Trong bầu khí của năm mục vụ 2016-2017: “Chuẩn bị cho người
trẻ bước vào đời sống hôn nhân”, ngày 20 tháng 05 năm 2017, Học Viện Thánh
Anphongsô (Dòng Chúa Cứu Thế) đã tổ chức buổi gặp gỡ liên tôn với chủ đề “GIA
ĐÌNH LÀ NỀN TẢNG XÃ HỘI”. Buổi gặp gỡ có sự hiện hiện của nhiều Anh Chị Em thuộc
ba tôn giáo: Phật Giáo, Cao Đài Giáo, Công Giáo.
Ngay từ sáng sớm, các diễn giả và đông đảo Anh Chị Em tham dự
viên đã có mặt tại khuôn viên Học Viện Thánh Anphongsô, và được quý Cha, quý Thầy
Học Viện đón tiếp rất chu đáo. Đúng 07:30, cha Antôn Nguyễn Văn Dũng – người dẫn
chương trình – bắt đầu giới thiệu chủ đề và thành phần tham dự buổi gặp gỡ liên
tôn.
Sau lời khai mạc của cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Phó Giám
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam – Đại Đức Giác Hoàng, Tiến Sĩ Phật Học, đã
trình bày tham luận “XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO”. Mở
đầu phần trình bày, Đại Đức Giác Hoàng khẳng định: kho tàng giáo pháp Phật Giáo
không phải dành riêng cho những người xuất gia tu hành mà còn dành cho đại chúng.
Vì thế, một trong những vai trò của Phật Giáo là góp phần làm cho gia đình được
an vui hạnh phúc, xã hội được phồn vinh thịnh vượng. Sau đó, Đại Đức nêu lên
chín điểm quan trọng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc theo quan điểm
Phật Giáo:
Chung thuỷ với nhau.
Kính trọng lẫn nhau.
Có trách nhiệm với nhau.
Chồng không gia trưởng, vợ luôn nhẹ nhàng.
Thấu hiểu và cảm thông.
Nuôi nấng và dạy dỗ con cái đúng cách.
Sống hoà ái trong đại gia đình.
Cùng một niềm tin và nhận thức.
Làm ăn chân chánh và có cùng nghề nghiệp.
Trong chín điểm này, Đại Đức Giác Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến
sự chung thuỷ trong đời sống vợ chồng, vì đó là yếu tố nền tảng của một gia
đình.
Tiếp đến, cha Đaminh Nguyễn Đức Thông, Tiến Sĩ Thần Học, đã
giúp các tham dự viên khám phá ra sự cao cả của đời sống gia đình qua chủ đề “SỐNG
MẦU NHIỆM GIA ĐÌNH LÀ PHẢN ẢNH GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA”. Trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước
và Tân Ước, Cha Đa Minh giới thiệu với mọi người gương mặt của một Thiên Chúa
Tình Yêu, qua ý định tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và qua việc
trao ban Con Một là Đức Giêsu Kitô. Từ đó, Cha Đa Minh đã nêu lên sự cao cả của
gia đình chính là phản ảnh của mầu nhiệm tình yêu ấy. Điều này có nghĩa là, các
mối tương quan trong gia đình: vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái phải diễn
tả được tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Khi trình bày các đặc tính
trong mối tương quan vợ chồng, cha Đa Minh đã nêu lên hai điểm thần học chính yếu
của hôn nhân Công Giáo là duy nhất (một vợ, một chồng) và bất khả phân ly
(không ly dị, không tái hôn).
Cuối cùng, Đạo Huynh Thiện Hạnh (thuộc Tập Đoàn Giáo Sĩ Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) đã nhấn mạnh đến yếu tố “con người bình an” là
yếu tố căn cốt để xây dựng gia đình bình an, xã hội an hoà. Trên ý tưởng đó, Đạo
Huynh Thiện Hạnh đã trình bày Thế Luật trong Cao Đài Giáo mà các tín hữu phải
giữ để giúp con người tìm được bình an. Bên cạnh đó, Đạo Huynh Thiện Hạnh cũng
chỉ ra những điểm tương đồng giữa Ngũ Giới (Phật Giáo), Mười Điều Răn (Công
Giáo) và Thế Luật (Cao Đài Giáo), cho thấy cả ba tôn giáo đều có chung một mong
muốn là con người được bình an, hạnh phúc.
Chủ đề xuyên suốt của ba bài thuyết trình là nỗ lực tìm lời
đáp để xây dựng gia đình hạnh phúc theo nhãn giới riêng của mỗi tôn giáo. Câu trả
lời được gợi ra đó là: đáp lại tiếng gọi (ơn gọi) từ Trời Cao bằng cách sống
theo giáo lý của mỗi tôn giáo.
Sau giờ giải lao, hội thảo tiếp tục với phần đặt câu hỏi của các thính giả và
trả lời của các diễn giả. Đặc biệt nhất là chia sẻ sâu sắc, thiết thực của một
tham dự viên có 42 năm sống đời gia đình. Chia sẻ đã để lại nhiều suy nghĩ cho
những người tham dự.
Buổi gặp gỡ kết thúc với lời cầu nguyện của ba vị đại diện
Phật Giáo, Cao Đài Giáo và Công Giáo. Sau đó, các tham dự viên cùng nhau chia sẻ
một bữa cơm chay thắm tình huynh đệ.