Thứ Sáu Tuần 5 TN
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Sáu Tuần V TN2
Bài đọc: Gen 3:1-8; I Kgs 11:29-32, 12:19; Mk 7:31-37.
1/ Bài đọc I (năm lẻ): 1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?
2 Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.
3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết."
4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!
5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."
6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.
7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.
8 Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): 29 Một hôm, khi Gia-róp-am từ Giê-ru-sa-lem đi ra, thì dọc đường gặp ngôn sứ A-khi-gia, người Si-lô; ông này khoác một chiếc áo choàng mới. Lúc ấy chỉ có hai ông ở ngoài đồng. 30 Ông A-khi-gia lấy chiếc áo mới mình đang mặc, xé ra làm mười hai mảnh.
31 Rồi ông nói với Gia-róp-am: "Anh cầm lấy mười mảnh, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en phán như sau: "Này Ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Sa-lô-môn để trao cho ngươi mười chi tộc.
32 Nó vẫn còn được một chi tộc, vì nể Đa-vít, tôi tớ Ta, và vì Giê-ru-sa-lem thành đô Ta đã chọn trong tất cả chi tộc Ít-ra-en. 19 Thế là Ít-ra-en ly khai với nhà Đa-vít cho tới ngày nay.
3/ Phúc Âm: 31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.
33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.
34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!
35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.
37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sa ngã và tội lỗi
Tại sao con người phạm tội? Người Do-thái, qua những tài liệu của Qumran, quan niệm cuộc đời là bãi chiến trường giữa Thiên Chúa và ma quỉ, giữa sự thiện và sự ác, giữa con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối. Thiên Chúa muốn con người làm những sự tốt lành vì họ là con cái của ánh sáng. Ngược lại ma quỉ muốn con người làm những điều gian ác, để thuộc về con cái của bóng tối giống như chúng. Con người bị giằng co giữa hai bên, và phải xử dụng tự do để quyết định những gì nên làm và nên tránh.
Để giúp con người trở nên tốt lành và gìn giữ con người khỏi tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa dạy dỗ để con người biết phân biệt tốt khỏi xấu, và báo trước những hậu quả của các hành động vâng phục hay bất tuân lệnh của Ngài. Ngược lại, để cám dỗ con người phạm tội, ma quỉ phô trương ra những điều hấp dẫn bên ngoàii và ẩn giấu đi những điều thiệt hại bên trong; vì nếu phô trương ra sự thật, làm sao chúng có thể lôi kéo con người! Chúng làm con người hy vọng những gì Thiên Chúa nói là sai, và hậu quả mà Thiên Chúa báo trước sẽ không như vậy.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng tự do để bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Sách Sáng Thế Ký trình bày sự sa ngã đầu tiên của Adong và Evà. Ông bà sa ngã vì đã tin vào những gì ma quỉ cám dỗ qua con rắn, qua việc ăn trái cây biết thiện và ác mà Chúa đã ngăn cấm. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa chia cắt vương quốc của ông thành 12 mảnh: Ngài trao cho Jeroboam 10 mảnh, dòng họ David chỉ còn giữ lại được một mảnh là Judah, với thủ đô đặt tại Jerusalem. Đây là hậu quả của tội của vua Solomon, đã bỏ Thiên Chúa để tôn thờ bụt thần của các bà vợ. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã ngăn cấm con dân chúng đừng loan truyền phép lạ Chúa làm, họ vẫn bất tuân và loan truyền khắp nơi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Sa ngã đầu tiên của con người
1.1/ Ma quỉ và con người: Ma quỉ được tác giả so sánh như loài rắn, vì sự ma lanh và quỉ quyệt của nó: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” Cám dỗ của ma quỉ đầu tiên là phóng đại lệnh truyền của Thiên Chúa, với mục đích làm cho con người thấy sự vô lý của lệnh truyền và sự khắc nghiệt của Thiên Chúa. Lần cám dỗ đầu tiên, người đàn bà nhận ra sự thật, và đã sửa sai con rắn về tính phóng đại của nó: "Trái các cây trong vườn, chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết."”
1.2/ Ma quỉ biết rõ những gì con người muốn: Kế tiếp, rắn cám dỗ con người về hậu quả của việc làm. Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." Chúng ta thấy sự ma lanh của rắn ở đây: Nó phủ nhận sự chết, nhưng nhấn mạnh đến việc trở thành “những vị thần biết điều thiện điều ác,” như tên Thiên Chúa gọi “cây cho biết thiện và ác.” Chúng biết con người thích tự do, độc lập; và không muốn tùy thuộc vào ai trong việc làm quyết định. Nếu biết thiện và ác, con người sẽ không cần lắng nghe những gì Thiên Chúa dạy dỗ, và sẽ không lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Con người sa ngã vì cả những hấp dẫn bên ngoàii của trái cây và ước muốn được trở nên thần thánh bên trong: “Người đàn bà thấy trái cây đó hấp dẫn để ăn, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.”
1.3/ Hậu quả của việc bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.” Đúng như tên gọi của cây: ông bà biết điều thiện và điều ác; thay vì chỉ biết điều thiện như trước đây. Ông bà không những biết điều xấu, mà còn biết xấu hổ vì đã làm điều xấu.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Này Ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Solomon để trao cho ngươi mười chi tộc.
Vì vua Solomon đã phản bội Thiên Chúa, Ngài quyết định chia cắt đất nước thành hai. Jeroboam được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo vương quốc Israel miền Bắc, trong khi con vua Solomon là Rehoboam sẽ lãnh đạo vương quốc Judah miền Nam. Jeroboam là con ông Nebat, người Ephraim, thuộc Zeredah; bà Zerua mẹ ông là một quả phụ. Ông đã từng phục vụ vua Solomon. Vua thấy Jeroboam là người có khả năng và đảm đang công việc, nên đặt chàng phụ trách toàn thể dân công nhà Giuse.
2.1/ Hành động biểu tượng của việc xé áo thành 12 mảnh: "Một hôm, khi Jeroboam từ Jerusalem đi ra, thì dọc đường gặp ngôn sứ Ahijia, người quê ở Shiloh; ông này khoác một chiếc áo choàng mới. Lúc ấy chỉ có hai ông ở ngoài đồng. Ông Ahijia lấy chiếc áo mới mình đang mặc, xé ra làm mười hai mảnh." Ngôn sứ của Thiên Chúa không chỉ nói những gì Thiên Chúa muốn, nhưng đôi khi còn biểu tỏ những hành động biểu tượng như việc xé áo thành 12 mảnh hôm nay. Mục đích là để cho dân chúng hiểu rõ hơn những gì Thiên Chúa muốn.
2.2/ Ý nghĩa của việc xé áo: Rồi ông nói với Jeroboam: "Anh cầm lấy mười mảnh, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Israel phán như sau: "Này Ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Solomon để trao cho ngươi mười chi tộc. Nó vẫn còn được một chi tộc, vì nể David, tôi tớ Ta, và vì Jerusalem thành đô Ta đã chọn trong tất cả chi tộc Israel." Một người có thể đặt câu hỏi ngay sau khi đọc những lời này: Vẫn còn thiếu một chi tộc nữa. Lý do có thể là lúc đó chi tộc Simeon đã được tháp nhập thành một với chi tộc Judah.
Nhìn lại lịch sử, vua David có công thống nhất 12 chi tộc của Israel; nhưng sự thống nhất này chỉ được khoảng 80 năm: 40 năm cai trị của David và 40 năm cai trị của Solomon. Sau thời của Solomon, đất nước lại bị chi cắt làm hai: 10 chi tộc phía Bắc thành lập lên vương quốc Israel với thủ đô đặt tại Samaria, và hai chi tộc phía Nam, Judah và Simon, làm thành vương quốc Judah, với thủ đô đặt tại Jerusalem. Sự chia cắt này còn tồn tại cho tới ngày nay.
Giống như trường hợp của vua David, tội lỗi cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến nhà vua, nhưng còn ảnh hưởng đến gia đình và quốc gia; tội của vua Solomon cũng thế, nó không chỉ ảnh hưởng đến việc tiêu tan quyền lực của nhà vua, nhưng còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết của các chi tộc của Israel.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa một người ngọng và điếc.
3.1/ Cách Chúa chữa bệnh: Trình thuật kể: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói bằng tiếng Aramaic: "Ephphatha!" nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.” Một người có thể nhìn thấy sự khác lạ của phép lạ này nếu đem so sánh với các phép lạ khác; vì trong hầu hết các phép lạ khác, người bệnh cứ ở vị trí của mình, Chúa Giêsu chỉ cần phán là người bệnh được khỏi. Sở dĩ Chúa phải kéo riêng anh ra một nơi, vì anh điếc không nghe được những gì Ngài truyền; và cũng để tránh việc anh có thể làm trò cười cho thiên hạ khi anh không hiểu ý Ngài. Lý do tại sao Chúa phải dùng những cử động có lẽ cho lợi ích của bệnh nhân, để anh biết nguyên nhân của bệnh.
3.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu và phản ứng của dân chúng:
(1) Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm họ không được rao truyền? Trong Tin Mừng Marcô, chúng ta thường thấy Chúa Giêsu ngăn cấm dân chúng không cho loan truyền những phép lạ Ngài làm, vì lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai.” Người Do-thái, cũng như đa số con người, dễ chấp nhận một Đấng Thiên Sai uy quyền, làm các phép lạ vĩ đại để cứu thóat con người, và giải phóng quốc gia họ khỏi quyền lực ngọai bang. Họ không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai hiền lành, chịu đánh đòn và đóng đinh trên Thập Giá, và giải thóat con người bằng yêu thương và chịu đau khổ. Chúa Giêsu làm phép lạ vì thương dân, không muốn dân chịu đau khổ vì bệnh tật; đồng thời Ngài cũng muốn cho dân tin vào Ngài qua uy quyền làm phép lạ. Điều Ngài không muốn là dân chúng chỉ quen với hình ảnh một Đấng Thiên Sai uy quyền, không để ý đến những điều Ngài giảng dạy, và mất niềm tin khi thấy Ngài chịu treo trên Thập Giá.
(2) Phản ứng của dân chúng: “Nhưng Người càng truyền bảo, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."” Dân chúng nghĩ việc loan truyền những điều Chúa làm là phải, để mọi người có cơ hội biết đến và tin vào Ngài. Chúa Giêsu lại không muốn những niềm tin đặt căn bản trên phép lạ, vì nó sẽ phai lạt nhanh chóng khi không còn phép lạ nữa. Ngài cần những niềm tin đặt trên hiểu biết và yêu thương, mới có thể giúp con người vượt qua những sóng gió đau khổ của cuộc đời. Chỉ cần quan sát cảnh tượng xảy ra tượng xảy ra dưới chân cây Thập Giá, một người có thể cảm thấy sự mong manh của những niềm tin đặt căn bản trên phép lạ; cũng như những niềm tin đặt trên cơm bánh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa dựng nên mọi sự tốt lành, và những gì Ngài truyền cho con người phải giữ là cho sự tốt lành của con người. Chúng ta cần tuân giữ để có được và bảo vệ những tốt lành đó.
- Mọi sự xấu xa và tội lỗi là do ma quỉ và con người gây nên, vì con người đã không biết xử dụng tự do Thiên Chúa ban để tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền dạy.
- Chúng ta không thắng được ma quỉ bằng sức riêng của mình; chúng ta cần được hướng dẫn bởi Lời Chúa để nhận ra tình yêu và đường lối của Thiên Chúa cho con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét