CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 01.A CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG A 27-11-16






Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa: 44 Vì thế các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến". (Mt 24, 44)
Lời Chúa: Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA  Đtgm. Ngô Quang Kiệt
Hôm nay cung thánh đượm vẻ u buồn. Bàn thờ đạm bạc không hương hoa. Lễ phục mang màu tím. Màu tím của lặng lẽ hy sinh. Màu tím của âm thầm cầu nguyện. Màu tím của tha thiết đợi chờ. Màu tím ấy nhắc cho ta biết: hôm nay ta đã bước vào mùa Vọng.
Mùa Vọng là mùa đợi chờ. Đợi chờ Chúa đến cứu độ ta. Cuộc đời ta quá nhiều đau khổ, quá nhiều tội lỗi, quá nhiều bế tắc. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi đời ta, giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đưa ta vào tình trạng thánh thiện của con cái Chúa.
Như thế mùa Vọng cũng là mùa hy vọng. Đợi chờ chính là hy vọng. Như thế trong màu tím buồn chờ đợi đã thấy thấp thoáng màu xanh hy vọng vui tươi. Nhưng làm sao để màu tím biến thành màu xanh? Làm sao nắm bắt được niềm hy vọng? Làm sao gặp được Chúa khi Người ngự đến? Lời Chúa sẽ hướng dẫn ta sống tinh thần mùa Vọng này.
Trong tuần thứ nhất mùa Vọng, Chúa Giêsu khuyên ta noi gương tổ phụ No-e. Tổ phụ No-e đã được cứu thoát khỏi nạn hồng thủy nhờ thái độ sống tích cực trước lời hứa của Chúa. Thái độ tích cực đó gồm hai điểm hỗ tương.
1) Chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào cuộc đời tối tăm hiện tại
Người ta sống nhờ hy vọng. Không có hy vọng, không ai sống nổi ở đời. Cuộc đời phù du mau qua. Cuộc đời tràn ngập đau khổ. Cuộc đời quá nhiều thử thách. Nhờ hy vọng con người mới có thể tiếp tục sống, làm việc, thăng tiến.
Chính vì hy vọng một mùa gặt bội thu mà người nông dân không ngại dầm sương dãi nắng, thức khuya dậy sớm, cần cù cày bừa, gieo vãi và vun tưới.
Chính vì hy vọng đậu đạt mà học sinh, sinh viên không ngại vất vả, ăn uống đơn sơ, giảm bớt vui chơi, đêm đêm chong đèn đọc sách.
Chính niềm hy vọng được cứu thoát đã giúp tổ phụ No-e có đủ can đảm và kiên nhẫn, đầu tư thời giờ và công sức để đóng một con tàu lớn như thế.
Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời hứa của Chúa. Tin tưởng vững vàng vào Lời Chúa, tổ phụ No-e sống tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Niềm hy vọng đó giúp Ngài vượt qua những khó khăn hiện tại.
2) Sống tích cực giây phút hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.
Niềm hy vọng vào tương lai giúp ta thêm can đảm. Nhưng nó không cho phép ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Niềm hy vọng tách rời khỏi thực tế sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế muốn đạt tới niềm hy vọng tương lai, ta phải tích cực sống phút giây hiện tại. Phải tích cực làm việc cho tương lai.
Người học trò muốn có tương lai tươi sáng không thể chỉ ngồi đó chờ đợi, nhưng phải ngày đêm chăm lo học hành.
Người nông phu muốn có mùa gặt bội thu không thể khoán trắng công việc đồng áng cho trời đất. Nhưng phải cần cù chăm chỉ dầm mưa dãi nắng.
Tổ phụ No-e không ngồi khoanh tay chờ Chúa đến cứu, nhưng đã bắt tay vào việc. Ngài làm việc cật lực, bất chấp những lời dèm pha, dị nghị của những người chung quanh.
Tục ngữ Pháp có câu: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp. Tổ phụ No-e đã thực hiện đúng như thế. Ngài đã dồn hết công sức vào việc chuẩn bị tương lai. Và Chúa đã cứu Ngài như lời đã hứa.
Đời sống ta là một mùa Vọng kéo dài. Mùa Vọng trần gian muốn phủ ta trong màu tím buồn của những gian nan thử thách, những thất bại, những chán nản, lo âu, nghi ngờ, mệt mỏi. Ta hãy noi gương tổ phụ No-e, tin tưởng vững chắc vào lời Chúa hứa. Lời Chúa sẽ chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào những tăm tối u buồn hiện tại. Như tổ phụ No-e, ta không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm việc bổn phận trong hiện tại.
Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng vững chắc. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Đó chính là cách ta sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Đó chính là ta tỉnh thức không bị lỡ cơ hội khi Chúa đến.     
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Amen.

Giải đáp phụng vụ: Mùa Vọng

I- Mùa Vọng có ý nghĩa gì?
 Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus", có nghĩa là "đến". Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh (25 tháng 12) để các tín hữu Công giáo chuẩn bị Mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần.
- Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi Tín Hữu Công Giáo 4 ý nghĩa sau đây:
 1- Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
2- Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
3- Ngày nay, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.  
4- Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta.   Vậy nên mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.
Những câu nói đáng nghi nhớ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ ngày 22.11.2016

Tất cả chúng ta đều phải chết, đây là một thực tế không thể chối cãi. Nhưng có người sống như thể không có ngày chết.
Còn chúng ta tất cả phải nghĩ đến ngày ra trước mặt Chúa.
Tôi đã sống như thế nào với những ơn ban của Chúa! 
Ta phải sống trung thành, để không sợ  hãi trước những ngày  đó. Hãy trung thành với Chúa cho đến chết

Những khuyến nghị và ân ban của Đức Phanxicô trong Tông thư MISERICORDIA ET MISERA 
(Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn cùng)

 (Dcctvn.org) Ngày Chúa nhật 20-11-2016, sau khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô đã ký Tông thư Misericordia et misera (Lòng thương xót và nỗi khốn cùng) gửi toàn thể Giáo hội để tiếp tục sống lòng thương xót đã trải nghiệm trong suốt Năm Thánh ngoại thường vừa kết thúc.   Sau đây là những điểm chính :
Đức Thánh Cha khuyến khích:
a/. Phổ biến trong các cộng đoàn Kitô hữu việc thực hành Lectio Divina (số 7)
b/. Dành toàn bộ ngày Chúa Nhật cho Lời Chúa (số 7)
c/. Thiết lập Ngày Thế giới của người nghèo, cử hành vào Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường niên mỗi năm (số 21)
d/. Chăm sóc các tín hữu rình sinh thì cách đặc biệt (số 15)
e/. Đưa ra những hình thức cụ thể cho công việc bác ái và thực hiện các công trình của lòng thương xót (số 19).
Đức Thánh Cha ban đặc ân:
a/. Cho phép tất cả các linh mục, trong phạm vi năng quyền của họ, đều được quyền tha tội phá thai trong mọi mùa phụng vụ (số 12)
b/. Chấp nhận giải pháp cho các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, đi lễ tại các nhà thờ do các linh mục thuộc Huynh đoàn Thánh Pio X coi sóc, được phép xưng tội và lãnh nhận bí tích Hòa giải do các vị ấy cử hành (số 12).
Tông thư Misericordia et Misera đóng lại Năm Thánh, nhưng đồng thời mở ra cho toàn thể Giáo hội, nền mục vụ và nền văn hóa của lòng thương xót, có thể làm nền tảng cho việc Tân Phúc âm hóa, ở đó những cánh cửa của Nhà Cha đang rộng mở cách đặc biệt cho những người tìm kiếm sự dịu dàng nội tâm, tức là ơn an ủi của Thánh Thần.
Đức Minh
Ngày lễ mới của Giáo hội Công giáo
“ Ngày thế giới của người nghèo”
Trong thánh lễ Chúa nhật 13-11 cho các người nghèo và người bị loại trừ, Đức Phanxicô đã «nhân danh các tín hữu kitô» xin lỗi các người nghèo và ngài tuyên bố ngày 13 tháng 11 sẽ là Ngày thế giới người nghèo.(Chúa Nhật thứ XXXIII Mùa Thường niên mỗi năm)
“Tôi đã nảy sinh ý tưởng rằng – như một dấu chỉ hữu hình của Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót này – toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành Ngày Thế giới Vì Người Nghèo vào Chúa Nhật thứ XXXIII Mùa Thường niên mỗi năm. Đây sẽ là phương thế xứng đáng nhất hầu chuẩn bị cho việc cử hành Lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ – Đấng luôn đồng cảm với những kẻ bé mọn cũng như những người nghèo khổ và Đấng sẽ phán xét mỗi người chúng ta dựa trên những công việc của Lòng Thương Xót.
Đây là một dịp nhằm giúp cho các cộng đồng và mỗi người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội cùng ngẫm nghĩ lại về cảnh cơ hàn vốn là trung tâm của Tin Mừng thế nào. Ngày Thế giới Vì Người Nghèo cũng sẽ tượng trưng cho một hình thức đích thực của việc Tân Phúc Âm hóa vốn có thể canh tân diện mạo của Giáo Hội”.

GIÁO HOÀNG PHANXICO, GIÁO HOÀNG KHÔNG NGHĨ NGƠI
* Từ khi được bầu chọn, ngài đã gặp không dưới 12 000 người,
* 229 thánh lễ và 12000 khách phải tiếp ở Nhà trọ Thánh Mácta
* 150 giờ đi Xe Giáo hoàng ở Quảng trường Thánh Phêrô,
* Hai Tông huấn, 45 thư chính thức, 55 tin nhắn…
* Các chuyến đi và thăm viếng ở nước ngoài,
* Mỗi ngày trả lời 50 thư trong số 4000 thơ nhận mỗi tuần.
* Không một ngày nghỉ (Các vị tiền nhiệm của ngài mỗi tuần có một ngày “nghỉ”. Theo truyền thống ngày đó là ngày thứ ba – ngày không ‘làm gì’ và họ có thể nghỉ ngơi. Đức Phanxicô dùng ngày đó để thu xếp các cuộc gặp ở trong danh sách chờ (điều này cho thấy vì sao có nhiều người có thể gặp được ngài!)
* Tổng giám mục Buenos Aires không bao giờ đi nghỉ hè.
Tất cả đã làm nên thương hiệu Giáo Hoàng Phanxico.
Chúc mừng và tiếp tục cầu nguyện cho ngài. và tin tưởng, đó cũng là bài học cho mỗi người chúng ta.

QUỲ GỐI CẦU NGUYỆN    


 Trầm Thiên Thu
“Ban ngày Chúa gửi tình thương xuống, con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm thành kinh nguyện dâng Chúa Trời nguồn sống” (Tv 42:9).
Tổng Thống  Abraham Lincoln (1809-1865) nổi tiếng là con người cầu nguyện, ông tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, từ tháng 3-1861 và bị ám sát vào tháng 4-1865. Có lần ông nói: “Tôi đã phải quỳ gối nhiều lần vì tin rằng tôi không còn cách nào khác. Sự khôn ngoan của tôi, và tất cả những gì về tôi, có vẻ vẫn thiếu”.
Cùng với một vị tướng bị thương tại Gettysburg, Tổng Thống Lincoln nói: “Khi mọi người có vẻ sợ hãi, tôi vào phòng rồi quỳ gối trước Thiên Chúa toàn năng và cầu nguyện. Ngay lập tức tôi cảm thấy sự bình an trong lòng, Thiên Chúa toàn năng đã giữ gìn tất cả trong tay Ngài”.
Trong thời gian nội chiến, có một người bạn của ông đến thăm Tòa Bạch Ốc. Người này kể lại: “Một đêm kia, tôi bồn chồn và không ngủ được. Tổng thống ngủ ở phòng riêng, tôi nghe có tiếng nói trầm giọng. Tôi thử tìm hiểm xem và tôi thấy cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên được. Tôi thấy tổng thống quỳ gối trước cuốn Kinh Thánh mở ra. Tổng thống đã cầu nguyện:
‘Lạy Thiên Chúa, Ngài đã nghe tiếng cầu xin của vua Salomon trong đêm tối khi ông cầu nguyện và kêu xin ơn khôn ngoan, xin Ngài nghe tiếng con… Con không thể hướng dẫn công việc của đất nước này nếu không có sự cứu giúp của Ngài. Xin nghe lời con cầu xin và cứu thoát đất nước này’. Tôi nhớ mãi lời cầu nguyện của tổng thống”.
Lúc này có điều gì đang xảy ra trong cuộc đời bạn mà bạn cảm thấy khó giải quyết? Bạn có gánh nặng gì? Bạn quan ngại, lo lắng, và căng thẳng về điều gì? Người ta ghen ghét và xa lánh bạn chăng?
Hãy chân thành thân thưa với Chúa. Hãy cho Ngài biết điều gì đang xảy ra và cảm giác của bạn. Và hãy tha thiết cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương tình cứu con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ!” (Tv 40:14).
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin tạ ơn Ngài luôn ở bên con, luôn sẵn sàng cứu trợ con suốt ngày đêm dù con gặp vấn đề gì hoặc với bất cứ lý do gì. Amen.
LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI NGOẠI VỀ CHA XỨ

Ước gì giáo dân cũng nghĩ được như vậy. Đọc rồi liệu cách đối xử và sống với các ngài mọi người nhé.
     “Đi tu làm gì con ơi?" Tao thấy mấy Ông Cha đi tu có sướng gì đâu?
Sáng sớm đã dậy Dâng lễ, ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa đông giá rét cũng như ngày hè nóng nực, vẫn đầy đủ. Rồi lại dạy giáo lý rồi tập hát,… Giảng lễ thì cả trăm người nghe, lễ xong người ta ra về tay trong tay ấm áp, bố mẹ con cái vui vẻ cười nói, còn Ông thì lủi thủi dọn đồ lễ, đóng cửa tắt điện nhà thờ một mình, lễ về mới cắm lại ít cơm nguội còn lại của bữa trưa với hâm lại ít tép khô của mấy bữa trước ăn vậy. Ăn xong dọn dẹp thu xếp cũng đã muộn, lại còn xem sách vở, giấy tờ các kiểu, rồi còn chuẩn bị bài giảng lễ sáng hôm sau.
Ngày nào cũng thế, toàn những việc không tên, chuyện giáo xứ, chuyện gia đình, chuyện trên trời dưới đất… tất cả vào Ông Cha.
Tao thấy nhà tao có 2 đứa con, để mà chiều lòng chúng nó thì quá mệt vậy mà tao thấy một mình Ông lo cho cả giáo xứ cả trăm nghìn người giáo dân, vừa lòng người nọ thì mất lòng người kia, vừa lòng hội đoàn nọ thì mất lòng hội kia,…
Có ai hiểu và thông cảm cho Ông đâu. Khỏe mạnh thì không sao, những ngày trái gió trở trời mà chẳng may bị ốm thì rõ khổ. Người ta còn có vợ có chồng hay con cái chăm sóc, còn Ông thì phải tự một thân một mình chăm sóc cho mình, hay là những lúc buồn chắc các ông cũng cần phải có người để nói chuyện hoặc là tâm sự chứ nhể?
Tao thấy có nhiều người ngồi chơi ở nhà tao, thấy Ông Cha đi qua thì chào rối rít, mà sau đó thì bàn tán nói xấu này nọ, chê Ông Cha xứ già, làm lễ lâu, đọc không rõ, còn bảo là Ông dạy giáo lý vớ vẩn,
… Tao thấy ai rồi mà chả già, với lại Ông làm Cha thì được học hành đàng hoàng thì phải hơn mấy ông giáo dân chứ, thế mà họ lại còn chê là dạy vớ vẩn. Mà hình như giáo dân chỉ muốn biến các Ông thành công cụ hay là nô lệ để phục vụ cho vừa ý họ, vừa lòng thì không sao, không may phật ý chút là quay lại nói này nói nọ, rồi so sánh Ông này với Ông kia,… Còn nữa chứ, chẳng biết giáo dân cho Ông được nhiều hay ít mà họ bảo là Ông này cứ có tiền là xong hết. Chắc họ nghĩ mấy Ông Cha này là tham quan.
Mà tao thấy giáo dân có cho hay biếu được cái gì thì Ông cũng cho hết vào nhà thờ hoặc là cho bọn nhỏ học giáo lý chứ có dành riêng cái gì cho Ông đâu. Tấm lòng của các Ông cao cả với lại hy sinh như thế mà vẫn có người chê trách các Ông. Giáo dân đã chẳng giúp đỡ thì thôi lại cứ còn chia rẽ. Tao thấy giáo dân có nhiều người ích kỷ lắm, đã chẳng làm được gì mà lại còn chê bai người khác.
Nhưng mà lạ cái là lúc nào tao cũng thấy các Ông ấy vui vẻ. Chắc các ông có niềm vui riêng. Tao nghĩ mà thương các Ông!”
Ước gì giáo dân hiểu được điều này!!!* (Ông = Cha xứ)

CÔNG DỤNG TUYỆT VỜI CỦA NƯỚC SÚC MIỆNG



1/ Trị Gàu Nhiều người đã sử dụng nước súc miệng để trị gàu rất hiệu quả. Cho một ít nước súc miệng lên da đầu rồi soa bóp nhẹ nhàng, sau đó bao tóc lại ủ trong vòng 20 phút rồi gội sạch.
2/ Khử mùi hôi nách Nước súc miệng có thể sử dụng để thay thế cho lăn khử mùi, nó có thể loại bỏ mùi hôi nách hiệu quả. Cho một ít nước súc miệng ra bông sau đó lau nhẹ nhàng lên vùng nách của bạn.
3/ Rửa mặt Nước súc miệng là thần dược chữa mụn trứng cá hiệu quả mà ít ai ngờ tới. Hòa một ít nước súc miệng với nước rồi rửa mặt, sau một tuần da bị mụn sẽ được cải thiện rõ rệt.
4/ Bôi lên vết thương Nếu bạn bất cẩn bị thương, có thể dùng bông thấm dung dịch Listerine để lau nhẹ vết thương và khử trùng.
5/ Trị Nấm móng chân Nước súc miệng có tính nấm tuyệt vời, đặc biệt là điều trị nấm chân hiệu quả. Chuẩn bị một thau nước pha nước súc miệng ngâm chân bạn trong nước súc miệng 30 phút.
6/ Làm nước lau kính, Lau màn hình máy tính chỉ cần xịt một ít nước súc miệng lên mặt kính sau đó lau sạch bằng vải mềm khiến cho những thứ bẩn không dễ bám trên bề mặt kính , máy tính.
7/ Dung dịch cho chó tắm có thể sử dụng nó để tắm cho chó hoặc phun lên cơ thể của chó, kết quả khá tốt.
8/ Khử bồn cầu Cho nước súc miệng vào bồn cầu sau đó cọ sạch, các vết bẩn và vi khuẩn trong bồn cầu sẽ dễ dàng được lấy đi.
9/ Tẩy sạch bàn chải đánh răng bạn có thể ngâm bàn chải đánh răng vào nước súc miệng để loại bỏ vi trùng và mảng bám.         (TTO)  

Các ngày lễ trong tuần
Thứ Tư 29-11: Lễ Kính T. Anre tông đồ
Thứ Ba 03-12: Lễ Kính Thánh  Phanxico Xavie (bổn mạng các xứ truyền giáo)



Không có nhận xét nào: