LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU
Lạy Chúa
Giê-su, lòng xót thương và quyền năng của Chúa đã phục sinh La-da-rô, người mà
Ngài thương mến. Xin Thánh Thần Chúa ngự đến giúp chúng con hiểu, sống Lời Chúa
qua Tin Mừng Ga 11,1-45 và củng cố lòng tin cho chúng con. (Hát: Lạy Chúa
Thánh Thần…)
TÌM HIỂU TIN
MỪNG Ga 11,1-45
LỜI MỞ
Kính thưa
cộng đoàn!
Giáo Hội sẽ
công bố Tin Mừng Ga 11,1-45 vào Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A với chủ đề: Thiên
Chúa có uy quyền trên cả sự chết lẫn sự sống.
SUY NIỆM:
Trình
thuật Tin Mừng chúng ta vừa đọc được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp hoàn tất
cuộc đời loan báo hồng ân cứu độ trên dương thế của Ngài. Chúng ta cùng nhau
tìm hiểu 4 ý sau:
1/ Chúa
Giêsu với các môn đệ:
Tại sao khi
nghe tin La-da-rô đau nặng, Chúa Giêsu không đi Bê-ta-ni-a ngay, nhưng còn chờ
hai ngày nữa mới đi? Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu muốn Lazarô thực sự chết và
bắt đầu có mùi, để người chứng kiến không nghi ngờ về quyền năng làm cho sống
lại của Ngài. Lại có ý kiến khác cho rằng Chúa Giêsu không muốn làm vì ảnh
hưởng của người khác, như khi Đức Mẹ yêu cầu tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11) hay
khi các anh em Ngài thúc giục Ngài đi Giê-ru-sa-lem (Ga 7,1-10). Chúa Giêsu
muốn Ngài làm khi nào Ngài muốn. Cả hai ý kiến đều có thể xảy ra.
“Yên giấc”hay
“ngủ” là từ rất thông dụng trong mọi thời, mọi nơi để nói nhẹ nhàng, tế nhị về
cái chết (x. 2S7.12; 1V2.10; Mt 27.52; Cv 7.60…). Các môn đệ hiểu theo mặt chữ,
nên họ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ
lại." Bấy giờ Người mới nói rõ: "Lazarô đã chết. Thầy mừng cho anh
em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh
ấy."
2/ Chúa
Giêsu với Mác-ta.
Mác-ta biểu
lộ tâm tính của một người luôn nhanh nhẩu hoạt động; trong khi Maria là người
luôn thâm trầm hướng về đời sống nội tâm. Nghe tin
Chúa Giêsu đến, cô nhanh nhẩu chạy ra đón Ngài và nói với Đức Giêsu: "Thưa
Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ
điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Mác-ta tin
Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh. Còn việc Chúa Giêsu làm cho người chết sống
lại, có lẽ cô chưa bao giờ nghĩ tới.
a) Cánh
chung đời sau: Người Do-thái sống thời Chúa Giêsu đã có niềm tin vào sự sống
đời sau. Điều này được ghi lại trong Sách Đa-ni-en và II Mác-ca-bê. Vì thế, khi
Chúa Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại!" Mác-ta nghĩ Chúa Giêsu nói về
cánh chung đời sau, nên thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết
sống lại trong ngày sau hết."
b) Cánh
chung hiện tại: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự
sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào
Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?"
Với Chúa
Giêsu, con người không cần phải đợi tới đời sau mới được hưởng sự sống đời đời.
Nếu họ tin vào Ngài, họ đã bắt đầu được sống đời đời ngay từ cuộc đời này, cái
chết chỉ là một sự thay đổi, một giấc
ngủ tạm thời từ đời này sang đời sau, trong khi mối liên hệ của họ với Thiên
Chúa không gì có thể thay đổi được. Khi một người không sợ ngay cả cái chết,
lúc đó họ mới thực sự sống, và sống tròn đầy.
3/ Chúa
Giêsu với Maria:
Tục lệ của
người Do-thái là khóc thương người chết trong vòng từ 7 ngày cho đến một tháng,
tùy sự liên hệ và sự thương tiếc. Có lẽ vì không muốn cho quan khách biết việc
Chúa Giêsu đến hay đã được dặn bởi Chúa Giêsu, Mác-ta về nhà và nói nhỏ với
Maria: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Nghe vậy, cô Maria vội đứng
lên và đến với Đức Giêsu. Tuy vậy, những người Do-thái đang ở trong nhà với cô
Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô
ra mộ khóc em.
a) Phản ứng
của Maria: Giống như chị Mác-ta biểu lộ lòng thương em, khi Maria vừa thấy Chúa
Giêsu, liền phủ phục dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở
đây, em con đã không chết." Cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng
khóc.
b) Phản ứng
của Chúa Giêsu: Khi chứng kiến nỗi khổ đau của Maria và thân hữu của cô, trình
thuật kể “Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến” và “Ngài khóc.” Có
một số người không tin Thiên Chúa có thể bị khuấy động và thử thách bởi con
người (Stoics); nhưng theo tác giả Thư Do-thái, Chúa Giêsu mặc lấy thân xác con
người có nghĩa Ngài trở nên giống chúng ta về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi.
Ngài đồng cảm với con người, và rất nhiều lần trong Tin Mừng diễn tả Chúa Giêsu
“hay tỏ lòng thương xót” cho con người. Ngài yêu mến ba chị em Mác-ta, và Ngài
đồng cảm với họ tới nỗi Ngài đã bật khóc khi chứng kiến nỗi đau khổ của họ.
4/ Chúa
Giêsu với La-da-rô:
Mộ của người
chết bên Do-thái thời Chúa Giêsu không phải là những ngôi mộ riêng biệt, nhưng
là những nhà mồ. Tùy vào số người trong gia đình mà nhà mồ được chia thành
nhiều ngăn, nó có hình dạng giống như phòng ngủ với giường tầng hai bên và một
lối đi chính giữa. Lối vào là một tảng đá có thể khép lại như cửa kéo. Người
chết được cuốn khăn chung quanh chân tay, mặt được cuốn riêng, rồi cả thân thể
được ướp thuốc thơm và bọc trong một bao vải. Thi thể người chết sẽ được đặt
lên giường và để tự nó thối rữa đi, xương cốt còn lại sẽ được thu gọn để lấy
chỗ chôn những người khác.
a) Niềm tin
của Mác-ta: Đức Giêsu truyền: "Đem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị
người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã
được bốn ngày." Đức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng
nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Mác-ta có
thể nghĩ Chúa Giêsu muốn nhìn mặt em mình lần cuối, nhưng mặt đã bị băng kín và
đã có mùi rồi. Mác-ta có thể chỉ tin uy quyền của Chúa Giêsu cách giới hạn
trong việc chữa bệnh, chị không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho em chị đã
chết 4 ngày được sống lại. Chúa Giêsu nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa làm
được mọi sự, ngay cả việc làm cho người đã chết được sống lại.
b) Niềm tin
của Chúa Giêsu: Ngài biết Chúa Cha luôn nhận lời Ngài cầu xin dù bất cứ sự gì.
Mục đích của việc cho La-da-rô sống lại là để khơi mào đức tin của dân chúng
đang đứng chung quanh Ngài, chứ không phải để làm vinh danh cá nhân Ngài. Chúa
Giêsu muốn dân chúng tin Ngài là Đấng Mê-si-a, được sai đến bởi Chúa Cha. Cầu
nguyện xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!"
Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo:
"Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi." Chúng ta thử tưởng
tượng chính mình được chứng kiến cảnh tượng này và toàn thân sẽ toát lạnh vì sợ
hãi. Xưa nay, chưa từng có ai được chứng kiến cảnh người đã chết trong mộ 4
ngày nhờ một lệnh truyền mà bước ra khỏi mộ.
c) Niềm tin
của những người Do-thái: Trong số những người Do-thái đến thăm cô Maria và được
chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nếu Ngài không bởi
Thiên Chúa mà đến, Ngài sẽ không thể làm được một phép lạ lớn lao như vậy.
GỢI Ý THỰC
HÀNH
1/ Cám dỗ
ảnh hưởng đời sống đức tin.
“Ta sẽ đưa
các ngươi lên khỏi huyệt…và các ngươi sẽ được hồi sinh”. Nếu nỗi tuyệt vọng và
thái độ thiếu kiên nhẫn đã dẫn dân Do Thái phải từng bước đi đến chỗ suy vong
và hủy diệt, ngôn sứ Ê-dê-ki-en (37,12-14) lại khơi lên nơi họ niềm hy vọng và
sự kiên nhẫn đợi chờ chính Chúa sẽ đến để mang họ ra khỏi cõi chết để đưa vào
cõi sống bất diệt.
Khi đối diện
với khó khăn thử thách, con người rất dễ bị đẩy vào chỗ bi quan, tuyệt vọng.
Cơn cám dỗ này có ảnh hưởng ít nhiều trên đời sống đức tin của tôi không?
2/ Chọn lựa
ưu tiên trong đời sống đức tin.
“Nếu Đức
Kitô ở trong anh em , thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần
Khí cũng ban cho anh em được sống” (Rm 8,10). Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô chính
là chìa khóa dẫn con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Khi bị cám dỗ bởi danh vọng,
chức quyền, tiền bạc hoặc bị áp lực bởi cuộc sống “cơm áo gạo tiền, chạy ăn
từng bữa”, mối ưu tư hàng đầu để sống đức tin của tôi là gì? Có là một chọn lựa
ưu tiên cho niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu Kitô không?
3/ Chọn lựa
sống khôn ngoan.
“La-da-rô
bạn chúng ta đang ngủ”. Quan niệm chết chỉ như một giấc ngủ làm cho con người
không quá đớn đau vì nỗi xót xa mất đi người thân yêu. Quan niệm niệm này còn
khơi lên người tín hữu niềm hy vọng vào sự sống lại, sự sống vĩnh cửu nơi Đức
Giêsu Phục sinh, bên Thiên Chúa. Tôi có biết chọn lựa sống khôn ngoan để có
được một cái chết đúng nghĩa không?
LỜI CHÚA ĐỂ
SUY NIỆM
1/ "Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết." (câu
25-26)
2/ "Con
vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian." (câu
27 )
3 / Đức
Giê-su cầu nguyện xong, kêu lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi
mồ!" (câu 43)
LỜI NGUYỆN
1/ “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con ý thức hiệp
thông vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, nhận ra giá trị của sự sống đời đời,
để không ngừng chết đi cho con người cũ và hân hoan bước vào đời sống mới trong
ơn Chúa cứu độ.
2. “Anh Lagiarô! Hãy ra khỏi mồ”.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa là Chúa của sự sống, của những
người công chính. Xin cho chúng con tin vững vàng vào quyền năng và tình
thương của Ngài, dẫu phải đối diện với cái chết, vì sau đó, chúng con sẽ được sống
viên mãn với Chúa trên Nước Trời.
3. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, nhiều người ngày nay
khinh thường mạng sống Chúa ban: Họ tự sát, giết hại trẻ sơ sinh vô tội, hoặc đoạt mạng người khác chỉ vì nóng giận. Xin
Chúa cho mọi người nhận ra giá trị của sự sống để biết tôn trọng mạng sống mình
và mạng sống kẻ khác.
Nhóm Tông Đồ
Thánh Kinh
Gioa-kim
Phạm Văn Lượng
Tham khảo: Bài suy niệm của Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP - http://loinhapthe.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét