Tôi Làm Chồng Làm Cha Như Thế Nào
Qua Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa
Prepared
for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Dưới đây là những chia sẻ hết sức chân thành và sống
động của một người chồng, một người cha trong một kỳ giảng Tĩnh Tâm dành cho
các Gia Ðình, Mùa Vọng 2002 vừa qua tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Kỳ Ðồng,
Sài-gòn. Chúng tôi xin được đăng nguyên văn, hy vọng sẽ có nhiều người đồng
cảm, hoặc được gợi lên những suy nghĩ và cảm nhận khác về đời sống hôn nhân và
Gia Ðình Công Giáo...
Một người cha được Linh Mục sở tại và hàng xóm láng
giềng kính trọng vì có đời sống đạo hạnh, nhân đức. Ngày kia, ông chứng kiến
con trai còn niên thiếu của mình chết tan xương nát thịt do một tai nạn bất ngờ
chụp lên đầu con ông. Số là từ bên kia đường, sau khi tham dự Thánh Lễ, con ông
băng qua đường để về nhà, nhưng thật oái oăm, chiếc xe khách chạy hết tốc lực
trên đường liên tỉnh đã nuốt chửng con ông trước sự bàng hoàng sửng sốt của ông
và của những người chứng kiến.
Sau biến cố đầy máu và nước mắt ấy, ông chập choạng
bước đi trong bóng đêm của lòng tin. Một bóng đêm tưởng chừng ông không thể
vượt qua được. Ông luôn đặt câu hỏi đại loại như: Sao Chúa lại để cho con ông
phải chết thảm như vậy? Ông có làm điều gì đại nghịch mất lòng Chúa đâu? Tình
thương của Chúa ở nơi nào? Thiên Chúa của ông ở đâu? v.v...
Ðó là câu chuyện có thật do một Linh Mục kể cho tôi
và học viên lớp Kinh Thánh nghe khi ngài giảng dạy. Kể lại câu chuyện ấy tôi
muốn nói rằng, sống đời hôn nhân và Gia Ðình, tôi cũng đã trải qua những đêm
tối của lòng tin vào Thiên Chúa tương tự như vậy.
Kính
thưa cộng đoàn, năm nay tôi 54 tuổi đời, 31 tuổi nghề dạy học và sống ơn gọi
hôn nhân 27 năm 7 tháng 9 ngày. Do biến cố 30.4.1975, hai vợ chồng tôi không có
xe hoa để bước lên, không có phòng tiệc để bước vào, không có pháo hoa và những
tràng vỗ tay của thực khách để chúc mừng, thậm chí cũng chẳng có một bữa ăn gọi
là ăn cưới giữa Gia Ðình hai họ, nhưng chúng tôi lại được Thiên Chúa chúc phúc
qua việc cử hành bí tích hôn phối do một Linh Mục DCCT thay mặt Giáo Hội chứng
hôn.
Có
một điều thật ngây thơ giữa hai vợ chồng chúng tôi. Ðó là sau Thánh Lễ Hôn
Phối, mạnh ai nấy về nhà của mình. Tôi muốn nói nàng về nhà nàng nàng ngủ, tôi
về nhà tôi tôi ngủ. Nhà ai nấy ở. Cơm ai nấy ăn. Chỉ không bao lâu sau ngày
cưới, Bác Hai của nàng, là tu sĩ DCCT, chỉ bảo cho, vợ chồng chúng tôi mới sống
hòa hợp với nhau.
Giai Thoại với vợ của tôi: Sau đây xin được kể
tạm gọi là "giai thoại" về những khó khăn trở lực dễ gây đỗ vỡ mà một
người chồng như tôi đã phải trải qua khi sống với nàng. Xin được chia sẻ với
cộng đoàn hai tính cách đặc biệt của vợ tôi:
Trước
hết, nàng là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ của đàn ông: cương quyết và chỉ huy.
Nàng là chị hai của bảy người em. Các em của nàng dù đã sống đời đôi bạn có con
cái vẫn kính trọng nàng. Một điều chị Hai, hai điều chị Hai. Một lần nữa tôi
muốn nói rằng nàng là một con người chỉ huy, một con người có đầu óc tổ chức,
dám làm dám chịu. Biết được vợ mình như thế, tôi chỉ còn có cách sống với nàng
bằng một tinh thần nhân nhượng lùi bước để mọi chuyện được êm xuôi mỗi khi biển
động sóng trào trong Gia Ðình.
Tiền
lương của tôi cùng những khoản tiền khác có được tôi đều giao hết cho nàng để
nàng vun quén trong Gia Ðình, góp phần chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ. Tôi
biết điều đó cũng làm nàng vui vẻ và tôi bằng lòng như vậy. Nhiều đồng nghiệp
nam nữ khuyên tôi, sao thầy không lập quỷ đen quỷ đỏ để tiêu xài, ăn nhậu cho
thỏa thích, và để phòng khi vợ bỏ thì có tiền mà sống. Tôi chỉ cười trừ vì họ
đâu biết tôi hết lòng yêu thương vợ con. Có thể nói dí dõm là tôi đã khấn và
tuân giữ đức khó nghèo trong đời sống hôn nhân như vậy đó.
Tiếp
đến, nàng có tính cách của một nữ tu. Cộng đoàn biết rõ, tu sĩ có ba lời khấn
truyền thống của Giáo hội: đó là vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh. Tôi đã
từng sống đời tu trì. Vâng phục đối với tôi thật dễ dàng. Khó nghèo, tôi sống
đời khổ tu được và không hề than khổ. Nhưng khiết tịnh quả thực là khó đối với
tôi. Thế mà tôi đã phải chịu thử thách lớn. Nàng sống đời vợ chồng với tôi
nhưng luôn miệng khuyên tôi giữ đức khiết tịnh hiểu theo nghĩa giữ lời khấn
khiết tịnh của tu sĩ Công Giáo.
Ðây
là một nỗi đau khổ của tôi, có những lúc tôi bị khủng hoảng trầm trọng và nghĩ
rằng sao mình lại chọn lầm người đến như thế. Ðã nhiều lúc tôi nghĩ đến việc ly
dị theo thói người đời để tìm sự khuây khỏa cho mình, đã có những lúc tôi muốn
bỏ nhà đi hoang nhưng không hiểu sao Chúa lại quan phòng gìn giữ tôi, giúp tôi
vượt qua sóng gió và được bình an đến ngày hôm nay.
Dù
vậy, nàng cũng đã ban tặng cho tôi hai đứa con: trai 25 tuổi và gái 23 tuổi.
Xin tạ ơn Chúa, xin cảm ơn nàng. Ðã có con, hẳn phải lo giáo dục con. Giáo dục
con cái theo đường lối Chúa, theo truyền thống Giáo Hội quả thực là điều tôi
chưa ý thức hết. Giáo dục theo tính cách nhân bản người đời cũng đã lắm nhiêu
khê nói chi đến đường lối Chúa và truyền thống Giáo Hội.
Xin được kể một mẩu chuyện về con trai
tôi:
Một tối nọ, tôi không còn nhớ vợ tôi đã rầy la con như thế nào, chỉ biết là con
tôi bỏ nhà đi. Ðến 10 giờ tối vẫn không thấy bóng con về, tôi cồn cào ruột gan,
lòng nóng như lửa đốt. Bình thường, 8 giờ tối Gia Ðình đọc kinh chung; các con
không được ra khỏi nhà từ giờ này. Năm đó cháu học lớp 11, ngày hôm sau phải
thi học kỳ một. Là nhà giáo tôi hiểu rõ giá trị của những kì thi như vậy. Phải
thi và đủ điểm, nhà trường mới cho lên lớp. Nếu bỏ thi không lý do chính đáng
xem như phải ở lại. Có lẽ vợ tôi không biết rằng hôm sau con mình phải thi học
kỳ nên đã vô tình tạo khủng hoảng cho con.
Ðêm
hôm đó, một mình với chiếc xe đạp, tôi cọc cà cọc cạch đi dọ hỏi khắp nhà các
bạn của con tôi để tìm con về. Tôi vốn có tính kỹ lưỡng trong quan hệ bạn bè
của con: ghi địa chỉ hoặc điện thoại của các cháu để phòng khi bất trắc. Tạ ơn
Chúa, tôi đã gặp được con, nhưng phải thuyết phục hồi lâu, con trai tôi mới chịu
lên xe đạp để tôi chở về. Về đến nhà, tôi vội tạo điều kiện để con ngủ yên
giấc. Và hôm sau chính tôi phải chở cháu đi thi. Trên đường đến trường tôi luôn
động viên con, nói chuyện với con, giải thích để con hiểu và thông cảm cho mẹ
và biết thương cha mẹ cực khổ mà không xem thường việc học hầu lo cho tương lai
bản thân.
Tính
từ thời điểm này, cách đây hơn hai năm, con trai tôi đã vào hoang mạc hiểu theo
cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để sống thân mật với Chúa và trui rèn bản thân qua
sự dẫn dắt của các Cha Thầy... Cách đây hai hôm, ngày 10.12.2002, tôi có viết
cho con trai tôi một bức thư. Xin trích đọc hai đoạn ngắn để thấy được tình
thương của tôi dành cho con và cũng thấy được sự chuyển biến của con tôi trước
mặt Chúa và trước mặt cha mẹ. Xin đọc:
..."Nguyện
xin Thiên Chúa là Cha và Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn nâng đỡ, phù trợ con theo thánh
ý Chúa. Mong con luôn vui khỏe, bình an, học hành tiến bộ và đường tu đức mỗi
ngày cũng đẹp lòng Chúa hơn... Nghe má kể lại con đã bỏ thuốc lá hơn hai tuần
nay để làm quà, làm máng cỏ thiêng liêng dâng Chúa Hài Ðồng, ba mừng lắm. Cố
gắng nhưng vẫn luôn trông cậy vào ơn Chúa, nhờ Người giúp sức chứ không được
cậy sức mình, con nhé!"
Chuyện con gái của tôi: Chuyện của con trai
tôi là như thế đó. Giờ đây, cũng xin được kể một giai thoại về con gái của tôi.
Cháu bị cận thị từ lúc học lớp 6 nhưng lại không chịu sắm kiếng. Khi sắm kiếng
lại không chịu mang vào. Mỗi năm trung bình tăng một độ. Tôi hốt hoảng chở cháu
đi thử mắt rồi lại thay kính thường xuyên và gặp các chuyên gia, nhờ họ giải
thích, thuyết phục con tôi mang kính để ngăn chặn sự tăng độ. Mãi về sau, con
gái tôi mới biết nghe lời và chấp nhận mang kính cho đến ngày hôm nay. Ðộ có
tăng nhưng so với trước thì không đáng kể. Chuyên gia khuyên phải đeo kính luôn
kể cả lúc không làm việc. Chỉ bỏ kiếng ra khi nào ngủ. Hễ thức dậy là phải mang
kính vào.
Kính
thưa cộng đoàn, trải qua thời gian hơn hai mươi bảy năm sống đời hôn nhân Gia
Ðình Công giáo, tôi cảm nghiệm được là: Thiên Chúa đã quan phòng và yêu thương
tôi dù nhiều khi tôi không ý thức đủ điều đó và cũng không nhớ đến Người. Và
đặc biệt hơn tôi nhận ra sự bất lực của mình trong nhiều vấn đề.
Những
lúc ấy, nếu tôi cầu nguyện theo kiểu xin - cho, bắt Chúa làm theo ý tôi. Sau
này, nhờ học hỏi và nhờ các Linh Mục DCCT hướng dẫn tôi mới biết đó là kiểu cầu
nguyện lấy dây buộc chặt tay Chúa, không để Người thi thố quyền năng và tình
thương của Người. Kết quả là khó khăn, tệ hại vẫn còn đó; còn ngược lại nếu tôi
biết chúc tụng ngợi khen Chúa, xin thánh ý Người thể hiện trên vợ, trên con,
trên biến cố cuộc đời dẫu rằng biến cố ấy có bi thương như câu chuyện về cái
chết bi thảm của người con trai của một người cha ngoan đạo đã kể trên thì lúc
ấy tôi mới rõ được quyền năng và tình thương của Chúa kỳ diệu như thế nào!
Chúng
ta vẫn nhớ câu chuyện Chúa Giê-su đã cho La-da-rô sống lại từ cõi chết. Tôi tin
rằng Chúa vẫn làm điều đó cho ngày hôm nay. Chỉ có điều là tôi cầu nguyện thế
nào cho Danh Chúa được cả sáng và đức tin của tôi có đủ mạnh để chấp nhận biến
cố cuộc đời như là món quà mà Thiên Chúa tặng ban hay không để qua đó biết chúc
tụng, ngợi khen Người, và nhờ vậy, Người tiếp tục thánh hóa và ban ơn cứu độ
cho tôi, cho Gia Ðình tôi ngay khi tôi sống ở trần gian này.
Ðể
kết luận, xin cộng đoàn cùng lắng nghe lời khuyên của một Linh Mục giải tội khi
tôi xưng tội với ngài. Ngài nói: "Ðạo Công Giáo của chúng ta không phải là
đạo khoán trắng mọi sự cho Chúa. Trong thử thách gian truân, con hãy đứng vững
trên đôi chân của mình, cố gắng chu toàn bổn phận, cầu nguyện và phó thác không
ngừng, con sẽ thấy được quyền năng và tình thương của Chúa thể hiện trên
con".
Cuối
cùng, con thành thật cảm ơn cha chủ tế đã cho phép con được làm chứng hôm nay.
Vì vâng lời cha, con đã đứng đây để nói lên cảm nghiệm thật của đời mình. Mong
rằng sẽ mang lại ích lợi phần nào cho cộng đoàn. Xin cảm ơn cộng đoàn đã chăm
chú lắng nghe. Kính chúc cha chủ tế và cộng đoàn được tràn đầy hồng ân Chúa Hài
Ðồng trong đại lễ Giáng Sinh sắp đến.
Lạy
Thánh Cả Giu-se là Ðấng Bảo Trợ các Gia Ðình, xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho
chúng con trước tòa Chúa. Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng
con biết giáo dục con cái theo đường lối Chúa, đường lối Giáo hội. A-men.
Gs. Gio-a-kim Phạm Văn Lượng, 12.12.2002
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 97, năm 2003)
* Đăng lại bài này để Hâm nóng tình yêu chuẩn bị kỉ niệm 40 năm lãnh nhận bí tích hôn phối 1975 - 2015
PVL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét