VRNs (17-03.2014)
– Sài Gòn- Thứ Sáu, mồng một Tết âm lịch, tôi được một cô bạn đọc đã
từ lâu không liên lạc, bổng gọi tới chúc mừng năm mới. Câu chuyện hàn
huyên cô tâm sự:
– Em bị ung thư
đường ruột và đang hóa trị nhưng không chắc qua khỏi vì phát hiện bị
trễ! Ấy cũng tại em đâu có chịu bỏ giờ ra đi thử máu, xét nghiệm nầy nọ
mà cứ chúi mũi ham cày miết ! Với em cũng ỷ y mình khỏe mạnh, mình hãy
còn trẻ: em mới năm mươi bốn tuổi chớ mấy! Không chắc qua khỏi nên nhu
cầu tình cảm ở em dạt dào lắm chị! Em hay lôi các hình ảnh ra xem, thư
từ ra đọc, nhờ vậy em mới bắt gặp lại lá thư chị gửi em từ năm 2004 có
tấm ảnh chị tặng hồi đáp cho em vì em đã tặng chị ảnh em. Nhưng ảnh chị
tặng đâu có như lòng em mong là được rõ mặt chị: bởi chị nhìn xuống! Đã
vậy chị còn ghi: ” Ảnh chụp trước tượng Cha Thánh Giuse Thợ ở nhà thờ Saint John Vianney hôm 19/3/2004 Lễ Kính Ngài hằng năm” mà
em thì đâu có chạy đến với Thánh Cả Giuse bao giờ, nên em lại càng
không có thích tấm ảnh chị tặng! Thành thử em chỉ xem ảnh qua một lần là
cho trở vô lá thư rồi bỏ vào cái ngăn tủ em vốn hay cất giữ các thư từ,
hình ảnh của người thân người quen gửi mình.
Á à à tôi hiểu… chiếc cầu nối để mình được cô tái liên lạc chính là tấm ảnh mình tặng bị cô không ưng ý ngày nào …
Tôi lại nghe cô thao thao nói tiếp:
-Giờ ngắm lại tấm
ảnh, em sững sờ nhận ra tượng Thánh Giuse trong ảnh là bức tượng được
tạc thật có ý nghĩa cho mình học khôn! Mà chị thì hay chạy đến với Ngài
ắt chị học khôn được ở Ngài phải biết, nên mong em cũng sẽ! Chị mới ưu
ái tặng tấm ảnh chụp trước tượng Ngài cho em! Tiếc thay em đã ngu ngơ bỏ
lỡ mất cơ hội cho mình được học khôn ấy, suốt từ hồi năm 2004 chị tặng
đến giờ! Nay ngắm lại tấm ảnh, em thấy tượng Ngài được tạc với tay cầm
búa tay cầm khúc gỗ: tức trong tư thế đang lao động để kiếm sống bằng
cái nghề làm thợ mộc của Ngài. Nhưng người thợ mộc là Ngài thì không có
hì hục cày chí chết mà biết thả lỏng công việc để thư giản: cho đời sống
tâm linh Ngài được bồi bổ dưỡng nuôi. Với cũng còn để Ngài suy tư,
nguyện ngắm hầu phụng sự Chúa được song song nữa! Nên Ngài mới là đại
khôn đại giác và là Thánh Cả trên hết các Thánh…..Nhận biết ra được vậy,
em hối tiếc cho sự khờ dại của đời mình trong suốt gần hai mươi năm xa
quê cha đất tổ sang sống ở xứ Mỹ tạm dung nầy là em chỉ có chú tâm sa đà
vô mỗi cái việc ham cày, cày miết và cày cật lực lắm, cày đến tối tăm
mặt mũi để nuôi con với để quyết phải đổi nhà nhỏ, tậu bằng được ngôi
nhà hoành tráng ở cho sướng: tức em muốn tận hưởng cuộc sống phù du hữu
hạn nầy trước đã! Có được rồi, em còn muốn tậu thêm dăm căn nhà nho nhỏ
cho thuê để chuẩn bị cái tương lai: khoảng tuổi sáu mươi em về hưu non
được có thêm đồng ra đồng vô và lúc ấy em mới sẽ dấn thân làm việc Chúa
cũng đâu đã muộn. Bởi việc Chúa muốn làm là có khối: nhất là các việc
phúc thiện ủi an những mãnh đời đói cơm thiếu áo, neo đơn túng cực, khó
nghèo tật bệnh…thì lúc nào chẳng có ! Ngờ đâu đùng một cái đổ bệnh nan
y em mới biết “ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”! Nhất là tay không ra trình diện Chúa nếu như đợt hóa trị nầy em không qua khỏi thì khốn khổ cho linh hồn em lắm, chị ơi…
Nghe mà thương nhưng tôi lại
cũng thấy mừng vì chính nhờ bệnh tật mà cô đã và đang được đổi mới suy
nghỉ, cái nhìn….Tôi thân thiết an ủi cô:
– Xin em chớ vội bi
quan là không chắc qua khỏi! Hãy vững tin Chúa làm được mọi sự và Ngài
là vị Cha nhân từ thương lo đâu đó cho con cái. Em cứ vững vàng cậy
trông, phó thác bệnh tình cho Chúa là Chúa sẽ ra tay cứu chữa cho em vì
Chúa có dạy ” Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”,
nên cứ vững tin em nhé! Chị thì tin xác quyết việc em phát hiện mình đổ
bệnh nan y chính là dấu chỉ của việc em được Chúa viếng thăm: để Chúa
ban ơn cho em. Nào, em hãy nhớ chuyện ông Giakêu xem? Chúa đến thăm nhà
ông Giakêu là để Chúa ban ơn cho ông ấy. Ơn chi đó? Ơn hoán cải vì ơn ăn
năn thống hối là điều kiện tiên quyết để được vào nước Trời. Mà ông ta
là thủ lãnh của những người thu thuế và ông ta giàu có lắm: tức có nghĩa
ông hà khắc, ác ôn, tham nhũng, bốc lột… nên tội lỗi ông khỏi nói! Vậy
mà được Chúa ghé nhà ông là ông hân hoan tự nguyện thưa cùng Chúa : ” Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu như tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Còn Chúa Giêsu thì thương yêu bảo ông và tâm sự cùng ông : ” Hôm nay nhà nầy được ơn cứu độ ….Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Nên ở em thì em thấy đấy: chẳng phải là Chúa đang ” đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất”
nơi em đó sao?! Về mặt thể xác: đường ruột em từ lâu đã có vấn đề nên
Chúa cho em phát hiện ra bệnh và đang hóa trị. Về mặt tâm tư tình cảm:
em đang được dào dạt tình người với cũng đang được hoán cãi nữa! Chị cảm
như thể câu Chúa nói” Hôm nay nhà nầy được ơn cứu độ” là Chúa đang nói với không chỉ em, mà cả chồng con em và bao người quen biết với em nữa đấy!
– Thật thế hả chị?
Không giấu chị, em có bàn với chồng con, cha mẹ, anh chị em của em là em
muốn bán mấy căn nhà mua cho thuê định tới lúc em về hưu sẽ có đồng ra
đồng vô hầu làm các việc phúc thiện: để em sớm làm các việc ấy ngay bây
giờ chớ chắc chi em được qua khỏi mà tính chuyện lâu dài. Chồng con em
và các người thân em: bảo muốn vậy hãy cứ làm nên em đang xúc tiến đó
chị!
Tôi cười:
- Coi chừng Chúa cho em cứ sống nhăn ra mãi thì lại tiếc của đấy!
– Chị ơi là chị! Em
mà sống được là quý! Nhưng sự sống của linh hồn lại càng quý hơn và quý
nhất! Nên thấy ra được, em kíp làm ngay chớ không có chần chờ! Em bán để
sớm dâng cho các dòng tu làm việc thiện. Vì dòng tu nào cũng có bổn
phận an ủi sẻ chia với bao người khốn khó chung quanh để giúp xác cứu
hồn cho họ, nên em sẽ nhờ các ngài thay em làm việc ấy. Hơn nữa đấy cũng
là em thực hiện điều em học khôn được ở Thánh Giuse đó chị! Vì nhờ tấm
ảnh chị tặng, em thấy ra trong vấn đề làm ăn kiếm sống thì ở Thánh Giuse
là Ngài chịu thả lỏng công việc để thư giản; khiến em cũng nhớ lại còn
với việc Chúa thì một khi Ngài nhận được lời Chúa phán dạy là lập tức
làm ngay chớ chẳng có chần chờ bao giờ hết! Chị đã khéo tặng tấm cho em
để em được học khôn thì một khi em đã học khôn được là quyết làm ngay,
chớ có đổi ý rồi tiếc rẻ chi đó mà chị lại khéo lo!
Ơi! Đến lúc nầy tôi thấy mình phải kíp giải thích chớ không thể phớt lờ việc cô cho rằng mình “khéo tặng“,
vì oan cho tôi lắm! Tôi liền nói ngay để cô rõ là lúc ấy được cô tặng
ảnh và muốn tôi tặng lại, nên sẵn có mấy pô ảnh mới vừa chụp hôm lễ Kính
Thánh Giuse dịp đó thì tôi chọn một tấm tặng lại cô vậy thôi. Chớ tuyệt
đối tôi dám đâu có cái ý to lớn như cô đã nhầm tưởng là để cô được học
khôn! Với tôi cũng tình thật khen cô trong bệnh hoạn và nghĩ mình không
qua khỏi, nên cô học khôn được ở Thánh Cả những điều mà tôi thấy mình
cần phải học ở cô nữa! Tỷ như việc cô chịu bỏ thời giờ lục tìm các thư
từ hình ảnh của người thân người quen gửi cô với trọn tâm tình trân quý,
luyến lưu nên kíp liên lạc! Chớ như tôi đang thấy xấu hổ lắm vì không
nhớ mình đã để lạc lá thư với tấm ảnh cô tặng ấy, ở đâu?! Lại cũng không
chắc mình có giờ để lục tìm trong lúc nầy! Thêm đây là lúc ở cô thì
tính cái chuyện buông nên sẵn sàng vung; còn tôi thì đây là lúc mà hơn
bao giờ hết tôi nghĩ mình có lẽ nên phải thủ để nuôi cho cái tiệm được
sống còn trước đã vì làm ăn xuống quá! Chớ để mất tiệm thì ở cái tuổi
của mình và nghề mình ắt mình khó kiếm được chỗ làm trong khi mình vẫn
hãy còn muốn đi làm… Cô tỏ vẻ ngạc
nhiên lắm:
- Hóa ra chẳng lẽ
chị không có học khôn được điều chi ở tượng Thánh Giuse tạc như vậy
sao, khi mà chị vẫn luôn chạy đến với Ngài?!
Tôi nhắm mắt, thả lòng
trí mình về với hình ảnh của bức tượng Cha Thánh Giuse – ở nhà thờ Mỹ:
Saint John Vianney gần nơi mình ngụ – mà mình hết dạ kính yêu và đã
khắc ghi vào tận đáy tim mình từ quãng ngày gia đình mình chân ướt chân
ráo dọn tới ngụ vùng nầy, mới được thấy bức tượng tạc như thế của Ngài…
Rồi tôi mới trả lời câu cô hỏi:
– Chị có chứ em!
Nhưng theo chị thì việc học khôn nầy phải nói là phong phú vô tận và
chẳng có bao giờ cùng. Vì mỗi người tùy theo hoàn cảnh với tâm trạng
mình lúc chiêm ngắm tượng Thánh Giuse được tạc trong cái tư thế đó, mà
sẽ được học khôn. Và mỗi người học khôn mỗi vẻ chớ đâu nhất thiết giống
nhau, nên nhờ vậy mà mỗi người thấy ra cái hướng tốt đẹp để tự giải
quyết cho vấn đề mình được mỹ mãn đâu đó theo ý mình. Do vậy chị mới bảo
chị cần phải học khôn ở em là thế, bởi em trong hoàn cảnh bị bệnh nan y
và với tâm trạng nghĩ mình không qua khỏi…
- À há! Vậy thì xin
chị kể việc chị được học khôn nơi bức tượng Cha Thánh Giuse Thợ chị
yêu, cho em nghe với để em cùng được học khôn theo chị vì em tha thiết
muốn biết lắm!
Thì vâng, tôi sẽ kể cô
nghe, nhưng trước khi kể, tôi nói qua để cô biết là tôi tin có bàn tay
dẫn dắt của Cha Thánh Giuse trong việc tôi dọn tới ngụ ở chỗ nầy, chớ
không phải ngẫu nhiên đâu! Vì tôi theo đạo ông xã và lúc mới quen anh
hay đưa tôi lên nhà thờ Fatima, Bình Triệu xem Lễ. Mà anh luôn đi trễ
nên cứ phải đứng ngoài sân, hoặc có được vào trong nhà thờ là ở dưới
cuối và nếu được cái chỗ thì thường là ở dãy băng ghế nơi góc tối có
tượng một ông Thánh đã nhỏ con, lại hẩm hiu chỉ mấy cành hoa ( vì so với
tượng Đức Mẹ vĩ đại, lộng lẫy, đầy hoa trên Cung Thánh)! Tôi mới hỏi
anh là ông Thánh nào mà tội nghiệp vậy? Anh cho biết đó là Thánh Giuse,
hôn phu của Đức Mẹ về mặt pháp lý và là cha nuôi của Chúa Giêsu…Cảnh tôi
xa cha lìa mẹ lớn lên trong tình thương của ngoại nên thèm được có tình
cha vì hiểu ” con có cha như nhà có nóc” , nên nghe anh bảo vậy,
tôi mới xin Thánh Giuse làm cha nuôi của mình… Thì quả là tôi đã được
Ngài nuôi. Lúc còn ở Việt Nam, có một lần tôi được nằm mơ thấy Ngài đứng
trên nóc nhà tôi ném xuống cho tôi xâu chuỗi và bảo tôi tới hai lần
rằng ” Hãy giữ lấy, chuỗi thiêng lắm trừ được ma quỷ” nên từ đó
tôi hiễu có chuỗi mới là nhà có nóc chớ có cha cũng chưa hẳn đâu! Cho
đến hiện nay tôi vẫn đang lần chuỗi mỗi ngày để cầu xin cho gia đình
mình cùng mọi gia đình nhân loại được trên thuận dưới hòa, ấm êm thuận
thảo, sống tốt đời đẹp đạo..Lúc tôi được qua Mỹ, rồi tậu được căn nhà ở
chỗ nầy làm chốn định cư thì càng ngẫm tôi càng hiểu: Cha Thánh Giuse
đang nuôi mình bằng chính bức tượng được tạc như thế của Ngài- mà cô đã
khéo dùng cái từ là ” Học Khôn ” -
Điều trước tiên và
luôn cứ đập mãi vào mắt mỗi khi tôi chạy đến trước tượng Cha Thánh Giuse
mình hết dạ kính yêu là thấy Ngài luôn trong cái thế tay cầm búa tay
cầm khúc gỗ. Tức có nghĩa tôi như thấy Ngài vẫn đang sống thật với cái
nghề làm thợ mộc, mà cách Ngài làm thì kiên cường( chớ không ngại ngần
hay xấu hổ với nghề làm thợ mà chẳng được làm thầy làm ông, nên Ngài
mới đứng hiên ngang với tay cầm búa tay vịn khúc gỗ), bền bĩ suốt cả đời
chớ chẳng có bao giờ lỏng tay buông lơi cái búa ra, hay bỏ khúc gỗ
xuống! Trong cái thế vừa đang lao động đó, nét mặt Ngài lại hiền từ nhân
hậu lắm, còn đôi mắt thì đầy vẻ xót thương thông cảm cứ đăm đăm ngó
xuống nhìn tôi như thế đang muốn nói với tôi biết bao lời ủi an, khuyên
dạy… Cho nên tôi học được ở Ngài cái nét đẹp của đời người là luôn phải
kết hợp song song: vừa cần cù nhẫn nại làm việc để nuôi thân với cũng
vừa hướng lòng sẻ chia an ủi. Chính vì vậy mà tôi tay làm tay viết suốt
bằng ấy năm qua để vừa nuôi mình nuôi con, với cũng vừa để sẻ chia an
ủi. Nên cho dù có phải vượt đèo qua thác tôi vẫn bền tâm vững chí, hay
có vì lo lắng cho việc làm ăn đang thấy ảm đạm quá đi mà toan tính chệch
đường muốn mình cần phải thủ cho mình trước đã…thì đấy câu chuyện của
cô bạn…kéo tôi trở lại với bức tượng được tạc về nét đẹp của đời người
nơi Cha Thánh Giuse tôi hết dạ kính yêu và mình đã từng nuôi tâm nguyện
sống theo.
Điều tôi học khôn kế
đến là mỗi lần gặp chuyện buồn khổ trong gia đình mà tôi chạy đến trước
tượng Cha Thánh Giuse là tôi hiểu: lẽ ra Ngài cũng phải buồn lắm chứ cho
cái chuyện gia đình của Ngài cơ! Bởi trên danh nghĩa thì Ngài có vợ
nhưng đâu được gần vợ , có con mà vẫn chẳng được rầy con: nhất là lúc bị
lạc mất trẻ Giêsu “kiếm muốn chết” mới gặp, nhưng chỉ có Đức Mẹ
mới là mở miệng trách Chúa con nhẹ nhàng tí thôi…Còn tôi hễ buồn chồng
giận con là tôi nào la, nào cự, nào điều kiện nọ kia …mà vẫn chưa thỏa
nên phải chạy đến với Ngài để than thở tiếp và ỉ ôi kêu cứu nữa…Rồi tôi
suy ngẫm luôn cả việc ngoài xã hội thì coi như Ngài chẳng danh phận chi!
Bởi danh phận gì đó với người chỉ có làm cái nghề thợ mộc để kiếm sống
nơi thôn làng Nagiarét đã nhỏ, lại nghèo! Với cũng chẳng thấy Ngài có
chân đứng trong một đoàn thể tôn giáo nào đâu để được nghe tên biết
tiếng! Tôi suy ngẫm cả việc đến ngay như ngày Lễ Kính Cha Thánh Giuse
hàng năm cũng đều luôn bị rơi vào Mùa Chay: tức mùa mà ai cũng phải hãm
mình …nên tượng Ngài mình vừa mới đem chậu hoa tươi vô dâng kính, thì
chỉ thoáng một vài hôm tôi vô viếng Ngài là đã thấy chậu hoa bị dẹp đi
đâu mất! Do vậy tôi có cảm tưởng như Thiên Chúa Cha dựng nên Thánh Giuse
là chỉ có để cho Ngài chịu lép vế, chịu thua chịu thiệt, chịu nhín nhịn
hãm mình mỗi lúc mỗi nơi…. Nhưng Ngài lại được vinh danh là Người Công
Chính vì Ngài chỉ duy một lòng kính trọng Thiên Chúa nên sẵn sàng vâng
phục và mau mắn thực thi mọi ý định với vai trò mà Thiên Chúa đã xếp
đặt cho Ngài. Nhờ vậy người thợ mộc là Ngài mới là vị Thánh mà là Đại
Thánh vì là Thánh Cả trên hết các Thánh. Nên dần dần tôi đã biết thôi
buồn chồng trách con mà chấp nhận hết, chớ kẻo mình dẫu có làm tốt được
chút chi chuyên ngoài xã hội, nhưng chuyện gia đình thì cứ lẩn thẩn buồn
chồng buồn con, than thân trách phận càm ràm mãi ….là mình hỏng bét!
Mình đâu có biết học khôn được theo như gương của Cha Thánh Giuse mình
vốn hết dạ kính yêu…
AMJ.Hoàng thị Đáo Tiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét