Lời Chúa : ” Ta là sự sống và là sự sống, ai
tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết
bao giờ “(Ga 11, 25-26).
Lời Chúa : Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45
* Xin Ơn cho Giới Trẻ – Để giới trẻ
biết quảng đại đáp ứng ơn gọi của họ và nghiêm chỉnh đáp lại việc hiến mình cho
Thiên Chúa trong thiên chức linh mục hay đời sống thánh hiến tu trì.
***
Tình thương mạnh hơn
sự chết
(Suy niệm
của cố Lm. Hồng Phúc)
Câu chuyện Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại là
một tường thuật căn bản của Phúc Âm thánh Gioan. Chúa Giêsu được mô tả như Ngôi
Lời nhập thể, đến trong thế gian để con người được đưa từ bóng tối ra ánh sáng,
từ sự chết vào cõi sống, từ đất đến trời. Đức Giêsu Nagiarét thật là một con
người huyền diệu và là một Thiên Chúa toàn năng.
Gioan, người đồ đệ Chúa thương yêu, đã sống
bên cạnh Chúa, đã nhìn thấy, đã sờ đụng, đã chứng kiến quyền năng của Ngôi Hai
Thiên Chúa trong bản thể của con người. Đây là một bản tuyên xưng Đức Tin sống
động mà Công đồng Chalcédoine năm 451 đã long trọng công bố: "Ngôi Lời,
Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Maria về tính loài người, gồm hai bản tính
không lẫn lộn, không thay đổi, không chia sẻ, không tách rời". Đấng ấy
Gioan đã nhìn thấy và minh chứng.
Ngài là một con người đích thực, biết yêu
biết cảm.
Gioan viết rằng tại làng Bêtania, "Chúa
Giêsu thương Martha và em là Maria và Lazarô", nhưng hôm nay, Lazarô đã
chết và chôn được 4 ngày rồi. Trên đường dẫn ra mộ để thăm người bạn cũ, Gioan
nhìn thấy khuôn mặt Chúa nhiều lần biến sắc: Ngài bồn chồn, xao xuyến, Ngài
khóc khi thấy hai chị em khóc nức nở: "Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con
không chết!".
Ngài là một con người đích thực, biết thương,
biết cảm, biết chia sẻ tình bạn, biết liều mạng sống vì bạn hữu. Người Do thái
nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết là chừng nào". Nhưng qua khuôn
mặt con người đó, sáng chói quyền năng của một ngôi vị Thiên Chúa.
Gioan mô tả những chặng đàng Chúa đi xuống
với sự chết để rồi cùng với người chết đi lên với sự sống. Lazarô, người bạn
thân của Chúa, ốm nặng, tắt thở, được chôn cất và đã nặng mùi, vì đã 4 ngày. Đó
là tất cả thảm trạng của sự chết, hình ảnh sự chết của tâm hồn do tội lỗi.
Nhưng Chúa là chủ sự sống, Ngài không để bạn
hữu mình trầm luân mãi trong bóng tối sự chết. Gioan nhìn thấy hình ảnh đặc ân
rửa tội đến một cuộc tái sinh, một cuộc vươn lên sự sống, do Đấng là "sự
sống và là sự phục sinh" mang lại.
Đứng trước hầm mộ, Ngài kêu lớn tiếng như để
tiếng Ngài rạng đến cõi âm u của sự chết. Và Lazarô đã ra khỏi mồ, được tháo gỡ
khỏi "xiềng xích sự chết" (Tv 116, 8), được sống lại đầy sinh lực.
Gioan nhìn thấy ở đây hình ảnh một người tân tòng vừa bước ra khỏi giếng rửa
tội.
Vì thế, Giáo hội đọc lên trong ngày tái sinh
trong giếng nước rửa tội cũng như trong nghi lễ tiễn đưa một tín hữu đến nơi an
nghĩ cuối cùng Lời của Chúa phán trước phần mộ của Lazarô: "Ta là sự sống
lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà
tin Ta, sẽ không chết bao giờ".
Ngài là ai mà tình thương mạnh hơn sự chết?
Martha đã nói lên niềm tin của Bà cũng như niềm xác tín của chúng ta.
"Thưa Thầy, vâng, con tin Thầy là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
GIÁO LÝ :
Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
§ Câu Giáo lý 356: H./ vì sao gia
đình công giáo được gọi là “Hội Thánh tại gia”? T./ Vì gia đình công
giáo/ biểu lộ bản chất của Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa/ và vì gia đình
Công giáo/ vừa là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện,/ trường dạy các đức tính
nhân bản và Kitô giáo,/ vừa là nơi đầu tiên đức tin được loan truyền cho con
cái.
Sẽ là “người Công Giáo vô thần” nếu trái tim
ta chai đá
Ước chi hôm nay nghe Tiếng Chúa, các bạn đừng
cứng lòng nữa.
Khi rời xa Thiên Chúa, khi giả điếc
làm ngơ trước Lời của Chúa, chúng ta trở nên vô tín hoặc thậm chí chúng ta là
người Công Giáo nhưng là “người Công Giáo vô thần”. Đức Thánh Cha chia sẻ như
thế trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta.
Nếu không nghe Lời Chúa, thì cuối cùng chúng
ta sẽ nghe các ngẫu tượng của thế gian
Nếu ngừng nghe Lời Chúa, thì thực tế là chúng
ta đang chạy trốn và rời xa Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa,
chúng ta sẽ nghe những tiếng khác. Thực tế cay đắng là, khi ngoảnh mặt làm ngơ,
chúng ta trở nên điếc lác, điếc Lời Chúa.
Tất cả chúng ta, hôm nay dừng lại và nhìn vào
cõi lòng mình, để thấy biết bao lần, biết bao lần chúng ta đóng cửa đôi tai và
trở nên điếc. Ngay cả một dân tộc, một cộng đồng, ngay cả một cộng đoàn Kitô
hữu, một giáo xứ, một giáo phận, đã ngoảnh tai làm ngơ, đã trở nên điếc trước
Lời Chúa, để rồi tìm kiếm những tiếng nói khác, những chúa khác, và kết cục là
tìm các ngẫu tượng của thế gian này. Khi đó chúng ta rời xa Thiên Chúa hằng
sống.
Nếu có trái tim chai đá, thì chúng ta trở
thành “người tín hữu ngoại đạo” thậm chí là “người Công Giáo vô thần”
Khi rời xa Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở
nên khô cứng. Khi không còn lắng nghe, trái tim trở nên khô cứng hơn, khép kín
hơn vào chính mình và không thể đón nhận thêm gì nữa. Khi ấy trái tim không chỉ
là khép kín mà còn là chai đá.
Khi không còn lắng nghe Lời Chúa, trái tim
trở nên chai đá và khép kín, chúng ta đang đánh mất đi sự trung tín, mất đi cảm
thức của sự trung thành. Trong bài đọc một trích sách Ngôn sứ Gieremia, Chúa
nói: “Sự tín trung đã bị đánh mất”. Và khi ấy, chúng ta là người Công Giáo mà
không sống đạo, chúng ta là người Công Giáo ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa,
chúng ta có thể là người Công Giáo vô thần, bởi vì chúng ta không quy chiếu vào
tình yêu của Thiên Chúa hằng sống. Không nghe và ngoảnh mặt, điều ấy làm cho
con tim của ta ra chai đá, điều ấy dẫn chúng ta đi trên con đường bất trung.
Sự bất trung ấy chứa đầy những lầm lẫn xáo
trộn. Đó là con đường gây ra những nhầm lẫn, rằng không biết Thiên Chúa ở đâu,
rằng không biết có Chúa hay không, rằng nhận biết sai lầm và nhầm lẫn giữa
Thiên Chúa và ma quỷ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu làm phép lạ để
cho thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, người dân thì vui mừng ca khen, còn
có những kẻ lại nói: “Ông ta làm điều ấy nhờ quyền năng của Tướng Quỷ”.
Tự hỏi lòng mình: Tôi có thực sự lắng nghe
Lời Chúa không?
Khi không nghe, khi cứng lòng, bạn sẽ rơi vào
nhiều lầm lạc, bạn sẽ không còn tín trung, và kết cục là tội phạm thượng. Và
thực tế, nhiều người quên đi sự tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thầy
Giêsu.
Mỗi người trong chúng ta hôm nay tự hỏi lòng
mình: Tôi có biết dừng lại lắng nghe Lời Chúa không? Trái tim tôi có đang chai
đá không? Tôi có đang xa lánh Chúa không? Tôi có đánh mất sự tín trung với
Thiên Chúa hằng sống không? Tôi có chung sống với các thần tượng hằng ngày đem
lại sự nhàm chán không? Tôi có đánh mất niềm vui tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu
tiên với Chúa Giêsu không?
Hôm nay là ngày để lắng nghe: “Hôm nay, anh
em hãy nghe Lời của Chúa”. Chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cho con đừng cứng lòng
nữa”. Chúng ta hãy nài xin ơn ấy, ơn để biết lắng nghe vì trái tim chúng ta hãy
còn chai đá. Tứ Quyết SJ
Linh Mục Alexandre De Rhodes (Cha Đắc-Lộ)
Khai Sinh Chữ Quốc Ngữ !
Luật Sư Đặng Đình Mạnh
Khi đọc những dòng chữ Việt ngữ này,
là bạn đang chiêm ngưỡng tác phẩm của các linh mục thừa sai Dòng Tên
gồm các cha Gaspar De Amaral, cha Antonio Barbosa, cha Francisco De Pina và
cha Alexandre De Rhodes, tất cả họ đều là tác giả của quốc ngữ mà
người Việt ta đang sử dụng hàng ngày.
Với linh mục Gaspar De Amaral, cha đã
soạn cuốn từ điển Việt – Bồ. Với linh mục Antonio Barbosa, cha soạn
cuốn từ điển Bồ – Việt. Với linh mục Francisco De Pina, được cho là cha đã
dựa vào cách phát âm tiếng Bồ để chuyển tự ghi chép tiếng Việt khi ông vào Đàng
Trong (Từ sông Gianh trở vào Nam). Nhưng các cha đều mất khá sớm, tuy vậy,
cùng với một số linh mục khác trong giai đoạn tiên khởi này, các cha
đã giúp đặt nền móng đầu tiên cho quốc ngữ Việt Nam.
Với linh mục Alexandre De Rhodes, thì cha
đã dựa vào hai công trình từ điển nêu trên và bổ sung thêm phần La
tinh để hình thành nên cuốn từ điển Việt – Bồ – La.
Thực tế, chính việc bổ sung phần La
tinh của cha Alexandre De Rhodes đã trở thành đóng góp quan trọng bậc
nhất giúp hình thành nên chữ viết theo lối La tinh mà sau đó nhanh
chóng trở thành quốc ngữ Việt Nam.
Đánh giá về vai trò của linh mục Alexandre De
Rhodes trong việc khai sinh nên quốc ngữ Việt Nam, tờ Nguyệt San MISSI do
các linh mục Dòng tên người Pháp quản lý đã từng viết nhân dịp kỷ
niệm 300 năm ngày sinh của ông, đại lược như sau : “Khi cho Việt Nam các mẫu
tự La Tinh, cha Alexandre De Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến ba thế kỷ”.
Quả vậy, khi chính thức xác định mẫu tự,
bằng cách in quyển từ điển và các sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ tại nhà
in Vatican – Roma, thì cha Alexandre De Rhodes đã giải phóng cho nước Việt Nam
về chữ quốc ngữ.
Bởi lẽ trước đó, tương tự như Nhật Bản
và Cao Ly (Triều Tiên), thì người Việt Nam sử dụng lối chữ viết tượng
hình, biểu ý của người Tầu hoặc chữ nôm do tự sáng chế và bị nô lệ vì
chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Cao Ly mới chế biến ra chữ
viết riêng của họ, nhưng vẫn không theo cách viết La tinh nên bị hạn chế
nhiều. Còn người Nhật Bản thì sau nhiều lần thử nghiệm chế biến lối chữ
viết khác, nhưng cuối cùng đã phải bó tay và đành trở về với lối viết
tượng hình, biểu ý của người Tàu.
Trong khi đó, chính người Tầu cũng đã
từng tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng
cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha
Alexandre De Rhodes, đã tiến bộ trước người Tầu đến hơn ba thế kỷ rưỡi (1651 – 1017 – tính
từ năm in cuốn từ điển Việt – Bồ – La đến thời điểm hiện nay.
Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha
Alexandre De Rhodes khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai Dòng
Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng
các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, chính cha Alexandre De Rhodes là người hệ
thống hóa, hoàn tất công trình làm ra chữ quốc ngữ thành công vào năm
1651, tức là năm mà cuốn tự điển Việt – Bồ – La chào đời tại nhà in Vatican –
Roma.
Thế nên, chính tại nhà in Vatican ở Roma
là nơi mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình, và chính năm 1651 cũng là
năm khai sinh chính thức của chữ quốc ngữ Việt Nam.
Theo đó, chữ viết theo lối La tinh ban đầu
được các nhà truyền giáo đặt nền móng cho việc sử dụng trong cộng đồng Ki-tô
giáo Việt Nam, đến khi được người dân Việt Nam chấp nhận và sử dụng
rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, thì mặc nhiên
nó đã tự mình được nâng cấp thành chữ quốc ngữ.
Ghi nhận công nghiệp của cha Alexandre De
Rhodes đối với xứ sở, năm 1941, một tấm bia kỷ niệm nhân ngày sinh nhật thứ 350
của cha đã được dựng ở gần bên bờ Hồ Gươm trước cửa đền bà Kiệu – Hà Nội.
Đến năm 1957, thì bia đã bị gỡ bỏ.
Chính quyền Sài Gòn cũ đặt tên ông cho
một con đường tọa lạc trước mặt Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất,
đối xứng với phía bên kia là đường Hàn Thuyên, tên danh sĩ được ghi nhận có
công phát triển và phổ biến lối chữ Nôm. Sau năm 1975, đổi tên đường thành
Thái Văn Lung và bây giờ thì đã trả lại tên cũ là Alexandre De Rhodes
cho con đường này.
Về tiểu sử : Nguyên, cha Alexandre De Rhodes
(Đắc Lộ) sinh ngày 15/03/1591 (hay 1593 ?) tại vùng Avignon, miền nam nước
Pháp. Gia đình ông thuộc gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia), tổ
tiên sang tị nạn ở vùng Avignon là đất của Giáo Hoàng. Ông gia nhập Dòng Tên
tại Roma năm 1612, thời kỳ công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà
phát triển mạnh mẽ.
Đầu năm 1625, cha Alexandre De Rhodes đến
Việt Nam bắt đầu từ Hội An. Cha bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là
Đắc-Lộ. Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của cha. Nhưng cuộc đời
truyền giáo của cha ở đây rất gian nan, trong vòng 20 năm, cha bị trục xuất đến
sáu lần.
Đến năm 1645, cha bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn
trục xuất khỏi Việt Nam. Cha mất ngày 5/11/1660 ở Iran, thọ 69 tuổi.
Hiện nay, ở Việt Nam đã từng xuất hiện
ý kiến phủ nhận công lao đóng góp của cha Alexandre De Rhodes trong
việc khai sinh chữ quốc ngữ, một trong số họ nêu quan điểm : “Alexandre
De Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin
Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người
Đại Việt cả.
Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà
một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để
làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn
hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và
những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây
chẳng qua là chuyện “gậy ông đập lưng ông” mà thôi.
Riêng đối với công chúng, thì :
– Lối chữ viết đã trở thành quốc ngữ
của xứ sở với chín mươi triệu đồng bào cả trong và ngoài nước cùng sử
dụng;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện
những dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ thuở hồng hoang đến nay;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện
lời ru “Ầu ơ …” ân cần của mẹ từ ngày sinh ra ta làm kiếp người;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện
sự yêu thương giữa những thành viên trong gia đình, giữa những đôi tình
nhân, giữa những người tri kỷ …
– Lối chữ viết được dùng thể hiện ca
từ những nhạc phẩm bất tử như Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng,
Trưng Nữ Vương, Lòng mẹ, Tình ca …
– Lối chữ viết mà dân ta có thể tự
hào là riêng biệt trong khi rất nhiều quốc gia khác, kể cả nhiều cường
quốc vẫn còn phải vay mượn (Úc, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Ấn Độ, Gia Nã
Đại, Nhật Bản, Đại Hàn …);
Thì người khai sinh của lối chữ viết
ấy chắc chắn phải là ÂN NHÂN của xứ sở mình, bất kể đến quốc tịch
của họ, bất kể đến tôn giáo của họ và bất kể đến động cơ của họ
khi khai sinh lối chữ ấy !
Cha Alexandre De Rhodes, người có công khai
sinh lối chữ viết mà nghiễm nhiên đã là quốc ngữ của xứ sở, như là một trong
những ân nhân của dân tộc!
Tôi tin rằng, xứ sở này nợ ông ấy lời tri ân
!
Câu Truyện: KÉO CHUÔNG ĐỌC KINH TRUYỀN TIN
Năm 1456, thành Belgrade cạnh sông Danube bị quân Thổ Nhĩ
Kỳ bao vây và đánh phá ròng rã 4 tháng trời, nhưng vẫn không sao chiếm nổi.
Thất vọng vì thấy bao nhiêu nỗ lực bị uổng công, vua Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mở 1
cuộc tổng tấn công cuối cùng để xóa sổ thành này. Trong 20 tiếng đồng hồ, đôi
bên đánh nhau kịch liệt.
Quân thủ thành nhược sức chán nản vì phải cầm
cự quá lâu ngày. Họ đang định đầu hàng quân giặc, thì giữa lúc đó thánh Gioan
Capistranô, 1 tu sĩ đạo đức Dòng Phanxicô xuất hiện. Ngài cầm 1 tượng Thánh
giá, tiến lên, giơ cao cho các binh sĩ xem thấy và cầu nguyện lớn tiếng: “ Lạy
Nữ Vương quyền phép trên trời, Mẹ bỏ các con cái Mẹ rơi vào tay quân vô đạo để
chúng tha hồ làm nhục, làm ô danh Con Thánh của Mẹ sao? Chúng sẽ dựa vào sự đắc
thắng mà nhạo báng: Thiên Chúa của quân Công giáo ở đâu?”.
Vừa van xin thánh nhân vừa khóc lóc thảm
thiết.
Kích thích bởi lời cầu nguyện và nước mắt thánh nhân,
binh sĩ Công giáo hăng hái cách lạ lùng, đã xông vào và giết hàng vạn quân Thổ
đã tràn vào thành. Số quân địch còn lại đều trốn chạy hết.
Được tin chiến thắng cách lạ đó, Đức Giáo
Hoàng Calixtô III vui mừng hớn hở, truyền cho khắp Giáo hội tại các nhà thờ
phải hát kinh Tạ Ơn Chúa, và ra lệnh từ hôm đó trở đi, vào lúc 3 giờ chiều là
giờ chiến thắng, các nhà thờ phải kéo chuông đọc 3 kinh Kính Mừng để kỉ niệm.
Đồng thời nhắc nhủ lòng tin tưởng vào quyền phép và lòng yêu thương của Đức Mẹ.
Về sau, hồi chuông được dịch lên giờ trưa, để
chia ngày ra 2 phần đều nhau sáng chiều, cùng đọc 3 kinh Kính Mừng rồi kinh
Truyền Tin, nhưng vẫn có ý kỉ niệm cuộc chiến thắng anh dũng kì lạ đó.
(Sách ‘Các Ngày Của Mẹ’, tác giả Lm Phêrô
CMC, tập 1 trang 169)
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY A
I. TÌM HIỂU THÁNH LỄ: 9. Các thừa tác
viên khác
Thạch Vinh
Lễ có Thầy phó tế hay không, thì các
phận sự khác đều do giáo dân thi hành. Tiếng chuyên môn của Phụng vụ gọi là
những người giúp lễ nhưng chúng ta cũng có thể tiếp tục gọi họ là những
thừa tác viên. Dầu họ không được lãnh chức, nhưng đây họ không phải là những
giáo dân ăn mặc chỉnh tề để làm kiểng để giúp việc hàng giáo sĩ. Ở đây họ thi
hành một công tác phụng vụ thực sự và như thế họ thi hành chức vụ tư tế do Bí tích
Rửa Tội của họ.
Chúng ta có thể nhìn họ theo hai phương diện
trước hết, vì là giáo dân họ được coi như là những người được dân đề cử để giúp
linh mục, nhưng vì họ có những phận sự của thừa tác viên nên họ cũng được coi
như sứ giả của linh mục nơi dân Chúa. Thực sự, họ vừa là cả hai và hoạt động
của họ là làm gạch nối đi lại là liên lạc giữa lòng nhà thờ và cung thánh.
Một số Thừa tác viên loại này có thể làm
những việc rất gần với những việc của thầy phó tế. Trước hết, các việc liên
quan đến Lời Chúa họ có thể lên giảng đài để đọc các bài Sách Thánh, trừ bài
Phúc âm khi không có thầy Phó tế thì Linh mục đọc bài này.
Ở giảng đài, họ cũng có thể xướng các ý
nguyện trong lời nguyện giáo dân. Sau nữa, họ cũng có thể dẫn Lễ nhưng không
được ở giảng đài. Nhiệm vụ dẫn Lễ này, trước kia cần thiết vì Lễ được cử hành
bằng tiếng La tinh, nay thì không còn lý do tồn tại nữa .
Nếu ngày nay đôi khi cần phải hướng dẫn vắn
tắt thì chính chủ tế sẽ đảm nhận việc này.
Các thừa tác viên này còn có thể thay thế
thầy phó tế để phục vụ Thánh Thể đích thực như giúp Chủ tế ở bàn
thờ, mang lễ vật của giáo dân lên và trong vài trường hợp khi được phép họ có
thể giúp chủ tế cho giáo dân hiệp lễ.
Hát các bài Thánh Vịnh trong ca Nhập lễ,
trong bài Đáp ca, sau Bài đọc thứ nhất, trong bài ca Hiệp Lễ cũng
là một công tác phụng vụ liên hệ đến Lời Chúa nhưng việc này cũng là việc của
ca đoàn.
Ca đoàn không phải là một nhóm nhạc sĩ ca sĩ
có nhiệm vụ trang trí cho cuộc cử hành, hoặc làm vui tai hay giải trí cho giáo
dân.
Ca đoàn là một nhóm tín hữu có khả năng về âm
nhạc thi hành một phận sự phụng vụ đích thực hoặc là để hát cho giáo dân theo
hoặc để hát những bài khó hơn giúp cho việc thờ phượng được tốt đẹp và gây bầu
không khí để suy niệm.
Sau hết các tín hữu lo việc đón tiếp những người
đến nhà thờ, tổ chức các cuộc rước, đi thu tiền, phân phối các sách hay bài
hát. Họ cũng thi hành một công tác phụng vụ đích thực, vì họ góp phần để giúp
mọi người tham gia tích cực hơn.
(theo tìm hiểu Thánh Lễ của A.M Roguet bản in
Ronéo không ghi dịch giả)
II. Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay
Các bài đọc trích trong
1.Ed 37,12-14
2.Rm 8,8-11
3.Ga 11,1-45
Ý chính: Chúa là sự sống lại và là sự sống.
Bài đọc 1: trích ngôn xứ Êdêkien 37,
12-14
Ý chính: Đức Chúa làm những người đã chết ra
khỏi huyệt mộ và được hồi sinh.
Đức Chúa phán với ngôn xứ Ê-dê-ki-en là
Ngài sẽ mở huyệt mộ cho dân Chúa, đưa họ ra khỏi huyệt và cho họ được hồi sinh
nhờ thần khí của Ngài và đưa họ về đất It-ra-en để dân Chúa nhận biết chính
Ngài là Đức Chúa, Ngài đã phán và làm . Ngôn sứ Ê-dê-ki-en
tuyên những lời sấm này khi ông và dân It-ra-en bị lưu đày ở
Ba-by-lon. Những bộ xương khô, những huyệt mộ tượng trưng cho người
It-ra-en những người bị lưu đày và tản mác . Bây giờ khi các giấc mộng đã
sụp đổ thì Thiên Chúa có thể lai xây lên. người gửi thần khí của Người đến làm
cho kẻ chết được hồi sinh. Người muốn phục sinh dân Người.
Sau khi đoàn người lưu đày tại Ba-by-lon đã
trở về thì It-ra-en có nhu cầu tụ tập con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi
về một mối trong một dân It-ra-en đã phục hưng. Thiên Chúa vẫn ở với dân
Người.
Phúc Âm Chúa Kitô theo thánh Gioan 11, 1- 45
Ý chính : Đức Giê-su là sự sống lại và
là sự sống.
Đoạn trích Phúc âm Ga 11, 1-45 thuật lại việc
Đức Giê-su cho La-gia-rô đã chết được sống lại. La-gia-rô là em cô Mác
-ta và cô Ma-ri-a ở Bê-ta-ni-a . Trên đường rao giảng Lời Chúa, Đức Giê-su
thường ghé thăm ba chị em La-gia-rô. Nên khi La-gia-rô đau nặng hai cô cho
người đến nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau
nặng”.Đức Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu...Người còn lưu lại thêm
hai ngày tại nơi đang ở….Người bảo các môn đệ : “La-da-rô, bạn của chúng ta,
đang yên giấc… nhưng các môn đệ tưởng là anh ấy đang ngủ nên nói : anh ấy
ngủ được, anh ấy sẽ khoẻ lại. Bấy giờ, người mới nói rõ : “ La-da-rô đã
chết.”
Khi đến nơi, Đức Giêsu thấy anh La-da-rô đã
chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây
số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các
cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô
Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.
Cô Mác-ta nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu
có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì
Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Đức Giêsu nói: “Em chị
sẽ sống lại!”. Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống
lại trong ngày sau hết”. Đức Giêsu liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là
sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.Ai sống và tin vào
Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”. Cô Mác-ta đáp: “Thưa
Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế
gian”.
Cô Mác-ta đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ:
“Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!”. cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giêsu.
Cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới
chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Thấy cô
khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong
lòng và xao xuyến. Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?”. Họ trả lời:
“Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giêsu liền khóc...
Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang
có phiến đá đậy lại. Đức Giêsu nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị
người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn
ngày”. Đức Giêsu bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ
được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”. Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức
Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện…Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh
La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”. Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt
còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.
Một số người Do-thái chứng kiến việc Đức
Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
Đức Giêsu đã giảng về sự bất tử của linh hồn
và sự phục sinh của thân xác. Người làm dấu lạ này để những ai chưa tin sẽ tin
vào Người. Người là Đấng Chúa Cha sai đến và lời Người giảng dạy là lời chân
thực.
La-da-rô sống lại là dấu chỉ lớn bày tỏ quyền
năng của Thiên Chúa. Ngài đã chiến thắng sự chết . Chết là một thực tại,
nhưng không phải là dấu chấm hết.
Đức Giêsu cũng muốn cho thấy Người sẽ chiến
thắng sự chết. Sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là sự trở lại cuộc
sống trước kia như La-da-rô, như con trai bà góa thành Na-im, như con gái
ông Giai-rô… mà là cuộc vượt qua vinh quang. Người không còn chết nữa… Người
đem lại cho sự đau khổ và sự chết một ý nghĩa và một giá trị đặc
biệt, Đó là cái chết chỉ là giai đoạn chuyển tiếp sang một cuộc sống vĩnh cữu,
tốt đẹp hơn.
Bài đọc 2: Trích thư Rôma 8,8-11
Ý chính : Thần khí của Đức Chúa làm cho thân
xác anh em được cuộc sống mới.
Thánh Phaolo nói với tín hữu Rôma: những ai
bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không
bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên
Chúa ngự trong anh em... Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em
có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em
đã được trở nên công chính...Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết,
thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của
Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
Vậy những ai được Thần khí Đức Ki-tô
ngự trong mình thì thân xác người ấy đón nhận được sự sống mới.
Tóm lại , ba bài đọc đều nói đến sự sống lại
và sự sống. Đức Chúa đã hồi sinh dân Người bị lưu đày, tản mác coi như đã
chết được hồi sinh và được trở về quê hương của mình, xây dựng lại quê hương (
bài đọc 1) Đức Giê-su đã cho anh La-da-rô chết và được mai táng trong mồ đã 4
ngày, sống lại ra khỏi mồ, như chính Người chịu khổ nạn, chịu chết và Phục sinh
vinh hiển. Người không còn chết nữa, để mọi người tin rằng Người là Đấng
Chúa Cha sai đến và lời giảng dạy của Người là chân thực và tin vào Người (
Phúc Âm ) Nhờ tin vào Người thì dù thân xác có chết vì tội lỗi cũng trở nên công
chính và được sự sống mới ( bài đọc 2)
Tham khảo: CGvDT GS 2007 bài của Lm Nguyễn
Tấn Khoa.
27-3-2017 trong tháng Thánh Giuse, trong năm
Thánh Đức Mẹ Fatima
TRÙNG TU NHÀ THỜ ĐỨC BÀ.
Trùng tu với quyết
tâm giữ gìn nguyên trạng hơn 150 năm không phải là dễ. Có người hỏi sao lâu
thế. Thực ra, việc xây đã lâu (hơn chục năm) thì việc sửa cũng tương đương
hoặc khó hơn...
Đây là những điều Cha Xuân thông báo ngày Lễ
Chúa Nhật 26/03/2017 và cũng mong muốn phổ biến nên mình trích lại tóm tắt.
-Từ tháng 7/2015 bắt đầu nhờ các công ty,
trong nước và nước ngoài nghiên cứu và tư vấn phương pháp trùng tu (trong đó có
Cty Việt Kiến Trúc, Casa, Bureau Veritas, Phân viện Khoa Học Công Nghệ xây dựng
Miền Nam.
- Tháng 10/2016 Cha Xuân qua Pháp-Đức, đến
tận nơi các công ty sản xuất để đặt mua vật liệu. Hệ thống khung kẽm, máng xối
là 15 tỉ.
- Đặt mái ngói từ các công ty Monier,
Marseille, Meyer-Holsen, Eurohaus ba loại ngói là 10 tỉ, bảo hành 40 năm.
- Việc sửa hệ thống chuông do các công ty
chính gốc (Paccard, Cornille Havard, Bollée, các công ty đều có tuổi đời trên 2
thế kỷ tư vấn và đấu thầu, khoảng 5 tỉ.
- Mua gỗ lim tại VN khoảng 2.5 tỉ.
- Các chi phí khác là 8 tỉ.
- Chưa có báo giá về bộ kính màu Vitrail.
Có tất cả 13 hạng mục trùng tu, trong đó có
lẽ an toàn trên mái là khó nhất, toàn bộ 27 ngàn viên ngói (trong đó sơ cua 2
ngàn viên) đã đưa về trữ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn.
Công trình ít nhất tốn 100 tỉ. ( nguồn: Fb Mai Trung Chính )
Truyện : CHIẾC ĐỒNG HỒ Ở ĐÂU?
Chiếc đồng hồ của người cha biến đâu mất tìm
không thấy, làm cha rất khó chịu, lật khắp nơi cũng tìm không ra. Đợi người cha
đi ra khỏi phòng, cậu con trai liền lặng lẽ vào phòng, không lâu sau thì tìm
thấy.
Người cha hỏi: Sao con tìm thấy vậy? Con trai
trả lời: Con chỉ ngồi yên lặng một chút, không lâu sau nghe thấy tiếng tích tắc
của đồng hồ ….
Dành cho quý ông CHỒNG
Người chồng thương vợ: sẽ thấy lời vợ nói là
những gì đáng để lắng nghe vì họ muốn hiểu vợ họ hơn.
Người chồng không thương vợ: thà ngủ còn hơn nghe mụ vợ nói nhảm.
Người chồng thương vợ: đi đâu làm gì cũng hỏi
ý vợ. Vợ vui thì đi, không thì ở nhà với vợ. Đơn giản họ không muốn vợ buồn.
Người chồng không thương vợ: đi đâu là quyền
của họ, không việc gì phải nói với vợ. Vợ chứ có phải là mẹ, là bà nội đâu mà
phải xin với chả phép.
Người chồng thương vợ: họ chọn những ngày ý
nghĩa quan trọng được bên vợ.Vì đó là hạnh phúc và niềm vui của họ.
Người chồng không thương vợ: ngày quan trọng
đi chơi với bạn bè, ăn nhậu là niềm vui bất tận.
Người chồng thương vợ: sẽ không bao giờ làm
vợ họ phải khóc, phải rơi 1 giọt nước mắt nào vì họ.
Người chồng không thương vợ: làm vợ khóc
nhiều. Xong còn bảo con này khóc mãi không biết mệt, hay câu chả có việc gì mà
suốt ngày khóc.
Người chồng thương vợ: không bao giờ bỏ vợ ở
nhà 1 mình để đi qua đêm.
Người chồng không thương vợ: qua đêm là
chuyện bình thường. Miễn không làm gì sai là được.
Người chồng thương vợ: nghĩ rằng nghe vợ là
tôn trọng vợ.
Người
chồng không thương vợ: nghĩ rằng nghe vợ là sợ vợ.
Người chồng thương vợ: chỉ muốn dành hết thời
gian cho vợ.
Người chồng không thương vợ: không bao giờ từ
chối được cuộc vui nào từ bạn bè. Thời gian họ dành cho bạn bè còn nhiều hơn
cho vợ.
Người chồng thương vợ: muốn cả thế giới biết
rằng họ yêu vợ họ nhất.
Người chồng không thương vợ: sợ người ta biết
mình yêu vợ.
Người chồng hãy yêu thương vợ mình như Đức
Kitô yêu thương Hội Thánh (Êphêsô 5:25)
TIẾNG NGÁY LÀM TÔI YÊN TÂM
Trần Mỹ Duyệt
háng này tôi phải tiễn chân 4 người bạn
về bên kia thế giới. Những người bạn thân thiết đã một thời quen biết già có, trẻ
có cứ lần lượt bỏ tôi đi khiến dù muốn hay dù không tôi cũng phải suy nghĩ về
thân phận của mình.
Nghĩ đến lúc mình phải từ giã cõi đời
cũng thấy nao nao và có cái gì xao xuyến. Nhưng nếu là số phận thì biết làm
sao, chi bằng nhìn vào cuộc đời để rút ra một vài điều bổ ích cho cuộc sống.
Sống tốt để sau khi nằm xuống khỏi hối hận.
Suy nghĩ vẩn vơ, tôi chợt nhớ ra câu
truyện được kể trong một Khóa Nazareth. Thuyết trình viên kể rằng, trước đây bà
thường dành 1 hoặc 2 tháng xa nhà để trông nom cho các con bà sau khi sinh nở.
Nhưng gần đây bà chỉ dành 1 hoặc 2 tuần cho các con trong những trường hợp như
vậy. Các con bà có hỏi tại sao, thì bà trả lời: “Má nghĩ đã đến lúc má cần dành
nhiều thời gian cho ba các con. Ba các con lúc này mới thật sự cần má. Miếng
cơm manh áo của ba, giấc ngủ và sức khỏe của ba luôn luôn là điều mà má phải
quan tâm. Ba má nay đã cao tuổi, thời gian còn ở với nhau được bao lâu, nên má
thấy cần ba, và ba cũng cần má.”
Đúng vậy, câu trả lời của bà rất ý
nghĩa và đánh động tôi rất nhiều. Và nghĩ đến điều này tôi càng thấy thương cho
các cặp vợ chồng trẻ mà không hiểu sao họ lại coi nhau như cỏ rác, như kẻ
thù, và như những tạo vật đáng ghét. Cãi vã, chửi rủa, và làm cho nhau đau lòng là
những chuyện thường ngày xảy ra mà họ không hề để ý quan tâm tới. Nhưng sẽ có
một ngày mà nếu không nghĩ lại, họ sẽ hối hận rất nhiều.
Cũng một câu truyện trong nhiều câu
truyện mà tôi vẫn nghe về đời sống hôn nhân, về những khó chịu, về những hiểu
lầm, về những xích mích giữa vợ chồng. Nhưng trong những cái làm cho nhau khó
chịu ấy, lần này tôi được nghe một nhận xét tích cực, và xây dựng. Truyện do
một người vợ trẻ kể lại:
“Tôi thường ngày rất khó chịu và hay
cằn nhằn chồng tôi vì anh có cái tật ngủ ngáy to. Bình thường thì cũng không
đến nỗi nào, nhưng những đêm mất ngủ thì tiếng gáy của anh là một tra tấn dã
man đối với người mất ngủ như tôi. Những đêm như vậy tôi khó chịu và ghét anh
vô cùng. Nhưng gần đây thì tôi không còn thù ghét tiếng ngáy đó nữa, mà ngược
lại, bất cứ lúc nào thức giấc ban đêm mà tôi không nghe tiếng gáy đó là tim tôi
đập thình thịch, và ngớ ngẩn suy nghĩ không biết chuyện gì xẩy ra cho anh.
Thời gian gần đây tôi thường bị lo
lắng, hốt hoảng, và sợ hãi. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện quan trọng, chuyện
tầm thường, chuyện trong nhà, chuyện ngoài ngõ hễ cái gì đập vào mắt tôi, lọt
vào lỗ tai tôi đều làm cho tôi suy nghĩ và lo lắng. Tôi trở thành mất ăn,
mất ngủ, và mất hết nghị lực để sống.
Nhưng người mà phải gánh chịu mọi
dằn vặt, kêu ca, cằn nhằn, khó chịu từ tôi đó chính là chồng tôi.
Tôi đã được khuyến khích đi gặp những bác sỹ
chuyên môn và uống những thứ thuốc đắt tiền, nhưng cũng chẳng giúp gì ngoại trừ
tôi phải trút đổ trên đầu chồng tôi hết mọi thứ lo lắng, bực bội trong
tôi, họa may tôi mới được nhẹ nhõm một chút.
Thì ra, chồng tôi chính là cái thùng rác
để tôi trút bỏ mọi thứ ngổn ngang trong cuộc sống vào đó.
Cho đến một ngày tôi bừng nhận ra tôi
đã gây đau khổ cho chồng tôi quá nhiều. Tôi hối hận, và tôi cảm
thấy hết sức lo lắng.
Tôi lo lắng cho sức khỏe của anh cũng như tôi
đang lo lắng cho chính mình. Tôi sợ rằng điều mà tôi gây ra cho anh sẽ làm anh
sớm bỏ tôi hơn là do căn bệnh quái ác của tôi khiến cho tôi phải bỏ lại anh.
Tôi vẫn thường nghe nói, những người chăm sóc cho người bệnh thường lại chết
trước người bệnh. Và điều này khiến tôi chợt tỉnh. Nó giúp tôi từ từ bình phục
cùng với sự giúp đỡ, thương yêu và lo lắng của người chồng rất mực yêu thương
tôi.
Cũng từ đó, mỗi đêm tôi đều ôm sát lấy
anh dù là trong giấc ngủ vì sợ rằng anh sẽ vuột mất. Nhất là mỗi đêm tôi phải
để ý, nghe ngóng từng hơi thở, tiếng ngáy của anh. Tiếng ngáy của anh lúc này
đối với tôi có một ý nghĩa rất tuyệt vời. Nó bảo tôi rằng anh hãy còn khỏe
mạnh, đang ngủ say bên tôi, và vẫn còn đang sống với tôi. Tiếng ngáy
làm tôi yên tâm. Làm tôi thấy hạnh phúc”.
Có những mối tình già mà người này không thể
quên săn sóc cho người kia. Có những mối tình trẻ mà tiếng ngáy đã có lần làm
khó chịu nhưng bỗng trở nên âm thanh mang lại hạnh phúc cho nhau.
Cái đó gọi là tình yêu. Là quan
tâm và lo lắng cho nhau.
Là vợ chồng, và là một xương một thịt. Còn gì
trên đời đáng yêu, đáng quí, và đáng gìn giữ hơn người chồng, người vợ. Nhưng
cũng không biết trên đời có bao nhiêu người đã khám phá, tiếp tục khám phá và
trân quí món quà thiêng liêng nhưng cũng rất vật chất này? Hay phải chăng phải
đợi đến khi không còn thấy mặt nhau, nghe tiếng nhau, nghe tiếng ngáy của nhau
mới hốt hoảng, mới đau khổ đi tìm.
“Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra
đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn
Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây
giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im
hơi
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người
Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây
giờ
Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại
Đừng đợi ngày mai có khi tôi đành xuôi
tay
Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương
Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây
khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người.”
Tiếng hát của ai đó qua nhạc phẩm “Nếu Có Yêu
Tôi” của Trần Duy Đức vang vọng trong đêm khuya như âm vang tiếng ngáy của
người chồng trẻ. Tiếng gáy mà theo vợ anh là “Tiếng ngáy làm tôi yên tâm. Làm
tôi thấy hạnh phúc”.
Cũng như thức tỉnh cái nhìn của những cặp vợ
chồng sau những năm dài chung sống:
“Ba má nay đã cao tuổi, thời gian còn ở với
nhau được bao lâu, nên má thấy cần ba, và ba cũng cần má.”
Đúng vậy, hạnh phúc luôn ở bên ta, quanh quẩn
bên ta trong người chồng, người vợ mà hàng ngày gặp gỡ, chỉ cần ta :
thay đổi thái độ,
thay đổi cái nhìn,
và thay đổi lại phán đoán về người đó.
Ấn Độ: nữ tu Rani Maria sắp được phong chân
phước
Giáo Hội sắp có thêm một tân chân
phước, đó là Nữ tu Rani Maria Vattalil, người bị đâm chết vì giúp người nghèo.
Hôm 23-3, Đức Thánh cha Phanxicô “ký đơn đề
nghị” của Bộ Phong Thánh công bố “sắc lệnh tử đạo” đối với nữ tu dòng
Franciscan Clarist (1954-1995), và phong chân phước cho nữ tu. Xơ bị kẻ sát
nhân đâm 54 nhát dao. Radio Vatican nói đến sự tha thứ của gia đình nữ tu đối
với kẻ sát nhân: qua một hành vi tượng trưng, một trong các cô em của nữ tu đã
nhận kẻ sát nhân là “em”.
Rani Maria sinh ngày 29 tháng 1-1954, xơ là
con thứ nhì trong một gia đình có 7 người con ở Pulluvazhy, một làng nhỏ
gần Kochi, thủ đô thương mại của Kerala. Năm 1972, xơ vào Dòng Clara Phanxicô ở
Kidangoor, hai năm sau xơ khấn lần đầu. Xơ chọn tên Rani (Nữ Vương) Maria. Năm
1975 xơ bắt đầu truyền giáo ở Bijnore, Bắc Ấn, năm 1992 xơ đến Udainagar, quận
Dewas, ở đây xơ làm việc với các nông dân không có đất, đấu tranh để các nông
dân có được quyền cho mình và được lãnh lương đúng. Một cuộc đấu tranh không
làm cho các chủ đất bằng lòng.
Ngày 25 tháng 2-1995, Samundhar Singh, một
nhân viên của các chủ đất đâm xơ trên xe buýt. Lúc đó xơ 41 tuổi. Khi xơ chạy
ra khỏi xe buýt, tên sát nhân đuổi theo và đâm xơ. Xơ chết trên vệ đường
Nachanbore Hill, gần Indore, xơ Rani Maria tiếp tục kêu: “Giêsu! Giêsu!” cho
đến hơi thở cuối cùng.
Gia đình của xơ Rania Maria đã làm trò cười
cho dư luận khi tha thứ cho kẻ sát nhân Samundhar Singh, biến Samundhar thành
“em trai” của họ: Cô em của xơ Selmy Paul, cũng tu cùng Dòng đã kết “rakhi” với
kẻ sát nhân, một biểu tượng thiêng liêng của tình huynh đệ và che chở theo
phong tục Hinđu. Và bà Eliswa, mẹ của xơ Rani Maria, cũng đã vào tù thăm kẻ sát
nhân, hôn tay người đã giết con mình.
Hành vi này đã làm cho Samundhar chấn động,
anh ăn năn hối cải về hành động của mình. Bây giờ sau khi ở tù xong, anh có đời
sống gương mẫu trong làng của mình. Năm 2013, phim tài liệu “Quả tim của kẻ
giết người” (The Heart of a Murderer), kể câu chuyện tội ác và ăn năn hối cải
của Samundhar được giải thưởng Liên hoan phim thế giới về hòa hợp tôn giáo. Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Phép lạ của hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô
và Giaxinta
VATICAN. Hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta
Marto được công nhận phép lạ và sắp được phong Hiển thánh.
Với phép của ĐTC, hôm 23-3-2017, Bộ Phong
Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai Chân Phước
đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cách đây 100 năm cùng với chị họ Lucia, đó là
Phanxicô Marto, sinh ngày 11-6-1908, qua đời ngày 4-4-1919, và Giacinta Marto,
sinh ngày 11-3-1910, qua đời ngày 20-2-1920.
Hai thiếu nhi đã được thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II tôn phong chân phước tại Đền thánh Fatima ngày 13-5 Năm Thánh 2000.
Nhiều người hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự lễ phong Hiển Thánh cho hai
vị trong thánh lễ ngày 13-5-2017 tới đây tại Fatima, tuy nhiên chưa có thông
cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này.
Cũng ngày 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công
bố 6 sắc lệnh khác liên quan đến các án phong khác:
- Sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển
cầu của Chân phước Angelo da Acri, LM thuộc dòng Capucino (1669-1739)
- Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha
Giuse Maria Fernández Sánchez, và 32 bạn thuộc dòng Lazzariste và 6 giáo dân
thuộc Hội Ảnh Vảy Đức Mẹ Maria tử đạo năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban
Nha.
- Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Nữ tu
Regina Maria Vattalil, dòng Clarissa Phanxica, tử đạo ngày 25-2-1995.
- Ba sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức
anh hùng của ba vị tôi tớ Chúa.
Sau cùng, ĐTC chấp thuận đề nghị của các Hồng
Y và GM thành viên Bộ phong thánh về việc phong hiển thánh cho
- 30 vị tử đạo ở Brail ngày 16-7-1645 và
3-10-1645, đứng đầu là cha Andrea de Soveral và Matteo Moreira.
- Ba thiếu niên tử đạo: Cristoforo, Antonio
và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529.
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana)
Các nguyên tắc ăn uống cơ bản cải thiện sức
khỏe và chất lượng cuộc sống
Để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc
sống, bạn cần lưu ý các nguyên tắc ăn uống cơ bản do chuyên gia khuyến
cáo.
Giữa vô vàn thực phẩm, bạn phải tự
mình phân định cái gì nên và không nên ăn. Điều đó cần rất nhiều thời gian để bạn
tìm hiểu kỹ và rút ra bài học thực dưỡng cho bản thân. Trên hết, bạn cần nắm
bắt những nguyên tắc ăn uống sau đây để cuộc sống luôn khỏe mạnh, theo Telegraph.
Giảm đường Cần giảm tối đa lượng đường nạp
vào cơ thể hoặc bỏ hoàn toàn nếu bạn đang cố giảm cân. Ăn ngọt có liên quan đến
nhiều bệnh mạn tính, đặc biệt là tiểu đường và ung thư.
Sạch và tự nhiên Bạn cần lưu ý chọn mua thực
phẩm tươi sống tự nhiên và tránh đồ đóng hộp. Nhiều thực phẩm chế biến sẵn hầu
như không có giá trị dinh dưỡng.
Tăng cường omega-3 Hãy giữ một chế độ ăn đơn
giản xoay quanh thịt, cá, trứng, rau cải, gạo nâu (gạo lứt) và salad. Đây là
những thực phẩm có chứa a xít béo omega-3. Để tăng cường omega-3, bạn có thể ăn
nhiều loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá mòi... Axít béo omega-3 trong các
loại cá trên có chức năng làm giảm nguy cơ loạn nhịp tim và xơ vữa động mạch.
Nên ăn cá béo tối thiểu 2 lần/tuần.
Cân nhắc với bánh mì Dù bánh mì là thực phẩm
đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến trong các bữa ăn, nhưng bạn cần biết là
cơ thể chúng ta không giỏi tiêu hóa bột mì trong các sản phẩm hiện đại. Do đó,
bạn nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này.
Trần Ka ( báo Thanh Niên Online)
Thứ Sáu đầu tháng 07/04: thánh Gioan La san ,
linh mục
Chúa nhật Lễ Lá 09/04: Tưởng niệm cuộc thương
khó của Chúa Giêsu
THÔNG TIN : Thứ Sáu đầu tháng 07/04: Thánh Lễ
:17g30 và 19g 30 dành cho giới trẻ liên xứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét