CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 16.A CHÚA NHẬT 2 Mùa Chay Năm A 12-03-17




Lời Chúa : 2 Người biến hình trước mặt các ông:  mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.  3 Và đây Môisen và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. (Mt 17,2-3)
Lời Chúa : Kn 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9

MẮT ĐỨC TIN, MẮT CỦA TRÁI TIM
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Có nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Ví dụ: tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như: sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình.
    Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Điều chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim.
Có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.
Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra thần tính của Người. Ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.
Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra các ông chới với ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu. Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng. Và nhân tính được tôn vinh. “Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.
Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tấm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.
Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại cho ta bao niềm hi vọng. Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.
Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang ẩn tàng trong vạn vật. Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Người ởi bên trong, còn tôi ở bên ngoài”.
Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống.
Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng: Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.
Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình. Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.
Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.
Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nội tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.
Ăn chay là đến với anh em bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc trong các tâm hồn.
Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu. Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.
Như thế ta đang công tác vào việc biến hình thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành trình phục sinh.
 Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.

TGP Sài Gòn: Ngày 20-2 -2017
Thư Mục Vụ Mùa Chay- Phục Sinh 2017
  Kính gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh cùng toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận Sàigòn
1. Anh chị em rất thân mến, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa. Nếu Chúa chấp tội thì nào ai đứng vững được chăng, nhưng vì lòng từ bi thương xót mà Chúa rộng tình thứ tha. Điều kiện cần thiết là chúng ta phải biết ăn năn thống hối, biết hoán cải và tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Mùa Chay mở ra cho chúng ta một thời kỳ thống hối ăn năn, một mùa chiến đấu thiêng liêng với những cám dỗ của thần dữ và với bao cạm bẫy của thế gian, để vững bước trên hành trình thiêng liêng và tiến gần đến ơn cứu độ.

2. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Qua sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại hình ảnh Lazarô nằm trước cổng ông nhà giàu để mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho lời Chúa và tha nhân, vì "lời Chúa là một hồng ân, và tha nhân cũng là một hồng ân". Gốc rễ mọi bất hạnh của ông nhà giàu là không chịu nghe lời Chúa qua "Môsê và các tiên tri". Mùa Chay cảnh giác chúng ta : đừng bao giờ để mình trở nên giống như ông phú hộ keo kiệt, vô cảm trước nhu cầu của người lân cận. "Mối tương quan thích đáng với mọi người là nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn". Văn hoá Việt Nam của chúng ta có câu ngạn ngữ "thương người như thể thương thân" thật phù hợp với Tin Mừng. Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng ta biết đón nhận giới răn yêu thương của Ngài và nỗ lực đem ra thực hành.

3. Năm nay là năm dành cho mục vụ gia đình với chủ đề gợi ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : "chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình". Chúng tôi mong muốn tất cả chúng ta cùng học tập và thực hành thật tốt chủ đề này trong thời gian mùa Chay và Phục Sinh. Gia đình cũng là một hồng ân Chúa ban, nhưng đôi khi chúng ta chưa biết trân trọng hay thậm chí còn đối xử với người thân trong gia đình như những "Lazarô" nằm trước cổng. Chúng ta hãy giúp cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân một cách hết sức chu đáo, kỹ càng, để tránh những đổ vỡ sau này. Các trường hợp ly dị và tái hôn ngày hôm nay khá phổ biến. Đây là điều khiến Giáo Hội rất đau lòng. Trong công tác mục vụ, các mục tử cần quan tâm giúp đỡ những người trong hoàn cảnh này : khuyến khích họ, mặc dù không được xưng tội rước lễ, vẫn có thể tham gia tích cực trong các hoạt động đạo đức và mục vụ, trừ việc trao Mình Thánh Chúa. Trường hợp những người sống với nhau như vợ chồng mà chưa có bí tích hôn phối, cần phải thúc giục họ tiến tới bí tích hôn phối và giúp họ sống đời sống hôn nhân gia đình theo ý Chúa muốn.

4. Mùa Chay là thời gian cho những người con hoang đàng trở về cùng Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Giống như đứa con thứ trong Tin Mừng quyết chí trở về với người cha nhân ái, sau khi đã tiêu sạch gia tài mà cha chia cho mình và lâm cảnh đói khát, không còn nơi nương tựa. Thời gian đã mãn, Thiên Chúa muốn chúng ta quên đi quá khứ làm nô lệ tội lỗi và thần dữ, để hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy ra khỏi mồ với Chúa Giêsu để sống cho Thiên Chúa và chết cho Thiên Chúa. Đừng đào những cái giếng khô cạn không có nước, nhưng hãy tìm đến nguồn nước trong lành nơi Thiên Chúa là Nguồn Sự Sống đời đời cho con người. Ngọn lửa Tình Yêu của Thiên Chúa sẽ thiêu rụi mọi gai góc trong cuộc đời chúng ta, để cho mầm mống của Lời Chúa đâm chồi nảy lộc.

5. Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy vững mạnh, hãy trung thành với Thiên Chúa đến cùng, hãy để cho Thiên Chúa dẫn dắt qua sa mạc của cuộc đời. Người là Đấng có cánh tay hùng mạnh. Người mở cho chúng ta con đường vượt qua biển đời đầy những sóng gió và bão táp. Chỉ một mình Thiên Chúa là nơi nương tựa, ngoài ra không còn nơi nương tựa nào khác, dù là nơi vua chúa quan quyền hay là nơi tiền tài danh vọng. Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đừng lo lắng, nhưng hãy hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Chúa, vì Thiên Chúa không để cho chúng ta phải xa cách Người mãi mãi.

6. Mùa Chay cũng là mùa để chuẩn bị sống mầu nhiệm "Khổ Nạn Phục Sinh" của Chúa Giêsu. Vậy chúng tôi xin các mục tử hãy siêng năng chuẩn bị cho giáo dân biết suy niệm về mầu nhiệm "Khổ Nạn và Phục Sinh" của Chúa. Làm sao giúp cho giáo dân thấu hiểu được mầu nhiệm cao cả này. Làm sao dẫn đưa họ vào trong tình yêu của Chúa Giêsu, như Chúa đã mời gọi các môn đệ : "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người" (Ga 15,9-10). Cần phải làm cho giáo dân hiểu được mầu nhiệm "Sự Chết và Sự Sống Lại" của Chúa Giêsu, để họ được thông phần vào và đón nhận ơn cứu rỗi, nhận lãnh "Thánh Thần để tha tội", nhất là hiểu biết và sống "Sự Sống Mới" trong Đấng Phục Sinh.
7. Ước gì mọi người tín hữu kitô trong đó có chúng ta, sau khi đã được dẫn đưa sâu vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, sẵn sàng dấn thân loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong cái chết và sự sống lại của Ngài. Giống như thánh Maria Mađalêna, như các thánh tông đồ, đặc biệt là hai thánh Phêrô và Phaolô ; chúng ta hãy đi ra các vùng ven theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, để gieo vãi hạt giống Tin Mừng. Hãy đưa Ánh Sáng Tin Mừng đến những nơi còn u tối, những nơi thực sự cần Ánh Sáng của Thiên Chúa, là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Lúa chín đầy đồng trước mắt chúng ta, chúng ta hãy nhiệt tình phục vụ mùa màng của Thiên Chúa. Hãy tích cực truyền giáo và mạnh dạn thiết lập các giáo điểm tin mừng tại những vùng sâu vùng xa. Hãy để cho Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa và yêu mến các linh hồn trong lòng chúng ta.

Còn một điều nữa mà chúng tôi muốn nhắn nhủ riêng với anh em linh mục là hãy siêng năng ngồi toà giải tội, để các kitô hữu có nhiều cơ hội lãnh nhận ơn tha thứ và được chữa lành. Hãy tận tâm thi hành sứ vụ làm chứng cho "Lòng Thương Xót bao la vô bờ bến" của Thiên Chúa, biểu lộ nơi "Sự Chết và Sự Sống Lại" của Chúa Giêsu.

8. Để kết thúc lá thư mục vụ của người tôi tớ bất xứng của Thiên Chúa, với trách nhiệm mục tử Tổng Giáo Phận Sàigòn, một giáo phận rộng lớn có nhiều giáo dân và rất nhiều thách thức của xã hội hiện đại ngày nay, chúng tôi kêu gọi tất cả anh chị em, kẻ góp công người góp của, người khác nữa góp lời cầu nguyện cho việc trùng tu NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ được thành công tốt đẹp. Chúng tôi cũng cầu chúc mọi thành phần Dân Chúa một Mùa Chay thật sốt sắng và một Lễ Phục Sinh thánh thiện vui tươi.
Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Allêluia ! Allêluia !
Xin Thiên Chúa chúc phúc cho mọi người, nhờ máu châu báu mà Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá, và nhờ Thần Khí mà Chúa Phục Sinh ban cho tất cả mọi người chúng ta.
            Mục tử của anh chị em,          
(Đã ký và đóng dấu)


ĐGH Phanxicô: cha muốn các con đọc Kinh Thánh thường xuyên như dùng điện thoại vậy !
(EWTN News/CNA) Giuse Thẩm Nguyễn chuyển dịch
Hãy đọc tin nhắn của Chúa qua Kinh Thánh như đọc tin nhắn trên điện thoại… 
Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, ĐGH nói rằng nếu chúng ta muốn chống lại sự cám dỗ của tội lỗi thì chúng ta phải quen thuộc với Lời Chúa, dùng Kinh Thánh thường xuyên hơn dùng điện thoại.
ĐGH đã nói với khách hành hương trước khi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, ngày 5 tháng Ba rằng, “Trong bốn mươi ngày Mùa Chay, người tín hữu được kêu gọi để bước theo chân Chúa Giêsu, chiến đấu trong trận chiến tâm linh chống lại ma quỷ với quyền năng của Lời Chúa. Để có thể làm được điều này, các con phải làm quen với Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh thường xuyên, suy niệm và sống với Kinh Thánh.
Có người nói rằng giá như chúng ta xử dụng Kinh Thánh giống như xử dụng điện thoại thì tuyệt vời biết mấy! Nếu chúng ta luôn mang bên mình điện thoại thì chúng ta cũng nên có một cuốn Kinh Thánh loại bỏ túi luôn mang bên mình.
ĐGH đã so sánh việc chúng ta xử dụng điện thoại thường xuyên với việc đọc Kinh Thánh. Nếu ra ngoài đường mà quên mang điện thoại thì chúng ta sẽ trở lại nhà để lấy. Nếu quên mang Kinh Thánh khi ra ngoài, chúng ta cũng nên làm thế. Chúng ta hãy đọc tin nhắn của Chúa qua Kinh Thánh như đọc tin nhắn trên điện thoại… 
Khi chia sẻ đoạn Tin Mừng của Thánh Mathêu, ĐGH nói về việc Chúa chịu ma quỷ cám dỗ trong sa mạc. Việc này đã xảy ra tại một thời điểm đặc biệt ngay khi Chúa chịu Phép Rửa tại sông Jordan, nhưng trước khi Ngài bị kết án tử.
“Khi Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong: Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Ngài, Thiên Chúa Cha từ trời đã phán “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3:17). Từ đó Chúa Giêsu sẵn sàng bắt đầu sứ vụ của mình.
Nhưng trước tiên Ngài phải chống lại kẻ thù là ma quỷ với ba chước cám dỗ. Bằng ba lần cám dỗ này, ma quỷ muốn lái Chúa Giêsu ra khỏi con đường vâng phục và nhục nhã vì đây chính là con đường mà ma quỷ sẽ bị đánh bại.
Lời Chúa như là khiên che thuẫn đỡ chống lại các mũi tên độc hại của ma quỷ. Chúa Giêsu đã không dùng lời nào khác ngoài Lời Chúa, và với cách này, Con Thiên Chúa, đầy quyền năng Thánh Thần đã chiến thắng vinh quang nơi sa mạc.
Đây cũng là cách chúng ta phải theo để chống lại các cơn cám dỗ của ma quỷ. Sự so sánh giữa Thánh Kinh và điện thoại nghe hơi lạ, nhưng thật là vậy.
Nếu chúng ta luôn mang Lời Chúa trong tâm hồn mình, thì không có sự cám dỗ nào có khả năng tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa và không trở ngại nào có thể làm lệch hướng chúng ta trên con đường tốt lành. Chúng ta biết cách để “chiến thắng” chống lại những cám dỗ hàng ngày quanh ta.
Chúng ta có khả năng sống tốt hơn một đời sống phục sinh trong thần khí, chấp nhận và yêu thương tha nhân, đặc biệt những người cùng khổ, nghèo đói và ngay cả kẻ thù cùa mình.
ĐGH kết luận rằng chúng ta hãy cầu xin cùng Trinh Nữ Maria, “Mẹ là biểu tượng hoàn hảo về đức vâng lời Thiên Chúa và niềm tín thác vô biên vào thánh ý của Chúa Cha” giúp chúng ta trong Mùa Chay này biết lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh và “thực sự biến đổi tâm hồn mình” và nên nhớ:
Đừng quên dùng Kinh Thánh thường xuyên như dùng điện thoại nhé. Hãy luôn mang Kinh Thánh bên mình!

GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
§  Câu Giáo lý 353: H./ Có những tội nào nghịch lại Bí tích Hôn Phối? T./ Có những tội này:/ Một là ngoại tình;/ Hai là đa thê;/ Ba là từ chối sinh con;/ Bốn là ly dị [347].

"XIN THẦY TRỪ.....MA CHO CON!"
Khoảng nửa đêm vào một dịp mùa hè khi tôi còn giúp Cha bố tại giáo xứ Lộc Mỹ, bổng nhiên có một số điện thoại lạ điện đến và hỏi:
                 - “Xin lỗi, anh có phải là thầy tu công giáo không?”
+ Vâng! Tôi là người đi tu, anh có việc gì không?
- Xin Thầy đến giúp em một việc, em rất cần có thầy! Em là người lương dân và hiện nay em đang làm việc ở bãi tắm Cửa Lò.
+ Xin lỗi em, anh không thể đến bây giờ nếu việc của em không ảnh hưởng đến tính mạng, vì trời đã khuya vả lại muốn đi thì phải xin phép Cha bố. Hơn nữa đường từ Lộc Mỹ ra bãi tắm Cửa Lò rất vắng và nguy hiểm, nên có gì thì ngày mai anh sẽ đến.
Người thanh niên đồng ý và nói cho tôi biết là tối ngày mai, đúng 7h30 em sẽ gặp thầy tại bãi biển và cho luôn số Ki-ốt là nơi mà anh ấy cần gặp.
Đúng giờ hẹn tôi đã có mặt tại địa chỉ như đã hẹn trước. Ít phút sau, có một thanh niên dáng người gầy guộc với nét mặt buồn tiến lại và hỏi: “Anh có phải là người mà tối qua em xin gặp không?” Đúng rồi, có chuyện gì quan trọng không em? Xin lỗi thầy ở đây em không thể nói được vì nếu bố mẹ em biết thì chắc là chết tại chỗ luôn thầy à! Với câu trả lời ấy làm cho tôi biết chàng thanh niên này chắc chắn gặp chuyện không lành thậm chí là rất hệ trọng, nên tôi nói tiếp: Thế em muốn gặp anh ở đâu? Nếu thầy đồng ý thì thầy có thể xuống sát bãi biển nơi đó sẽ ít người qua lại. Tôi đồng ý và chàng thanh niên bê một chiếc bàn nhỏ với hai ly nước tiến xuống nơi mà anh thấy an toàn nhất.
Vừa ngồi xuống thì anh đã bắt đầu câu chuyện về nỗi ám ảnh sợ hãi của mình mà anh cho đó là những bóng ma bắt anh đền mạng.
Đầu anh cúi xuống với dọng run rẫy: “Em chết mất thầy ơi, em đã giết người!” Và tất cả câu chuyện được anh kể lại trong tiếng khóc mỗi lúc một lớn hơn: “Năm em học lớp 10 em đã yêu một bạn gái và rồi bạn gái em đã có thai. Vì đang dỡ dang trong việc học nên em và cô ấy đã đồng ý đi phá thai”… “Năm lớp 11 bạn gái em có thai lần thứ 2 và cái thai ấy cũng được giải quyết như lần thứ nhất” Nói đến đó tôi thấy người thanh niên bổng dưng im lặng vì bị nghít bởi anh khóc rất nhiều và rất lớn.
Tôi cố gắng động viên anh bình tĩnh lại và anh tiếp tục kể: “Em khốn nạn lắm thầy ơi! Đến năm lớp 12, người yêu em lại tiếp tục có bầu nhưng cái thai đó không thể phá được vì thai nhi đã gần chào đời.
Em đã dẫn người yêu đi hết các bệnh viện và bất cứ chỗ nào và tìm mọi cách để trục bằng được cái thái ấy. Nhưng tất cả đều từ chối vì cháu bé quá lớn…. Vì thế em đã đút thật nhiều tiền cho một bác sỹ và họ đã đồng ý làm” chàng thanh niên khóc to hơn và nấc nghẹn ngào trong tiếng nói bị ngắt quảng: “Vì thai của người yêu em to quá, nên bác sỹ phải nong âm đạo ra thật lớn rồi dùng kềm cắt từng phần thi thể của đứa bé và đưa ra từng phần một!” Nghe đến đó toàn thân tôi toát mồ hôi: “Sao em dại thế?
Em là người có học sao em hành xử như thế?.” Thế rồi tôi ngồi im lặng, còn anh ta thì nằm lăn xuống bờ cát và khóc nức nở với những câu đầy ăn năn: “xin con tha thứ cho bố! Bố không phải là người mà là một quái vất độc ác.”
Tôi để anh khóc hồi lâu và anh gắng gượng ngồi lên rồi tiếp tục kể: “Thầy ơi, sau khi học hết lớp 12 tụi em đã chia tay. Cô ấy lấy một người ở Hà Tĩnh, còn em lấy vợ Nghệ An nhưng có một điều trùng hợp mà em và cô ấy phải đối mặt hằng ngày!
Cả 2 đứa tụi em đều không thể sinh con và điều kỳ lạ là mỗi khi em và cô ấy nhắm mắt để ngủ thì nghe rất rõ tiếng trẻ con khóc và van xin thảm thiết “sao bố mẹ lại giết con” Thầy là người đi tu và có rất nhiều phép “XIN THẦY TRỪ MA CHO EM! Nếu không em và người yêu cũ sẽ không sống đươc.”
Nói xong người thanh niên tiếp tục khóc trong tiếng van xin 3 thai nhi thứ tha lầm lỗi, còn tôi thì xin ơn Chúa và các linh hồn ban cho ơn khôn ngoan để có thể giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý, đúng theo đường lối của Giáo Hội cũng như ý Chúa.
Sau những lời giải thích về tội ác tày trời của anh tôi đã nói anh làm 3 việc sau:
- Thứ nhất: anh và người yêu cũ phải xin lỗi ba đứa trẻ mà anh chị đã giết trong sự tàn ác và cố tình trầm trọng.
- Thứ hai: anh chị phải đặt cho ba đứa, mỗi đứa một cái tên. Vì khi anh chị đặt tên cho chúng tức là anh chị đã công nhận nó là con của mình.
- Thứ ba: anh chị nên lập một bàn thờ cho các cháu rồi để một nơi trang trọng trong gia đình để thắp hương và tưởng nhớ đến chúng như là những thành viên thật sự của gia đình anh chị.
Riêng phần tôi sẽ xin lễ theo nghi thức Công giáo cho chúng và sẽ xin lỗi chúng thay cho anh. Tôi tin rằng, nếu anh chị làm đúng những gì tôi nói thì các cháu sẽ không về van xin anh chị tha chết cho chúng nữa và nó sẽ được an ủi bằng những thống hối ăn năn thực sự của anh chị…
Trên đường về nhà, tôi cầu xin Lòng Thương Xót Chúa thứ tha cho anh và mong cho các cháu được an nghỉ bên suối Tình Yêu đích thật của Đức Kitô đã chịu chết vì tỗi lỗi của nhân loại. Về đến nhà tôi đã liên lạc với quý Cha và một số sở dòng trong và ngoài giáo phận để làm tuần đền tạ thay cho người thanh niên đang trong tình trạng bế tắc đầy thương tâm mà anh đang đối mặt. .................................
Jos Trần Đình Nga 
Viết tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh  Ngày 13/1/2014
(Câu chuyện này có thật như trong nội dung tôi kể và nhân chứng hiện nay vẫn sống. Bài viết này đã được trang Bảo Vệ Sự Sống trực thuộc Hội Đồng Giám Mục VN )

NHỮNG CHUYẾN XE 

Làm Quen Với Kinh Thánh   HỌC NHỚ TÊN
Các Sách CỰU ƯỚC & TÂN ƯỚC
CỰU ƯỚC : gồm tất cả 46 quyển, xếp theo 4 loại sau đây:


A1. NGŨ THƯ
1.    Sáng thế ký
2.    Xuất hành 
3.    Lê-vi
4.    Dân số
5.    Đệ nhị luật 



A2. CÁC SÁCH LỊCH SỬ 
6.    Giô-sua 
7.    Thủ lãnh 
8.    Rút 
9.    1 Sa-mu-en
10.  2 Sa-mu-en
11.  1 Các Vua 
12.  2 Các Vua


13.  1 Sử biên niên 
14.  2 Sử biên niên 
15.  Ét-ra
16.  Nơ-khe-mi-a 
17.  Tô-bi-a 
18. Giu-đi-tha 
19.  Ét-te 
20. Ma-ca-bê 
21.  Ma-ca-bê


A3. CÁC SÁCH KHÔN NGOAN
22.  Gióp
23.  Thánh vịnh
24.  Châm ngôn
25.  Giảng viên
26.  Diễm ca
27.  Khôn ngoan
28. Huấn ca

A4. CÁC NGÔN SỨ
29.  I-sai-a
30.  Giê-rê-mi-a
31.  Ai ca
32.  Ba-rúc
33.  Ê-dê-ki-en
34.  Đa-ni-en
 35.  Hô-sê
36.  Giô-en
37.  A-mốt

38.  Ô-va-đi-a
39.  Giô-na
40.  Mi-kha
41.  Na-khum
42.  Kha-ba-cúc
43.  Xô-phô-ni-a
44.  Khác-gai
45.  Da-ca-ri-a
46.  Ma-la-khi


Học thuộc lòng thứ tự sách Cựu Ước (theo điệu)
Sáng Xuất Lê Dân Đệ / Giô Thủ Rút Sa Sa / Vua Vua Sử Sử Ét-ra / Nơ Tô Giu Ét Ma Ma / Gióp Thánh Châm Giảng Diễm Khôn (ngoan) Huấn / I Giê Ai Ba Ê Đa / Hô Giô A Ô Giô Mi / Na Kha Xô Khác Da Ma.
TÂN ƯỚC gồm 27 quyển. Ðó là: - Bốn quyển Tin Mừng (Phúc Âm): do các thánh Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và thánh Gio-an ghi chép.
- Sách Công Vụ Tông Ðồ.
- Mười ba Thư của thánh Phao-lô gởi cho các giáo đoàn tại Rô-ma, Cô-rin-tô (2), Ga-lát, Ê-phê-xô, Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, Thê-xa-lô-ni-ca (2), cho ông Ti-mô-thê (2), ông Ti-tô, ông Phi-lê-môn. - Thư gởi tín hữu Do-thái.
Rô-Cô-Cô / Ga-Ê-Phi / Cô-Thê-Thê / Tim-Tim-Tit / Phi-Do.
- Bảy Thư Chung của các thánh Gia-cô-bê, thánh Phê-rô (2), thánh Gio-an (3), thánh Giu-đa. - Sách Khải Huyền.
Top of Form
Bottom of Form
THIÊN ĐÀNG CỦA BÁC ÁI.


Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:
- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?
Thiên thần trả lời: - Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.
Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên của mình có trong sách không.
Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên ông.
Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng, ông nói với thiên thần:
- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên thần chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Tối hôm sau, thiên thần lại hiện ra và mở quyển sổ vàng cho vị tu sĩ xem, lần này ông thấy tên mình dẫn đầu danh sách những người yêu Chúa.
Sau khi vị tu sĩ gia qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”.
Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi”.


TĨNH TÂM MÙA CHAY: Giáo xứ tĩnh tâm trong hai ngày
Thứ Bảy 18-3: 17g30 chầu Thánh Thể. 18g00: Thánh Lễ
Chúa Nhật 19-3: Thánh Lễ 17g30 Cha Giuse Hoàng Văn Quảng SJ  Dòng tên Giảng tĩnh tâm
Lưu ý : không có Lễ sáng Chúa Nhật 6g30


Không có nhận xét nào: