CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 18.A CHÚA NHẬT 4 Mùa Chay Năm A 26-03-17











Lời Chúa : Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin."(Ga 9,38)
Lời Chúa : 1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41

 Ngọn đèn đức tin – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Ta nhìn thấy được là nhờ có ánh sáng. Đôi mắt là ánh sáng của thân thể. Nếu mắt hư hỏng, thì dù bên ngoài trời có sáng trưng, ta vẫn không thấy gì hết. Người bị hư mắt sống hoàn toàn trong đêm tối.
Có nhiều thứ đêm tối. Cũng như có nhiều loại mắt.
Có thứ đêm tối u mê dốt nát. Ánh sáng văn hoá có đó. Sách vở chữ nghĩa có đó. Nhưng ta không đọc được. Vì ta mù chữ. Trí tuệ ta thiếu đôi mắt. Nên ta chìm trong đêm tối u mê.
Có thứ đêm tối phàm phu. Thiên nhiên có biết bao cảnh đẹp. Nhìn cảnh hoàng hôn, bình minh, người hoạ sĩ có thể xúc cảm vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Ta không cảm được vẻ đẹp của đất trời vì ta không có cặp mắt hoạ sĩ. Nghe chim ca, nhìn lá rụng, thi sĩ có thể viết nên những vần thơ. Còn ta, ta không nghe được sứ điệp của chim, không cảm được nỗi buồn của lá, vì ta không có tâm hồn, ánh mắt nhạy cảm của nhà thơ.
Có thứ đêm tối đức tin. Cuộc sống thần linh có đó. Thiên Chúa hiện hữu đó. Nhưng ta không thấy được nếu ta không có đức tin.
Đức tin là ánh sáng soi rọi vào thế giới vô hình, cho ta thấy được những điều mà người không tin không thấy. Đức tin là ngọn đèn soi cho ta bước đi trên con đường tiến về cuộc sống vĩnh cửu. Ngọn đèn ấy chỉ đủ sáng cho ta bước từng bước nhỏ. Trong khi bầu trời vẫn tối đen để ta phải phó thác tin yêu.
Tin là một thái độ dấn thân. Người mù đi ra giếng Silôê rửa theo lời dạy của Chúa Giêsu vì anh tin. Anh có thể nghi ngờ: Rửa nước giếng có gì tốt đâu? Nhưng anh đã đi vì anh tin lời Chúa. Tin rồi anh không ngồi lì một chỗ nhưng dấn thân, lên đường và hành động theo lời Chúa dạy.
Tin là một hành trình ngày càng gian khổ. Đức tin cần phải có thử thách. Thử thách như những bài học ngày càng cao, càng khó bắt người tin phải có thái độ lựa chọn ngày càng dứt khoát hơn. Ta hãy dõi theo hành trình của anh thanh niên bị mù.
Thoạt tiên, việc dẫn thân của anh khá dễ dàng. Anh chỉ việc đi ra giếng Silôê rửa bùn đất mà Chúa Giêsu đã đắp lên mắt anh.
Kế đó anh phải đối phó với một tình hình phức tạp hơn: Người ta nghi ngờ anh. Người ta tò mò xoi mói anh. Nhưng anh đã vững vàng vượt qua thử thách đó. Anh dõng dạc tuyên bố: Chính tôi là người mù đã ăn xin tại cổng thành.
Tình hình phức tạp hơn khi gia đình anh tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Anh khá đau lòng và cảm thấy cô đơn. Anh được sáng mắt. Anh có niềm tin. Đó là một biến cố quan trọng thay đổi toàn bộ đời anh. Thế mà những người thân thiết nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình vẫn thờ ơ, lãnh đạm. Để vững niềm tin vào Chúa, anh đành chấp nhận hành trình đơn độc. Vì tin Chúa anh đành cam chịu sự thờ ơ lãnh đạm của những người thân. Trung thành với niềm tin đã làm trái tim anh rướm máu.
Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với quyền lực tôn giáo. Họ mạt sát anh là sinh ra trong tội lỗi. Họ tố cáo Chúa Giêsu đã lỗi phạm luật nghỉ ngày Sabbat. Và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi hội đường. Đây là hình phạt nặng nề nhục nhã nhất đối với người Do Thái. Bị gia đình từ bỏ. Giờ đây lại bị xã hội chối từ. Anh trở thành người cô đơn nhất. Đây là thử thách lớn lao nhất. Nhưng anh vẫn vững vàng vượt qua. Lựa chọn của anh giờ đây là dứt khoát. Mất tất cả chỉ để trung tín với niềm tin của mình.
Đúng lúc đau đớn nhất Chúa Giêsu lại xuất hiện. Như để khen thưởng cho đức tin kiên vững của anh. Chúa Giêsu tỏ cho anh biết Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Lập tức anh quỳ sấp mặt xuống thờ lạy Người. Hành trình niềm tin gian khổ thế là chấm dứt. Anh đã gặp được Chúa Kitô.
Như thế niềm tin tăng dần theo với thử thách. Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh. Thoạt tiên, anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: “Một người tên là Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”. Những câu hỏi của đám đông, những tra vấn của Pharisêu khiến anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng: “Ngài thật là vị tiên tri”. Khó khăn bắt bớ của giới chức tôn giáo thời đó lại khiến anh khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”. Và sau cùng anh đã nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
Đức tin giống như hạt ngọc bị lớp đất bụi che phủ. Những khó khăn thử thách giống như chiếc dũa, dũa sạch bụi đá. Càng dũa nhiều, ngọc càng sáng. Đức tin giống như ngọn đèn. Thử thách gian khổ là dầu. Càng có nhiều dầu gian khổ, đèn đức tin càng toả sáng, càng toả nóng.
Hành trình đức tin của anh thanh niên mù chính là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Anh thanh niên mù đã chiến đấu với những bóng tối vây phủ đức tin của anh. Anh đã kiên trì và đã chiến thắng. Anh đã ra khỏi tối tăm, gặp được Chúa Kitô nguồn ánh sáng. Đời anh từ nay tràn ngập ánh sáng niềm tin. Còn tôi, tôi đã chiến đấu thế nào với những thế lực bóng tối đe doạ đức tin của tôi? Những bóng tối nghi kỵ, những bóng tối thù hận, những bóng tối độc ác, những bóng tối tự mãn kiêu căng, những bóng tối dục vọng tội lỗi. Tôi có can đảm chiến đấu để phá tan những bóng tối đó không?
Anh thanh niên mù đã giữ ngọn đèn đức tin khỏi mọi bão gió, lại còn đổ dầu đầy bình, giữ cho đèn cháy sáng cho đến khi gặp Chúa Kitô. Ngày Rửa Tội, Chúa đã trao cho tôi ngọn đèn đức tin. Biết bao ngọn gió đã thổi ngang đời tôi, muốn dập tắt ngọn đèn đức tin của tôi. Liệu tôi có giữ được ngọn đèn đức tin cháy sáng cho đến ngày ra gặp mặt Chúa?
Mùa Chay chính là cơ hội cho tôi khêu ngọn đèn đức tin cho sáng, đổ dầu đầy bình cho ngọn đèn đức tin cháy mãi. Dầu, đó là sự ăn chay, cầu nguyện, là thống hối, là hoà giải, là chia sẻ cho người túng thiếu.
Xin Chúa Kitô là ánh sáng trần gian dẫn con đi suốt hành trình đức tin để con thoát mọi bóng tối, đến gặp Người là ánh sáng tinh tuyền, ánh sáng vĩnh cửu.Amen.

GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
§  Câu Giáo lý 355: H./ Hội Thánh có thái độ nào/ đối với những người đã ly dị tái hôn? 
T./ Hội Thánh không thể công nhận hôn nhân/ của những người đã ly dị tái hôn,/ nhưng vẫn ân cần chăm sóc,/ mời gọi họ duy trì đời sống đức tin,/ cầu nguyện, thực hành các việc bái ái/ và chăm lo giáo dục con cái theo Kitô giáo./ Bao lâu tình trạng này kéo dài,/ bấy lâu họ không thể xưng tội, rước lễ/ và đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh [349].




ĐGH Phanxico: ĐƯỢC THA THỨ VÀ THỨ THA
Được tha thứ và thứ tha: đó là mầu nhiệm rất khó hiểu. Chúng ta cần cầu nguyện, sám hối và xấu hổ vì tội lỗi mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ơn xấu hổ vì tội lỗi mình: đó là bước đầu tiên của mầu nhiệm tha thứ
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông chủ đã tha nợ cho tên đầy tớ, nhưng tên đầy tớ lại không tha nợ cho người bạn. Như thế tên đầy tớ không hiểu được mầu nhiệm của ơn tha thứ.
Nếu tôi hỏi rằng: “Nhưng mà tất cả các anh đều là những kẻ tội lỗi?” – “Vâng, thưa cha, đúng thế.” – “Các anh có muốn được tha tội không?” – “Nào chúng ta thực hành việc xưng tội!” – “Và thế là bạn đi xưng tội.” – “Nhưng rồi, bạn đi xưng thú tội lỗi với vị linh mục, vị linh mục ban phép tha tội kèm theo lời khuyên đọc ba kinh Kính Mừng, và rồi bạn ra về trong bình an.” Nhưng mà bạn không hiểu! Vì bạn chỉ đi xưng tội giống như kiểu các nhân viên làm nhiệm vụ trong công sở. Vì bạn không xấu hổ về những gì sai trái bạn làm. Bạn thấy một số điều trong lương tâm mình, nhưng bạn đã sai khi tin rằng, tòa giải tội giống như một cửa hàng giặt đồ để tẩy xóa những vết bẩn. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể xấu hổ về tội lỗi mình.
Tôi có thể tha thứ, chỉ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha
Khi người ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì có sự biến đổi trong cõi lòng họ. Họ có thể ý thức được sự biến đổi trong tâm hồn mình, hay là, thay vào đó, lại đi ra và tìm một người bạn để bắt đầu nói xấu về người khác và rồi tiếp tục phạm tội. Thực sự, tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.
Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm.
Luôn quảng đại tha thứ
Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, sau khi được ông chủ tha nợ, người đầy tớ ra đi và bắt nợ người bạn. Người đầy tớ tỏ ra thông minh nhưng lại không hiểu lòng hảo tâm của ông chủ. Chúng ta cũng thế, biết bao lần chúng ta ra khỏi tòa giải tội, và cảm thấy việc xưng thú của mình. Nhưng rồi… Khi làm giống như người đầy tớ, chúng ta không đón nhận ơn tha thứ, nhưng tựa như một thói giả hình đi ăn cắp sự tha thứ.
Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin ơn hiểu được “tha bảy mươi lần bảy” nghĩa là gì. Để xin ơn biết xấu hổ trước nhan Chúa. Đó thực sự là ơn rất lớn! Xấu hổ vì tội lỗi mình, và đón nhận ơn tha thứ, để rồi sau đó nhận ơn quảng đại tha thứ cho tha nhân. Bởi vì, Chúa đã tha thứ cho tôi quá nhiều, chẳng lẽ tôi lại không thứ tha cho anh chị em tôi?

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha  nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2017
Ðức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định: "Giáo Hội và xã hội đang cần người trẻ, với giấc mơ và lòng can đảm, họ có thể làm sụp đổ những bức đường im lìm bất động và mở ra con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn".
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp Video công bố hôm 21 tháng 3 năm 2017, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 32 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật Lễ Lá, 9 tháng 4 năm 2017, với chủ đề là câu nói của Mẹ Maria: "Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1,49).
Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha nói: "Với Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới chúng ta lên đường tiến về điểm hẹn là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34 sẽ được cử hành ở cấp hoàn vũ tại Panama vào năm 2019. Trong hành trình này, Mẹ Maria đồng hành với chúng ta". Vì thế, chủ đề của Ngày Quốc tế giới trẻ năm 2018, là "Hỡi Maria, đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ơn nghĩa với Thiên Chúa" (Lc 1,30), và đề tài cho năm 2019 là: "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi theo lời Sứ thần" (Lc 1,38).
Bàn về chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2017, Ðức Thánh Cha nhận định rằng "Mẹ Maria biết cảm tạ Thiên Chúa, Ðấng đã nhìn đến thân phận bé nhỏ của Mẹ và Mẹ nhận ra những điều vĩ đại Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của Mẹ; và Mẹ lên đường đi gặp bà chị họ Elisabeth cao tuổi và đang cần sự gần gũi của Mẹ. Mẹ Maria không khép kín trong nhà, vì Mẹ không phải là một thiếu nữ tìm kiếm thoải mái, an ninh, không muốn ai quấy rầy. Mẹ được đức tin thúc đẩy, vì đức tin là con tim trọn cuộc sống của Mẹ".
Và Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: "Thiên Chúa cũng đang nhìn và kêu gọi các bạn, và khi làm như thế, Chúa thấy trọn tình yêu mà các bạn có khả năng cống hiến. Như Thiếu Nữ thành Nazareth, các bạn cũng có thể cải tiến thế giới, để lại một dấu vết trong lịch sử các bạn và nhiều người khác. Giáo Hội và xã hội đang cần các bạn. Với lối tiếp cận, với lòng can đảm, ước mơ và lý tưởng của các bạn, những bức tường im lìm bất động sụp đổ và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bớt tàn ác và nhân bản hơn".

ĐGH Phanxico trả lời thư cho cậu bé mời ngài dự lễ Rước lễ lần đầu
Chirignago – Cậu bé Luigi 8 tuổi sống với gia đình ở Spinea, tỉnh Venezia. Nhưng từ khi còn nhỏ, Luigi đã cùng với gia đình tham dự Thánh lễ ở giáo xứ Chirignago. Ngày 29/01 vừa qua, Luigi đã xưng tội lần đầu để chuẩn bị Rước lễ lần đầu vào cuối tháng 4. Luigi đã viết thư mời Đức Giáo hoàng đến tham dự lễ Rươc lễ lần đầu.
Luigi đã kể cho Đức Giáo Hoàng về các mơ ước, đức tin và sự trợ giúp của bà Nicoletta, mẹ của em và ông Francesco, cha của Luigi, cũng như người anh Gianmarco, 16 tuổi. Luigi cũng kể cho ngài nghe về căn bệnh hiếm khiến em thường xuyên phải ở trong bệnh viện. Trong thư Luigi cũng viết: “Nếu ngày 15/04 Đức Giáo hoàng không bận việc gì, con mời cha đến dự lễ Rước lễ lần đầu của con. Con cũng muốn trở thành Giáo hoàng như cha, ai biết được con sẽ (trở nên Giáo hoàng).”
Luigi mơ ước rằng Đức Giáo hoàng sẽ đọc và trả lời cho em. Mẹ em cho biết em “thật sự say mê Đức Giáo hoàng Phanxicô.” Cả tháng trời, mỗi ngày khi đi học về, Luigi đều hỏi mẹ xem có thư trả lời của Đức Giáo hoàng không. Cuối cùng, vào thứ 4 ngày 07/03, một lá thư được gửi đến từ Vatican. Lá thư được Đức ông Paolo Borgia, “thứ trưởng nội vụ” của Vatican, ký với nội dung như sau:
“Luigi yêu quý,
ĐGH Phanxicô đã đọc kỹ lá thư mà trong đó con đã ký gửi cho ngài sự dũng cảm giúp con chịu đựng tình trạng sức khỏe đau bệnh và niềm vui con có trong khi chuẩn bị Rước lễ lần đầu và xin ngài chúc lành. Biết ơn vì những tình cảm đã thúc đẩy con viết cho ngài, Đức Thánh Cha chuyển đến con sự âu yếm trìu mến dịu dàng, ôm con với tình thương và bảo đảm nhớ đến con trước Bàn thờ Chúa.
Đồng thời, Đức Thánh Cha khuyến khích con luôn khao khát hơn nữa Chúa Giêsu, người bạn trung thành không bao giờ bỏ con, để khi con nắm chặt tay Ngài, Ngài đồng hành với con trên con đường can đảm. Trong khi phó dâng mọi ý nguyện dưới áo choàng ân sủng của Mẹ Maria, ĐGH Phanxicô xin con luôn cầu nguyện cho ngài và liên kết với cha mẹ và anh Gianmarco yêu dấu của con, ngài chúc lành cho con với cả tấm lòng và kèm theo cử chỉ này là món quà được chúc lành đặc biệt.
Cả cha cũng chào con cách thân thiện và chúc con mọi phúc lành của Chúa.”
Trong phong bì, ngoài lá thư còn có một tấm hình của Đức Giáo hoàng và một cây thánh giá bằng gỗ nhỏ.
Mẹ của Luigi đã thốt lên “Thật là cảm động!” Bà đã đi kể lại cho giáo lý viên dạy cho Luigi. Còn Luigi thì mang lá thư đến cho cha xứ Roberto Trevisiol. Chính cha xứ cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy lá thư trả lời của ĐGH và nhận xét “đó là một cử chỉ quan tâm tình cảm của ĐGH, qua những cộng sự thân tín của ngài.”
Hồng Thủy (La Nuova di Venezia e Mestre 14/03/2017)
VUI..Vui: Học Hỏi Nhân Đức Các Đấng Lm. Dân Chài
Bà vợ nói với ông chồng: - Ông đi lễ Thánh cả Giuse, ông nghe cha giảng lễ đấy. Ông thấy nhân đức của thánh Giuse nêu gương mẫu cho các gia trưởng thế nào mà học hỏi để tôi và các con được nhờ.
Ông chồng nhìn bà vợ chăm chú và nói: - Nhưng ông thánh Giuse dễ sống nhân đức vì có Mẹ Maria. Bà cứ nhìn vào các nhân đức của Mẹ Maria mà sống thì tôi cũng được nhờ.

CHUYỆN NẾP NHÀ :  Tìm hiểu về ẤU DÂM
Sàng lọc người “nhà mình”? Bs Nguyễn Lan Hải.
Tôi có hai con gái 6 tuổi và 10 tuổi kháu khỉnh nhưng hơi “tồ”, bé thân thiện với khách khứa đến thăm gia đình và vui vẻ chào hỏi những người hàng xóm xa gần, gọi họ là người “nhà mình” (thì là ở cùng nhà… chung cư mà!)
Làm sao tôi có thể nhận diện được kẻ ấu dâm đang ở đâu đó trong cộng đồng, từ đó sàng lọc ra người nào được chơi với bé, người nào thì nên cảnh giác? (Một phụ huynh ở Thảo Điền – TP HCM)
Gần đây các phương tiện truyền thông dậy sóng trước những thông tin liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em - điều ở quốc gia nào cũng có, có khác chăng ở đâu pháp luật thẳng tay trừng trị và người dân cùng nâng cao ý thức hiểu biết thì vấn đề được xử lý nghiêm hoặc ngăn chặn từ xa.
Tôi còn nhớ, một du khách Việt đi thăm châu Âu khi ghé công viên nọ đã mê mải ngắm nhìn một em bé đang lẫm chẫm chơi trên cỏ. Anh lấy máy ảnh ra chụp vài kiểu làm kỷ niệm chuyến đi. Bỗng một cậu bé chừng 7, 8 tuổi chạy đến đứng chắn ngay trước mặt xua tay: “No! No!”. Anh cười thân thiện và tiếp tục zoom ống kính để lấy chân dung thiên thần nhỏ. Cậu bé la to một cách quyết liệt: “No! Stop! Stop!” làm đám đông chú ý, vài người bản địa chạy lại vây lấy anh bằng tốc độ của “lực lượng phản ứng nhanh”, yêu cầu anh mở máy ảnh xóa đi những tấm hình vừa chụp em bé, thái độ của họ không khoan nhượng và căng thẳng như bắt quả tang… tội phạm. Anh không hiểu mình đã làm gì sai nhưng ấn tượng ấy làm anh “tởn” và cạch tới già.
Phần đông người lớn chúng ta quý mến trẻ em vì tính cách hồn nhiên thật thà, tình cảm trong trẻo, sự thông minh, tốt bụng của chúng, trong đó những kẻ ấu dâm lại càng là người “mến trẻ” nhiều hơn.
Các bậc phụ huynh cần rất cẩn trọng, tinh tế đánh giá xem tại sao họ lại chú tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ, vì lý do gì.
• Đầu tiên, dấu hiệu rõ nét nhất ở người ấu dâm là kết giao thân thiết với nhiều trẻ em, rất “tâm lý” với trẻ nhưng lại tỏ ra không quan tâm tới việc đầu tư thời gian vào mối quan hệ với người trưởng thành, dành rất nhiều thời giờ để được gần trẻ, chơi với trẻ và tặng quà để “lấy lòng” qua đó thiết lập sự tin tưởng. 
• Thứ hai, quan tâm thái quá đến những đặc điểm liên quan tới thân thể trẻ như má phính, miệng đẹp, chân tay trắng trẻo, cặp đùi mũm mĩm, mông cong, “con nghêu” hay “quả ớt” hồng hào,…và liên tục chụp hình hoặc nói về những đặc điểm này. 
• Thứ ba, hay tạo cơ hội ở một mình với trẻ, chẳng hạn luôn gợi ý trông nom riêng, giúp tắm rửa vệ sinh, giữ giùm trẻ khi bố mẹ chúng đi vắng, xin phép rủ trẻ ra ngoài chơi, mua nhiều đồ chơi mà trẻ con yêu thích rồi rủ “về phòng chú chơi”, nhận kèm cặp trẻ (dạy võ, bơi, đàn, ngoại ngữ, vi tính, múa), có những “bí mật nho nhỏ” chỉ hai người biết. Sự “quan tâm” ở đây không đơn thuần là tình cảm trong sáng mà là ham muốn tình dục: 
- Ở mức độ huyễn tưởng, mơ mộng, những cá nhân này không dám có những tiếp xúc tình dục với đối tượng. 
- Ở mức độ nghiêm trọng, các thôi thúc tình dục đã biến thành hành động (kéo vào lòng, ôm ấp, cầm nắm, sờ soạng trong hoặc ngoài quần áo trẻ, dùng miệng hoặc tay cọ xát vào bộ phận sinh dục của trẻ,…)
Bởi thế, khi phanh phui một vụ ấu dâm, người ta không ngờ thủ phạm có thể là một người tưởng như “vô hại” rất gần gũi, thân thuộc với gia đình, thậm chí đáng kính.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ ai đó có vẻ “sao sao” đó, cha mẹ nên tránh để con rơi vào tình thế nguy hiểm kiểu “giao trứng cho ác”. Không dọa nạt, cấm đoán trẻ một cách lộ liễu. Không trách móc, mắng mỏ hoặc trừng phạt vì đó không phải lỗi của trẻ. 
Cân nhắc việc dùng bạo lực đe dọa, cô lập hoặc cách ly người ấy với mọi người, vì họ sẽ biện hộ bằng nghìn lẻ một chuyện. Thêm vào đó, thái độ thù ghét chỉ khiến họ chuồn nhanh và chuyển sang mục tiêu khác. 
Theo nhiều thống kê, kẻ ấu dâm dễ phạm tội khi bị mọi người xa lánh, cảm thấy không có chốn dung thân và chẳng còn gì để mất - thời điểm họ cảm thấy suy sụp nhất, có thể dẫn đến phạm tội hoặc tự sát.
Hãy “để mắt” đến họ, tìm cách trò chuyện và hỗ trợ họ.
Đừng bỏ lỡ quý nhân trong đời bạn
Vì quá đau khổ trước sự ra đi đột ngột của người chồng, Jame quyết định tạm thời mang theo cô con gái yêu 5 tuổi của mình chuyển đến căn hộ mới tại một thị trấn nhỏ cách đó 100km.
Khi chuyển đến nơi ở mới Jame bất ngờ phát hiện ra có một người đàn ông vô gia cư ăn mặc có vẻ bẩn thỉu bốc mùi hôi hám đã biến cánh cổng nhà mình thành nơi trú ngụ của anh ta từ khi nào không hay biết…
Khi vừa nhìn thấy Jame người đàn vô gia cư cười một cách lúng túng, có lẽ là anh ta bị câm, nên Jame thấy anh luôn khua tay như muốn nói với cô: “Xin cho tôi được ở lại đây, tôi sẽ hết sức không làm phiền tới gia đình”, và Jame đã mỉm cười gật đầu đồng ý. Và thế là người đàn ông vô gia cư bỗng nhiên trở thành anh lính gác cổng bất đắc dĩ cho hai mẹ con Jame.
Hàng ngày khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, Jame cũng không quên để lại một phần cho người đàn ông vô gia cư tội nghiệp. Thi thoảng Jame lại thấy cô con gái yêu của mình cười cười nói nói, nô đùa với người đàn ông vô gia cư, trong lòng cô cũng cảm thấy có đôi chút thanh thản vì có lẽ con bé cũng đã vơi đi phần nào nỗi đau mất cha.
Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua cho đến một ngày… Jame có công việc đột xuất phải đi vắng trong vài giờ đồng hồ và không thể mang con gái theo được, cô đành để con gái ở nhà và dặn dò cô bé chỉ được ở trong nhà không tiếp xúc với người lạ.
Nhưng khi Jame quay trở về, cô hoảng hốt khi phát hiện ra con gái không còn ở trong nhà, và xung quanh lấm tấm những vết máu giường như có một vụ ẩu đả giằng co vừa mới diễn ra ở đây. Cô trở lên bấn loạn gọi tên con gái và tìm kiếm khắp mọi nơi trong khu nhà nhưng đều vô vọng, rồi bất chợt cô phát hiện người đàn ông vô gia cư cũng biến mất không một giấu tích. Đôi tay Jame run rẩy, cô òa khóc khi nghĩ đến viễn cảnh xấu: “Thôi chết, có lẽ nào tên ăn mày kia đã bắt cóc con bé, thể nào hàng ngày hắn thường kiếm cớ lại gần con bé”, Jame khóc rồi lắc đầu liên tục, nghĩ rằng chính lòng tốt của cô lại hại con gái cô.
Ngay lập tức Jame toan gọi điện cho sở cánh sát báo rằng con gái cô đang bị bắt cóc bởi một tên ăn mày vô gia cư. Chưa kịp gọi thì bỗng chuông điện thoại reo lên, là số của ông cảnh sát trưởng. Cô vội vàng nghe máy – “Cô là Jame phải không? Cô con gái yêu của cô hiện đang ở chỗ chúng tôi, cô bé đang rất hoảng sợ, hãy đến đón cô bé về.”
Jame lập tức lái xe như bay đến đồn cảnh sát, đến nơi cô con gái liền ôm trầm lấy Jame vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi! Chú câm… chú ấy…”. Thấy cô con gái sợ hãi khóc lóc không nói lên lời, Jame tức điên lên vì mình làm ơn mắc oán. Cô ôm chặt con gái vào lòng, đôi mắt ánh lên sự giận dữ, rồi cô nói: “Không sao rồi con gái, có mẹ đây rồi, tên ăn mày đó sẽ không thể làm hại con được nữa”.
Lúc này vị cảnh sát trưởng ôn tồn nói: “Cô lên đến bệnh viện ngay bây giờ, ‘tên ăn mày’ mà cô đang nhắc tới đã lĩnh chọn một nhát dao vì cứu con gái cô khỏi tay của bọn buôn người, không có anh ta kịp thời ngăn cản thì chúng tôi không chắc chuyện gì sẽ xảy ra”.
Con gái khóc nấc lên nhìn Jame gật đầu tỏ vẻ đồng ý, khuôn mặt cô bỗng đỏ ứng, xấu hổ vì mình đã vội vàng đổ oan cho người khác…
Đằng sau sự tồi tàn, rách rưới, bẩn thỉu, không nhất định chỉ là những thứ xấu xí. Rất có thể họ lại ẩn chứa một tâm hồn đẹp đẽ, cao quý.
Đừng bao giờ đánh giá người khác ở vẻ bề ngoài, bởi vì bạn có thể sẽ mất đi rất nhiều cơ duyên gặp được quý nhân trong đời…

Vui… vui : XƯNG TỘI – PHẠM TỘI – MẤT CÔNG.


Một chị ngoại giáo thưa với Cha xứ:
- Thưa Cha, con thấy con chiên của cha cứ đi xưng tội rồi lại phạm tội, phạm tội rồi lại xưng tội, như vậy thì xưng làm gì cho mất công?
- Cha xứ dí dỏm trả lời: Tôi thì lại thấy chị cứ nấu cơm, ăn cơm, rồi lại đi rửa chén, đến mai lại xuống bếp nấu cơm, rồi lại ăn, lại bày bừa, lại lau dọn. Vậy chị nấu cơm, ăn cơm làm gì cho bừa bộn nhà cửa xong lại đi lau chùi dọn dẹp cho mất công, cái điệp khúc nấu rồi lại ăn, ăn rồi lại nấu, rồi lại đi rửa chén tôi thấy cũng đâu có ổn xíu nào?
Quê rồi nha, quê là khó huề nha. .. Chị vẫn chưa chịu thua tiếp tục vắn vẹo hỏi Cha xứ một câu cắc cớ, hòng cho Cha xứ nọ cứng họng thì mới hả dạ:
- Thưa Cha, đạo Công Giáo của Cha lạ lùng thật, tại sao em bé mới sinh ra được một tháng lại phải đem vô nhà thờ rửa tội, sao không đợi cho nó lớn lên, rồi hỏi xem nó có chịu theo đạo không rồi mới rửa tội?
Không chút lúng túng, băn khoăn:- Như thế này nhé, sao mới đẻ con ra chị lại cho con bú sữa, sao không đợi cho nó lớn khôn lên, rồi hỏi xem nó có chịu bú hay không rồi hãy cho nó bú?
Tôi không biết tôn giáo của chị nhận thức về tội như thế nào? Phần chúng tôi nhận thức về tội qua lòng lo, miệng nói, mình làm. Có nghĩa là tội lỗi đến từ trong tâm tư thầm kín, qua lời nói, hoặc hành động. Ví dụ: nếu tôi nghĩ trong trí tôi một điều xấu, trái với lề luật của Chúa, của lương tâm, của Giáo hội thì tôi đã có tội.
Nếu một người đàn ông nhìn một người đàn bà, con gái và có ý muốn được ngủ với cô ta, là tôi đã phạm tội tà dâm. Nếu thấy một vật gì trong hãng, và có ý muốn lấy căp, thì đã phạm tội ăn cắp, dù tay chúng tôi chưa chạm đến vật đó.
Anh kia bị xếp mắng, vì dốt Anh ngữ, vì không thể biện hộ, nhưng anh cứ chửi thầm trong bụng, thì đã mang tội chửi xếp rồi; hoặc tệ hơn, ai đó đã nghĩ, tao phải giết mày, thì đã phạm tội giết người.
Nếu thích nghe kẻ nói xấu người này, người nọ, thì đã phạm tội đồng lõa, và thêm tội dùng thì giờ Chúa ban trái phép. Nếu giầu có, dùng tiền mua nhà to, xe đắt tiền, quần áo, trang sức cho nhiều, cốt để mọi người nể nang, nhưng không nghĩ đến người nghèo khó, thì đã phạm tội thiếu lòng bác ái.
Nếu hứa cầu nguyện cho một người bạn, nhưng không làm, thì mang tội và mắc nợ người bạn rồi. Nếu nóng giận và có những lời dơ bẩn, là đã phạm tội….với ý thức về tội như thế, người Công Giáo dễ nhận thấy mình cần phải đi xưng tội.
Qua câu chuyện , mời các bạn và tôi hãy can đảm đến với tòa cáo giải để được sạch ít là trong mùa chay thánh thiện này.(Sưu tầm)

NHỮNG DẤU HIỆU BÁO HIỆU CƠ THỂ THIẾU VI TỐ KALI
Kali là một nguyên tố quan trọng cho cơ thể. Nếu thiếu nó, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ suốt ngày, nhiều khả năng là do bạn thiếu kali. Thiếu kali cũng khiến làm huyết áp tăng cao, tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều, hay căng thẳng và cơ bị chuột rút.
Kali có trong các thực phẩm như cá, nấm, khoai tây, sữa chua, thịt bò, xoài. Nếu cơ thể bạn hấp thụ không tốt, có thể bổ sung bằng kali tổng hợp.


Không có nhận xét nào: