Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
Thứ Hai Tuần 28 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Gal 4:22-24, 26-27,
31-5:1; Lk 11:29-32.
1/ Bài đọc I: 22 Thật
vậy, có lời chép rằng: ông Áp-ra-ham có hai người con, mẹ của một người là nô lệ,
mẹ của người kia là tự do.
23 Nhưng con của người mẹ
nô lệ thì sinh ra theo luật tự nhiên; còn con của người mẹ tự do thì sinh ra nhờ
lời hứa.
24 Truyện đó ngụ ý thế này:
hai người đàn bà là hai giao ước. Giao ước thứ nhất tại núi Si-nai, thì sinh ra
nô lệ: đó là Ha-gar.
25 Ha-gar chỉ núi Si-nai
trong miền Ả-rập, và tương đương với Giê-ru-sa-lem ngày nay, vì thành này cùng
với các con đều là nô lệ.
26 Còn Giê-ru-sa-lem thượng
giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta.
27 Thật vậy, có lời chép:
Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con;
hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,
vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng!
Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con;
hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,
vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng!
28 Thưa anh em, như
I-sa-ác, anh em là những người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa.
29 Nhưng cũng như thuở ấy đứa
con sinh ra theo luật tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh ra theo thần khí, thì
bây giờ cũng vậy.
30 Thế nhưng Kinh Thánh nói
gì? Kinh Thánh nói: Tống cổ người nô lệ và con của nó đi, vì con của nô lệ
không đời nào được thừa kế gia tài cùng với con của người tự do.
31 Ấy vậy, thưa anh em,
chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do.
1 Chính để chúng ta được tự
do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy
ách nô lệ một lần nữa.
2/ Phúc Âm: 29 Khi dân
chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ
gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu
lạ ông Giô-na.
30 Quả thật, ông Giô-na đã
là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu
lạ cho thế hệ này như vậy.
31 Trong cuộc Phán Xét, Nữ
Hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết
án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua
Sô-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sô-lô-môn nữa.
32 Trong cuộc Phán Xét, dân
thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy
đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kế họach Cứu
Độ của Thiên Chúa.
Trong chương trình Cứu Độ của
Thiên Chúa, Ngài đã chọn Dân Do-Thái ngay từ đầu và ký kết với họ một giao ước
trên Núi Sinai. Theo giao ước cũ này, nếu họ giữ cẩn thận các giới răn Chúa
truyền thì Ngài sẽ bảo vệ họ, và họ sẽ là Dân Riêng của Ngài. Nhưng như lịch sử
đã chứng minh, họ đã không tôn trọng giao ước và Thiên Chúa đã để mặc họ cho kẻ
thù phương Bắc xâm lấn và bắt làm nô lệ. Tuy nhiên, vì lòng thương xót, Thiên
Chúa đã ký với tòan thể con người (cả Do-Thái và Dân Ngọai) một giao ước mới.
Theo giao ước mới này, con người sẽ được cứu độ: không bằng việc giữ cẩn thận
các Lề Luật (việc không thể cho con người), nhưng bằng niềm tin vào Chúa Kitô
và ân sủng của Thánh Thần. Dẫu vậy, nhiều người Do-Thái vẫn ngoan cố tin vào
giao ước cũ và bắt Dân Ngọai cũng phải làm như họ. Trong Bài đọc I, thánh
Phaolô dùng Cựu Ước để chứng minh giao ước mới đã được báo trước để thay thế
giao ước cũ qua câu truyện của Sarah và Hagar. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh
cáo người Do-Thái đừng nên khinh thường Dân Ngọai. Tuy họ không được hưởng các
đặc quyền như Dân Do-Thái, nhưng họ đã biết tận dụng những gì Chúa ban để học hỏi
và ăn năn xám hối.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em là những
người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa.
1.1/ Hai giao ước cũ và mới
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô dùng cách cắt nghĩa Kinh
Thánh theo kiểu lọai suy (allegorical) ở đây: Ông Abraham có hai người con:
Isaac và Ishmael, mẹ của Ishmael là một người là nô lệ (Hagar), mẹ của Isaac là
người tự do (Sarah). Con của người mẹ nô lệ thì sinh ra theo luật tự nhiên (ăn ở
giữa Abraham và Hagar); còn con của người mẹ tự do thì sinh ra nhờ lời hứa của
Thiên Chúa với tổ phụ Abraham.
Thánh Phaolô cắt nghĩa: Truyện
đó ngụ ý thế này: Hai người đàn bà là tượng trưng cho hai giao ước. Giao ước thứ
nhất tại núi Si-nai, thì sinh ra nô lệ: đó là Ha-gar. Ha-gar chỉ núi Si-nai trong
miền Ả-rập, và tương đương với Giê-ru-sa-lem ngày nay, vì thành này cùng với
các con đều là nô lệ. Còn Giê-ru-sa-lem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng
ta. Thật vậy, có lời chép: Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh
con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của
phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng!
1.2/ Như Isaac, anh em là những
người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa: “Nhưng cũng như thuở ấy đứa con sinh
ra theo luật tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh ra theo thần khí, thì bây giờ
cũng vậy. Thế nhưng Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh nói: Tống cổ người nô lệ và
con của nó đi, vì con của nô lệ không đời nào được thừa kế gia tài cùng với con
của người tự do.”
Vì thế, giao ước cũ đã được thay
thế bằng giao ước mới; sự nô lệ cho Lề Luật đã được thay thế bằng sự tự do sống
theo Thánh Thần, như thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài: “Ấy vậy, thưa
anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người
tự do. Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy,
anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”
2/ Phúc Âm: Hưởng đặc quyền càng
nhiều, bị phán xét càng nặng.
2.1/ Đòi hỏi phép lạ: Người
Do-Thái tìm kiếm phép lạ, và Chúa đã làm nhiều phép lạ giữa họ. Nhưng mục đích
của phép lạ là để khơi dậy niềm tin. Sau khi đã làm nhiều phép lạ mà họ vẫn
không tin nên Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng
xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah.
Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người
cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Tại đây Chúa Giêsu muốn nói: như
tiên tri Jonah đã ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, Chúa Giêsu cũng ở trong mồ 3
ngày 3 đêm như vậy, và sau đó Ngài sẽ sống lại.
2.2/ Cần phản ứng thích đáng khi
được hưởng đặc quyền: Chúa Giêsu đưa ra 2 ví dụ cho người Do-Thái phải suy
nghĩ:
2.2.1/ Nữ Hòang Phương Nam:
là người đến với Vua Solomon từ Phi Châu để học sự khôn ngoan của Vua. Thế mà
Chúa Giêsu còn khôn ngoan hơn Vua Solomon đang ở giữa và dạy dỗ họ, họ đã từ chối
không nghe và tin vào Ngài. Vì thế, “trong cuộc Phán Xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ
đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ
tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà Chúa Giêsu còn
hơn vua Solomon nữa.”
2.2.2/ Dân Thành Nineveh: là
thành của Dân Ngọai (Bắc của Iraq hiện giờ). Họ đã sẵn sàng nghe lời
giảng dạy của tiên tri Jonah dù chỉ một lần và đã ăn chay, xức tro, và mặc áo
nhặm trở về với Chúa. Thế mà Chúa Giêsu còn cao trọng hơn tiên tri Jonah đang đứng
giữa họ để dạy dỗ và kêu gọi họ bỏ đàng tội lỗi, ăn năn trở lại với Thiên Chúa,
mà họ vẫn giả điếc làm ngơ. Vì thế, “trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ
chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe
ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải siêng năng học hỏi
để nhận ra những đặc quyền mình đang được hưởng. Đừng ngoan cố như những người
Do-Thái, mặc dầu đã được thánh Phaolô chỉ dạy cho là họ không thể nào được cứu
rỗi bằng việc giữ Luật (giao ước cũ), mà chỉ có thể được cứu độ bằng việc tin vào
Chúa Kitô (giao ước mới); thế mà họ cứ ngoan cố trong niềm tin của họ vào Luật
và dạy các tín hữu Galat làm như thế.
- Chúng ta cần biết nắm lấy cơ hội
Thiên Chúa gởi đến trong cuộc đời. Như Nữ Hòang Phương Nam lặn lội
tìm đến để học sự khôn ngoan của Vua Solomon, chúng ta cũng cần chạy đến với những
người rao giảng để học hỏi sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Như
dân Thành Nineveh đã nghe lời giảng dạy của tiên tri Jonah mà ăn năn trở lại,
chúng ta cũng cần biết nghe lời mời gọi của Mẹ Giáo Hội qua các Mục Tử để năng
kiểm điểm cuộc sống và quay trở về làm hòa cùng Thiên Chúa.
- Nếu không biết tận dụng các cơ
hội của Chúa ban, chúng ta sẽ không có lý do nào để trách Chúa trong Ngày Phán
Xét; vì sẽ có nhiều người tố cáo chúng ta là nếu họ có được những cơ hội như
chúng ta đã có, thì họ đã ăn năn trở lại từ lâu rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét