Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Tư Tuần II TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 7:1-3, 15-17; Mk
3:1-6.
1/ Bài đọc I: 1 Quả vậy,
ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và
chúc lành cho ông Áp-ra-ham, lúc ông này đang trên đường về sau khi đánh bại
các vua.
2 Ông Áp-ra-ham đã chia cho
ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là
Men-ki-xê-đê, nghĩa là "vua công chính"; rồi ông lại là vua Sa-lem,
nghĩa là "vua bình an".
3 Ông không có cha, không
có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc.
Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.
15 Điều ấy lại còn hiển
nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế khác tương tự như ông Men-ki-xê-đê xuất hiện;
16 vị này đã trở nên tư tế
không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một
đời sống bất diệt.
17 Quả thật, có lời chứng
nhận rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
2/ Phúc Âm: 1 Đức
Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.
2 Họ rình xem Đức Giê-su có
chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.
3 Đức Giê-su bảo người bại
tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!"
4 Rồi Người nói với họ:
"Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết
đi? " Nhưng họ làm thinh.
5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt
nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay
ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
6 Ra khỏi đó, nhóm
Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô là
Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek.
Tôn giáo hiện hữu là để đưa con
người tới Thiên Chúa. Để làm việc này, con người cần giữ luật. Bao lâu con người
tuân giữ những luật Thiên Chúa truyền, con người giữ mối liên hệ tốt lành với
Thiên Chúa. Nhưng con người đã không thể giữ mãi mối liên hệ với Thiên Chúa vì
họ phạm tội; và như thế, con người cần dâng lễ vật để đền tội và nối lại mối
liên hệ với Thiên Chúa. Đó là lý do chức tư tế và luật dâng lễ vật hiện hữu.
Theo từ ngữ Latin, từ ngữ dùng để chỉ tư tế là pontifex, có nghĩa người xây cầu
để nối giữa 2 điểm. Tư tế là người xây cầu để nối giữa Thiên Chúa và con người
bằng dâng các lễ vật hy sinh. Theo truyền thống Do-Thái, lễ vật hy sinh chỉ có
thể đền những tội vô tình xúc phạm đến Luật mà thôi; những tội cố ý, không lễ vật
hy sinh nào có thể đền được. Tác giả Thư Do-Thái nhìn thấy sự bất tòan của chức
tư tế và các lễ vật hy sinh trong Đạo Do-Thái; ông nhận ra con người cần một phẩm
trật tư tế cao trọng hơn phẩm trật tư tế theo Aaron, và một lễ vật hy sinh cao
trọng hơn máu chiên bò, để có thể tha thứ các tội cho con người, và cung cấp
cho con người cách thức an tòan để nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa sau khi
phạm tội.
Trong Bài Đọc I, Tác giả dùng
Thánh Vịnh 110:4 và Sách Sáng Thế 14:18-20, để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế
theo phẩm trật Melkizedek; phẩm trật này cao trọng hơn phẩm trật Aaron, vì
“Melkizedek không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi
đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn
là tư tế.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tức giận vì Nhóm Pharisees lòng chai dạ
đá: trong khi Ngài muốn chữa lành con người khỏi mọi tội lỗi và bệnh họan, tật
nguyền, nhưng họ luôn tìm cách để tố cáo và luận tội Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô là Thượng-tế
theo phẩm trật Melkizedek.
1.1/ Thượng Tế Melkizedek: Khi
truy tầm tên Melkizedek mà Thánh Vịnh 110 đề cập tới, Tác-giả Thư Do-Thái tìm
thấy trong Sách Sáng Thế nói về Ông như sau: “Ông Melkizedek, vua thành Salem,
mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho
ông Abraham và nói: "Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc
phúc cho Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những
thù địch của ông!" Rồi ông Abraham biếu ông Melkizedek một phần mười tất cả
chiến lợi phẩm” (Gen 14:18-20).
Tác-giả dựa vào những gì Sách
Sáng Thế trình bày, và suy diễn thêm về những gì tuy Kinh Thánh không nói tới,
nhưng quan trọng về vị Thượng Tế này như sau: “Trước hết, ông tên là
Melkizedek, nghĩa là "Vua công chính;" rồi ông lại là vua Salem,
nghĩa là "Vua bình an." Ông không có cha, không có mẹ, không có gia
phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống
Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.”
1.2/ Sự khác biệt giữa 2 phẩm trật
tư tế: Tác giả so sánh những gì ông tìm ra về Thượng Tế Melkizedek và so sánh với
những gì ghi chép trong Luật về phẩm trật tư tế Aaron, ông tìm ra những khác biệt
trong Chương 7, chúng tôi chỉ tóm tắt như sau:
(1) Phẩm trật Aaron: Theo Luật
Do-Thái, một người trở thành tư tế vì thuộc giòng dõi Aaron; mà không tùy thuộc
vào đặc tính và khả năng của vị tư tế. Chức tư tế của những người theo phẩm trật
Aaron chấm dứt cùng với cái chết của người ấy. Thiên Chúa không bao giờ thề hứa
với phẩm trật theo Aaron. Sau cùng, các tư tế theo phẩm trật này phải luôn dâng
hy lễ đền tội cho mình, trước khi có thể dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Phẩm trật Melkizedek: Chức
tư tế của Melkizedek không tùy thuộc vào giòng dõi con người, nhưng tùy thuộc
vào đặc tính và khả năng của Ông. Hơn nữa, Melkizedek không có gia phả con người,
và Kinh Thánh không thấy nói tới sự chết của ông; vì thế, chức tư tế của ông tồn
tại đến muôn đời. Chức tư tế theo phẩm trật Melkizedek được Thiên Chúa thề hứa
và không bao giờ thay đổi (x/c Psa 110:4). Đức Kitô không bao giờ phạm tội, và
Ngài không cần dâng lễ đền tội cho mình, chỉ dâng hy lễ một lần để đền tội cho
con người là đủ.
1.3/ Đức Kitô là Thượng-tế theo
phẩm trật Melkizedek: Tác giả Thư Do-Thái kết luận: “Điều ấy lại còn hiển nhiên
hơn nữa, khi một vị tư tế khác tương tự như ông Melkizedek xuất hiện; vị này đã
trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do
sức mạnh của một đời sống bất diệt. Quả thật, có lời chứng nhận rằng: “Muôn thuở,
Con là Thượng-tế theo phẩm trật Melkizedek”” (Psa 110:4).
2/ Phúc Âm: Đức Giêsu giận dữ rảo
mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.
2.1/ Xung đột ý kiến giữa Chúa
Giêsu và Nhóm Pharisees: Chỉ trong hai câu mô tả ngắn ngủi, Marcô cho chúng ta
nhìn thấy sự xung đột giữa hai bên: “Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một
người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabbath không, để
tố cáo Người.” Trong khi Chúa Giêsu chính thức rao giảng và chữa lành dân chúng
trong các hội đường, Nhóm Pharisees cũng có mặt. Mục đích của họ không phải để
nghe giảng, nhưng để “rình xem” Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.2/ Hai phản ứng khác nhau:
(1) Phản ứng của của Chúa Giêsu:
Khi nhìn thấy người bại tay, Chúa Giêsu động lòng thương anh, và Ngài muốn chữa
lành, nên bảo anh: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!" Ngài có thể bảo anh
ngày mai trở lại, hay bảo anh đi đến một nơi nào đó cho khuất mắt những người
đang rình; nhưng để dạy cho họ có cơ hội hiểu biết đúng đắn về ngày Sabbath,
Chúa Giêsu mời gọi họ đối thọai với Ngài: "Ngày Sabbath, được phép làm điều
lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. Đức
Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại
tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
(2) Phản ứng của Nhóm Pharisees:
Làm thinh không nói có thể vì không biết câu trả lời; nhưng họ đã biết câu trả lời:
phải luôn làm việc lành trong cả ngày Sabbath, và phải luôn cứu mạng người;
nhưng vì họ sợ nếu phải công nhận những gì Chúa Giêsu dạy trước mặt mọi người,
họ phải tin theo và làm những gì Ngài đòi hỏi nên họ làm thinh. Không phải chỉ
có thế, nhưng sau khi ra khỏi đó, Nhóm Pharisee lập tức bàn tính với phe
Herode, để tìm cách giết Đức Giêsu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tội lỗi làm chúng ta xa cách
Thiên Chúa; nhưng qua Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, chúng ta
đã có con đường an tòan để nối lại tình nghĩa với Ngài.
- Chúng ta hãy vâng lời làm theo
những gì Đức Kitô dạy. Nếu không hiểu, hãy chịu khó bỏ thời giờ để nghiên cứu học
hỏi; đừng ngoan cố như những người Biệt-phái để cố tình sống trong tội lỗi của
mình.
- Tôn giáo không phải chỉ là
tuân theo những luật lệ cứng nhắc, nhưng trước hết là tâm tình đồng cảm với những
khổ đau của nhân lọai, và tìm cách để làm vơi đi những khổ đau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét