VRNs (09.07.2013) – Hà Nội - NGHĨA VĂN TỰ[1]
Một câu truyện vui kể rằng sau khi học
xong bài học Kinh Thánh về truyện ông Môsê dẫn dân Do-thái vượt qua Biển
Đỏ, một em thiếu nhi về nhà kể lại cho mẹ em như sau:
Dân Do-thái lao động cải tạo tại xứ
Ai-cập quá khổ cực nên kêu cầu cùng Đức Chúa Trời. Ngài bèn sai tướng
Môsê đến dùng quyền năng làm cho Pharaô khiếp sợ và tha dân Do-thái đi.
Mới vừa ra khỏi thủ đô, dân Do-thái đang đối diện với Biển Đỏ, thình
lình quay lại thấy quân đội Ai-cập đang rượt theo. Xe tăng với đại pháo
trực xạ dẫn đường, bộ binh tiến theo sau rầm rập. Dân Do-thái bị vây
chặt trong tình thế hết sức hiểm nghèo. Phía trước là biển, phía sau là
xe tăng của Ai-cập. Tướng Môsê liền dùng máy truyền tin cực mạnh liên
lạc khẩn cấp với không quân, yêu cầu tiếp cứu. Trong vòng tích tắc,
không lực hùng hậu của Do-thái với các vũ khí tối tân trang bị trên máy
bay F.16, bay đến dội bom và bắn tan nát các xe tăng của Ai-cập. Môsê
cũng yêu cầu công binh làm một chiếc cầu nổi vĩ đại xuyên qua eo Biển
Đỏ, nhờ đó dân Do-thái thoát nạn.
Nghe đến đây, bà mẹ ngạc nhiên hỏi: Có phải các cha dạy con như vậy không?
Em thiếu nhi thản nhiên trả lời: Dĩ nhiên
là không phải, nhưng nếu con kể hết những gì các cha dạy, chắc chắn mẹ
còn ngạc nhiên hơn nữa.
Đây là câu truyện vui nhưng nó cũng cho
thấy phần nào một thực tế là có tín hữu hiểu không đúng ý nghĩa các câu
truyện trong Kinh Thánh. Truyền thống Hội Thánh dạy rằng bản văn Kinh
Thánh có hai nghĩa căn bản là nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng.[2]
Hai nghĩa này tương ứng với hai bản tính của Kinh Thánh, vì Kinh Thánh
được định nghĩa là Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người. Bài này xin
trình bày nghĩa văn tự.
Định nghĩa
Nghĩa văn tự là nghĩa được các tác giả nhân loại được linh hứng diễn tả ra trực tiếp.
Tầm quan trọng
Có thể nói định nghĩa về nghĩa văn tự là
một trong những phần quan trọng nhất của giáo huấn Hội Thánh Công giáo
về việc giải thích Kinh Thánh. Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh nói
rằng công việc chính của ngành chú giải Kinh Thánh là tìm nghĩa văn tự
của bản văn. Được tác giả nhân loại diễn tả, nhưng bởi vì là hoa trái
của ơn linh hứng, nghĩa này cũng được Thiên Chúa, là tác giả chính, nhắm
tới. Nghĩa văn tự không những là hợp pháp, nhưng còn tuyệt đối cần
thiết và có tầm quan trọng căn bản. Các nghĩa thiêng liêng đều phải dựa
trên nghĩa văn tự. “Thiêng liêng” không có nghĩa là “tùy tiện” theo ý
chủ quan của mình. Ví dụ có người giải thích cách “thiêng liêng” câu Đức
Mẹ nói không biết đến việc vợ chồng có nghĩa là Đức Mẹ khấn giữ đồng
trinh như các nữ tu hôm nay.
Đừng lẫn lộn nghĩa văn tự với lối giải thích của phái bảo thủ (fundamentalism).[3]
Cách xác định nghĩa văn tự (x. Dei Verbum 12)
Muốn có được nghĩa văn tự, không phải cứ
dịch bản văn từng chữ là đủ, nhưng cần phải hiểu bản văn theo những quy
ước văn chương của thời đại, nghĩa là cần phân tích kỹ lưỡng bản văn bên
trong bối cảnh văn chương và lịch sử của nó. Nói cách khác, cần xác
định thể văn cũng như nghiên cứu lịch sử văn chương và lịch sử công
trình biên soạn. Khi gặp một bản văn ám dụ, nghĩa văn tự của bản văn
không phải là nghĩa trực tiếp phát xuất từ việc dịch từng chữ một (ví
dụ: “Hãy thắt lưng” Lc 12,25), nhưng là nghĩa tương ứng với cách dùng
các từ theo ám dụ (“Hãy sẵn sàng hành động”). Khi bản văn là một câu
truyện, nghĩa văn tự không nhất thiết là các sự kiện được thuật lại đã
xảy ra thực sự như thế, bởi vì một câu truyện có thể không thuộc loại
lịch sử, nhưng là một tác phẩm do trí tưởng tượng mà ra.[4]
Bản văn có một hay nhiều nghĩa văn tự?
Phải chăng một bản văn chỉ có một nghĩa văn tự duy nhất?
Nói chung thì đúng như thế. Nhưng đó không phải là một nguyên tắc tuyệt
đối, vì hai lý do? Thứ nhất, một tác giả loài người có thể đồng thời
muốn nhắm đến nhiều cấp độ của thực tại. Đây là trường hợp thường xảy ra
trong văn thể thi ca. Ơn linh hứng Kinh Thánh không khinh thường khả
năng tâm lý và ngôn ngữ của nhân loại này. Sách Tin Mừng thứ tư cho ta
nhiều ví dụ về khía cạnh này, hạn như “sinh lại” (3,3.4.7), “nước hằng
sống” (4,10-14), “đi lên” (7,8). Thứ hai, ngay cả khi một thành ngữ của
con người chỉ có duy nhất một ý nghĩa, ơn linh hứng vẫn có thể hướng
thành ngữ ấy cách nào đó để nó nảy sinh ra hơn một thứ nghĩa. Đó là
trường hợp lời tuyên bố của thượng tế Cai-pha trong Ga 11,50. Lời tuyên
bố của ông vừa nói lên một sự tính toán chính trị vô luân lại vừa cho
thấy một mạc khải của Thiên Chúa. Cả hai phương diện này đều thuộc về
nghĩa văn tự, bởi vì cả hai đều nổi rõ lên nhờ văn mạch. Dù đây có thể
là trường hợp hy hữu, nhưng vẫn là trường hợp tiêu biểu nhắc nhở ta phải
coi chừng thái độ quá hẹp hòi về nghĩa văn tự của các bản văn được linh
hứng.
Khía cạnh năng động của bản văn
Đây có lẽ là phần thú vị và ý nghĩa nhất của văn kiện nói về nghĩa văn tự.
Đặc biệt cần lưu ý các nghĩa văn tự của nhiều bản văn có một khía cạnh năng động
khiến ta có thể đọc lại chúng sau này trong những hoàn cảnh mới. Chẳng
hạn không nên giới hạn quá chặt chẽ ý nghĩa của các Thánh Vịnh nói về
ông vua vào những hoàn cảnh chính trị khi các Thánh Vịnh ấy ra đời. Các
Thánh Vịnh ấy vừa nói đến một thể chế thực sự vừa cho thấy một cái nhìn
lý tưởng về vương quyền, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, đến nỗi
bản văn ông viết ra vượt quá thể chế vương quyền thời bấy giờ. Chúng ta
có thể so sánh khía cạnh năng động của bản văn với tia sáng của chiếc
đèn pin. Tia sáng của đèn pin càng ở phía xa thì sẽ càng rộng lớn hơn
tia sáng ở ngay tại bóng đèn.
Một ngành của khoa giải thích hiện đại
nhấn mạnh đến sự khác biệt quan hệ ảnh hưởng đến lời nói của con người
khi nó được viết ra. Một bản văn có khả năng được đặt vào những hoàn
cảnh mới. Những hoàn cảnh mới sẽ soi sáng bản văn theo cách khác, bằng
cách thêm những nghĩa mới vào nghĩa nguyên thủy. Khả năng của những bản
văn viết này đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp bản văn Kinh Thánh, được
nhìn nhận là Lời của Thiên Chúa. Ngay từ đầu, nghĩa văn tự đã mở ra
những phát triển xa hơn, theo từng thế hệ nối tiếp nhau. Những phát
triển này có được là nhờ những “việc đọc lại” trong bối cảnh mới.
“Nhiều” nhưng không “tùy tiện”
Nhưng không vì thế mà ta có thể gán cho
bản văn Kinh Thánh bất kỳ nghĩa nào ta thích bằng cách giải thích bản
văn đó cách chủ quan. Trái lại, cần phải loại bỏ, phải coi là không
thuần nhất bất cứ lối giải thích nào khác xa nghĩa đã được tác giả loài
người diễn tả trong bản văn viết của họ. Ví dụ có người giải thích chữ
“Lời” trong Ga 1,1 là “lời lãi” kiếm được trong kinh doanh và coi đó là
mục tiêu hàng đầu (“Lúc khởi đầu”). Bó tay!
Tương quan nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng (x. Verbum Domini 37)
Dù nghĩa văn tự rất quan trọng nhưng vẫn
chưa phải là tất cả “bữa tiệc” Thiên Chúa muốn nuôi dưỡng con của Người.
Hội Thánh nhấn mạnh các tín hữu còn cần tìm hiểu nghĩa thiêng liêng
nữa. Truyền thống Giáo phụ và Trung cổ đã để lại những gương mặt bậc
thầy và gương mẫu về sự hòa hợp giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng,
cụ thể qua xe “tứ mã” (bài 22). “Dây cương” các ngài dùng để cưỡi xe
“tứ mã” chính là đức tin. Tất cả các nghĩa đều được hướng dẫn dựa trên
căn bản đức tin. Như vậy, một mặt các tín hữu vẫn cần coi trọng giá trị
và sự cần thiết của phương pháp phê bình lịch sử (để xác định nghĩa văn
tự), nhưng mặt khác, cũng cần học nơi các Giáo phụ để nối kết thực tại
mà bản văn Kinh Thánh nói tới với kinh nghiệm đức tin trong đời sống
hằng ngày hôm nay. Chỉ khi đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời
Chúa mới thực sự trở nên sống động và ngỏ lời với mỗi người, trong hoàn
cảnh sống, và dẫn đưa họ vào bàn tiệc đời sống mới trong Chúa Kitô.
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Hoặc nghĩa đen, nghĩa theo chữ. Bài này dựa trên văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh và quyển Catholic Principles for Interpreting Scripture của Peter S. Williamson,163-188.
[2] X. các nghĩa của bản văn Kinh Thánh được linh hứng ở bài số 22.
[3] X. các bài số 14-17 trước đây về lối giải thích bảo thủ này.
[4] Xét về khía cạnh
thuần túy lịch sử hay văn chương, Kinh Thánh không đơn giản là một quyển
sách duy nhất nhưng là một “thư viện”, một bộ sưu tập trải dài hàng
ngàn năm. Trong quyển Kinh Thánh có nhiều thể văn, mỗi thể văn có cách
diễn tả chân lý khác nhau, hạn như thi phú, sấm ngôn, khải huyền, lịch
sử, Tin Mừng, chuyện hư cấu, dụ ngôn, cách ngôn, chuyện tình ái,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét