CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Ơn gọi và các điều kiện phải có

Chủ Nhật 13 Thường NiênC

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 13 Thường Niên, Năm C
 
Bài đọc: 1 Kgs 19:16b, 19-21; Gal 4:31b-5:1, 13-18; Lk 9:51-62.

1/ Bài đọc I: 16 Ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi.
19 Ông Ê-li-a bỏ đó ra đi và gặp ông Ê-li-sa là con ông Sa-phát đang cày ruộng; trước mặt ông Ê-li-sa có mười hai cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa.
20 Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Ê-li-a và nói: "Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông." Ông Ê-li-a trả lời: "Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu? "
21 Ông Ê-li-sa bỏ ông Ê-li-a mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông.

2/ Bài đọc II: 31 Ấy vậy, thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do.
1 Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.
13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.
14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! 16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. 17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.
18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

3/ Phúc Âm: 51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.
52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.
54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? "
55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo."
58 Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
59 Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã."
60 Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
61 Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."
62 Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ơn gọi và các điều kiện phải có

 Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta có mặt trong cuộc đời là cho một lý do, vì Ngài không làm chuyện vô ích. Từ việc chọn Mẹ Maria để cưu mang Con Chúa, Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đức Kitô, đến cha sở họ Ars đưa tội nhân về cho Chúa, Mẹ Terêxa giúp đỡ các người nghèo, chị Terêxa nhỏ chuyên cầu nguyện cho Giáo Hội. Mỗi người chúng ta đều có một ơn gọi đặc biệt; ơn gọi đó là một phần quan trọng, dính liền với sự hiện hữu của chúng ta. Chúng ta phải xin Chúa Thánh Thần soi sáng tìm cho ra và hoàn thành sứ vụ Chúa trao phó.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu lên những ơn gọi khác nhau của mỗi người và các điều kiện phải có để chu toàn ơn gọi ấy. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah vâng lời Đức Chúa đi tìm Elishah và xức dầu tấn phong cho ông làm người thay thế mình để tiếp tục sứ vụ ngôn sứ. Khi Elishah nhận ra điều đó, ông xin phép về nhà giã từ cha mẹ, giết bò làm của lễ hy sinh, và đập tan cày bừa làm củi thiêu của lễ, rồi lên đường theo Elijah. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Galat ý thức về ơn gọi làm Kitô hữu của họ. Khi chịu Phép Rửa, họ được gọi quên mình để sống cho tha nhân, họ được gọi để chết cho xác thịt và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, qua những hoàn cảnh khác nhau, Đức Kitô liệt kê những điều kiện căn bản người môn đệ cần có. Họ được mời gọi để sống yêu thương, không quá lo lắng của cải vật chất, hay lo cho cha mẹ và gia đình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ơn gọi ngôn sứ: Elishah đứng dậy đi theo ông Elijah và phục vụ ông.

1.1/ Theo lời Đức Chúa, Elijah chọn Elishah làm người thay thế mình.
Trình thuật hôm nay tường thuật ơn gọi của Elishah. Theo lời của Đức Chúa, ngôn sứ Elijah chọn Elishah và huấn luyện ông thành người tiếp tục công việc ngôn sứ. Mười hai cặp bò chứng tỏ Elishah thuộc gia đình rất giàu có; vì gia đình giầu chỉ có một hay hai con. Khi ngôn sứ Elijah ném tấm áo choàng của mình lên người ông Elishah, ông Elishah hiểu ngay cử chỉ này. Nó tương đương với lễ nghi mặc áo và vào nhà tập của các dòng tu ngày nay. Lời yêu cầu của ông Elishah bình thường, vì ông Elishah phải từ giã cha mẹ. Câu trả lời của Elijah hơi khó hiểu; nhưng có lẽ muốn nói “Tôi không ngăn cản anh làm chuyện đó!”

1.2/ Thái độ dứt khoát của Elishah:
Hành động của Elishah là một hành động can đảm. Ông không tiếc nuối của cải vì ông biết đó là ơn lành Đức Chúa đã ban cho gia đình ông. Ông “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà.” Việc làm này chứng tỏ ông sẵn sàng chấm dứt nghề nghiệp của mình để lên đường theo ngôn sứ Elijah trong sứ vụ mới. Ông cũng chẳng hỏi Elijah về nơi ăn chốn ở, nhưng sẵn sàng theo vì ông tin tưởng Thiên Chúa sẽ quan phòng mọi sự cho những kẻ làm việc cho Ngài.
Chúng ta có thể học tấm gương anh hùng của Elishah. Một khi đã quyết định theo Chúa, chúng ta phải dứt khoát và mạnh dạn khước từ tất cả: cha mẹ, sự nghiệp, tài sản... Nếu không dứt khoát, chúng ta sẽ bị cám dỗ để trở về. Thái độ “chân trong, chân ngoài” rất khó để một người có thể trung thành theo Chúa đến cùng.

2/ Bài đọc II: Ơn gọi Kitô hữu: Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.

2.1/ Người Kitô hữu được kêu gọi làm con cái của tự do.
Thánh Phaolô viết: “Thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do. Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”
Quan niệm của thánh Phaolô về tự do hơi khó hiểu vì nó liên quan đến Lề Luật. Trong Thư Rôma, người cắt nghĩa rõ ràng hơn: Đức Kitô đã đến để giải phóng chúng ta khỏi làm nô lệ cho Lề Luật, cho tội lỗi, và cho sự chết. Ba điều này liên quan chặt chẽ với nhau: Để một điều thành tội phải có luật cấm vi phạm, và nếu đã cố ý phạm tội, cái chết là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều người định nghĩa sai: “Tự do là muốn làm gì thì làm,” rồi “lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt.” Khi đã làm nô lệ cho xác thịt, con người sẽ thấy ngay họ không còn tự do nữa.
Ví dụ, một người có tự do để chơi bài; nhưng khi đã nghiền chơi bài, họ không còn tự do để không chơi nữa. Họ biết lấy tiền của vợ dành nuôi con để dùng đánh bài là điều không phải; nhưng không thể đè nén lòng ham muốn để đừng làm chuyện ấy.
Tự do đích thực phải hướng con người tới sự thật, tới yêu thương, tới điều thiện hảo, và tới sự sống. Nếu một người nhân danh tự do để cắn xé nhau, người đó đã trở thành nô lệ cho tính xác thịt, cho tội lỗi và sự chết.

2.2/ Người Kitô hữu được kêu gọi để sống theo Thánh Thần.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.”
Đây là những lời dạy phải được cắt nghĩa đúng. Nhiều người đã buộc tội thánh Phaolô xúi dân phá bỏ Lề Luật mà chính Ngài phải nhận là tốt lành vì Luật được Thiên Chúa trao ban qua Moses. Có phải khi người tín hữu được Rửa Tội là họ không cần phải vâng phục Lề Luật nữa không? Thánh Phaolô muốn chúng ta phân biệt hai lối sống:
(1) Sống theo tính xác thịt: là sống theo sự dối trá, làm điều xấu xa (tội lỗi), ghét bỏ nhau, và đem lại sự chết. Như đã nói ở trên tội và Lề Luật có liên quan mật thiết với nhau; nếu chúng ta sống theo Lề Luật là chúng ta sống theo tính xác thịt. Một ví dụ sẽ làm sáng tỏ vấn đề: Luật chỉ đòi con người làm những cái tối thiểu (ví dụ: xưng tội một năm ít là một lần). Nếu chỉ làm những cái tối thiểu, làm sao tiến bộ trên đường nhân đức và nên trọn lành được? Luật đòi bảo vệ công bằng; nhưng nếu chỉ làm theo công bằng đòi hỏi, làm sao có bác ái yêu thương?
(2) Sống theo Thánh Thần: là sống theo sự thật, làm điều tốt lành, yêu thương nhau, và đem lại sự sống. Khi sống bác ái yêu thương, chúng ta không chỉ làm những điều tối thiểu Luật đòi hỏi, nhưng còn vượt xa Luật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy các môn đệ con đường trở nên trọn lành trong Matthew 5: “Người xưa dạy (Lề Luật): Mắt đền mắt răng đền răng, còn Thầy dạy: Ai vả má bên phải, hãy đưa má bên trái nữa...”
Vì vậy, nếu một người sống theo Thần Khí, họ chu toàn tất cả Lề Luật, vì họ làm những điều tốt lành mà Lề Luật không đòi hỏi.

3/ Phúc Âm: Ơn gọi làm môn đệ: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."

3.1/ Mục đích của việc theo Chúa:
Nếu một người muốn đi từ Galilee lên Jerusalem, họ có 3 cách: Cách thứ nhất, đi theo đường ven biển. Cách này dễ đi, nhưng phải leo núi rất dốc lên Jerusalem (3600+ ft). Cách thứ hai, băng qua các làng mạc của người Samaria. Cách này dễ đi; nhưng sẽ gặp sự chống cự của các người Samarians như Chúa Giêsu và các môn đệ gặp hôm nay. Cách thứ ba, đi dọc theo sông Jordan tới Jericho, rồi leo núi lên Jerusalem. Cách này tương đối dễ đi hơn cách thứ nhất, vì đường lên núi đỡ dốc thẳng hơn.
Hai môn đệ Giacôbê và Gioan chỉ dừng lại ở mức độ công bằng: Các ông ghét bỏ ai ghét bỏ các ông, và yêu thương ai yêu thương các ông. Nếu chỉ làm như thế, làm sao các ông có thể đem Tin Mừng cho tất cả mọi người? Đó là lý do Chúa Giêsu quở trách các ông, Ngài huấn luyện các môn đệ không phải để luận tội nhưng là để đem mọi người về cho Chúa.

3.2/ Thái độ phải có của người môn đệ Đức Kitô:
(1) Không quá lo lắng đến nhu cầu vật chất: Ngày xưa, giảng đạo từ thành này qua thành khác cách phổ thông và rẻ tiền nhất là đi bộ: đi đến đâu giảng đến đó. Người môn đệ không thể “đi đến đâu làm nhà đến đó” vì rất tốn thời gian mà tiền cũng chẳng có nhiều.
Chúa Giêsu không dấu những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài: Họ phải chấp nhận lối sống của khách lữ hành nay đây mai đó. Họ phải chấp nhận lối sống đơn giản vì không thể mang nhiều đồ đạc theo mình trên đường. Người ít đồ đạc nhất là người có thể đi xa nhất. Họ phải tin tưởng Thiên Chúa sẽ nuôi những ai làm việc cho Ngài. Nếu tính toán chi li, họ sẽ không thể lên đường. Đó là lý do Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
(2) Không quá lo lắng đến cha mẹ: Trước tiên, chúng ta cần xác định Chúa Giêsu không dạy bất hiếu với cha mẹ vì nó đi ngược lại giới răn thứ tư của Thập Giới, và chính Ngài cũng không bất hiếu với cha mẹ Ngài. Ngài đã giao Đức Mẹ cho Thánh Gioan để có người chăm sóc khi Ngài chết đi. Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là sự khẩn cấp của việc loan báo Tin Mừng để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau tới.
Chúng ta không thể hiểu câu này theo nghĩa đen, vì kẻ đã chết làm sao chôn kẻ mới chết? Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây: Nếu việc chôn cất cha mẹ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng, đừng cố gắng để về. Thiên Chúa sẽ quan phòng cho có người chôn cất cha mẹ. Hơn nữa, đối với những người có niềm tin, báo hiếu cha mẹ có thể làm qua những việc quan trọng hơn như: dâng lễ, đọc kinh, và làm những việc lành phúc đức chỉ cho cha mẹ. Nếu chỉ vì sợ tai tiếng “bất hiếu” mà về dự đám tang, người ấy không xứng đáng làm môn đệ của Đức Kitô.
(3) Một khi đã theo Chúa, phải dứt khoát và theo đến cùng: Một lần nữa, Chúa không khuyến khích việc bất hiếu. Nếu gia đình ở gần, khoảng cách chỉ một thời gian ngắn có thể về tới như Elishah trong bài đọc I, Chúa sẽ không ngăn cản. Điều Chúa ngăn cản ở đây dành cho những người còn do dự và gia đình ở khoảng cách xa. Nếu về, người đó sẽ mất nhiều thời gian, và nhất là sẽ bị ngăn cản bởi gia đình. Một khi đã quyết định theo Chúa, một người phải dứt khoát như Elishah thì mới theo nổi: giết bò cày, phá cày làm củi. Nếu còn lưỡng lự giữ lại để nếu đổi ý về sẽ còn việc để làm, người ấy sẽ khó lòng vượt mọi khó khăn để theo Chúa đến cùng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa cho mỗi người chúng ta vào cuộc đời là cho một mục đích. Chúng ta phải tìm ra và thi hành thánh ý Chúa.
- Ơn gọi căn bản nhất là ơn gọi làm Kitô hữu. Ơn gọi này đòi chúng ta phải luôn sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để thực sự có tự do.
- Nếu Chúa gọi chúng ta trở thành môn đệ làm việc cách riêng cho Ngài, chúng ta hãy khước từ tất cả: tài sản, gia đình, ý riêng để chỉ chú trọng đến việc làm cho con người nhận ra và tin tưởng nơi Thiên Chúa.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Chào bạn
Thượng Đế có chương trình riêng của Ngài , Đấng Siêu Việt Trí. Chúng ta hoàn toàn biết rằng : Điều biết nhất là không biết việc của Ngài làm.
Trong mỗi chúng ta đều có phần việc riêng mà chúng ta đã được giao trọng trách, hãy vui vẻ làm trọn phần việc của chính mình, bởi không có phần việc nào là trọng và chẳng có phần việc nào đáng khinh chê, khi mà sự sống luôn có 2 mặt đối đãi trong sự sống thật.
Chỉ cầu nguyện xin rằng : Xin cho con thấy sự ngu muội, mù lòa của bản thể để con không mạo phạm đến con người, vì họ cũng đã được sáng tạo bởi NGÀI.
Thân mến