Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 2 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 8:6-13; Mk 3:13-19.
1/ Bài đọc I: 6 Nhưng
hiện nay, Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian
của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp
hơn.
7 Thật vậy, giả như giao ước
thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế.
8 Quả thật, Thiên Chúa khiển
trách Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước
Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa.
9 Giao ước đó sẽ không như
giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng
ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta
cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán:
10 Đây là giao ước Ta sẽ lập
với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí
chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của
chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta.
11 Không ai còn phải dạy đồng
bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: "Hãy học cho biết Đức
Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.
12 Ta sẽ dung thứ những điều
gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
13 Khi Thiên Chúa nói đến
Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ
kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.
2/ Phúc Âm: 13 Rồi Người
lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.
14 Người lập Nhóm Mười Hai,
để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,
15 với quyền trừ quỷ.
16 Người lập Nhóm Mười Hai
và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,
17 rồi có ông Gia-cô-bê con
ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là
Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,
18 rồi đến các ông An-rê,
Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô,
Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,
19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là
chính kẻ nộp Người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là
trung gian của giao ước mới hòan hảo hơn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự
quan trọng của những gì Chúa Giêsu làm. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so
sánh hai giao ước cũ và mới mà Thiên Chúa thiết lập với dân. Vì giao ước cũ bất
tòan nên mới có giao ước mới. Giao ước mới hòan hảo hơn giao ước cũ vì đặt căn
bản trên những lời hứa tốt đẹp hơn của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được huấn luyện, trước khi
Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng và tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần
gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu là
trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn.
1.1/ Quan niệm về giao ước:
Thông thường, giao ước là một hợp đồng giữa hai bên, đồng ý thỏa thuận về một số
những điều mà hai bên đồng ý giữ. Nếu một bên không chịu giữ hợp đồng, giao ước
ấy sẽ trở nên vô hiệu. Từ ngữ Hy-Lạp thường dùng để chỉ giao ước là suntheke.
Điều đáng chú ý trong đọan văn này, tác giả không dùng suntheke, mà dùng diatheke;
từ ngữ này được dùng để chỉ một lời hứa mà một người ở cấp bậc cao hơn hứa với
một người dưới mình. Trong giao ước của Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa là
nguồn gốc và là nguyên nhân của những lời hứa.
1.2/ Giao ước cũ và mới:
(1) Giao ước cũ: là giao ước
Thiên Chúa thiết lập với Israel qua trung gian của Moses trên Núi
Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ thương yêu và săn sóc Israel nếu
họ tuân giữ cẩn thận các giới răn của Ngài (Deut 4:23).
(2) Giao ước mới:
- Đặc điểm: hòan hảo hơn giao ước
cũ. Tác giả dẫn chứng lời đã được tiên báo bởi Tiên-tri Jeremiah 31:31-34: “Quả
thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta
hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Judah. Giao ước
đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm
tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của
Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán.” Tác giả dùng tĩnh từ kainos để
chỉ mới cả về thời gian lẫn phẩm giá: “Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ
cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước
này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
- Lý do hiện hữu: là vì sự bất
tòan của giao ước cũ. “Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì
chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế.” Tác giả lý luận: “Khi Thiên
Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ;
và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.”
- Sự khác biệt nền tảng giữa 2
giao ước: Thập Giới của giao ước cũ được khắc ghi trong 2 bia đá; trong khi Lề
Luật của giao ước mới sẽ được Thiên Chúa: “ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào
tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là
Dân của Ta.”
Con người giữ Lề Luật không chỉ
vì bắt buộc, nhưng vì yêu thương Đấng dạy dỗ mình.
- Mọi người đều biết Thiên Chúa:
không còn chỉ giới hạn trong vòng dân Do Thái mà thôi. “Không ai còn phải dạy đồng
bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: "Hãy học cho biết Đức
Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.”
- Hòan tòan tha thứ mọi tội lỗi
cho dân: “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi
lầm của chúng nữa.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu thành lập
Nhóm Mười Hai.
1.1/ Sứ vụ của Nhóm Mười Hai: “Rồi
Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.
Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao
giảng, với quyền trừ quỷ.” Tại sao phải lập Nhóm Mười Hai?
(1) Để tiếp tục thi hành sứ vụ
rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Ngài trong tương
lai, vì thế Ngài cần những người tiếp tục công việc của Ngài. Người lãnh đạo giỏi
là người biết nhìn đến tương lai, và biết huấn luyện những người có khả năng để
thay thế mình sau này; vì nếu không huấn luyện người để thay thế, tất cả những
cố gắng của mình, cho dù hay đến đâu chăng nữa, cũng sẽ rơi vào quên lãng.
(2) Để Tin Mừng đựơc loan báo
sâu rộng và nhiều người được chữa lành hơn: Phương tiện truyền thông duy nhất
thời đó là loan báo bằng miệng, và phương tiện di chuyển thịnh hành nhất là đi
bộ. Chúa Giêsu băn khoăn làm sao để Tin Mừng có thể đạt tới mọi người, và không
còn cách nào hiệu quả hơn là mời gọi nhiều người cộng tác để huấn luyện, và rồi
sai họ đi thi hành sứ vụ. Đó là lý do tại sao Ngài không chỉ huấn luyện một, mà
12 Tông-đồ; bên cạnh đó, Ngài còn huấn luyện rất nhiều các môn đệ đi theo Ngài.
Điều này dạy chúng ta, để Tin Mừng có thể lan tràn đến mọi người, chúng ta cần
sự cố gắng và cộng tác của rất nhiều người, chứ không giới hạn trong một thiểu
số có tài năng hay kiến thức mà thôi.
(3) Chúa Giêsu gọi các ông để ở
với Ngài: Cách huấn luyện hiệu quả nhất của người thời xưa là cho ở với Thầy; mục
đích không những là để cho các trò học tất cả những gì nơi Thầy: sự khôn ngoan
cũng như cách cư xử, nhưng còn là cơ hội cho Thầy quan sát các trò của mình và
sửa sai những tính xấu cho họ.
1.2/ Thành phần của Nhóm Mười
Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông
Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em ông Giacôbê - Người đặt tên cho hai
ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên lôi - rồi đến các ông Anrê,
Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc
nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.” Nhìn qua danh sách của
12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:
(1) Không có ai nổi bật: về danh
giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ thất học
tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không là do cách
Chúa Giêsu huấn luyện.
(2) Là những con người yếu đuối,
tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường xuyên và công
khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee, Gioan và
Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu trong vương
quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ Chúa trong
Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện con người
không dễ.
(3) Tính khí rất khác nhau:
Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất
ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như Matthew, người thu
thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau, dẹp bỏ sự khác biệt,
và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất nhanh nhẩu đến nỗi làm
mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm trầm và cẩn thận suy
nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu và cuộc sống chung đã
làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng hy sinh cho sứ vụ rao
giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: Chúng
ta hãy tin tưởng hòan tòan nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước
hòan hảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét