1. Lời Chúa Kitô trong chúng ta tăng trưởng khi chúng ta công bố lời ấy, khi chúng ta trao cho người khác
Trong
buổi đọc kinh Truyền Tin với 60 ngàn tín hữu hành hương trưa Chúa Nhật
16 tháng Ba là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi
người hãy mang sách Phúc Âm nhỏ theo người và đọc mỗi ngày một đoạn.
Ngài cũng mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân máy bay của hãng Malaysia
bị mất tích.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh
Cha đã quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung
trên núi trước ba môn đệ và ngài mời gọi mọi người cũng hãy “lên núi”
gặp gỡ Chúa trong kinh nguyện thinh lặng, và xuống núi, chia sẻ những
cảm nghiệm thiêng liêng cũng như giúp đỡ các anh chị em đang gặp khó
khăn. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng khi chúng ta nghe Lời Chúa
Giêsu, chúng ta có Lời ấy trong con tim. Lời Chúa Kitô trong chúng ta
tăng trưởng khi chúng ta công bố lời ấy, khi chúng ta trao cho người
khác. Và đó là đời sống Kitô. Đó là một sứ mạng của toàn thể Giáo Hội,
của tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa: lắng nghe Chúa Giêsu và trao
tặng Ngài cho người khác
Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm
nay, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta biến cố Chúa Hiển dung. Đây là
giai đoạn thứ hai trong hành trình mùa chay: giai đoạn thứ nhất là
những cám dỗ trong hoang địa, Chúa Nhật tuần trước; giai đoạn thứ hai là
biến cố Hiển dung. Chúa Giêsu “mang theo với ngài Phêrô, Giacôbê và
Gioan, và ngài dẫn họ ra một nơi riêng, trên một núi cao” (Mt 17,1). Núi
trong Kinh Thánh tượng trưng nơi gần gũi với Thiên Chúa và cuộc gặp gỡ
thân mật với Chúa; đó là nơi cầu nguyện, ở trước sự hiện diện của Chúa.
Trên núi ấy, Chúa Giêsu tỏ mình cho 3 môn đệ, Ngài hiển dung, sáng láng,
rất đẹp; và rồi có ông Môisê và Elia hiện ra, chuyện vãn với Ngài.
Khuôn mặt Ngài sáng ngời và áo Ngài trắng tinh đến độ Phêrô ngỡ ngàng,
muốn ở lại đó, như thể thời gian ngưng lại. Bất chợt từ trên cao có
tiếng Chúa Cha tuyên bố Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người, và phán:
“Các ngươi hãy nghe lời Ngài” . Lời này rất quan trọng. Chúa Cha đã nói
với các Tông đồ và Ngài cũng nói với chúng ta nữa: “Hãy nghe Chúa Giêsu,
vì Người là Con Ta yêu dấu”. Trong tuần này, chúng ta hãy giữ lời ấy
trong tâm trí: “Các con hãy nghe Chúa Giêsu!”. Đây không phải là lời
Giáo Hoàng nói, nhưng là Thiên Chúa Cha, nói với tất cả mọi người: với
tôi, với anh chị em, với tất cả! Lời ấy như một trợ lực để tiến bước
trên con đường Mùa Chay. “Các con hãy nghe Chúa Giêsu!”.
Lời mời
này của Chúa Cha rất quan trọng. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được
mời gọi trở thành những người lắng nghe tiếng Chúa và coi trọng những
lời của Ngài. Để lắng nghe Chúa Giêsu, cần đi theo Ngài, như đám đông
trong Phúc Âm đã làm, đi theo Chúa trên những nẻo đường xứ Palestine.
Chúa Giêsu không có nhà thờ chính tòa hoặc tòa giảng cố định, nhưng Ngài
là một bậc thầy lưu động, trình bày giáo huấn dọc theo những con đường
ngài đi qua, những nẻo đường không luôn luôn có thể đoán trước, và nhiều
khi không dễ dàng. Theo Chúa Giêsu để nghe Ngài. Nhưng chúng ta cũng
nghe Chúa Giêsu trong lời Ngài đã được viết ra, trong Phúc Âm. Tôi hỏi
anh chị em: anh chị em mỗi ngày có đọc một đoạn Phúc Âm hay không? Đó là
một điều tốt đẹp. Có một cuốn Phúc Âm nhỏ, mang trong mình, trong túi,
trong sắc, và đọc một đoạn nhỏ bất kỳ lúc nào trong ngày. Trong đó Chúa
Giêsu nói với chúng ta, trong Phúc Âm. Anh chị em hãy nghĩ đến điều đó,
không khó đâu, cũng không cần 4 sách Phúc Âm, 1 trong 4 cuốn. Luôn mang
Phúc Âm theo người, vì đó là Lời Chúa Giêsu để có thể nghe Ngài.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng:
“Từ
biến cố Chúa Hiển Dung, tôi muốn nêu lên hai yếu tố ý nghĩa, có thể tóm
gọn trong hai từ: đi lên và đi xuống. Chúng ta cần đi ra một nơi riêng,
leo lên núi trong một nơi thinh lặng, để tìm lại chính mình và nhận
thức rõ hơn tiếng Chúa. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cuộc gặp gỡ
với Thiên Chúa trong kinh nguyện tái thúc đẩy chúng ta xuống núi, và trở
xuống cánh đồng, nơi chúng ta gặp gỡ bao nhiêu anh chị em đang bị vất
vả cơ cực, bệnh tật, bất công, dốt nát, nghèo khổ vật chất và tinh thần
đè nặng. Chúng ta được mời gọi mang hoa trái kinh nghiệm của chúng ta
với Thiên Chúa cho những anh chị em ấy, chia sẻ với họ ân thánh đã nhận
được. Đây là điều lạ lùng. Khi chúng ta nghe Lời Chúa Giêsu, chúng ta có
Lời ấy trong con tim, Lời tăng trưởng. Và anh chị em có biết Lời tăng
trưởng như thế nào không? Thưa bằng cách trao cho người khác. Lời Chúa
Kitô trong chúng ta tăng trưởng khi chúng ta công bố lời ấy, khi chúng
ta trao cho người khác. Và đó là đời sống Kitô. Đó là một sứ mạng của
toàn thể Giáo Hội, của tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa: lắng nghe
Chúa Giêsu và trao tặng Ngài cho người khác. Anh chị em đừng quên điều
này: trong tuần này, hãy nghe Chúa Giêsu! Rồi tuần tới Anh chị em sẽ nói
với tôi xem anh chị em có làm điều này không: có một cuốn sách Phúc Âm
nhỏ trong túi hoặc trong sắc, để đọc một đoạn nhỏ trong ngày”.
Giờ
đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Mẹ chúng ta và phó thác mình cho sự
hướng dẫn của Mẹ để tiếp tục hành trình mùa chay này trong đức tin và
lòng quảng đại, học cách leo lên hơn nữa bằng kinh nguyện, và đi xuống
bằng tình bác ái huynh đệ.
2. Nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là gì?
Chiều
Chúa Nhật 16 tháng Ba Đức Thánh Cha đã viếng thăm giáo xứ Santa Maria
delle Orazione ở hướng đông bắc Rôma, cách Vatican gần 24 cây số. Đây là
giáo xứ thứ 5 thuộc giáo phận Roma được Đức Thánh Cha đến viếng thăm.
Khi đến đây, ngài gặp gỡ trước tiên là các bệnh nhân và người khuyết
tật, rồi gặp các trẻ em, đặc biệt là 150 em sẽ được xưng tội rước lễ lần
đầu dịp lễ Phục Sinh sắp tới và 73 em sẽ chịu phép thêm sức, trước khi
gặp cộng đoàn Con đường tân dự tòng. Như thường lệ, ngài cũng giải tội
cho một số tín hữu rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
Nghĩa vụ
của các tín hữu Kitô là gì đã là trọng tâm trong bài giảng của Đức
Thánh Cha. Dịp này, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có
thời gian cho Chúa và Tin Mừng.
Đức Thánh Cha nói:
Trách
nhiệm người Kitô hữu phải có là gì? Có lẽ anh chị em sẽ nói là đi Lễ
Chúa Nhật là ăn chay kiêng thịt trong Tuần Thánh. Nhưng thực sự ra trách
nhiệm đầu tiên của Kitô hữu là phải lắng nghe tình yêu của Thiên Chúa.
Phải lắng nghe Chúa Giêsu.
Trích dẫn bài Phúc Âm, ngài khích lệ
anh chị em tín hữu hiện diện hãy dưỡng nuôi linh hồn và được. Lắng nghe
về Chúa Giêsu trên truyền hình hay trên các đài phát thanh là chưa đủ.
Người ta phải dành ra thời gian để trực tiếp đọc Tin Mừng.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
"Tôi
cũng đề nghị anh chị em phải có cuốn Phúc Âm nhỏ luôn đi với anh chị
em, trong túi hoặc xách tay của mình. Và khi bạn có thời gian, có thể
khi đi trên xe buýt, bất cứ khi nào có thể ngay cả đôi khi chúng ta phải
cố giữ thăng bằng trên xe buýt hay phải căng mắt trông chừng hành lý
của mình."
3. Người tín hữu cần có cảm thức xấu hổ vì tội lỗi và một con tim rộng lớn
Để
có lòng thương xót với tha nhân, các tín hữu Kitô cần phải có cảm thức
xấu hổ vì tội lỗi và một con tim rộng lớn. Đức Thánh Cha đã nói như trên
trong thánh lễ sáng thứ Hai 17 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
Lòng
thương xót đem đến hoà bình nên nếu như tất cả mọi người, cá nhân, gia
đình, khu phố, có thái độ này, thì hòa bình đã ngự trị từ lâu trên thế
giới và trong con tim biết bao nhiêu người chúng ta.
Các tín hữu phải luôn luôn nhớ điều này “Tôi là ai để phán xét người ta?”
Đức Thánh Cha nói:
Đúng
là chúng ta không sát hại ai, nhưng với một con tim nhỏ nhoi nhiều việc
nhỏ, nhiều tội lỗi vụn vặt hàng ngày chống lại Chúa vẫn tiếp tục diễn
ra.
Nếu chúng ta nghĩ được rằng tôi đã làm điều này điều nọ
nghịch với Thánh Ý Chúa và chúng ta biết xấu hổ trước mặt Thiên Chúa,
thì cảm thức xấu hổ ấy là một hồng ân, là một ân sủng của người tội lỗi"
“Con là kẻ có tội, con xấu hổ trước mặt Chúa và cầu xin Chúa thứ tha"
Thật là đơn giản, nhưng rất khó khăn để nói rằng: “Con là kẻ có tội”.
Hãy
làm con tim chúng ta lớn lên. Bản thân tôi là kẻ có tội thì tôi là ai
để phán xét người ta? tôi là ai để dèm pha người khác. Tôi là ai khi
chính tôi cũng làm những chuyện như thế hay còn tệ hơn thế nữa?
Trái
tim chúng ta khi đó sẽ lớn lên. Chúa phán: "Đừng đoán xét, và anh em sẽ
không bị xét đoán. Đừng lên án để anh em cũng không bị lên án. Hãy tha
thứ và anh em sẽ được thứ tha. Hãy cho đi và anh em sẽ được nhận”
Đây là sự hào phóng của con tim: và những gì anh chị em nhận được sẽ nhiều lắm.
Những
người nam nữ có lòng thương xót, có con tim rộng mở, luôn luôn tha thứ
cho người khác và suy nghĩ về tội lỗi của mình. Đây là phương thế của
lòng thương xót mà chúng ta phải cầu xin. Lòng thương xót đem đến hoà
bình nên nếu như tất cả mọi người, cá nhân, gia đình, khu phố, có thái
độ này, thì hòa bình đã ngự trị từ lâu trên thế giới và trong con tim
biết bao nhiêu người chúng ta. Hãy nhớ rằng “Tôi là ai để phán xét người
ta?”. Hãy biết xấu hổ, hãy có con tim lớn dần. Xin Chúa ban cho chúng
ta ân sủng này.
4. Câu chuyện về cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe
Ngày
1 tháng Chín năm 1939, Hitler xua quân tấn công vào Ba Lan. Hai ngày
sau đó, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới lần thứ
Hai bắt đầu.
Hitler đã cho dựng lên vô số những nhà tù trong
những phần lãnh thổ do quân Đức chiếm đóng. Kinh hoàng nhất là trại tù
Auschwitz ở Ba-Lan nơi 1.1 triệu người đã bị giết trong đó 90% là người
Do Thái.
Một ngày cuối tháng 7 năm 1941, nơi khu 14 của trại
Auschwitz, một tù nhân đã trốn khỏi trại. Theo luật của trại giam này,
cứ một tù nhân vượt ngục thì 10 tù nhân khác trong cùng khu đó phải chết
thay. 10 người này sẽ bị bắn bỏ hay bị đưa vào hầm và bị bỏ đói đến
chết.
Thế là, 10 tù nhân trong khu 14 bị gọi tên “đền mạng”. Trong bầu khí im lặng hãi-hùng, một tiếng khóc thất vọng não nề vang lên:
- Chúa ơi, con không bao giờ còn được trông thấy mặt vợ và các con của con nữa!
Tiếng khóc não nùng ai oán đó làm bầu không khí vốn đã căng thẳng càng trở nên ghê rợn hơn.
Bổng
nhiên, trong đám tù nhân khu 14, một tù nhân rời khỏi hàng ngũ, tiến về
phía viên chỉ huy người Đức tên là Fritsch. Fritsch giơ cao họng súng
vừa đe dọa vừa quát lớn:
- Đứng lại! Ông muốn gì?
Người tù đáp:
- Tôi tù nhân 16670 muốn chết thay cho một trong các tù nhân bị kết án tử này!
Viên chỉ huy kinh ngạc hất hàm hỏi:
- Tại sao?
Tù nhân vừa giơ tay chỉ vào người đàn ông khóc lóc thảm thiết ban nãy vừa trả lời:
- Bởi vì tôi độc-thân, còn ông ta đã lập gia đình và có con cái!
Viên chỉ huy người Đức hỏi thêm:
- Ông là ai?
Tù nhân khoan thai trả lời:
- Tôi là Linh Mục Công Giáo!
Mọi
người im lặng nín thở. Viên chỉ huy người Đức thật sự sững-sờ,
lúng-túng. Ông tránh vội cái nhìn như bốc cháy ngọn lửa tình yêu của vị
Linh Mục Công Giáo. Ông đáp cộc cốc:
- Được!
Vị Linh Mục Công Giáo đó chính là Cha Massimiliano Maria Kolbe, thuộc dòng Phanxicô Viện-Tu, người Ba Lan.
Cha
được thụ phong linh mục năm 1918 và được nhiều người Ba Lan biết đến
như là vị tông đồ nhiệt thành, hăng say truyền bá lòng sùng kính Đức
Trinh Nữ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Vẹn Tuyền Chí Thánh. Lúc sinh
thời, có lần Cha Kolbe nói tiên tri:
- Sẽ có một ngày quý vị
trông thấy bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đứng giữa trung tâm thủ đô Mạc Tư
Khoa, trên tường thành cao nhất của điện Cẩm-Linh.
Điều đó đã xảy ra, thưa quý vị và anh chị em.
Cha Kolbe cũng đã từng sang Nhật Bản trong 6 năm và thiết lập một nhà dòng, một tờ báo và một chủng viện tại Nagasaki.
Khi
chiến tranh bùng nổ cha đã giúp hơn 2000 người Do Thái trốn tránh sự
lùng bắt của người Đức. Vì thế, ngày 17 tháng Hai năm 1941, cha bị bắt
và ngày 28 tháng Năm bị đưa vào trại Auschwitz.
Trong phòng biệt
giam, cha cử hành thánh lễ cho các tù nhân khác, ban các phép bí tích
cuối cùng cho họ, an ủi họ sẽ sớm được đoàn tụ với Mẹ Maria trên thiên
đàng. Bất cứ khi nào lính canh kiểm tra cũng thấy cha Massimiliano Kolbe
quỳ cầu nguyện. Ơn lạ của Đức Mẹ là sau hai tuần bị bỏ đói và không có
nước uống, mọi người đều chết hết nhưng ngài vẫn còn sống.
Tối
ngày 14 tháng 8 năm 1941, lính canh đã chích carbolic acid cho ngài chết
và sáng hôm sau đã thiêu thi thể ngài đúng ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên
Trời. Năm đó ngài được 47 tuổi sau 23 năm linh mục.
Lời nguyện:
Lạy
Chúa, khi con tim chúng con đầy ắp những ngẫu tượng của phù hoa, của tự
hào, của quyền lực, của tiền bạc, thì chúng con xa Chúa và chúng con
khiếp đảm trước cái chết.
Xin làm vơi đi trong chúng con lòng
quyến luyến cõi đời này, để con tim chúng con được tự do, để chúng con
hiểu rằng cái chết chỉ là sự bắt đầu niềm vui khôn tả và vinh quang của
những người theo Chúa Giêsu.
Lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và
tha nhân đã khiến Thánh Massimiliano Maria Kolbe dám chết thay cho một
người lạ mặt chưa hề quen biết.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho
chúng con lòng nhiệt thành yêu mến tha nhân như thánh Massimiliano Maria
Kolbe đã sống và đã thực hiện trong đời mình.
Xin cũng ban cho chúng con lòng sốt sắng gắn bó với Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm như thánh Massimiliano Maria Kolbe.
Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/122111.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét