CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Suy Tôn Lời Chúa - Thứ Tư 9/12/2015

Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật III Mùa Vọng C – Lc 3,10-18
Thứ Tư – 9/12/2015
XIN ƠN THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hướng dẫn chúng con bước vào Mùa Vọng, mùa của tỉnh thức và cầu nguyện (Chúa Nhật I Mùa Vọng C), mùa của sự mời gọi “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”, “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vì Nước Trời đã gần đến” (Chúa Nhật II Mùa Vọng C). Và hôm nay, Lời Chúa lại tiếp tục vang lên với Tin Mừng Lc 3,10 -18: “Chúng con phải làm gì để việc sám hối thật sự đổi mới cuộc đời chúng con?” (Chúa Nhật III Mùa Vọng C)
Nguyện xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài đến giúp chúng con tham dự giờ suy tôn Lời Chúa chiều nay thật sốt sắng để chúng con dọn lòng Mừng Đại Lễ Giáng Sinh, dấu chỉ của tình thương cứu độ.
(Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Lc 3,10-18.
A.    LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót vào 9 giờ 30 sáng ngày 8.12.2015 tại Quảng trường Thánh Phê-rô. Giờ Việt Nam là 15 giờ 30 cùng ngày. Thời điểm này cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm Bế mạc Công Đồng Chung Vatican 2. Trong bối cảnh ấy, Mùa Vọng năm C với Tin Mừng Lc 3,10-18 cho chúng ta biết thêm một góc cạnh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Đó là, Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đấng Thiên Sai, đã dẫn đường, chỉ lối cho mọi thành phân dân chúng khi họ đến hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì để sám hối, trở về cùng Đức Chúa?”
Đoạn Tin Mừng Lc 3,10-18 gồm hai phần: Phần đầu (câu 10-14), ông Gioan Tẩy Giả trả lời. Phần sau (Câu 15-18), Đấng Mê-si-a đang đến. Kính mời cộng đoàn tìm hiểu chi tiết sau đây…
B.     TÌM HIỂU CHI TIẾT
*Trước và sau mỗi suy niệm, mời cộng đoàn hát Điệp Khúc:
Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời.
†Suy Niệm:
1/ Dân chúng hỏi ông Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì?” (c.10)
Đám đông dân chúng (okhloi) đón nhận lời kêu gọi hối cải của ông Gioan Tẩy Giả và chịu phép rửa. Nhưng họ không chỉ muốn nghe nói chung chung về sự hối cải ấy. Họ muốn biết một cách cụ thể hơn nữa điều họ cần phải thực hiện. Họ không bằng lòng với “đạo tại tâm”, vì cuộc hoán cải trở về với Thiên Chúa không phải chỉ là chuyện của lời nói và những ý nghĩ trừu tượng, mà còn phải là và chính yếu là những hành động cụ thể. Thế nên, họ đã hỏi ông Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì?”.
Đám đông dân chúng ở đây đã được tác giả Luca trình bày như gương mẫu cho các Kitô hữu khao khát ơn cứu độ và quyết tâm hoán cải quay trở về với Thiên Chúa. Nhưng rất nhiều khi, chính chúng ta lại chỉ thỏa mãn với những lời nói suông và những nghi lễ này khác, mà quên mất một câu hỏi quan trọng: “Tôi phải làm gì?”. Mùa Vọng là cơ hội rất tốt để chúng ta đặt câu hỏi đó cho chính mình trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Và chắc chắn chúng ta mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Hát: Trời cao…
2/ Ông Gioan Tẩy Giả trả lời (cc.11-14)
Đáp lại câu hỏi của đám đông dân chúng, câu trả lời của ông Gioan Tẩy Giả cho thấy nguyên tắc đạo đức căn bản của ông là tình yêu đối với tha nhân. Sự hoán cải mà ông Gioan Tẩy Giả nghĩ đến nằm ở thái độ và cách hành xử đối với tha nhân. Cũng như Chúa Giêsu đã vâng ý Cha, nhập thể làm người, sống thân phận kiếp người để cứu độ nhân loại, thì ông Gioan Tẩy Giả đã hướng dân chúng hoán cải bằng cách thực hiện trọn vẹn thánh ý Chúa trong tình yêu mến.
2.1 Với đám đông dân chúng: Chia sẻ với người khác trong tình huynh đệ (c.11).
Cuộc hoán cải làm cho người ta hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa cần phải được và chỉ được thực hiện một cách thực sự hữu hiệu qua những cách hành xử của người ta đối với tha nhân.
Đối với mọi người nói chung, ông Gioan Tẩy Giả yêu cầu chia sẻ trong tình huynh đệ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (c.11). Vị ngôn sứ nhìn vào tình cảnh cụ thể của đám đông đang ở trước mặt ông. Đó là một đám đông đã thực hiện một cuộc hành trình có khi là khá xa để đến nghe ông rao giảng. Họ cần phải ăn và cần phải có áo choàng để đắp ban đêm. Đó là những nhu cầu thiết yếu nhất của họ lúc đó. Vậy lời yêu cầu của ông Gioan không chỉ là dành cho những người đang sống trong sung túc, đòi họ dâng tặng những thứ dư thừa của họ. Đây còn là lời mời gọi dành cho mọi người đang có những gì nhiều hơn điều họ thực sự cần phải có để độ nhật. Ngay cả người chỉ có hai cái áo choàng cũng phải cho đi một cái và chỉ giữ lại một cái duy nhất, nếu người bên cạnh anh ta chẳng có cái nào. Trước nhu cầu cấp thiết của người khác, anh ta chỉ được giữ lại cho mình những gì tối cần thiết mà thôi. Cần phải làm tất cả những gì có thể để chia sẻ, trong tình huynh đệ, với những người thiếu thốn hơn mình.
Lời kêu gọi của ông Gioan Tẩy Giả rõ ràng hết sức cụ thể trong hoàn cảnh đám đông dân chúng đang có mặt ở đó. Ông đã không đưa ra một nguyên tắc trừu tượng, trí tuệ và khó hiểu. Ông tỏ cho đám đông thấy rõ rằng chính trong chuyện bình thường nhất của cuộc sống hằng ngày như chuyện ăn chuyện mặc mà cuộc hoán cải cần phải được thực hiện.
Chúng ta dễ có khuynh hướng kiểm tra tính xác thực của đời sống Đạo của mình dựa vào những nguyên tắc lý thuyết trừu tượng, thay vì mở tung tủ áo, mở tung tủ thức ăn, mở tung chiếc ví đựng tiền… Ngay cả khi đến toà giải tội, chúng ta cũng thường dễ chấp nhận việc tỏ lòng sám hối bằng cách đọc nhiều kinh thay vì cho đi một nửa số tiền mình đang có trong ví. Nhưng sự hoán cải đích thực đòi chúng ta phải chia sẻ với những người khác các thực tại thiện hảo, nghĩa là vật chất và tinh thần của mình trong tình huynh đệ chân thành.
Nhân đây, chúng ta nên nhớ lại, trong Sách Công Vụ Tông Đồ, tác giả Lu-ca đã từng mô tả hành động “tương thân tương ái” giữa các Ki-tô hữu tiên khởi: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4: 32).
2.2 Với những người thu thuế và binh lính: Khước từ những hành động bất chính (cc.12-14).
Những người thu thuế và các binh lính cũng đến hỏi ông Gioan Tẩy Giả xem họ phải làm gì. Tác giả Luca nêu hai trường hợp cụ thể này để cho thấy khía cạnh thứ hai của cuộc hoán cải. Đó là khước từ những hành động bất chính.
Những người thu thuế và các binh lính là hai hạng người bị coi thường và khinh ghét trong xã hội Do Thái bấy giờ, vì họ thường lợi dụng vị trí của mình để thu lợi bất chính và hành xử bất công với người khác. Với những người thu thuế, ông Gioan Tẩy Giả nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Với các binh lính, ông bảo: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình”. Ông cũng đã không đòi hỏi họ phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, những nghề bị coi khinh trong xã hội Do Thái đương thời. Ông chỉ đòi hỏi họ từ bỏ những hành động bất chính khi hành nghề mà thôi, tức là từ bỏ những cách thức lợi dụng vị trí của mình mà bóc lột và đối xử bất công với kẻ khác. Những đòi hỏi ông Gioan Tẩy Giả nêu lên đối với những người thu thuế và binh lính thời ông rao giảng phải chăng cũng có thể là những đòi hỏi dành cho chính chúng ta hôm nay trong tư cách nghề nghiệp của mỗi người: bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, doanh nhân, phụ huynh, con cái v.v…
Vấn đề không phải là thay đổi nghề nghiệp, mà là thay đổi con tim. Cái đáng sợ là con tim không còn hướng về Thiên Chúa và không còn tìm kiếm sự thiện và sự thật cho người khác. (Đã đành là cũng có những nghề nghiệp tự nó là bất chính không thể chấp nhận, ví dụ “nghề” nạo hút thai, “nghề” buôn bán phụ nữ và trẻ em, “nghề” buôn bán ma túy, “nghề” tổ chức mại dâm…; nhưng sở dĩ người ta làm những nghề nghiệp xấu xa ấy là vì con tim người ta đã không còn Thiên Chúa nữa).
Vậy cả hai đòi hỏi nói trên của cuộc hoán cải đều cho thấy: cuộc hoán cải đích thực không buộc người ta làm những hành động vượt quá hay ở bên ngoài cuộc sống con người. Ông Gioan Tẩy Giả đã không đòi hỏi dân chúng phải làm những hành động khổ hạnh hay những nghi thức đặc biệt nào. Ông chỉ đòi hỏi người ta phải sống đúng như một con người đích thật giữa xã hội loài người, tức là sống ngay chính, quảng đại và liên đới với người khác. Kết quả cụ thể của cuộc hoán cải là sự hiệp thông ngay lành với tha nhân trong những thực tại hằng ngày của cuộc sống.
Hát: Trời cao…
3/ Đấng Mêsia đang đến (cc.15-18)
Điều đáng chú ý đầu tiên là đám đông (okhloi) được nói đến ở phần đầu bài Tin Mừng, giờ đã được tác giả Luca gọi là “dân (laos) đang trông đợi”, tức là Israel được chuẩn bị để nhận biết ơn cứu độ thời Mêsia (x. Lc 1,17.77). Trong số các tác giả Nhất Lãm, chỉ một mình Luca quy chiếu một cách rõ ràng về một ý tưởng có lẽ vẫn còn tồn tại trong một số nhóm người Do Thái đương thời: một số người vẫn coi ông Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêsia (c. 15; xem thêm Cv 18,25; 19,1-3; Ga 1,6-8.15.20; 3,28).
Câu trả lời của ông Gioan Tẩy Giả (cc.16-17) cho ý tưởng đó đã là một lời tuyên bố về vai trò Mêsia của Đức Giêsu: chính ông Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ của Đấng Tối Cao (Lc 1,76) đã tuyên xưng về sự cao cả hơn hẳn của Đấng Mêsia, Con của Đấng Tối Cao (Lc 1,32): “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.
Có lẽ thoạt đầu, trên miệng ông Gioan Tẩy Giả, lời tuyên bố này mang đặc tính cánh chung. Hình ảnh “Đấng quyền thế hơn” có thể muốn nói đến một Đấng thuộc cõi thiên thai, hoặc có thể là chính Thiên Chúa. Trước Đấng ấy, ông Gioan Tẩy Giả nhận mình không xứng đáng làm đầy tớ: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Hoặc ít nhất, “Đấng quyền thế hơn” mà mọi người đang trông đợi sẽ không phải là một phàm nhân bình thường. Khác với ông Gioan Tẩy Giả là người làm phép rửa bằng nước, “Đấng quyền thế hơn” sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Ta gặp ở đây chủ đề về cuộc phán xét cánh chung của Thiên Chúa. Trong cuộc phán xét ấy, có hai khả năng xảy đến cho con người: một là phán quyết cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện bằng việc Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần để biến đổi con người tự bên trong trái tim (xem thêm Ed 36,25 tt); hai là phán quyết kết án của Thiên Chúa nhờ lửa hủy diệt.
Lời tuyên bố của ông Gioan Tẩy Giả đã được “Kitô hóa”. Tác giả Tin Mừng Luca đã hiểu “Đấng quyền thế hơn” chính là Đức Giêsu. Khác với tác giả Mác-cô và Mát-thêu, tác giả Luca cẩn thận dùng những cách nói khác nhau để chỉ ra sự khác hẳn giữa phép rửa của ông Gioan và phép rửa của Đức Giêsu: một bên là phép rửa bằng nước, còn bên kia là phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Vấn đề không phải là sự khác nhau về chất liệu của hai phép rửa, mà là hai thực tại thuộc hai bình diện và cấp độ khác nhau về bản chất. Trong Cv 1,5 và 11,16 lời tuyên bố trên đây về phép rửa sẽ được thánh Luca đặt vào miệng của chính Chúa Giêsu. Phép rửa trong Thánh Thần và lửa không còn là phán quyết của Thiên Chúa trong ngày cùng tận nữa. Đó là phép rửa đưa người ta vào Hội Thánh. Nó không xóa bỏ phép rửa bằng nước, nhưng kiện toàn phép rửa ấy, biến phép rửa bằng nước thành bí tích của ơn cứu độ viên mãn.
Để cho mình được thuộc về Đức Giêsu, tức là để cho mình được dìm trong Thánh Thần và lửa, chúng ta sẽ được tràn đầy sức sống của chính Thiên Chúa. Gieo mình vào trong tay Đức Giêsu, ta sẽ thấy những gì là chất lượng thật, những gì chỉ là thực tại giả trá, vì như người ta rê lúa trong sân, thóc mẩy và rơm rác sẽ được tách riêng ra. Đó không chỉ là chuyện của ngày phán xét, mà còn là chuyện của cuộc sống chúng ta hiện nay.
Hát: Trời cao…
C.    KẾT LUẬN
Tóm lại, đoạn Tin Mừng Lc 3,10-18 đã nhắc nhở mỗi người chúng cần phải làm điều gì thật cụ thể để đón mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh sắp đến, xa hơn, đón mừng ngày quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô khi Người đến lại trần gian lần thứ hai trong ngày cánh chung, ngày cùng tận của thế giới, ngày cuối đời của mỗi người chúng ta.
GỢI Ý ÁP DỤNG
* Một là chúng ta hãy tự hỏi mình như những người Do Thái xưa đã hỏi ông Gio-an Tiền Hô: “Chúng tôi phải làm gì đây?”
* Hai là chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng, mở lòng, mở trí, mở mắt tâm linh cho chúng ta nhìn thấu suốt con người của mình mà thấy được những “ngóc ngách” nào trong tâm hồn và đời sống của chúng ta cần được Chúa Giê-su Ki-tô rửa trong Thánh Thần và trong lửa. Trong tâm hồn của chúng ta, có thể còn những “ngóc ngách” cần được thanh tẩy, như lòng kiêu căng, cứng tin, ganh tỵ, hận thù, thờ thần nào khác không phải là Thiên Chúa. Trong đời sống của chúng ta, có thể còn đó những “ngóc ngách” cần được thanh tẩy, như đam mê sắc dục, rượu chè, cờ bạc, tiền tài, danh vọng, chức quyền hay lối sống giả hình, nhỏ nhen, ích kỷ, thờ ơ trước nỗi khổ của người chung quanh hoặc hẹp hòi trong chia sẻ (tài năng, tấm lòng, thời gian, tiền của) với người hay cộng đồng cần đến sự giúp đỡ và đóng góp của chúng ta.
* Ba là chúng ta tha thiết nài xin Chúa Giê-su Ki-tô dùng Máu Châu Báu, Thánh Thần và lửa để rửa sạch những “ngóc ngách” tối tăm, bụi bặm ấy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta. Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã được Đức Thánh Cha Phanxicô mở cửa.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1.      "Chúng tôi phải làm gì đây để hoán cải và trở về cùng Thiên Chúa? " (câu 10).
2.      "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." (câu 11).
3.      “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (câu 13).
4.      “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”(câu 14).
LỜI NGUYỆN
1.      "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin Chúa ban cho chúng con biết thực thi đức bác ái bằng cách chia sẻ với những người nghèo khó mà chúng con gặp gỡ với một tấm lòng rộng mở, một trái tim biết yêu thương.
2.      “Đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định.” Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin Chúa ban cho chúng con biết hoàn thành trách nhiệm của mình, không đòi hỏi người khác phải phục vụ chúng con, nhưng biết quên mình để phục vụ người khác.
3.      “Chớ hà hiếp ai.” Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin Chúa ban cho chúng con và những ai, giữa một xã hội mà quyền lực đang được đề cao, đang nắm giữ quyền hành, luôn biết ý thức rằng, quyền lực là để phục vụ, chứ không phải để áp bức, vì nhân phẩm con người là một  giá trị to lớn.
4.      “Cũng đừng tống tiền người khác”. Lạy Chúa Giêsu,  nguyện xin Chúa giúp chúng con ý thức giá trị đích thực của tiền bạc, nhờ đó chúng con không dựa vào sức mạnh của đồng tiền mà mưu đồ chiếm đoạt của kẻ khác và quên mất đòi hỏi của sự công bằng.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng



Không có nhận xét nào: