Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev 10:8-11; Lk
19:45-48.
1/ Bài đọc I: 8 Rồi tiếng
tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo: "Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn
trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất."
9 Tôi đến gặp thiên thần và
xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi: "Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ
làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật
ong."
10 Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ
từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng
khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng.
11 Và có tiếng bảo tôi:
"Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều nước, nhiều dân, nhiều ngôn ngữ
và vua chúa."
2/ Phúc Âm: 45 Đức
Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán
46 và nói với họ: "Đã
có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành
sào huyệt của bọn cướp! "
47 Hằng ngày, Người giảng dạy
trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong
dân cũng vậy.
48 Nhưng họ không biết phải
làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thanh tẩy Đền
Thờ
Những cám dỗ của thế gian và sự
bận rộn của cuộc sống làm con người nhiều khi không còn nhận ra được đâu là sự
thật và ý nghĩa của cuộc đời. Hậu quả xảy ra là thay vì con người phải chủ động
điều khiển cuộc đời mình, con người lại để cho cuộc đời điều khiển. Ví dụ: để
cho giới con buôn hướng dẫn tòan bộ cuộc đời: mua nhà đắt tiền, xe cộ phải như
thế nào mới xứng đáng, khi đi ăn phải ở nhà hàng nào mới sang trọng, uống rượu
phải rượu XO nào mới sang trọng mà không cần biết chai rượu đó đã trị giá cả
ngày lương lao động của mình. Vì quen xài sang nên phải kiếm ra nhiều tiền để
xài, chẳng cần xét xem cách kiếm tiền có chính đáng hay không? Bác sĩ khám bệnh
nhân nghèo qua loa 5-10 phút rồi chém đẹp bằng những giá cả bằng cả tuần lương
của dân lao động. Ngày Chủ Nhật để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa, cũng dùng luôn
để kiếm tiền trang trải, mà không cần biết đến những thiệt hại cho sức khỏe và
cho đời sống tâm linh của mình.
Các Bài đọc hôm nay mời gọi
chúng ta nhìn sâu vào Đền Thờ tâm hồn để nhận ra những bụt thần cần được gạn lọc
và thanh tẩy. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan được mời gọi thanh tẩy tâm hồn bằng
Lời Chúa qua việc nuốt Cuộn Sách Nhỏ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vào Đền Thờ xua
đuổi những kẻ đã biến Nhà Cầu Nguyện của Cha Ngài thành hang trộm cướp.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự ngọt ngào và
cay đắng của Lời Chúa
1.1/ Sự ngọt ngào của Lời Chúa:
Sau tiếng kèn thứ sáu và trước tiếng kèn thứ bảy, Gioan được chứng kiến 2 thị
kiến nhỏ: Nuốt Cuốn Sách Nhỏ trong Bài đọc hôm nay và Hai Nhân Chứng trong Bài
đọc ngày mai. Ông nghe lệnh từ trời truyền: "Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn
trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất." Ông đến gặp thiên thần
và xin người cho ông Cuốn Sách Nhỏ. Rồi tiếng từ trời lại truyền: "Cầm lấy
mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó
sẽ ngọt ngào như mật ong."
Cuốn Sách Nhỏ đã mở sẵn này khác
với Cuộn Sách Lớn với 7 ấn niêm phong mà chỉ có Con Chiên mới có quyền mở. Tiếng
từ trời có lẽ là tiếng của Đức Kitô. Sách Tiên Tri (Eze 2:8-3:3) là nền tảng
cho thị kiến này. Việc nuốt lấy Lời Chúa giống như việc thanh tẩy miệng lưỡi của
Jeremia (x/c Jer 15:16), chỉ sự hòan tòan thông hiểu của Gioan về Cuốn Sách Nhỏ
trước khi rao giảng cho người khác. Hai hiệu quả trái ngược của việc nuốt Sách,
ngọt trong miệng nhưng chua trong bụng, tương xứng với nội dung của Sách: Nó
loan báo chiến thắng vinh quang của các tín hữu; nhưng nó cũng chỉ cho thấy giá
đau đớn phải trả (Rev 11:1-13), trước cuộc chiến thắng vinh quang này.
1.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa: Gioan
cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Ông cảm thấy nó ngọt ngào
như mật ong trong miệng ông, nhưng khi ông nuốt rồi, thì bụng dạ ông cay đắng.
Và có tiếng bảo ông: "Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều nước, nhiều
dân, nhiều ngôn ngữ và vua chúa."
Sự kiện này cũng xảy ra cho mọi
tín hữu: Lời Chúa là ngọn đèn soi sáng cho cuộc đời của họ. Khi bắt đầu tìm hiểu,
nó êm đềm dịu ngọt; nhưng khi phải áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, nó trở nên
cay đắng vì phải hy sinh và chịu đựng đau khổ mới có thể thực hiệc được. Tương
tự như thế cho sứ vụ tiên tri: giảng giải Lời Chúa đòi phải hy sinh vì không phải
ai cũng sẵn lòng đón nhận sự thật. Hậu quả các tiên tri phải lãnh nhận là sự
ngược đãi và ngay cả cái chết.
2/ Phúc Âm: Thanh tẩy Đền Thờ
2.1/ Đừng biến Đền Thờ thành sào
huyệt của bọn cướp: Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện. Các thượng tế và tư tế là những
người chịu trách nhiệm gìn giữ vẻ thánh thiêng cho Đền Thờ, nhưng họ đã để lợi
lộc vật chất lên trên việc thờ phượng Chúa. Họ lợi dụng Đền Thờ để làm giầu, lợi
dụng lòng tin để cướp của dân chúng. Có 2 cách họ có thể lợi dụng để kiếm lời:
(1) Đổi tiền: Jerusalem là nơi
giao lưu của nhiều quốc gia: Do Thái, Hy-Lạp, Rôma, Syrian. Họ lập những quầy đổi
tiền và tính phân lời trên số tiền muốn đổi. Những quầy đổi tiền như thế vẫn
còn gặp thấy nhiều trong Thành Jerusalem ngày nay.
(2) Bán những vật hy sinh: Bất cứ
người Do-Thái nào vào Đền Thờ cũng phải dâng lễ vật hy sinh để đền tội. Họ có
thể mua những con vật bên ngòai với giá rẻ hơn nhiều; nhưng họ phải qua sự kiểm
sóat của các tư tế, để những người này xác nhận nếu vật hy sinh hội đủ điều kiện
như Luật qui định. Để chắc chắn có vật hy sinh hội đủ điều kiện, đa số dân
chúng phải bấm bụng mua những con vật này bên trong Thành (của các tư tế hay
người nhà của họ) với giá cắt cổ.
Lý do chính Chúa Giêsu tức giận
vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu
đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ
là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!"
2.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa:
Chúa Giêsu rất can đảm khi làm công việc này vì nó động đến quyền lợi của các
nhà lãnh đạo. Vì không muốn mất uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; các
Thượng-tế, Kinh-sư, và các nhà lãnh đạo đã quay lưng với sự thật, và họ tìm
cách giết Người.
- Đền Thờ được nói tới đây không
chỉ thuần túy là Đền Thờ tại Jerusalem, nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại
các nơi trên thế giới, tới cả Đền Thờ của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời
Thánh Phaolô, “thên xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”
- Thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa trả
lại vị thế cho Thiên Chúa trong Đền Thờ: đừng để bất cứ một người nào hay một
điều gì lên trên Ngài, vì con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Thanh tẩy Đền Thờ cũng có nghĩa là sống công bằng bác ái với tha nhân, đừng lợi
dụng bất cứ lý do gì để bóc lột và làm giầu trên mồ hôi nước mắt của tha nhân.
- Cách thanh tẩy Đền Thờ hữu hiệu
nhất là hãy trực diện với Lời Chúa, như Gioan đã nuốt lấy Cuốn Sách Nhỏ trong
Bài đọc I; hay như các Thượng-tế và Kinh-sư trước những Lời của Chúa Giêsu
thách thức họ trong Phúc Âm. Mặc dầu cay đắng vì “sự thật luôn mất lòng;” nhưng
đồng thời chỉ có “sự thật mới giải thóat.” Như trình thuật hôm nay kể: “Vẫn còn
những người nhìn ra sự thật. Tòan dân say mê nghe Người.”
- Từ chối không chịu để cho Lời
Chúa thanh tẩy, hay tệ hại hơn như các Thượng-tế và Kinh-sư hôm nay muốn bóp
nghẹt hay tìm cách tiêu diệt sự thật là khai tử chính mình; là muốn sống theo sự
giả trá và ở trong bóng tối của thế gian. Một đền thờ như thế, như lời Chúa nói
từ đầu, không còn là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng là một sào huyệt của bọn cướp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải thường xuyên
thanh tẩy tâm hồn để luôn xứng đáng là Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chúng ta cần
xét lại những động lực thúc đẩy chúng ta làm việc thờ phượng: Có phải vì lòng
kính mến Chúa hay vì danh dự, uy quyền, và các mối lợi vật chất?
- Lời Chúa là khí cụ tốt nhất
cho việc thanh tẩy tâm hồn. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ soi sáng trí
lòng chúng ta để nhận ra những bụt thần và tội lỗi trong tâm hồn trước khi có
thể thanh tẩy chúng.
- Chúng ta phải chấp nhận sự cay
đắng của Lời Chúa mới có thể thanh tẩy tâm hồn được. Quay lưng lại Lời Chúa hay
tìm cách bóp nghẹt Sự Thật là làm cho Đền Thờ trở thành nơi ở của Satan và tội
lỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét