọn Ápraham và dòng dõi ngài

để đem Danh Chúa tới mọi dân tộc:

Chúng con rất buồn

Vì tác phong của những người

Trong dòng lịch sử

Đã khiến những con cái này của Chúa phải chịu đau khổ,

Và trong khi xin Chúa tha thứ

Chúng con muốn theo đuổi tình huynh đệ chân thực

với Dân Giao Ước”.

7. Chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Chín năm sau, người kế vị Đức Gioan Phaolô II cũng tới thăm chính thức Do Thái. Cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô XVI cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cả về tôn giáo lẫn chính trị. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn lưu ý hơn cả tới lời cầu nguyện ngài đặt vào một hốc đá khác của cùng Bức Tường Than Khóc vào ngày 12 tháng Năm, 2009:

“Lạy Thiên Chúa của mọi thời đại,

Trong cuộc thăm viếng Giêrusalem, “Kinh Thành Hòa Bình” của con,

Quê hương thiêng liêng của người Do Thái, của người Công Giáo cũng như của người Hồi Giáo,

Con mang tới trước Ngài các niềm vui, niềm hy vọng và hoài mong,

Các thử thách, đau khổ và đớn đau của mọi người dân của Ngài trên khắp thế giới.

Lạy Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp,

Xin lắng nghe tiếng kêu than của người sầu khổ, người sợ sệt, người bị tước đoạt;

Xin ban bình an của Ngài xuống cho Đất Thánh này, xuống Trung Đông này, xuống toàn thể gia đình nhân loại;

Xin hãy đánh động tâm hồn tất cả những ai kêu cầu Thánh Danh Ngài,

Để họ biết khiêm hạ bước theo con đường công lý và cảm thương.

‘Chúa nhân hậu với những ai chờ mong Người,

Với linh hồn biết tìm kiếm Người!’” (Ac 3:25).

Qua lời nguyện này, Đức Bênêđíctô XVI muốn nhắc mọi người nhớ tới nét đặc thù và nét phổ quát của hành trình cứu rỗi: “hành trình cứu rỗi này khởi đầu với việc tuyển chọn một con người, tức Ápraham và một dân tộc, tức Israel, nhưng mục tiêu của nó là đại đồng, phổ quát, tức là ơn cứu rỗi cho mọi dân tộc”. Bởi thế mà ngài khởi đầu lời cầu nguyện tại Bức Tường Than khóc không phải với Chúa của Ápraham mà là với “Thiên Chúa của mọi thời đại”.

8. Đức Thánh Cha tiếp kiến 112 Giám Mục Mễ Tây Cơ

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thăng tiến tinh thần hòa hợp tại Mễ Tây Cơ trước làn sóng bạo lực đang lan tràn tại nước này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài huấn dụ trao cho 112 Giám Mục Mễ Tây Cơ buổi tiếp kiến sáng 19-5-2014, nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Trong tình trạng hiện nay, nhiều bạo lực đang gây đau thương cho xã hội Mễ Tây Cơ, đặc biệt là người trẻ. Tình trạng ấy là một lời kêu gọi mới mẻ hãy canh tân tinh thần hòa hợp qua nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại và hòa bình. Chắc chắn các vị mục tử không có nhiệm vụ phải mang lại những giải pháp chuyên môn hoặc các biện pháp chính trị, vượt ra ngoài lãnh vực mục vụ, nhưng các vị không thể ngưng loan báo cho mọi người Tin Mừng, theo đó Thiên Chúa, theo lượng từ bi của Ngài, đã làm người và trở nên người nghèo (Xc 2 Cr 8,9); Chúa đã chịu đau khổ với người khổ đau, để cứu vớt chúng ta”.

Đức Thánh Cha khích lệ những cố gắng của các Giám Mục Mễ Tây Cơ trong việc giúp đỡ những người túng thiếu, thất nghiệp hoặc những người phải làm việc trong những điều kiện không xứng đáng với con người, những người không được hưởng các dịch vụ xã hội, những người di cư tìm kiến những điều kiện sống tốt đẹp hơn, các nông dân nghèo.

Đức Thánh Cha cũng viết: “Tôi biết mối quan tâm lo lắng của anh em đối với các nạn nhân của tệ nạn buôn bán ma túy và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, và quyết tâm bảo vệ các quyền con người cũng như sự phát triển toàn diện con người. Tất cả những điều đó biểu lộ mối liên hệ sâu xa giữa việc loan báo Tin Mừng và sự tìm kiếm thiện ích của người khác (Evang. gaudium 178), chắc chắn mang lại uy tín cho Giáo Hội và tầm quan trọng cho tiếng nói của các mục tử của Hội Thánh”. Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội: giáo dân kín múc sức mạnh từ Lời Chúa, các bí tích và việc cầu nguyện, sống đức tin giữa lòng gia đình, trường học, xí nghiệp, phong trào nhân dân, công đoàn, đảng phái và cả trong chính phủ, làm chứng về niềm vui Phúc Âm”.

Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục Mễ Tây Cơ tăng cường việc mục vụ giới trẻ, đặc biệt ngài viết: “Tôi khích lệ anh em tăng cường việc mục vụ gia đình, là giá trị quí giá nhất trong các dân tộc chúng ta, để, đứng trước nền văn hóa chết chóc hạ giá con người, gia đình biến thành những người cổ võ nền văn hóa tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.

Đức Thánh Cha không quên mời gọi các Giám Mục quan tâm đến các linh mục, tăng cường việc thường huấn cho các vị, thăng tiến mục vụ ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, và đẩy mạnh việc tìm đến những người đã xa lìa Giáo Hội.

112 Giám Mục thuộc 91 giáo phận Mễ Tây Cơ chia thành 9 nhóm về Roma thăm Tòa Thánh trong khoảng thời gian từ 12 đến 31-5 tới đây. Trong những ngày tới, Đức Thánh Cha tiếp tục gặp các nhóm thuộc Hội Đồng Giám Mục nước này.

9. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 50 ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật 19 tháng 5 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ võ cách thức giải quyết các xung đột trong cộng đoàn Giáo Hội.

Ngài đã quảng diễn đoạn sách Tông Đồ Công Vụ, đọc trong thánh lễ Chúa Nhật thứ 5 mùa Phục Sinh năm A nói đến những căng thẳng trong cộng đoàn Kitô và quyết định của các Tông Đồ chuyên lo việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa và thiết lập các phó tế để chăm sóc cộng đoàn về vật chất. Từ đó, Đức Thánh Cha rút ra bài học để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo Hội.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Hôm nay bài đọc trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta thấy cả trong Giáo Hội sơ khai cũng xảy ra những căng thẳng và bất hòa. Trong cuộc sống, có những xung đột, vấn đề là ta đối phó với chúng như thế nào. Cho đến lúc bấy giờ sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô được dễ dàng nhờ sự kiện các tín hữu thuộc về một chủng tộc và văn hóa duy nhất, văn hóa Do thái. Nhưng khi Kitô giáo, do thánh ý Chúa Giêsu, được mở ra cho tất cả mọi dân tộc, mở ra đối với môi trường văn hóa Hy Lạp, thì sự đồng nhất không còn nữa và nảy sinh những khó khăn đầu tiên. Khi đấy có những người bất mãn, trách móc, và có những tiếng đồn về sự thiên vị và không được đối xử đồng đều. Điều này cũng xảy ra trong các giáo xứ của chúng ta. Sự giúp đỡ của cộng đoàn dành cho những người túng thiếu - các góa phụ, cô nhi và người nghèo nói chung, dường như ưu đãi các tín hữu Kitô gốc Do thái so với những người khác.

Bấy giờ, trước xung đột ấy các Tông Đồ đối phó với tình thế: các vị triệu tập một cuộc họp mở rộng cho các môn đệ, cùng nhau thảo luận vấn đề. Thực vậy các vấn đề được giải quyết không phải bằng cách làm bộ như thể chúng không hề hiện hữu! Và thật là đẹp cuộc đối chất thẳng thắn giữa các mục tử và các tín hữu khác. Vì thế họ đi đến sự phân chia nhiệm vụ. Các tông đồ đưa ra một đề nghị được mọi người chấp nhận: các vị chuyên chăm việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa, trong khi 7 người, các phó tế, sẽ lo việc phục vụ bàn ăn cho người nghèo. 7 người này không được chọn vì là chuyên gia, nhưng vì họ là những ngừơi lương thiện và có tiếng tốt, đầy Thánh Linh và khôn ngoan; họ được bổ nhiệm công tác phục vụ nhờ sự đặt tay của các Tông Đồ.

Và thế là từ sự bất mãn ấy, từ sự kêu trách đó, từ những tiếng đồn về sự thiên vị và đối xử không đồng đều, người ta đi đến một giải pháp. Qua sự đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện, các xung đột trong Giáo Hội được giải quyết. Đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện. Với xác tín rằng những sự nói hành nói xấu, ghen tương, phân bì không bao giờ có thể đưa chúng ta đến sự hòa hợp, thuận hòa hoặc an bình. Trong những trường hợp như thế, chính Thánh Linh giúp đạt tới thỏa thuận và điều này làm cho chúng ta hiểu rằng khi chúng ta để cho Thánh Linh hướng dẫn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự hòa hợp, hiệp nhất và tôn trọng các năng khiếu và tài năng khác nhau? Anh chị em có hiểu rõ không? Không nói hành nói xấu, không ghen tương, không phân bì.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để chúng ta biết quí chuộng nhau và ngày càng đồng qui sâu xa hơn trong đức tin và tình bác ái, giữ cho con tim được cởi mở đối với các nhu cầu của anh chị em.

10. Lễ phong chân phước Giám Mục Anton Durcovici

Hôm thứ Bẩy 17 tháng 5, tại thành phố Iasi bên Rumani, Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đã thay mặt Đức Thánh Cha phong chân phước cho Đức Giám Mục Anton Durcovici, theo sau sắc lệnh được Đức Thánh Cha chuẩn y hôm 31/10 năm ngoái.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 18 tháng 5, sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha đã đề cập đến biến cố này.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

“Hôm 17 tháng 5, tại thành phố Iasi bên Rumani, Đức Giám Mục Anton Durcovici tử đạo đã được phong chân phước. Ngài là một mục tử nhiệt thành và can đảm, bị chế độ cộng sản Rumani bách hại và chết trong tù năm 1951 vì đói khát. Cùng với các tín hữu tại Iasi và toàn thể Rumani, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!”

Đức Cha Antôn Durcovici sinh năm 1888 tại Altenburg bên Áo. Năm lên 6 tuổi, cậu Anton di cư sang Rumani với mẹ và anh. Thầy Anton gia nhập chủng viện tại Bucarest, rồi được gửi sang Roma theo học, đậu tiến sĩ triết học, thần học và giáo luật, thụ phong linh mục năm 1910 và năm 1947 cha được Tòa Thánh bổ làm Giám Mục giáo phận Iasi.

Dưới thời cộng sản ở Rumani, ngài đã phải chịu những đau khổ kinh khủng trong 2 năm tù ngục ở một trại tập trung bên Moldavia thời thế chiến thứ I, vì gốc gác tại Áo.

Trong những năm chế độ cộng sản Rumani bách hại Giáo Hội, mặc dù nhiều lần bị nhà nước hăm dọa, nhưng Đức Cha Durcovici vẫn tận tụy thi hành sứ vụ mục tử, viếng thăm các giáo xứ và loan báo Tin Mừng. Ngài bị bắt năm 1949 và giam tại nhà tù nghiêm ngặt ở Sighet và chết rũ tù tại đây ngày 10-5 năm 1951 lúc mới được 63 tuổi. Sáng sớm hôm sau, tài xế của nhà tù chở thi hài trần trụi của Đức Cha và quẳng xuống một huyệt chung tại nghĩa trang Do thái, gần nhà tù.

11. Đức Thánh Cha mở lại các buổi tiếp kiến sau khi bị cảm

Trong buổi họp báo sáng thứ Sáu 16 tháng 5, cha Federico Lombardi, giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh nói Đức Thánh Cha bị cảm nhẹ nên sau khi cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta, ngài đã phải hủy bỏ các cuộc tiếp kiến trong ngày để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến thăm Thánh Địa bắt đầu từ ngày 24 tháng 5 tới đây.

Tuy nhiên, sáng thứ Bẩy, 17 tháng 5, Đức Thánh Cha đã mở lại một loạt các cuộc tiếp kiến mà ngài đã hoãn lại hôm trước đó.

Từ 9 giờ rưỡi sáng, Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, rồi gặp chung trong hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ 22 Giám Mục Mêhicô nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Sau đó, lúc quá 12 giờ trưa, ngài gặp 5 ngàn thành viên thuộc Hiệp Hội những người thợ thầm lặng của Thập Giá - các trung tâm thiện nguyện giúp người đau khổ. Hiện diện tại buổi tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican cũng có 350 anh chị em bệnh nhân ngồi trên ghế lăn.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha giải thích Lời Chúa Giêsu trong mối phúc thật: “Phúc cho những người khóc lóc vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5,4). Qua lời ngôn sứ này, Chúa Giêsu nói đến một tình thế trong đời sống trần thế mà mọi người gặp phải.

Đức Thánh Cha nói: “Khi khẳng định 'Phúc cho người khóc lóc', Chúa Giêsu không có ý gọi một hoàn cảnh bất lợi và nặng nề trong cuộc sống là điều hạnh phúc. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị, nhưng là một thực tại mà Chúa Giêsu dạy chúng ta sống với một thái độ đúng đắn. Thực vậy có những cách thức đúng và cách sai trái khi sống đau khổ. Một thái độ sai trái là sống đau khổ một cách thụ động, chịu đau khổ trong thái độ ù lì cam chịu. Cả thái độ nổi loạn cũng là sai trái. Chúa Giêsu dạy chúng ta sống đau khổ bằng cách chấp nhận thực tại cuộc sống với niềm tín thác và hy vọng, đặt tình yêu Thiên Chúa và tha nhân cả trong đau khổ và tình yêu biến đổi mọi sự”.

Đức Thánh Cha nhắc đến giáo huấn của chân phước linh mục Luigi Novarese, người sáng lập “Hiệp hội những người Thợ thầm lặng của Thập giá và Trung tâm thiện nguyện đau khổ”. Cha dạy các bệnh nhân và những người khuyết tật đề cao giá trị đau khổ của họ giữa lòng một hoạt động tông đồ được thi hành trong lòng tin và yêu mến tha nhân. Cha thường nói: “Các bệnh nhân phải cảm thấy mình là tác giả chính việc tông đồ của mình”. Một bệnh nhân, một người khuyết tật có thể trở thành trợ lực và ánh sáng cho những người đau khổ khác, và nhờ đó biến đổi môi trường mình đang sống”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Với đoàn sủng này, anh chị em là một món quà đối với Giáo Hội. Những đau khổ của anh chị em, như những vết thương của Chúa Giêsu, một đàng là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng đàng khác, đó là một sự kiểm chứng đức tin, một dấu hiệu chứng tỏ Thiên Chúa là Tình Thương, Người trung thành và từ bi, là Đấng an ủi. Hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh, anh chị em là những người tích cực hoạt động cho công trình cứu độ và loan báo Tin Mừng” (Christifideles laici 54)

12. Đức Giáo Hoàng nói với các tân Đại sứ đến trình ủy nhiệm thư: Thật là vô lý khi vừa thúc đẩy hòa bình, vừa cổ vũ việc bán vũ khí

Đức Giáo Hoàng chào đón bảy vị tân đại sứ cạnh Tòa Thánh. Đó là các đại sứ đến từ Thụy Sĩ, Liberia, Ethiopia, Sudan, Jamaica, Nam Phi và Ấn Độ.

Đức Giáo Hoàng nói rằng trước khi nói đến các cuộc đàm phán hòa bình, việc mua bán vũ khí phải dừng lại.

Ngài nói:

"Thật là vô lý khi vừa tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình và thương lượng, nhưng đồng thời lại thúc đẩy hay cho phép việc buôn bán vũ khí."

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ quan ngại về tình hình người tị nạn, và thêm rằng nhân quyền không phải là điều chỉ nói xuông mà thôi, nhưng cần được bảo vệ.

Ngài nói:

“Hiện tượng buộc phải di cư gắn liền với các cuộc xung đột và chiến tranh, và do đó, vấn đề gia tăng vũ khí mà tôi đã trình bày ở phần trước có liên quan tới. Chúng là những thương tích trong một thế giới mà chúng ta đang sống, ở đó Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải chịu trách nhiệm về anh chị em mình, để không còn ai bị tổn thương về nhân phẩm. Chúng ta cũng có thể nhận ra rằng sẽ là một sự phỉ báng khi công nhận nhân quyền nhưng đồng thời bỏ qua hoặc không chịu trách nhiệm về những con người khi ngăn cản họ rời bỏ những vùng đất của họ, để họ chết mà không được ra đi hay không nhận được sự hợp tác quốc tế.”

“Thưa quý vị, hôm nay Tòa Thánh nói lên điều này đến quý vị và Chính phủ của quý vị để hô hào một quyết tâm đẩy mạnh hợp tác trên các mặt trận và trong tất cả các con đường dẫn đến công lý và hòa bình, trên cơ sở công nhận quyền con người.”

13. Thông qua các tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Gia Đình

Ủy ban Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã có phiên khoáng đại trong hai ngày 13 và 14 tháng Năm để thông qua các tài liệu làm việc cho cuộc họp tháng Mười của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ toạ cuộc họp ngày 13 tháng Năm. Trong những phiên họp các thành viên của Hội đồng đã xem xét các tài liệu làm việc, được gọi là laboris Instrumentum, và xem xét những sửa đổi cần thiết. Các vị cũng thảo luận về những đề xuất thay đổi trong hoạt động của Thượng Hội Đồng.

Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ nhóm phiên bất thường vào tháng Mười, để thảo luận về những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh truyền giáo. Cuộc họp thường kỳ tiếp theo của Thượng Hội Đồng, dự kiến năm 2015, sẽ được dành cho cùng một chủ đề .

Tham gia vào các cuộc họp trong tuần này có Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri , Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng ; Đức Hồng Y Peter Erdo, là vị tổng tường trình cho các cuộc họp tháng mười; Hồng Y Andre Vingt -Trois của Paris và Đức Hồng Y Raymund Damasceno Assis của Aparecida, Brazil, là những vị sẽ chủ toạ các cuộc họp của Thượng Hội Đồng.

14. Đức Thánh Cha gặp gỡ Thống đốc Tân Tây Lan

Hôm thứ Năm 15 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp thống đốc Tân Tây Lan là ông Jerry Mateparae tại Điện Tông Tòa của Vatican.

Trong cuộc họp, hai vị đã nói về vai trò của Giáo Hội Công Giáo tại Tân Tây Lan và trao đổi về các vấn đề quốc tế như các sứ vụ gìn giữ hòa bình và các chương trình khác nhau.

Vị thống đốc đã tặng Đức Giáo Hoàng một hòn đá san hô rất biểu tượng.

Thống đốc Jerry Mateparae của Tân Tây Lan nói:

"Đây là một hòn đá san hô. Nó thể hiện hòa bình và sự hiểu biết. Những điều đó được viết ở đây."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng lại cho thống đốc một cây bút.

Thống đốc nói:

"Con sẽ sử dụng cho các tài liệu quan trọng. Cảm ơn Đức Thánh Cha"

Sau cuộc họp vị thống đốc đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Tân Tây Lan.

"Chúng con sẽ rất vinh dự nếu Đức Thánh Cha đến thăm chúng con trong một chương trình tông du thế giới. Con sẽ thông báo cho tất cả mọi người mà con gặp gỡ."

15. Đức Thánh Cha nói: Phải dừng ngay những cảnh chết người hàng loạt này

Vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 14 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho những người thợ mỏ đã chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người nhập cư bị chết đuối ở Địa Trung Hải.

Tại thành phố Soma của Thổ Nhĩ Kỳ, một vụ nổ xảy ra ở hầm mỏ đã giết chết hơn 200 công nhân. Hàng trăm người khác vẫn còn bị mắc kẹt trong mỏ.

Trong một bi kịch khác, một nhóm người nhập cư đã bị chết đuối dọc theo Địa Trung Hải khi họ cố gắng vượt biển đến châu Âu.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến:

"Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho những người thợ mỏ đã chết ngày hôm qua tại thành phố Soma, Thổ Nhĩ Kỳ. Và cầu nguyện cho cả những người vẫn còn đang bị mắc kẹt trong hầm mỏ. Xin Chúa chào đón họ trong nhà của Ngài và xin Ngài an ủi gia đình họ.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người gần đây bị thiệt mạng dọc theo Địa Trung Hải. Chúng ta hãy cầu nguyện để quyền con người được coi là tối thượg, và các cơ quan chức năng có thể làm việc cùng nhau để ngăn chặn những vụ chết người hàng loạt đáng xấu hổ này. "

16. Bị kết tội bỏ Hồi Giáo sang Kitô Giáo, một phụ nữ Sudan bị kết án treo cổ

Hôm 16 tháng 5, một tòa án Sudan đã đưa ra một phán quyết tàn bạo là treo cổ một người phụ nữ đang mang thai vì phạm tội bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô Giáo.

Cô Meriam Yehya Ibrahim, 27 tuổi, có cha là một người Hồi Giáo và mẹ là một tín hữu Kitô. Trước tòa, Meriam luôn kiên quyết cho rằng mình theo đạo mẹ và đã là một Kitô hữu từ nhỏ.

Cô nói: "Tôi là một Kitô hữu, và tôi chưa bao giờ phạm tội bội giáo"

Tuy nhiên, luật lệ Hồi Giáo buộc con cái của người Hồi Giáo phải theo Hồi Giáo.

Những thân nhân họ nội của cô đã tố cáo cô ra trước tòa vì cô đã kết hôn với một Kitô hữu. Luật lệ Hồi Giáo không cho phép một người phụ nữ kết hôn với một Kitô hữu nên tòa đã truyền đánh Meriam 100 hèo vì tội ngoại tình và truyền cho cô trong ba ngày, tức là đến ngày 15 tháng 5, phải tuyên bố trở lại đạo Hồi nếu không sẽ bị tử hình.

Hết hạn định này, Meriam đã bị đưa ra trước tòa. Cô khảng khái cự tuyệt không theo đạo Hồi.

Trong phán quyết sau cùng, thẩm phán nói:

"Chúng tôi đã cho cô ba ngày để suy nghĩ, nhưng vì cô kiên quyết không trở về Hồi giáo, tôi kết án cô bị treo cổ."

Meriam Yehya Ibrahim, mới 27 tuổi mỉm cười đón nhận phúc tử đạo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra thông cáo nói chính phủ Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước phán quyết này.

Trong khi đó Ahmed Bilal Osman, Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin của Sudan , nói với Agence France-Presse rằng "không chỉ Sudan. Ở Saudi Arabia, và tất cả các quốc gia Hồi giáo khác, không một người Hồi giáo nào được phép cải đạo"

17. Khúc quanh bi đát của Luật Chống Phạm Thượng tại Pakistan

Cảnh sát Pakistan đòi truy tố đến 68 luật sư Hồi giáo vì cho rằng đã phạm thượng chống lại người bạn đồng hành của Muhammad, là người sáng lập đạo Hồi.

BBC cho biết cảnh sát đưa ra cáo buộc này sau khi "một số luật sư chế nhạo một sĩ quan cảnh sát là người cùng tên với khalip thứ hai của Muhammad, là Omar."

Cha Emmanuel Yousaf, giám đốc Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Pakistan cho biết: "Cáo buộc buồn cười này cho thấy Luật Chống Phạm Thượng tại Pakistan dễ dàng bị lạm dụng để giải quyết những vấn đề cá nhân. Nhưng trong trường hợp này, tôi tin rằng, chỉ trong vòng hai hoặc ba ngày, với sự can thiệp của các chính trị gia, những tranh chấp trong nội bộ Hồi giáo như thế này sẽ được vượt qua mà không có chuyện gì sất. Nếu nó liên quan đến người Kitô hữu thì khác: lập tức sẽ có bạo loạn, rồi những vụ giết người hoặc các cuộc tấn công hàng loạt. Nạn nhân, thậm chí không có khả năng được biện hộ cho chính mình".

Những người Hồi Giáo Pakistan đã sử dụng Luật Chống Phạm Thượng như là một khí cụ sắc bén và nham hiểm để đàn áp thiểu số Kitô hữu tại đây.

18. Các Giám Mục chất vấn Daniel Ortega, Kitô hữu được mời gọi sám hối

Dòng máu cộng sản với não trạng thù ghét Kitô Giáo vẫn tuôn chảy trong Daniel Ortega. Những ai bỏ phiếu cho con người này cần phải sám hối. Các Giám Mục Nicaragua đã cho biết như trên trước thềm cuộc chất vấn tổng thống Daniel Ortega về những chính sách nham hiểm nhằm đàn áp Giáo Hội Công Giáo nước này.

Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.

Vì thế, tất cả các Giám Mục nước này cùng với Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachukwu là sứ thần Tòa Thánh tại đây đã yêu cầu được gặp và chất vấn Daniel Ortega vào ngày 21 tháng 5.

Nicaragua có 5.8 triệu dân trong đó gần 60% dân số là người Công Giáo.

Các giám mục đã tuyên bố ba ngày cầu nguyện và sám hối để chuẩn bị cho cuộc họp: ngày 15 tháng 5 chầu Thánh Thể và dâng Thánh Lễ; Ngày 17, cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria; ngày 18 Thánh Lễ cầu cho sự thành công của cuộc đối thoại.

Vào ngày 21, ngày các Giám Mục chất vấn Ortega, tất cả các nhà thờ trên toàn quốc phải mở cửa suốt ngày để các tín hữu chầu Mình Thánh Chúa.

19. Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Ba Lan

Ba tuần sau lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, Thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan đã trở lại Vatican. Ông đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng thứ Hai tại Điện Tông Tòa.

Trong cuộc họp kéo dài 15 phút, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tác động của lễ phong thánh đối với người dân Ba Lan, cũng như chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow.

Thủ tướng đã tặng Đức Giáo Hoàng một bộ trà, cũng như một giỏ các loại thực phẩm truyền thống của Ba Lan. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng thủ tướng một cây bút.

Vị đứng đầu chính phủ Ba Lan sang Ý để đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 trận đánh Montecassino, dẫn đến việc đồng minh giải phóng Rôma vào năm 1944.

20. Giải thoát 5 gia đình Kitô hữu Pakistan bị bắt cóc làm nô lệ cho người Hồi Giáo trong 25 năm

Trong bản tin đánh đi hôm 15 tháng Năm, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết 5 gia đình Kitô hữu bị bắt cóc và bị buộc làm nô lệ lao động cho một chủ lò gạch, đã được trả tự do nhờ sự can thiệp của các thừa phát lại và cảnh sát.

Báo cáo của Trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các Kitô hữu Pakistan, trình lên Tòa án tối cao Lahore, thay mặt cho năm gia đình Kitô giáo đã kết thúc thành công.

Các gia đình đã bị bắt giữ bởi hai chủ lò gạch, tại làng Ahmed Nagar và làng Dera, trong bang Punjab. Các thừa phát lại đã đến đồn cảnh sát địa phương, và sau nhiều lần thuyết phục , cảnh sát đã can thiệp và các Kitô hữu đã được giải thoát.

Sau khi được trả tự do, các gia đình đã nói về những đau khổ của họ: họ là nạn nhân của lao động cưỡng bức và bị đối xử như nô lệ trong hơn 25 năm. Một trong những phụ nữ , Safia Bibi , bắt đầu làm việc tại lò cùng với chồng, là Anwar Masih , ngay sau khi đám cưới của cô. Cô đã có chín người con và khi các em đủ tuổi, các em cũng bị buộc làm việc trong cùng một chỗ. Họ sống trong một căn nhà lá sập xệ trong các nhà máy sản xuất phức tạp, không có nhà vệ sinh. Họ phải làm việc không lương và nếu họ cố gắng trốn họ bị đánh đập và tra tấn, và bị bỏ đói trong nhiều ngày. Vào năm 2013 , chồng Safia qua đời do bệnh tật và yếu đuối, và không có bác sĩ chăm sóc. Những đứa con của bà đã không thể tham dự đám tang của ông bởi vì họ bị buộc phải làm việc. Họ cũng không được phép tham dự các buổi cầu nguyện trong nhà thờ hoặc ăn mừng Giáng sinh và các ngày lễ Kitô giáo khác.

Nasir Saeed, giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các Kitô hữu Pakistan cho biết: "Thật buồn khi thấy rằng ngay cả trong thế kỷ 21, chế độ nô lệ vẫn tiếp tục tồn tại ở Pakistan khi các tín hữu Kitô bị coi là công dân hạng hai và bị buộc phải làm nô lệ cho người Hồi Giáo”.

21. Đức Thánh Cha tiếp quốc vương Bahrain

Trang phục trong một chiếc áo choàng màu trắng với một thanh kiếm nhét vào dây thắt lưng của mình, Vua nước Bahrain đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Điện Tông Tòa của Vatican.

Đức Giáo Hoàng và vua Hamad bin Isa Al Khalifa, đã gặp nhau trong một cuộc họp kéo dài 27 phút, trong đó hai vị đã nói về hòa bình và ổn định ở Trung Đông và những đóng góp của các Kitô hữu trong cả nước. 10 phần trăm dân số Bahrain là các tín hữu Kitô.

Nhà vua đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một mô hình dài 90 cm của một nhà thờ sẽ được xây dựng tại Bahrain, mà theo nhà vua, sẽ là nhà thờ lớn nhất tại bán đảo Ả Rập. Ông cũng nói thêm rằng nhà thờ được xây gần hai đền Hồi giáo, một hiện đại và một cổ xưa.

Đức Giáo Hoàng đã tặng cho quốc vương một huy chương của thiên sứ của hòa bình.

Đức Thánh Cha nói:

“Đây là Thiên thần đánh bại ma quỷ . "

Vào cuối cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, nhà vua đã có một cuộc họp với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Pietro Parolin .

Không có nhận xét nào: