Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 4 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 13:15-17, 20-21; Mk
6:30-34.
1/ Bài đọc I: 15 Vậy
nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên
Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.
16 Anh em chớ quên làm việc
từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.
17 Anh em hãy vâng lời những
người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như
những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận
sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.
20 Thiên Chúa là nguồn mạch
bình an đã đưa Đức Giê-su, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giê-su là vị Mục
Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh
cửu.
21 Xin Thiên Chúa ban cho
anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi
anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Đức Ki-tô vinh
quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.
2/ Phúc Âm: 30 Các
Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các
ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông:
"Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi
chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì
giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, thầy trò xuống thuyền
đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.
33 Thấy các ngài ra đi, nhiều
người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi,
trước cả các ngài.
34 Ra khỏi thuyền, Đức
Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên
không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa
mục-tử và đòan chiên
Trong cuộc đời không ai là một
hòn đảo để tự mình sinh sống. Con người cần sự giúp đỡ của tha nhân, và chính họ
cũng phải giúp đỡ người khác. Một em bé chào đời không thể tự mình sinh sống. Về
phương diện vật chất, em cần sự thương yêu và chăm sóc của cha mẹ cho đến khi
em đủ khả năng để tự sinh sống một mình. Về phương diện tri thức, em cần sự
giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường, để giúp em thâu thập những kiến thức
cần thiết để biết đối xử, suy luận, và làm việc với mọi người. Về phương diện
tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận ra Đấng Tạo Thành, và sống mối tương
quan với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến
những mối liên hệ này, đặc biệt mối liên hệ giữa mục-tử và đòan chiên. Trong
Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc cả hai bên phải giúp đỡ lẫn
nhau, và đòan chiên phải vâng lời vị mục tử. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn
các môn đệ phải biết quí trọng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với
Thiên Chúa, chính Ngài đã không thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài
vất vả “như chiên không người chăn dắt.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cùng giúp đỡ nhau
để thi hành thánh ý Chúa.
1.1/ Bổn phận tương thân, tương
trợ: Mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa. Để thể hiện điều
này, con người phải thực hiện 2 điều:
(1) Thờ phượng và ngợi khen
Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi
khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh
Thánh.” Việc thờ phượng biểu lộ qua cầu nguyện cá nhân và thờ phượng cộng đồng.
(2) Giúp cho mọi người có cơ hội
đến với Thiên Chúa: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì
Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” Trong cấu trúc của Giáo Hội, những
người lãnh đạo tinh thần tại địa phương như các giám-mục, linh-mục, là những
người có trách nhiệm trực tiếp lo cho phần linh hồn của các tín hữu. Tác giả
khuyên các tín hữu hãy vâng lời những người lãnh đạo tinh thần này: “Anh em hãy
vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn
anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi
hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh
em.” Ngòai việc vâng lời, các tín hữu còn phải tích cực hơn bằng cách biểu lộ sự
biết ơn bằng cách cầu nguyện và săn sóc đến nhu cầu vật chất, để họ có sức khỏe
và thời gian để phục vụ đòan chiên. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính mình vậy.
1.2/ Phải thi hành thánh ý Thiên
Chúa: Đây là mục đích chính của con người trong cuộc đời, vì tất cả mọi lòai
Thiên Chúa dựng nên là cho một mục đích. Đâu là mục đích hay thánh ý của Thiên
Chúa cho con người? Tác-giả Thư Do-Thái đã vạch ra rất rõ ràng: đó là được
chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Như vậy, tuy là ý của Thiên Chúa, nhưng
là vì lợi ích cho con người; vì thế, ý của Thiên Chúa cũng phải là ý của con
người.
(1) Đức Kitô thi hành thánh ý
Thiên Chúa Cha: Để đạt mục đích của Thiên Chúa, Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa
trong mọi sự ngay cả chấp nhận cái chết để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Thiên
Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức
Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập
giao ước vĩnh cửu.”
(2) Chúng ta cũng phải trung
thành thi hành thánh ý của Ngài: Nếu Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh đổ máu cho
chúng ta được sống, lẽ nào chúng ta lại để cho máu cực thánh của Ngài trở nên
vô hiệu nơi bản thân chúng ta. Tác giả cầu xin cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa
ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện
nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh
quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
2/ Phúc Âm: Hãy lánh riêng ra đến
một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
2.1/ Người tông-đồ cần quí trọng
sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Các Tông-đồ cũng giống như chúng ta
dễ cảm thấy mừng vui khi nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân
chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh,
ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi
nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông:
“Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Có nhiều lý do cho lời khuyên khôn ngoan này:
- Thân xác con người có giới hạn
của nó: Khi con người làm việc mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu
không họ sẽ dễ dàng bị quá tải, và làm việc sẽ không có hiệu năng.
- Họat động tông đồ cần được
thăng bằng qua đời sống cầu nguyện: Nếu không dành thời giờ cho việc cầu nguyện,
người tông-đồ sẽ không có sức mạnh tinh thần cho những đòi hỏi của việc tông-đồ.
Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2 cuộc sống bằng cách rao giảng ban ngày và cầu
nguyện ban đêm.
2.2/ Con người khao khát được dạy
dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã cùng với các Tông-đồ xuống thuyền để xa cách
dân chúng để Thầy trò có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức
Giêsu thấy một đám người rất đông đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ
như bầy chiên không người chăn dắt. Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Xưa cũng như nay, nhu cầu săn
sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn trương cần thiết, vì:
(1) Chiên không người chăn sẽ
không biết đường đi: Người mục-tử tinh thần cần chỉ cho đòan chiên của mình đường
đi tới Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời. Không có đích điểm này, con người sẽ
dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút vào những mời gọi bất chính của quỉ thần và thế
gian.
(2) Chiên không người chăn sẽ
không kiếm được thức ăn bổ dưỡng: Người mục-tử tinh thần cần chính mình nuôi
dân hay chỉ cho dân tới những thức ăn tinh thần như Lời Chúa, các Bí-tích, và đời
sống cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
(3) Chiên không người chăn sẽ
làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ cho đòan
chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và cạm bẫy của cuộc đời: lối sống ích kỷ, hưởng
thụ, tôn thờ vật chất, giết hại thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự do quá trớn …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mối liên hệ giữa mục-tử và
đòan chiên đòi hai chiều: Mục-tử cần yêu thương và lo lắng cho đòan chiên;
trong khi đòan chiên cần vâng lời và giúp đỡ mục tử chu tòan nhiệm vụ.
- Cả hai cần phải thi hành thánh
ý của Thiên Chúa sao cho mọi người dều đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn
bị.
- Các họat động tông đồ cần được
thăng bằng với đời sống cầu nguyện. Một đời họat động tông đồ không có cầu nguyện
sẽ lạc hướng và dễ rơi vào chán chường, thất vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét