Thứ Tư Tuần 3 TN
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 3 TN
Bài đọc: Heb 10:11-18; 2 Sam 7:4-17; Mk 4:1-20.
1/ Bài đọc I (năm lẻ): 11 Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.
12 Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. 13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân.
14 Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo. 15 Điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy. Quả thật, sau khi phán: 16 Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. 17 Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa. 18 Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): 4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng:
5 "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? 6 Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Ít-ra-en lên từ Ai-cập cho tới ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm.
7 Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Ít-ra-en, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Ít-ra-en mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Ít-ra-en: "Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?
8 Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đa-vít như sau: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất.
10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, 11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. 15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.
16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi." 17 Ông Na-than đã nói lại với vua Đa-vít, đúng y như tất cả những lời ấy và tất cả thị kiến ấy.
3/ Phúc Âm: 1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. 2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
3 "Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.
4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.
5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;
6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.
7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.
8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm." 9 Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe! "
10 Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. 11 Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn,
12 để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ." 13 Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? 14 Người gieo giống đây là người gieo lời.
15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. 16 Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, 17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay.
18 Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,
19 nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.
20 Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm."
-----------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa có tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người.
Cha ông chúng ta thường nói “Điều kiện để thành công, phải có đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Hay, phải có 4 đúng: “đúng người, đúng vật, đúng nơi, đúng thời.” Thiếu một trong những điều kiện đòi hỏi là sẽ không thành công hay không đạt được kết quả mong muốn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc cộng tác làm việc giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái so sánh hiệu quả của lễ hy sinh của Cựu-Ước và Tân Ước, và của hai Giao Ước cũ và mới. Theo tác giả, Giao Ước mới và lễ hy sinh của Đức Kitô có hiệu quả hơn Giao Ước cũ và các lễ hy sinh của Cựu Ước; vì Giao Ước mới được ghi tạc trong trái tim con người, chứ không trên hai bia đá như Giao Ước cũ. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, mặc dù vua David muốn xây nhà cho Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa không muốn điều đó. Trái lại, Ngài hứa sẽ xây một dòng dõi muôn đời cho nhà David. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống, có tiềm năng để sinh lợi ích cho con người; nhưng hạt giống có sinh lợi thực sự hay không tùy thuộc vào nơi mà hạt giống được gieo vào; nói cách khác, tùy thuộc vào sự cộng tác tích cực của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.
1.1/ Hiệu quả của hy lễ đền tội: Trong Cựu Ước, “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.” Điều này có thể thấy qua việc dâng hai con chiên mỗi ngày: một con ban sáng và một con ban chiều. Đấy là chưa kể việc sát tế các súc vật trong Ngày Xá Tội mỗi năm bởi thầy Thượng Tế. “Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.” Hy lễ của Chúa Giêsu không thể và cũng không cần lặp lại.
1.2/ Hiệu quả của Giao Ước cũ và mới: Giao Ước cũ được ghi khắc trong hai bia đá, đến từ bên ngòai con người; nhưng Giao Ước mới được Thiên Chúa phán qua Tiên-tri Jeremiah như sau: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa. Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.”
Những gì đến từ bên ngoài đều tạm thời chóng qua, và không có đủ sức mạnh để thay đổi lòng trí con người. Những gì được ghi khắc trong tâm khảm sẽ vững bền lâu dài, và có sức mạnh để thay đổi con người, làm cho họ biết nhận ra sự thực và đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): "Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."
2.1/ Không phải David sẽ xây nhà cho Thiên Chúa: Việc xây dựng đền thờ hay nhà cho Thiên Chúa ngự tự nó không xấu; nhưng ý hướng xây dựng nhà thờ phải được thấu hiểu cách rõ ràng:
(1) Thiên Chúa không cần con người xây nhà cho Ngài; vì mọi sự là của Thiên Chúa. Điều này hiển nhiên, vì con người không thể giới hạn hay đóng khung Thiên Chúa trong phạm vi của ngôi nhà. Sở dĩ Thiên Chúa muốn hiện diện trong căn lều hay trong ngôi thánh đường là vì Ngài muốn cho con người một dấu chứng, để họ biết chắc Thiên Chúa đang hiện diện với họ. Ngài nhắc nhở tiên-tri Nathan về cuộc hành trình vào Đất Hứa của con cái Israel và sự hiện diện của Ngài ở giữa họ: "Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Israel, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Israel mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Israel: "Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?""
(2) Đền Thờ được dựng nên không phải cho lợi ích của Thiên Chúa; nhưng cho lợi ích của con người. Con người cần sự hiện diện của Thiên Chúa để được Ngài dạy dỗ, bảo vệ và ban ơn. Đền thờ là nơi con người qui tụ để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa; nếu không có cơ hội học hỏi, làm sao con người biết thi hành những gì Ngài dạy? Đền thờ cũng là nơi Thiên Chúa ban ơn cho con người: tha tội qua những lễ vật hy sinh của Cựu Ước hay ban ơn thánh qua các bí-tích của Tân Ước. Vì thế, điều con người cần tránh là thái độ tự mãn khi xây nhà thờ: cho là mình đã có công khi xây dựng cho Thiên Chúa một chỗ ở
2.2/ Chính Thiên Chúa sẽ "xây nhà" cho David: Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa luôn là người đi bước trước trong mọi sự, con người chỉ là người đáp trả tình yêu và ân phúc của Thiên Chúa. Phía của Thiên Chúa luôn chắc chắn và vững bền; phía của con người hay thay đổi và nông nổi. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa liệt kê những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho vua David và dòng dõi của ông.
(1) Những gì Thiên Chúa đã làm cho vua David: "Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Israel. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi."
(2) Những điều Thiên Chúa hứa sẽ làm cho nhà David:
- Cho cá nhân của David: Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất... Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa.
- Cho dân chúng một nơi cư ngụ vĩnh viễn: "Ta sẽ cho dân Ta là Israel một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Israel."
- Cho Solomon, người kế vị vua David: "Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Saul, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi."
- Cho dòng dõi của vua David: Ngai vàng của David sẽ vững bền muôn thuở: "Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi." Tất cả các vua cai trị Israel sẽ xuất thân từ dòng dõi David; điều này bao gồm Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài cũng xuất thân từ dòng dõi David, và Ngài sẽ làm vua cai trị toàn dân đến muôn đời.
Tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đã thực hiện; cho dù phải trải qua thời gian chờ đợi về phía con người, vì những việc làm hay những quyết định nông nổi của họ.
3/ Phúc Âm: Hiệu quả tùy thuộc ở các nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Dụ ngôn Chúa Giêsu nói tới hôm nay nhắm tới 2 điểm chính: (1) Hạt giống là Lời Chúa, tự nó có tiềm năng sinh lợi như hạt giống có tiềm năng sinh nhiều hạt khác; (2) Nơi gieo vào là lòng trí con người, Lời Chúa có sinh lợi hay không, và sinh lợi bao nhiêu, tùy thuộc vào lòng trí con người.
3.1/ Bốn nơi mà hạt giống Lời Chúa được gieo vào:
(1) Vệ đường: Chúa giảng: “Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.” Hạng người này là những người dửng dưng và vô tâm, họ coi Lời Chúa không quan trọng trong cuộc đời của họ.
(2) Sỏi đá: Chúa giảng: “Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay.” Hạng người này không chịu suy xét để đào sâu và sống Lời Chúa, nên dễ dàng bỏ cuộc sau một thời gian ngắn.
(3) Bụi gai: Chúa giảng: “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe Lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.” Đây là những kẻ đã nghe Lời, nhưng không chịu mang ra sinh sống trong cuộc đời. Thay vào đó, họ chạy theo bả vinh hoa phú quí, hay theo tính đam mê xác thịt.
(4) Đất tốt: Chúa giảng: “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Chúa cắt nghĩa: “Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe Lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.” Đây là những kẻ nghe, hiểu thấu, và mang ra sống trong cuộc đời. Tùy thuộc vào cách ứng dụng, họ sinh lời được 30, 60, hay 100.
3.2/ Bí mật của Mầu Nhiệm Nước Trời: Khi còn một mình Đức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ."
Thoạt nghe những lời này, một người có thể hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời chỉ ban cho một số người thuộc về Thiên Chúa; và sẽ dễ rơi vào chủ thuyết “tiền định:” người nào được Thiên Chúa tiền định cho được cứu rỗi, Ngài sẽ ban cho hiểu; và ngược lại. Hiểu biết như vậy là sai vì 2 lý do sau đây:
(1) Marcô trích dẫn Isa 6:10 của Bản Bảy Mươi, nhưng không hoàn toàn cả câu: “Vì tim của dân này đã bị chai đá, tai của họ đã điếc, và mắt họ đã nhắm lại, kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Một điều khác biệt là Bản Bảy Mươi dùng thời thụ động cho động từ đầu tiên “đã bị chai đá,” và muốn hiểu như thế cho 2 động từ theo sau. Điều này muốn nói người chịu trách nhiệm cho những hậu quả này là dân chúng chứ không phải Thiên Chúa. Bản dịch của MT dùng thời truyền lệnh: Chúa phán: "Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành." Bản dịch này xem ra có vẻ qui trách nhiệm cho Thiên Chúa.
(2) Thực ra, nếu xét toàn bộ văn mạch và tất cả Kinh Thánh, đây chỉ là lối nói của người Do-thái khi qui trách mọi việc xảy ra là trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu xét theo kinh nghiệm cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu cũng như của tiên-tri Isaiah, mặc dù cả hai đã cố gắng rao giảng, nhưng nếu con người không chịu mở lòng để đón nhận, mở tai để nghe, mở mắt để nhìn; làm sao họ có thể hiểu và thi hành những lời rao giảng? Và nếu không hiểu, làm sao có thể thi hành để sinh hoa kết quả? Đó chính là mục đích mà trình thuật nhắm tới hôm nay.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương và ban mọi ơn lành. Vấn đề là về phía chúng ta có nhận ra tình yêu và cộng tác với Ngài để sinh lợi ích cho chính chúng ta và tha nhân hay không. Chúng ta không thể sinh lợi ích gì cho Thiên Chúa.
- Lời Chúa có tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người. Lời Chúa có sinh ích hay không hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và khả năng lãnh nhận của chúng ta.
- Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, dành nhiều thời gian để học hỏi và suy niệm, đồng thời phải để Lời Chúa hướng dẫn mọi sự trong cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét