(Đinh Dậu từ 28-01-2017 đến 15-02-2018)
(Trích dẫn tác phẩm Tử-Vi & Địa-Lý Thực-Hành của
Gs Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ)
Sau khi năm Bính Thân chấm dứt, thì đến năm Đinh Dậu được bàn giao từ giờ giao
thừa bắt đầu giữa đêm thứ sáu, 27-01-2017 để cầm tinh đến 24 giờ đêm
15-02-2018. Năm Đinh Dậu này thuộc hành Hỏa và mạng Sơn Hạ Hỏa giống năm Bính
Thân, nhưng năm Đinh Dậu thuộc Âm, cho nên năm này có can Đinh thuộc Hỏa và có
chi Dậu thuộc Kim. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ
Hành, thì "mạng Hỏa khắc mạng Kim " tức năm này "Can
khắc Chi " hay nói khác đi Trời khắc Đất. Bởi vì, mạng Hỏa được khắc xuất,
mạng Kim bị khắc nhập. Do vậy, năm này xem như là năm xấu nhứt tổng quát, không
thể thực hiện gì kết quả như ý. Trường hợp này, giống như những người có : mạng
Hỏa gặp năm mạng Thủy - mạng Thủy gặp năm mạng Thổ - mạng Thổ gặp năm mạng
Mộc và mạng Mộc gặp năm mạng Kim. Được biết năm Dậu vừa qua là năm Ất Dậu thuộc
hành Thủy, nhằm ngày thứ tư, 09-02-2005 đến 28-01-2006. (xem trang lại 209 đến
212 đã dẫn ở trước)
Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được
minh định quảng bá từ năm 61 của đời Hoàng Đế bên Tàu,
bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2017 = 4654, rồi
đem chia cho 60 năm, thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số
dư 34 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 đến năm
2043. Do vậy, năm Đinh Dậu 2017 này là năm thứ 34 của Vận Niên Lục Giáp 78 và
năm Dậu kế tiếp sẽ là năm Kỷ Dậu thuộc hành Thổ, nhằm ngày thứ ba tính từ
13-02-2029 đến 02-02-2030.
Năm Dậu tức Gà cũng là Kê, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở
luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin
trích dẫn như sau :
Dậu là con Gà đứng hạng thứ 10 của 12 con vật trong Thập Nhị
Địa Chi. Gà là loài gia súc thường được nuôi trong nhà như : Gà, Vịt, Heo, Chó,
Mèo.v.v. Nhưng Gà có cái đặc biệt là có 2 chân cùng với Vịt, trong khi các gia
súc khác là Heo, Chó, Mèo .v.v thì có 4 chân.
Gà là loài lông vũ giống như loài Công, đẻ trứng, nhưng Gà và Công có vị trí
cách biệt nhau hèn sang, bởi vậy, trong thành ngữ chúng ta có câu : "Gà muốn
áo Công"
Hơn nữa, thịt hay trứng Gà để cho mọi người thường dân ăn, trong khi thịt hay
trứng Công rất trân quí và hiếm có, cho nên Bà Từ Hi Thái Hậu mới làm món Trứng
Công để khoản đãi phái đoàn sứ thần các quốc gia Tây Phương vào Tết nguyên đán
năm Canh Tý 1874, xin trích dẫn như sau :
Trong dân gian thường nói : "Nem Công, Chả phụng" để chỉ hai món ăn
thuộc hàng trân vị. Loài Công trước kia không phải là gia súc, cho nên muốn tìm
Công phải vào rừng núi xa xôi may ra tìm được. Nem Công dù hiếm quí nhưng vẫn
còn tương đối dễ kiếm, dễ làm so với trứng Công, bởi thứ nhứt loài Công làm tổ ở
những nơi xa xôi hẻo lánh, trên cành cao hay vách đá cheo leo khó tìm ra được.
Thứ hai là dù có tìm ra được chỗ Công đang ấp trứng thì cũng không dễ gì đến gần
ổ, vì Công rất hung dữ, chống cự kịch liệt và cuối cùng nếu thấy không bảo vệ
được ổ trứng, thì chúng đập bể nát hết chứ không để lọt vào tay ai.
Bà Từ Hi Thái Hậu sai người đi
lấy trứng Công, nhưng chẳng ai làm được, bà rất phiền muộn. May thay, có một vị
tướng quân trẻ tuổi xin vào ra mắt và tâu rằng: Ông có người anh bà con ở
Tứ Xuyên nuôi được bầy Khỉ 100 con, thông minh lanh lợi, được huấn luyện thuần
phục, nghe được tiếng người, chuyên đi hái trà cùng tìm các được thảo hiếm hoi
quí giá ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh hiểm trở. Ông tin rằng nếu tập luyện
cho lũ Khỉ chúng nó có thể lấy được trứng Công. Bà Từ Hi Thái Hậu nghe xong
trong lòng hoan hỉ, rồi truyền đem 1000 lạng vàng ròng cùng với 100 tấm gấm vóc
Bạch Cầu thượng hạng ban cho viên tướng nọ làm lộ phí đi Tứ Xuyên lo việc kiếm
trứng Công, nếu xong việc sẽ tưởng thưởng thêm, mỗi trứng 10 lạng vàng ròng nữa.
Viên tướng nọ lãnh lịnh ra đi ngay cùng người anh bà con huấn luyện đoàn Khỉ. Họ
thành công, lấy được 500 trứng công, nhưng thiệt hại khá lớn bầy Khỉ, bởi vì bị
Công mổ chết hết một phần ba. Tuy nhiên, Bà Từ Hi Thái Hậu có trứng Công để khoản
đãi khách quí.
Thật đúng với câu : "Có tiền mua tiên cũng được" là thế đó.
(tài liệu này do Mọt Sách sưu tầm và tường thuật).
Trở lại giống Gà ở Việt-Nam, chúng ta thường thấy các loại như sau :
Gà Nhà tức Gia Kê : là loại thường nuôi gần nhà, sáng thả ra nuôi trong
vườn, chiều tối chúng nó trở về ngủ trong chuồng, ngày chỉ cho ăn hai lần. Các
loại gà nhà thường thấy là : Gà trống, gà mái, gà tơ tức gà giò, gà tre, gà ác,
gà tàu, gà nòi (chọi) tức Gà để đá nhau, gà lôi tức Gà Tây.v.v. nhờ nuôi như thế,
nên thịt chúng nó rất thơm ngon hơn các Gà nuôi nhốt trong chuồng để bán
thịt hay trứng. Đó là, Gà kỷ nghệ.
Gà rừng tức Sơn Kê : là loại sống trong rừng, nhỏ con, bay giỏi và rất hung dữ
lại hiếu chiến.
Gà nước : là loại sống ngoài đồng ruộng, hình dáng giống Gà, nhưng bay rất
giỏi như loài chim.
Gà gô tức loài chim Đa đa thường sống đồi núi có cây thưa.
Gà cồ hay Gà trống tức Hùng Kê có thân hình lớn con, có mồng đỏ chót rất oai vệ.
Gà mái không có mồng đỏ và không oai vệ như gà trống, cho nên người nào có
gương mặt tái mét, thì thường bị thiên hạ nói có bộ mặt như gà mái.
Gà giò tức Gà tơ thường để ăn thịt.
Gà ác thường có bộ lông màu trắng, thịt màu đen, chân đen xì, nhỏ con, rất hiền
không hung dữ như Gà nòi (chọi) thường đá nhau. Loại gà này, là loại Gà
nhà, trong dân gian rất thích thịt nó để hầm với thuốc Bắc như : Sâm,
Nhãn Nhục, Thục Địa .v.v. ăn rất bồi bổ cho cơ thể. Đó là, ích lợi con Gà
ác, nhưng không biết tại sao nó mang tên Gà ác?
Gà so là Gà mới đẻ trứng lứa đầu. Các trứng đẻ đầu được gọi là trứng Gà so.
Gà Tre là loại Gà nhỏ con, còn Gà trống tre thì có màu sắc sặc sỡ, lại thích đá
nhau, không khác Gà trống nòi, nó cũng có cựa nữa.
Gà tàu có bộ lông hơi nâu, da vàng, thịt ăn rất ngon lại mềm và dai nếu nuôi thả
trong vườn.
Khi nói đến Gà nòi để đá nhau, thường thấy có các bộ lông như sau :
Gà Điều có bộ lông màu đỏ.
Gà nhạn có bộ lông như loài Nhạn.
Gà Bướm có bộ lông có lốm đốm như loài Bướm.
Gà Chuối có bộ lông nhiều màu như: trắng, đỏ, vàng, nâu, xám lốm đốm như
thân cây chuối.
Gà Xám có bộ lông màu xám.
Gà Ô có bộ lông đen tuyền.
Khi viết đến đây, tôi lại nhớ từ ngữ Việt-Nam mình rất phong phú, mặc dù cùng
màu đen, nhưng lại dùng khác nhau, từ con vật đến vật dụng, ví như : Gà Ô
(Gà đen) - Mèo Mun (Mèo Đen) - Mực Tàu (Mực đen) - Dầu Hắc (Dầu
đen) - Mắt huyền (Mắt đen) v.v.
Gà Ó có lông hay mắt giống như chim Ó...
Ngoài ra, trong Ca dao, Tục Ngữ, Thành Ngữ cũng như truyền khẩu trong dân gian
cũng có rất nhiều, nói về Gà, xin trích dẫn như sau :
Gà lạc bầy Gà kêu chiu chít,
Phụng lìa Loan, Phụng lại biếng bay
Xa em từ mấy bửa rày,
Cơm ăn không đặng áo gài hở bâu.
Gà nào hay bằng Gà Cao Lảnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.
Con Gà cục tác lá chanh,
Con Lợn ụt ịt mua hành cho tôi.
Con Chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi! đi chợ mua tôi đồng riềng.
Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt, chồng đã sáu mươi.
Ra đường chị giễu em cười,
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng;
Đêm nằm tưởng cái gối bông,
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên.
Tuổi Thân con Khỉ ơ lùm,
Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông.
Tuổi Dậu con Gà vàng bông,
Có mỏ có mồng, sang gáy ó o ...
Nuôi Gà phải chọn giống Gà,
Gà ri giống bé nhưng mà đẻ sai.
Máu Gà lại tẩm xương Gà,
Máu người đem tẩm xương ta bao giờ.
Chị kia bới tóc đuôi Gà,
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu ...?
Mẹ Gà con Vịt chít chiu,
Mấy đời dì ghẻ mà thươngcon chồng.v.v.(ca dao)
Về Tục Ngữ xin trích dẫn như sau :
Chớp đông nhay nháy, Gà gáy thì mưa.
Trẻ trộm Gà, già trộm Bà.
Gà cựa dài thì rắn, cựa ngắn thì mềm.
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau.
Gà đen, chân trắng mẹ mắng cũng mua.
Gà trắng, chân chì mua chi giống ấy.
Gà béo thì bán bên ngô, Gà khô bán láng giềng.
Gà chê thóc chẳng bới thì người mới chê tiền.
Gà người gáy, Gà nhà ta sáng.
Gà què ăn quẩn cối xay.
Con Gà tức nhau tiếng gáy .v.v. (tục ngữ).
Còn thành ngữ thì :
Quẹt mỏ như Gà.
Sợ nỗi da Gà.
Thóc đâu no Gà, cơm đâu no Chó.
Mặt tái như Gà cắt tiết.
Tóc đuôi Gà, mày lá liễu.
Tội Gà vạ Vịt.
Trấu trong nhà để Gà ai bới.
Trông Gà hoá Quốc.
Vắng chủ nhà, Gà mọc đuôi tôm.
Rối như Gà mắc đẻ.
Rũ như Gà cắt tiết.
Gà trống nuôi con.
Gà què bị Chó đuổi.
Gà muốn áo Công.
Gà nhà lại bới bếp nhà.
Một tiền Gà, ba tiền thóc.
Gà mái đá Gà cồ.
Nửa đêm Gà gáy.
Gà đẻ Gà cục tác.
Gà mái gáy gở .v.v.(thành ngữ)
Viết đến thành ngữ : "Gà mái gáy gở". Đó là, một việc làm hay một điềm
bất thường, bởi vì thói đời thường con Gà trống mới gáy, con Gà mái thường
không gáy, chỉ khi nào nó đẻ xong thì cục tác mà thôi, cho nên việc con Gà mái
gáy là việc bất thường và trong xóm làng nào nghe được tiếng Gà mái gáy, thì
cho là điềm gở tức bất thường, không khác cô hay bà nào đó
trong xóm làng có hành động bất thường hay quá quắc hoặc đôi khi làm ô-nhục
gia phong...
Nhân đây, xin trích dẫn truyện của Bà Võ Tắc Thiên như sau :
Vào đời nhà Đường ở bên Tàu, vua Đường Thái Tôn tuyển Võ Thị vào cung làm Tài
Nhân. Khi vua Thái Tôn lâm trọng bịnh, thì Võ Thị cố ve vãn Thái Tử. Lúc vua
cha chết, Thái Tử Đường Cao Tôn lên ngôi, thì Võ Thị ra tay chiếm ngôi Hoàng Hậu,
để trở thành Võ Hậu. Từ đó, Võ Hậu lấn quyền vua và rất độc đoán. Bước đầu, Võ
Hậu tự tay phế Thái Tử Lý Trung (con lớn), để lập con thứ là Lý Hoằng. Sau thấy
Lý Hoằng khó dạy bảo, Võ Hậu liền giết Lý Hoằng rồi lập Lý Hiền, kế đến Võ Hậu
truất bỏ Lý Hiền và cho Lý Triết lên làm Thái Tử. Khi vua Cao Tôn mất, Lý Triết
lên ngôi lấy hiệu là Trung Tôn, nhưng quyền bính đều nằm trong tay của mẹ làVõ
Hậu. Được một năm, thì Trung Tôn lại bị mẹ truất phế xuống giữ chức Lư Lăng
Vương, để người em là Lý Đản lên ngôi. Sau cùng bà lại truất phế luôn Lý Đản, rồi
tự xưng là Võ Tắc Thiên Hoàng Đế đổi quốc hiệu là Chu. Còn những thân vương nhà
Đường, ai có ý chống lại đều bị Bà tru diệt sạch hết.
Từ đó, Bà Võ Thị trở thành Bà Võ Tắc Thiên Hoàng Đế, xem việc nước như việc nhà
của Bà. Đó là, sự bất thường, không khác " Gà mái gáy gở " vậy.
Không những trong các : Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ nói đến Gà, mà trong
các câu hò cũng nói đến Gà, ví như sau :
Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh Gà thọ Xương.
Khi nói về các giai thoại và nguồn gốc về Gà cũng như phương
pháp đá Gà hay dùng Gà để nấu các thức ăn thì rất nhiều. Bởi vì, Gà là một
trong những gia súc xem như rất được mọi người biết đến, nếu kể ra hết thì sẽ tốn
nhiều thời giờ vô ích, xin tạm chấm dứt đề tài này. Nhân đây, xin trích dẫn một
số tiêu đề về: Về giai thoại về Gà sau đây :
- Con Gà nơi thành Cổ Loa.
- Tả Quân Lê Văn Duyệt và Thú chọi Gà.
- Con Gà của Trạng Quỳnh.
- Mất ngôi vì Gà.
- Hải Ninh Quận Công chết vì Gà.
...v.v.
Trở lại bàn về tuổi Dậu tức con Gà, chúng ta đã biết nó có hai chân như con Vịt,
nhưng nó được vào hạng thứ 10 trong Thập Nhị Địa Chi, trong khi con Vịt đứng
ngoài lề. Dù rằng có hai chân, nhưng nó rất tài ba hơn hai con vật có 4 chân là
: Tuất (Chó) -Hợi (Heo) được vào trong Thập Nhị Địa Chi.
Giờ Dậu = là giờ từ 17 giờ chiều đến đúng 19giờ tối.
Tháng Dậu = là tháng tám của năm âm lịch.
Khi viết năm nay là năm Ất Dậu, tôi lại nhớ năm Ất Dậu thuộc hành Mộc
(13-02-1945 đến 01-02-1946), ở Miền Bắc bị thực-dân Pháp cấu kết với
quân- phiệt Nhựt làm cho 2 triệu đồng bào ruột thịt chết vì đói một cách oan uổng
và tàn nhẫn (nếu cần xin xem lại quyển thượng từ trang 385 đến 394 trong tác phẫm
Tìm Hiểu Tử Vi Đẩu Số và Địa Lý cùng tác giả Nguyễn Phú Thứ ).
Tuổi Dậu được Tam Hạp là : Tỵ, Dậu và Sửu. Bởi vì, theo luật
thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì : Tỵ có hành Hỏa, Dậu có hành Kim và Sửu
có hành Thổ, cho nên chúng ta phân tách từng cặp tuổi chỉ thấy tuổi Sửu được
tương sanh với tuổi Tỵ và tuổi Dậu như sau :
Cặp Sửu và Dậu có :
Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì
"Thổ Sanh Kim", chúng ta đã thấy Sửu có hành Thổ và Dậu có hành Kim,
cho nên được tương sanh. Bởi vì, hành Thổ bị sanh xuất và hành Kim được
sanh nhập.
Cặp Tỵ và Sửu có :
Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì "Hỏa Sanh Thổ",
chúng ta Tỵ có hành Hỏa và Sửu có hành Thổ, cho nên được tương sanh. Bởi vì,
hành Hỏa bị sanh xuất hành Thổ được sanh nhập.
Trong khi Tỵ có hành Hỏa và Dậu có hành Kim. Căn cứ theo luật
thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì bị tương khắc, Bởi vì "Hỏa khắc
Kim" (hành Hỏa được khắc xuất và Kim bị khắc nhập.
Do vậy, cặp tuổi Tỵ và Dậu xem như Không Được
Tương Hạp, chỉ có tuổi Sửu được Tương Hạp cả tuổi Dậu
và tuổi Tỵ mà thôi hay nói khác đi, tuổi Sửu được Nhị Hạp cả tuổi Dậu và tuổi Tỵ.
Trái lại, tuổi Dậu thuộc nhóm Tứ Tuyệt là : Tý, Ngọ,
Mão và Dậu. Trường hợp này giống như tứ mộ hay tứ xung. Nếu chúng ta chịu khó để
ý và phân tách sẽ thấy nhóm này, có từng cặp khắc kỵ nhau mà thôi, ví như :
Cặp Tý Ngọ bị tương khắc, bởi vì : Tý có hành Thủy và Ngọ có
hành Hỏa. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì "hành Thủy
(Tý) khắc hành Hỏa (Ngọ)".
Cặp Mão Dậu bị tương khắc, bởi vì : Mão có hành Mộc và Dậu
có hành Kim. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì "hành
Kim (Dậu) khắc hành Mộc (Mão)".
Cặp Ngọ Dậu bị tương khắc, bởi vì : Ngọ có hành Hỏa và Dậu
có hành Kim. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành thì "hành
Hỏa (Ngọ) khắc hành Kim (Dậu)".
Trong khi đó, cặp Dậu Tý thì được tương sanh, bởi vì : Dậu
có hành Kim và Ngọ có hành Hỏa. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ
Hành thì "hành Kim (Dậu) sanh hành Hỏa (Ngọ)".
Ngoài ra, tuổi Dậu thuộc chi âm, kết hợp với 5 can âm, có hành gì ? xin trích dẫn
như sau :
Các tuổi Dậu Thuộc hành gì?
Ất Dậu Thủy
Đinh Dậu Hỏa
Kỷ Dậu Thổ
Tân Dậu Mộc
Quý Dậu Kim
Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm của các năm
con Gà vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào? để cống hiến quý bà con đồng
hương xem mình có phải sanh đúng năm Dậu hay không như dưới đây :
Tên Năm Thời
Gian Hành Gì?
Kỷ Dậu 22-01-1909 đến
09-02-1910 Thổ
Tân Dậu 08-02-1921 đến
27-01-1922 Mộc
Quý Dậu 26-01-1933 đến
13-02-1934 Kim
Ất Dậu 13-02-1945 đến
01-02-1946 Thủy
Đinh Dậu 31-01-1957 đến
17-02-1958 Hỏa
Kỷ Dậu 17-02-1969 đến
05-02-1970 Thổ
Tân Dậu 05-02-1981 đến
24-01-1982 Mộc
Quý Dậu 23-01-1993 đến
09-02-1994 Kim
Ất Dậu 09-02-2005 đến
28-01-2006 Thủy
Đinh Dậu 28-01-2017 đến
15-02-2018 Hỏa
Và xin trích dẫn thêm về những cây cỏ mang tên Gà như sau :
Cây mồng (mào) Gà trắng (*).
Cây mồng (mào) Gà đỏ (*).
(*) hai cây này cũng có tên là Dã Kê Quan.
Cây Ruột Gà.
Cây seo (theo) Gà tức là Phượng vĩ Thảo
Cây keo Dậu tức là cây Bồ Kết.
Cây Kê huyết Đằng.
Cây Kê Niệu Thảo tức là câyThường Sơn.
Cỏ trói Gà tức là cỏ tỹ Gà.
Cỏ tiết Gà.
...v.v.
Đó là những cây cỏ có thể biến chế để trị bịnh thông thường,
xem như dược thảo.
Nhân dịp bước sang năm Đinh Dậu kính chúc tất cả quý bà con đồng hương được
Bình An và mọi nhà được Hạnh Phúc và Vạn Sự Như Ý đúng như các câu như sau :
...Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng.
hoặc là :
...Tới Gà về ổ dân mình bình an.
Mong lắm thay! nếu được như vậy, thì đất nước mình sẽ càng
ngày càng phồn vinh, sung túc và giàu đẹp trong tương lai.
Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ
Mừng Xuân Đinh Dậu 2017
Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ
Mừng xuân Đinh Dậu
Mừng xuân Đinh Dậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét