Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Năm Tuần Thánh
Bài đọc: Exo 12:1-8, 11-14; I
Cor 11:23-26; Jn 13:1-15.
1/ Bài đọc I: 1 Đức
Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập: 2 "Tháng
này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3 Hãy
nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một
con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít người,
không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo
số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con
chiên.
5 Con chiên đó phải toàn vẹn,
phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được.6 Phải
nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng
Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, 7 lấy máu bôi lên khung cửa những
nhà có ăn thịt chiên.
8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy,
nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.
11 Các ngươi phải ăn thế
này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ
Vượt Qua mừng Đức Chúa. 12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại
các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị
tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. 13 Còn vết máu trên nhà các
ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và
các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập.
14 Các ngươi phải lấy ngày
đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải
mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.
2/ Bài đọc II: 23 Thật
vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong
đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi
bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em;
anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." 25 Cũng
thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra
để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ
đến Thầy."
26 Thật vậy, cho tới ngày
Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu
chết.
3/ Phúc Âm: 1 Trước lễ
Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với
Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người
yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông
Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.
3 Đức Giê-su biết rằng:
Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp
trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời
bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ
nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy,
Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy
mà lại rửa chân cho con sao?" 7 Đức Giê-su trả lời: "Việc
Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu."8 Ông
Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!
" Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được
chung phần với Thầy." 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy,
thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." 10 Đức
Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người
ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" 11 Thật
vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều
sạch." 12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo
vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13 Anh
em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả
thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà
còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy
đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu
Thiên Chúa: khiêm nhường phục vụ và yêu thương đến cùng.
Con người thường quan niệm: người
có tài năng hay địa vị quan trọng không thể hạ mình làm các việc hèn kém; vì nếu
làm như thế, người khác nhìn thấy sẽ khinh thường, và địa vị của họ sẽ bị giảm
đi. Vì thế, nếu không được người khác nhận ra và trọng dụng tài năng, người có
tài sẽ bất mãn và từ chối không tham gia; ví dụ, thành viên của HĐMV không được
ăn nói trước công chúng, thành viên của ca đòan khi không được hát solo.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho
chúng ta thấy thế nào là tình yêu và phục vụ của Thiên Chúa. Ngài là Đấng uy
quyền dựng nên và điều khiển muôn lòai, thế mà luôn hạ mình để phục vụ và yêu
thương mọi người, cho dẫu con người vô ơn và không xứng đáng với tình yêu của
Ngài. Trong Bài Đọc I, vì quá yêu thương và muốn giải thóat người Do-thái khỏi
cảnh nhục nhằn và tủi hổ của kiếp nô lệ, Thiên Chúa đã “cõng dân Do-thái như đại
bàng cõng con trên cánh” ra khỏi đất Ai-cập và đưa dân vào Đất Hứa. Ngài truyền
cho dân phải cử hành Lễ Vượt Qua để tưởng nhớ đến tình yêu và những việc Ngài
làm. Trong Bài Đọc II, Chúa Giêsu sẵn sàng chịu bẻ nhỏ tấm bánh là thân thể của
Ngài, và hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho các môn đệ để tỏ tình yêu và nuôi sống
các ông. Ngài cũng truyền cho các ông năng cử hành Thánh Lễ để dừng quên tình
yêu của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ bài học khiêm nhường
và yêu thương đến cùng bằng cách rửa chân cho các ông và Ngài cũng dạy: “Vậy, nếu
Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa
chân cho nhau.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của
người Do-thái.
Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất
trong ba lễ trọng của người Do-thái; vì là lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa đã dùng
uy quyền của Ngài để đánh phạt vua Pharao, đưa dân Do-thái thóat khỏi làm nô lệ
cho Ai-cập, và dẫn đưa dân vào Đất Hứa: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng
niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ
này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.” Có nhiều điều tương xứng với Lễ Vượt
Qua mơi của Đức Kitô; nên cần một sự hiểu biết chi tiết về Lễ Vượt Qua của người
Do-thái.
1.1/ Con Chiên Vượt Qua: Ngày mừng
Lễ Vượt Qua là 14 tháng Nissan (tháng tư): “Đức Chúa phán với ông Moses và ông
Aaron trên đất Ai-cập: Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các
tháng, tháng thứ nhất trong năm.”
- Mỗi gia đình phải có một con
chiên để ăn mừng Lễ Vượt Qua, và phải có sẵn vào ngày 10 tháng này: “Ai nấy phải
bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không
ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người.
Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.”
- Phẩm chất của con chiên đó:
“phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê
cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng
đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có
ăn thịt chiên.” Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men
và rau đắng.
1.2/ Cách ăn Lễ Vượt Qua: Vì dân
Do-thái phải ra đi vội vã và trong đêm tối, nên họ phải chuẩn bị sẵn sàng mọi sự:
“lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Vì vua Pharao từ chối không để cho
dân Do-thái ra đi, nên Thiên Chúa sẽ sát hại tất cả các con đầu lòng trên đất
Ai-cập: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất
Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì
Ta là Đức Chúa.” Nhà dân Do-thái nào có máu chiên bôi trên cửa, thiên thần sẽ
đi qua, và không vào tàn sát các con đầu lòng của họ.
Cuộc đời con người là một hành
trình vượt qua, từ đời này đến đời sau. Giống như người Do-thái, chúng ta dễ bị
cám dỗ làm nô lệ cho vật chất để bằng lòng với cuộc sống đời này, mà quên đi cuộc
sống vĩnh cửu mai sau. Để tránh nguy hiểm này, chúng ta hãy noi gương họ làm
hai việc quan trọng:
(1) Luôn chuẩn bị sẵn sàng để
lên đường về Nhà Cha bằng cách: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Đừng
sở hữu quá nhiều của cải, chúng ta sẽ ngại ngùng không dám lên đường.
(2) Có máu chiên bôi sẵn trên cửa:
Máu Chiên chúng ta cần là Máu cực thánh của Đức Kitô đã đổ ra. Tham dự Thánh Lễ
và rước lễ thường xuyên bảo đảm chúng ta khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Bài đọc II: Mỗi lần ăn Bánh
và uống Chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên
Chúa, Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là hình ảnh Lễ Vượt Qua mới của Đức Kitô: Khi biết
giờ Ngài sắp sửa vượt qua cuộc đời này để về cùng Thiên Chúa, Ngài đã yêu
thương con người và yêu thương họ đến cùng; Chúa Giêsu làm cho con người hai việc
chính:
2.1/ Hiến mình làm Chiên Vượt
Qua để cứu độ con người: Máu chiên bôi trên cửa của nhà người Do-thái có sức mạnh
để cứu các con đầu lòng và súc vật của họ; thịt chiên có sức mạnh để giúp họ vượt
qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa. Cũng vậy, Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra có sức mạnh
để cứu nhân lọai khỏi mọi tội; Mình Thánh giúp con người vượt qua mọi trở ngại
của biển đời để vào đất Thiên Chúa hứa là thiên đàng.
2.2/ Lập Bí-tích Thánh Thể để tiếp
tục ở lại với con người: Bữa Tiệc Ly chính là bữa tiệc Vượt Qua. Chúa Giêsu đã
lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly.
(2) Bánh không men chính là Mình
Chúa: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi
bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em;
anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”
(3) Máu của Chiên Vượt Qua chính
là Máu Chúa: Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén
Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy
vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
Giống như Thiên Chúa truyền cho
người Do-thái phải tái diễn Lễ Vượt Qua mỗi năm, Chúa Giêsu cũng truyền các tín
hữu phải cử hành Bữa Tiệc Ly thường xuyên để loan truyền và hưởng lợi ích từ cuộc
tử nạn của Ngài: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén
này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” vì yêu thương con người.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khiêm nhường
và yêu thương rửa chân cho các môn đệ.
3.1/ Chúa biết tất cả mọi sự sẽ
xảy ra và Ngài sửa sọan tất cả: Thánh sử Gioan tường thuật ba điều quan trọng
Chúa Giêsu biết rõ trước Cuộc Thương Khó của Ngài:
(1) Biết giờ của Ngài sắp về với
Thiên Chúa: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với
Chúa Cha.”
(2) Biết giờ phải từ biệt các
môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người
yêu thương họ đến cùng.”
(3) Biết giờ cứu độ cho con người
sắp xảy ra: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người.”
3.2/ Chúa Giêsu rửa chân cho các
môn đệ: Ba điều biết quan trọng trên thúc đẩy Chúa Giêsu sẵn sàng tỏ tình yêu
cho các môn đệ qua những việc mà các tông đồ không bao giờ dám nghĩ tới: Trong
một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt
lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy
khăn thắt lưng mà lau.
- Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu
và Phêrô: Ông thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con
sao?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng
sau này anh sẽ hiểu." Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con,
không đời nào con chịu đâu!"
Phêrô, cũng giống như bao nhiêu
con người, ông nghĩ Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa, không thể hạ mình làm công
việc hèn hạ như vậy. Khi Chúa Giêsu làm như thế, Ngài tự hạ mình xuống như một
người đầy tớ.
- Chúa Giêsu cắt nghĩa cho
Phêrô: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy."
Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân,
mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không
cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch,
nhưng không phải tất cả đâu!" Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới
nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."
Các nhà chú giải đều nhìn hành động
rửa chân như là biểu tượng của Bí-tích Rửa Tội: phải được rửa sạch trước khi tội
được tha để chung hưởng hạnh phúc với Chúa.
3.3/ Chúa Giêsu cắt nghĩa bài học
rửa chân: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và
nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy
là "Thầy," là "Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy
là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,
thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Rửa chân là công việc của đầy tớ.
Chúa Giêsu làm công việc của đầy tớ để phục vụ các môn đệ. Ngài dạy các ông
không có công việc hèn, nếu các ông muốn chứng tỏ tình yêu cho Thiên Chúa và
cho tha nhân, hãy làm những công việc đó. Có một sự tương phản giữa cách thức
suy nghĩ của Thiên Chúa và của con người: khi con người muốn làm lớn, họ tránh
làm việc nhỏ. Chúa Giêsu dạy làm những việc nhỏ để trở thành lớn. Đây phải là
bí quyết thành công Thiên Chúa muốn dạy con người: làm gương sáng trong những
việc nhỏ là cách dạy tốt nhất, vì lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Nếu các
nhà lãnh đạo và cha mẹ muốn thành công trong việc dạy dỗ, hãy làm gương sáng
cho những người dưới quyền mình. Cha mẹ sẽ hiếm có cơ hội để chết cho con,
nhưng những việc nhỏ như: nhịn ăn cho con, săn sóc con khi bệnh tật, đau khổ
khi con buồn tủi, có hiệu quả tương tự như những việc lớn vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi yêu ai, chúng ta hãy bắt
chước Thiên Chúa yêu người đó đến cùng; đừng yêu nửa chừng rồi bỏ, vì nếu làm
như thế, chúng ta đã không trung thành, và hoang phí những gì mình đã cố gắng từ
đầu. Làm như thế chúng ta sẽ mất thời giờ và có thể sẽ phải làm lại từ đầu lần
nữa.
- Lãnh đạo bằng yêu thương và phục
vụ, không bằng truyền lệnh và đòi được phục vụ, là cách lãnh đạo hiệu quả nhất.
Khi con người cảm thấy mình được yêu thương và chăm sóc, họ sẽ theo nhà lãnh đạo
đến cùng.
- Không có công việc hèn, chỉ có
người hèn. Nếu muốn người khác làm việc đó, mình hãy làm gương thi hành trước.
Chúng ta hãy cử hành Lễ Vượt Qua và “rửa chân cho anh chị em” thường xuyên để đừng
bao giờ quên thế nào là yêu thương và phục vụ chân thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét