Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Ba Tuần II TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 6:10-20; Mk
2:23-28.
1/ Bài đọc I: 10 Quả
thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến
anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người
trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ.
11 Nhưng chúng tôi ao ước
cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của
anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.
12 Anh em đừng trở nên uể oải,
nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa
hưởng các lời hứa.
13 Quả thế, khi Thiên Chúa
hứa với ông Áp-ra-ham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề,
nên đã lấy chính danh mình mà thề
14 rằng: Ta sẽ ban phúc dư
dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số.
15 Như thế, vì nhẫn nại đợi
chờ, ông Áp-ra-ham đã nhận được lời hứa.
16 Người ta thường lấy danh
một người cao trọng hơn mình mà thề, và lời thề là một bảo đảm chấm dứt mọi
tranh chấp giữa người ta với nhau.
17 Do đó, vì Thiên Chúa muốn
chứng minh rõ hơn cho những người thừa hưởng lời hứa được biết về ý định bất di
bất dịch của Người, nên Người đã dùng lời thề mà bảo đảm điều Người đã hứa.
18 Như vậy, cả lời hứa lẫn
lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được.
Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến
khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.
19 Chúng ta có niềm hy vọng
đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên
trong bức màn cung thánh.
20 Đó là nơi Đức Giê-su đã
vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế
đời đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
2/ Phúc Âm: 23 Vào
ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt
đầu bứt lúa.
24 Người Pha-ri-sêu liền
nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được
phép! "
25 Người đáp: "Các ông
chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị
thiếu thốn và đói bụng?
26 Dưới thời thượng tế
A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa.
Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."
27 Người nói tiếp:
"Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày
sa-bát.
28 Bởi đó, Con Người làm chủ
luôn cả ngày sa-bát."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người quí
trọng hơn luật lệ.
Phẩm giá con người rất quí trọng
trước mặt Thiên Chúa. Các Lề Luật Ngài ban cũng là để bảo vệ và phục vụ con người.
Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ muốn cho con người phải
làm nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi; nhưng muốn Lề Luật phục vụ con người và làm
cho đời sống con người được bảo vệ và an tòan hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sụ
quan tâm của Thiên Chúa cho con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái
khuyên các tín hữu phải bền lòng trông cậy vào Lời Thiên Chúa đã hứa. Một khi
Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thi hành. Tác giả đưa ra một ví dụ là Lời Thiên Chúa hứa
với Tổ-phụ Abraham. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Kitô, khi Ngài đi
tiên phong vào nơi Cực Thánh để mở đường cho con người đến trực tiếp với Thiên
Chúa. Trong Phúc Âm, các Pharisees tố cáo với Chúa Giêsu: các môn đệ của Ngài
đã vi phạm luật của ngày Sabbath. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài có lý
do làm như thế để bảo vệ sự sống. Ngài nhắc cho họ biết luật lệ làm ra là vì
con người, chứ không con người cho luật lệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời hứa của Thiên
Chúa được thực hiện qua Đức Kitô.
1.1/ Phải kiên nhẫn trong khi
Chúa thực hiện Lời Hứa: “Quả thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc
anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy
anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ.
Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế,
để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.” Qua đọan văn
này, tác giả muốn khuyên các tín hữu 2 điều:
(1) Những lúc tăm tối của cuộc đời:
Đừng nản lòng! Hãy nắm giữ niềm hy vọng vào Lời Thiên Chúa hứa. Con người ai
cũng phải trải qua những đêm tăm tối này. Trong những lúc như thế, tác giả
khuyên cứ giữ vững đức tin, thực hành các việc lành như đã và đang làm. Chắc chắn
tăm tối sẽ qua, và ánh sáng của Thiên Chúa lại tiếp tục chiếu sáng.
(2) Bắt chước gương Tổ-phụ
Abraham: “Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức
tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa… Như thế, vì nhẫn nại đợi
chờ, ông Abraham đã nhận được lời hứa.”
1.2/ Lời Thiên Chúa hứa với Tổ-phụ
Abraham: “Ta sẽ ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông
vô số” (Gen 22:16-18).
(1) Lời hứa được bảo đảm bằng lời
thề: Con người thường lấy danh ai cao hơn mình mà thề để bảo đảm lời mình đã
long trọng hứa. Khi Thiên Chúa hứa với ông Abraham, Người đã không thể lấy danh
ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề. Như vậy, cả lời
hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối
được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ
khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.
(2) Lời hứa của Thiên Chúa được
thực hiện qua Đức Kitô: “Chúng ta có điều này như cái neo chắc chắn và bền
vững của tâm hồn, là hy vọng được vào cung điện cực thánh bên trong, đàng
sau tấm màn. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho
chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Melkisedech.”
Đối với các thủy thủ, cái neo là
khí cụ cần thiết cho việc sinh tồn. Một khi đã thả neo là không còn sợ sóng gió
làm thuyền lật được nữa. Trong thế giới ngày xưa, cái neo là biểu tượng của hy
vọng. Epictetus nói: “Một chiếc thuyền không bao giờ nên tùy thuộc vào một cái
neo hay một đời sống trên một niềm hy vọng.” Pythagore nói: “Của cải là cái neo
mỏng giòn; danh vọng còn yếu hơn. Khôn ngoan, rộng lượng, và can đảm, là những
cái neo mà không sóng gió nào có thể vùi giập được.” Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh
người tín hữu có một hy vọng lớn lao nhất trong thế giới là hy vọng của họ vào
Lời Thiên Chúa hứa.
Niềm hy vọng đó là được vào
trong thánh điện đàng sau bức màn. Trong Đền Thờ, chỗ cực thánh là nơi chứa đựng
Hòm Bia Thiên Chúa, được che phủ bởi bức màn. Đây là nơi Thiên Chúa ngự. Trong
nơi này, chỉ độc quyền có một người được vào, mỗi năm một lần; đó là Thượng Tế
trong Ngày Xá Tội mà thôi. Tác giả Thư Do-Thái có ý muốn nói: Giờ đây, Chúa
Giêsu Kitô đã mở đường vào nơi đó cho tất cả con người ở mọi nơi và mọi thời. Từ
ngữ ông dùng để chỉ Chúa Giêsu như prodromos = người tiên phong mở đường.
Chúa Giêsu đi tiền phong mở đường vào nơi hiện diện của Thiên Chúa, và Ngài bảo
đảm an tòan cho tất cả những ai theo sau. Nói cách khác, trước khi Đức Kitô xuất
hiện, Thiên Chúa là Người Khách xa lạ và cách biệt với con người; chỉ một số nhỏ
có thể đến gần và luôn sợ bị thiệt mạng. Nhưng sau khi Đức Kitô đến, Thiên Chúa
trở nên bạn hữu của tất cả; mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Con Người làm chủ
luôn cả ngày Sabbath.
2.1/ Người Pharisee tố cáo các
môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath: Vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua
một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisee liền
nói với Đức Giêsu: "Ông coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được
phép!" Có tất cả 39 luật về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và
các môn đệ phạm 4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa
trong tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). Sự
tỉ mỉ của Luật có thể có thể làm chúng ta lắc đầu; nhưng đối với các Rabbi, nó
liên quan đến tội, và có thể gây ra cái chết. Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ
với Chúa Giêsu, và họ chờ Chúa sửa phạt các môn đệ.
2.2/ Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ
của Ngài: Chúa Giêsu đưa ra một trường hợp riêng đã được ghi lại trong Cựu Ước,
và sau đó, Ngài thiết lập một qui luật chung về ngày Sabbath.
(1) Trường hợp Vua David (I Sam
21:1-6): Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông David đã
làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời Thượng-tế
Abiathar, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa.
Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế." Chúa Giêsu có ý muốn
nói: trong trường hợp phải bảo vệ sự sống, con người có thể vi phạm Luật.
(2) Luật chung của ngày Sabbath:
Người nói tiếp: "Ngày Sabbath được tạo nên cho con người, chứ không phải
con người cho ngày Sabbath. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày
Sabbath." Điều này hiển nhiên, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng trước
khi luật về ngày Sabbath ra đời. Con người không được tạo dựng để trở thành nạn
nhân hay làm nô lệ cho luật lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày
Sabbath là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ
ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phẩm giá con người chúng ta rất
quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng
ta thóat khỏi làm nô lệ cho Lề Luật, tội lỗi, và sự chết.
- Nhờ lễ tế hy sinh của Người
Con, chúng ta có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa mà không cần qua trung gian;
đến bất cứ lúc nào chứ không phải đợi một ngày cố định trong năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét