VRNs(18.3.2014)
– Sài Gòn – Có những người trời phú cho khả năng gợi ta nhớ, và liên
tưởng rất nhiều điều. Cụ Phạm Đình Khiêm là một người như thế đối với
tôi. Nếu chỉ có nhớ và liên tưởng suông có lẽ tôi chẳng nói làm gì, hay
chỉ ghi lại cho riêng mình, nhưng như St.Exupéry viết “ cái cốt yếu là
cái vô hình, cái không thấy được” (l’essentiel est invisible). Cụ Khiêm
gợi nhớ, mà từ cái nhớ ấy lại như cảm thụ cái không thấy được, cái vô
hình. Tôi may mắn có mặt ở tu viện Kỳ Đồng, Sài Gòn, đúng ngày lễ giỗ
đầu cho cụ, và được tham dự thánh lễ cùng với gia đình và rất đông những
người đã quen biết cụ. Nhớ cụ ngày trước viết rất nhiều bài cho tôi
đăng lên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi xin có mấy hàng này để lễ
cụ trong ngày giỗ đầu.
Những năm cuối đời cụ ở Sài Gòn, tôi
sống cách xa ở miền Bắc, vậy mà cái miền Bắc ấy lại gợi nhớ cho tôi
không chỉ về cụ, mà đến cả từng mảng rộng trong đời sống Giáo Hội. Tôi
nói đến cái không thấy được, cái vô hình là vì vậy. Chẳng hạn tôi về
thành phố quê hương Nam Định. Ngôi nhà thờ nhỏ bé và những cơ sở từ xa
xưa còn lại. Nối tôi với một quá khứ mà tôi không được chứng kiến, có
Đức Cha Lê Đắc Trọng và Cha Chu Văn Minh, nay cũng là giám mục phụ tá Hà
Nội kế vị Đức Cha Trọng. Qua hai đấng ấy, tôi như được đi ngược thời
gian lên đến thời cụ Khiêm còn thanh niên.
Đó là thời vị thừa sai người Pháp, cha
Cao tức André Vacquier, tập họp những thanh niên Công giáo, mở thư viện
lớn, xuất bản Nguyệt San thanh niên Công giáo, lập đoàn Hướng đạo,
khuếch trương các công tác xã hội… Rõ ràng vị thừa sai người Pháp có cao
vọng đào tạo những lớp trẻ ưu tú sau này gánh vác tương lai Giáo Hội.
Ví dụ như đồng thời với Phạm Đình Khiêm nhưng trẻ hơn, và cùng sống bên
Cha Cao, có Phạm Hân Quynh sau này là một linh mục có nhiều tác động đặc
sắc, những năm hết sức khó khăn và khắc nghiệt của giáo hội miền
Bắc. Năm 1939 đó Phạm Đình Khiêm chưa đầy 20 tuổi. Anh say sưa dìm mình
vào kho sách của cha Cao và cảm thấy sức hấp dẫn của những công trình
nghiên cứu và của lĩnh vực truyền thông sách báo. Cũng chính vì thế mà
anh đã ghi tên sang tận Paris để học khoa báo chí hàm thụ (cours de
journalisme par correspondance). Vị thừa sai cũng như những thanh niên
sôi nổi ở Nam Định đều nuôi bao nhiêu ước mơ cho một giáo hội tương lai
huy hoàng.
Nhưng có Nhân định mà cũng có Thiên
định. Và Nhân định thì không thể thắng Thiên. Cha Cao hay anh Khiêm có
những ước mơ đang dậy men. Nhưng thế chiến thứ hai nổ ra, quân Nhật vào
Đông Dương, rồi Nhật với Pháp gờm nhau. Pháp núng thế động viên quần trừ
bị. Cha Cao còn trong độ tuổi cũng phải gia nhập quân ngũ, cấp bậc
thiếu úy. Lúc ấy thì những lực lượng cách mạng Việt Nam cũng đang hình
thành. Trong một hoàn cảnh bí mật cha Cao đã bị thủ tiêu không tìm thấy
xác vào năm 1943. Xét ra, Cha Cao cũng phải thành hạt giống gieo xuống
lòng đất, như bao nhiêu hạt giống khác vô danh…
Về qua Nam Định, tôi lại nghĩ đến những
hoài bão của thế hệ xa xưa ấy. Bảo là đứt gánh giữa đường cũng được.
Nhưng nói vậy mà không phải vậy, vẫn có một cái gì truyền nối. Trước khi
cha Cao thảm tử một năm, Phạm Đình Khiêm đã thành chủ bút của bán Nguyệt san Thanh Niên, và chèo chống được đến năm 1945 thì biến thành Thanh niên chuyên san và đã có tác phẩm đầu tay “Hành Động xã hội của Giáo Hội qua các thời đại và ở Việt Nam”, tựa của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, thuộc viện Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ,
xuất bản ở Nam Định năm 1945. Rõ ràng đây là kết quả của những năm
tháng miệt mài bên cố Cao. Nó nói lên phần đóng góp của giáo hội cho xã
hội và dân tộc. Nó là chứng tích của một thời tuổi trẻ hăng say tha
thiết.
Sau đó chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.
Nhóm trẻ Nam Định tứ tán. Không còn là điểm hội tụ, thì nhóm Nam Định
lại có mặt rải rác ở nhiều nơi trong nước, như Phạm Hân Quynh bấy giờ đã
là chủng sinh Xuân Bích ở Hà Nội, còn Phạm Đình Khiêm thì di cư sang
Hưng Yên. Gia đình ghi lại “về Hưng Yên với hành trang duy nhất: một cái
cặp đựng quyển sách tiếng pháp Ma Mère (Mẹ tôi) để có thể ghé
đâu dựng đó”. Thì ra ham viết, ham truyền thông đến thế! Không thấy ghi
thêm chi tiết xem tay trắng như vậy thì làm thế nào tục bản tờThanh Niên ngay từ tháng 10.1946. Thế là đã chí cốt với cái nghiệp viết báo đạo rồi, (còn cuốn Mẹ tôi của cha Schrijvers CSsR thì đã xuất bản ở Huế lần đầu 1949).
Từ đó về sau liên tục thấy Phạm Đình Khiêm hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Năm 1948 đồng sáng lập nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ với Đỗ Sinh Tứ ở Hà Nội. Cuối 1949, lại vào Sài Gòn chủ trương báo Phụng Sự cùng
với Phạm Đình Tân. Năm 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII mở năm thánh và công
bố tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời. Nghe nói năm đó ngài cũng chứng
kiến lại phép lạ Mặt Trời Fatima trong hoa viên Vatican.
Phạm Đình Khiêm được diễm phúc có mặt ở
Roma để mừng Năm Thánh. Từ đó ông củng cố và tăng cường lòng sùng kính
đặc biệt với Đức Mẹ và sứ điệp Fatima, một kiểu sùng kính dạt dào đã
quyện vào ông suốt đời. Nhưng dù thế nào cũng không quên cái nghiệp báo
chí. Sau Roma ông lưu lại Paris học hỏi với một số cơ quan báo chí Công
giáo Pháp thời ấy đang phong phú. Về nước ông gia nhập Việt tấn xã làm
phóng viên Pháp ngữ, phóng sự chiến trường, sát cảnh với những nhà báo
quốc tế của AFP, Le Figaro, Paris Match, Reuters, AP. Từ 1954 cho đến 1975 ông là công chức trong ngành báo chí.
Chính trong thời kỳ này, sự gắn bó với
Đức tin và Giáo hội khiến cho ông hoàn thành được một số tác phẩm nguyên
cứu và chuyên đề có giá trị. Năm 1958, ông cho ra cuốn “Minh Đức Vương Thái Phi”, tiểu sử bà Thái Phi của chúa Nguyễn Hoàng. Năm 1959, đến lượt “Người chứng thứ nhất”
khảo cứu về vị tử đạo tiên khởi Đàng trong, Andre Phú Yên (1625 –
1644). Năm 1961, ông cùng với Nguyễn Khắc Xuyên và Andre Marillier soạn
tác phẩm “Giáo sĩ Đắc lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên” trong đó in lại trọn cuốn “Phép giảng tám ngày – Cathechismus” của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Ngoài ra ông còn những biên khảo chuyên đề như: “Từ Đèo Cả đến sông Gianh – theo dấu hai bà Ngọc Liên-Ngọc Đỉnh” (Văn Hóa nguyệt san 9.1959). “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII(Khảo cổ tập san 1.1961). “Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII dưới mắt Giáo sĩ Đắc Lộ” (khảo cổ tập san 2.1961). “Une grande page d’histoire oubliée du Vietnam… (Sài Gòn 1974), nghiên cứu về lịch sử ngoại giao giữa triều đình Huế và triều đình Dudong (Thái Lan).
Để viết tác phẩm về bà Minh Đức Vương
Thái Phi và André Phú Yên, khoảng những năm 1958, 1960 ông đã đi nghiên
cứu khảo sát thực địa và phát hiện di tích hai thành cổ Phú Yên và Quảng
Nam thế kỉ XVII. Trên kia tôi có cảm nghĩ rằng ông Phạm Đình Khiêm gợi
cho ta rất nhiều điều, không chỉ những điều thuộc thời đại ta mà cả
những điều chìm sâu trong quá khứ. Không có những chuyến đi điền dã và
rất nhiều công trình liên lạc tìm tòi tài liệu, hình ảnh từ nước ngoài:
Rôma, Paris, Áo Môn, Lisboa… đúc kết thành tác phẩm của ông, đã mấy
người trong chúng ta nghe nói đến bà Minh Đức Vương Thái Phi hay công
chúa Ngọc Liên? Công của ông không phải chỉ là gợi lại quá khứ với
những biến cố thô mộc. Công của ông là làm cho ta cảm thấy trong cái quá
khứ mù mịt biệt tăm ấy, bỗng bật lên những lời cầu nguyện giống như ta,
bà Minh Đức hay bà Ngọc Liên cùng với ta chung một lời kinh Lạy Cha,
một lời kinh Tin Kính. Ta không còn chiêm ngắm những bức tượng cổ, nhưng
nghe thấy một nhịp thở tâm hồn, ta biết rằng vẫn có đấy một sự sống vĩ
đại lưu truyền. Quá khứ không chết. Quá khứ vẫn là một mạch nước ngầm.
Cũng vậy, cuốn “Giáo sĩ Đắc Lộ” cho ta như sống lại tinh thần và ngôn ngữ của vị thừa sai từ 300 năm trước ở Thăng Long Kẻ Chợ.
Tôi không có ý nói chỉ có mấy tác phẩm
đó của ông, bởi trước ông, đồng thời với ông và sau ông vẫn còn nhiều
công trình nghiên cứu về những đề tài ấy và còn cần có thêm nữa, nhưng
phải công nhận là ông đã có công phổ biến cho bạn đọc Công Giáo những
kiến thức mà chúng ta coi như không phải nhu yếu với đức tin, và do đó
dễ bỏ qua, dễ quên nếu có biết, nhưng nghĩ lại đó là những nét phong phú
thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh không công, như thư Do Thái viết: “Anh em đã đến với linh hồn những người công chính, đã được nên hoàn thiện” (Dt 12,23)
(Còn nữa)
Lm. Máthêu Vũ Khởi Phụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét