CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Hãy biết sống làm sao để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Thứ Sáu Tuần 8 TN1, Năm Lẻ

Bài đọc: Sir 44:1, 9-13; Mk 11:11-26.

1/ Bài đọc I: 1 Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
9 Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có,
họ sinh ra mà như chẳng chào đời con cháu của họ cũng thế thôi!
10 Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11 Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con.
12 Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13 Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.

2/ Phúc Âm: 11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.
12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói.
13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả.
14 Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.
16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.
17 Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "
18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.
19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.
20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ.
21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!"
22 Đức Giê-su nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.
23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!,” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.
24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.
25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.
26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết sống làm sao để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong vũ trụ là cho một mục đích, chẳng có gì gọi là ngẫu nhiên mà có hay không mang một mục đích nào cả. Ví dụ, tạo dựng cây cỏ cho bò ăn; khi bò lớn, bò trở thành thịt cho con người ăn hay để cày bừa; khi con người tăng trưởng, con người trở thành hữu ích cho tha nhân phần xác, hay rao giảng Tin Mừng để đưa con người về cho Thiên Chúa. Vật nào hay người nào không sinh hoa kết quả hay không đạt được mục đích sẽ bị Thiên Chúa loại ra ngoài để lấy chỗ cho vật khác hay người khác biết sinh lợi cho Ngài.
Các bài đọc hôm nay nhằm giúp con người hiểu thấu ơn gọi và mục đích của họ trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca so sánh giữa hai dòng dõi: Một bên là dòng dõi vô danh, chẳng để lại gì cho hậu thế, họ qua đi như chẳng bao giờ có mặt trong cuộc đời, và con cháu họ cũng sống cuộc đời vô nghĩa như họ vậy. Một bên là dòng dõi của những người công chính, họ biết sống theo mục đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho họ, con cháu họ cũng biết noi gương sống cuộc đời công chính và ngay lành như họ; và cứ thế dòng dõi họ sẽ tồn tại đến muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.

1.1/ Dòng tộc của những người vô danh: Mỗi người chúng ta đều được hưởng rất nhiều công ơn từ Thiên Chúa, quê hương, tổ tiên, cha mẹ, và những người đi trước. Bổn phận của chúng ta, sau khi đã được hưởng thụ công ơn, là phải tiếp tục cố gắng làm sao để trả những công ơn này. Vì chúng ta không có cơ hội để trả ơn trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta phải trả cách gián tiếp bằng cách làm ơn cho những người đi sau, trong đó có anh em, con cái, và cháu chắt của chúng ta.
Nếu chúng ta sống vô trách nhiệm, chỉ biết nhận lãnh mà không biết trả ơn, Thiên Chúa, những người đi trước, và những người theo sau sẽ kết tội chúng ta. Con cái, cháu chắt chúng ta cũng sẽ chẳng ra gì, vì họ không được lãnh nhận điều gì tốt từ chúng ta. Tác giả Sách Huấn Ca mô tả người sống vô trách nhiệm và dòng dõi họ như sau: “Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời con cháu của họ cũng thế thôi!”

1.2/ Dòng tộc của các danh nhân: Nhưng nếu chúng ta biết sống đạo hạnh và trách nhiệm, công đức của các chúng ta sẽ không chìm vào quên lãng. Những gì chúng ta làm không những sinh ích lợi cho chúng ta, mà còn để lại một gia sản quí báu cho lũ cháu đàn con. Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó. Nếu chúng ta biết giữ vững các điều giao ước và Lề Luật của Thiên Chúa và dạy dỗ con cháu biết làm như thế, dòng dõi của chúng ta sẽ giữ vững các điều giao ước và sống trung thành với Thiên Chúa. Vì thế, dòng dõi của chúng ta sẽ muôn đời tồn tại, và vinh quang của chúng ta sẽ chẳng phai mờ.

2/ Phúc Âm: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!"

2.1/ Ý nghĩa của hai trình thuật: Trình thuật “Cây vả bị chúc dữ” chỉ được tường thuật trong Marcô và Matthew, và là một trong những trình thuật khó cắt nghĩa nhất. Lý do vì hầu hết học giả đều chú trọng đến chi tiết mà Marcô tường thuật: “vì không phải là mùa vả.” Họ đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại tìm quả và chúc dữ cho cây vả khi chưa tới mùa?
Trong Tin Mừng, Marcô thỉnh thoảng dùng nghệ thuật viết văn được gọi là “đặt giữa hai” (Intercalation hay sandwiching): Mục đích của tác giả khi dùng nghệ thuật này là để làm nổi bật một ý nghĩa mà cả hai trình thuật đều nhắm tới. Ví dụ: trình thuật Chúa rao giảng với uy quyền chứ không giống như các kinh sư được tiếp nối bằng phép lạ Chúa chữa người bị quỉ ám (1:21-28), để nói lên Chúa Giêsu uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động. Trình thuật Chúa chữa con gái người trưởng hội đường được đặt trước và sau phép lạ Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết lâu năm (5:21-43), để nêu bật niềm tin của ông trưởng hội đường và người đàn bà bị loạn huyết. Và trình thuật sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng được đặt trước và sau cái chết của Gioan Tẩy Giả (6:7-30) để nói lên việc các ông sẽ bị truy tố khi thi hành sứ vụ của mình.
Và hôm nay, trình thuật “Chúa thanh tẩy Đền Thờ” được đặt giữa trình thuật “Cây vả bị chúc dữ.” Điều quan trọng là phải tìm ra đâu là chủ đề chung của cả hai trình thuật. Trong trình thuật “Cây vả bị chúc dữ,” điều Chúa nói với cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!" được thực hiện ngay hôm sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua cây vả. Điều gì Chúa nói sẽ thành sự, Chúa không quan tâm đến việc có đúng mùa hay không. Trong trình thuật “thanh tẩy Đền Thờ,” điều Chúa muốn nhấn mạnh: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!"
Cây vả hay Đền Thờ có lẽ được Chúa Giêsu ví với dân thành Jerusalem. Thiên Chúa chờ đợi họ thay đổi đã biết bao năm rồi, nhưng họ đã không sinh hoa kết quả gì cả. Một sự kiện lịch sử đáng chú ý là Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy bình địa xảy ra chỉ ít lâu sau đó (vào năm 70 AC); và từ đó đến nay mọi dân tộc trên khắp địa cầu thờ phượng Chúa, không phải ở Jerusalem; nhưng trong thần khí và sự thật.

2.2/ Đạo không phải chỉ là những lễ nghi trong Đền Thờ. Điều quan trọng nhất của đạo là niềm tin vững mạnh của người tín hữu vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều này với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.”
Ngoài ra, tình yêu đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu dành cho tha nhân. Người dạy họ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người một mục đích và trao cho mỗi người một sứ vụ. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để chu toàn sứ vụ Chúa trao phó và đạt được đích điểm Ngài đã tiền định.
- Nếu chúng ta không sinh lợi ích cho Thiên Chúa và cho tha nhân, Ngài sẽ chặt bỏ chúng ta mà vứt ra ngoài để lấy chỗ cho những người biết sinh lợi ích cho Ngài.
- Mỗi người chúng ta sống trong bậc gia đình đều được Thiên Chúa trao ban cho một số người con hay tín hữu để được huấn luyện. Chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ bằng cách giáo dục họ theo đường lối Thiên Chúa và chỉ đường cho họ tới với Ngài.


Không có nhận xét nào: