Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 24 TN2
Bài đọc: I Cor 12:12-14, 27-31;
Lk 7:11-17.
1/ Bài đọc I: Thật vậy, ví như
thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của
thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế,
tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu
phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã
được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ
không phải chỉ có một mà thôi.
Vậy
anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội
Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các
ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được
những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ
tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai
cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được
ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được
các tiếng lạ sao?
Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.
Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.
2/ Phúc Âm: Sau đó, Đức
Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi
với Người. Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một
người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà
goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng
thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" Rồi Người lại gần, sờ vào quan
tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi
bảo anh: hãy trỗi dậy!" Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức
Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng:
"Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng
thăm dân Người". Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền
Giu-đê và vùng lân cận.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệp nhất
trong khác biệt.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thần học về thân
thể của thánh Phaolô.
1.1/ Nhiều chi thể khác nhau
nhưng trong cùng một Thân Thể là Đức Kitô:
Thánh Phaolô dùng hình ảnh thân thể con người với những chi thể khác nhau để áp
dụng cho thân thể của Chúa với những chi thể khác nhau là các tín hữu: “Thật vậy,
ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận
của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.”
Trong một thân thể, không có chi thể nào hèn kém đến độ thân thể không cần đến;
nhiều khi những chi thể xem ra nhỏ bé yếu đuối hay hèn kém lại càng cần thiết
hơn. Cũng vậy, “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do,
chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể.”
Trong Chúa Kitô, không có một cá nhân nào hèn kém đến độ bị lọai trừ ra ngòai.
Tất cả các hàng rào ngăn cách con người với nhau ngòai xã hội như ngôn ngữ,
giai cấp, tài năng … phải bị dẹp bỏ để mọi người trở thành anh chị em với
nhau.
Chúng ta đã thấy thánh Phaolô áp dụng thần học thân thể này cho rất nhiều lãnh
vực, chẳng hạn việc có nên ăn thịt cúng. Ngài trả lời cứ việc ăn mà không cần
phải hỏi han lôi thôi; nhưng nếu việc ăn thịt cúng làm cho một tín hữu mất đức
tin thì ngài sẽ không ăn, vì tín hữu này đã được Chúa Giêsu đổ máu ra để chuộc
tội. Hay hôm qua khi bàn về Bữa Tiệc Tình Yêu, ngài nói: Tất cả những ai ăn
Bánh và uống Rượu - là ăn chính Mình và uống Máu Chúa - đều trở nên một Thân Thể
và được thông phần vào chính sự sống của Đức Kitô, nhờ Máu của Ngài. Vì thế, tất
cả phải ăn uống làm sao để đừng ăn uống án phạt mình qua việc phân chia giai cấp
giữa người giầu và kẻ nghèo.
1.2/ Nhiều sứ vụ khác nhau nhưng
được trao ban bởi cùng một Thánh Thần:
Một áp dụng khác về thần học thân thể là mỗi người tín hữu được Thiên Chúa trao
một sứ vụ khác nhau: tông đồ, tiên tri, thầy dạy, làm phép lạ, chữa lành, quản
trị, người luôn giúp đỡ, hay nói tiếng lạ. Tất cả các sứ vụ đều nhằm một mục
đích là để xây dựng nhiệm thể của Đức Kitô.
Con người thường có khuynh hướng quan trọng hóa sứ vụ của mình và khinh thường
sứ vụ của những người khác. Họ nghĩ chỉ có sứ vụ của họ mới cần thiết còn những
sứ vụ khác kém quan trọng hơn hay không cần thiết. Thánh Phaolô dùng hình ảnh của
thân thể để bác bỏ quan niệm này. Ngài nói tất cả các chi thể đều quan trọng
cho việc gìn giữ thân thể khỏe mạnh. Mắt không thể bảo tay “Tao không cần đến
mày;” đầu cũng không thể bảo hai chân “Tao không cần đến chúng mày.” Hơn nữa, tất
cả các sứ vụ được ủy thác cho mỗi người bởi cùng một Thánh Thần. Ngài không những
biết khả năng của mỗi người mà biết Nhiệm Thể Chúa Kitô cần gì để phát triển,
nên sắp xếp sứ vụ và ban ơn cần thiết để mỗi người có thể chu tòan sứ vụ của
mình.
Một khuynh hướng khác là muốn làm những gì xem ra được coi là quan trọng theo
tiêu chuẩn của thế gian; chẳng hạn khuynh hướng thích làm lớn và nói tiếng lạ
nơi cộng đòan Corintô. Trong Phúc Âm không thiếu những người có khuynh hướng
này như Mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan đem hai con đến xin Chúa ban cho một đứa
ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong vương quốc của Chúa. Chúa sửa dạy các
ông: “Ai muốn làm lớn giữa an hem thì phải làm người phục vụ an hem. Và ai muốn
làm đầu an hem thì phải làm đầy tớ anh em.”
2/ Phúc Âm: Chúa động lòng
thương và cho con trai duy nhất của Bà mẹ Nain sống lại.
Đứng trước cái chết con người hòan tòan bất lực và hỏang sợ khi phải đương đầu
với cái chết, nhất là những cái chết trẻ, nhiều người, và đột ngột. Như Bà mẹ
Nain hôm nay, Bà đã góa chồng và chỉ có một con duy nhất là niềm hy vọng để
nâng đỡ Bà trong cuộc sống trên dương gian; thế mà anh cũng vĩnh viễn ra đi. Chắc
Bà không bao giờ nghĩ là Bà sẽ phải chôn con.
Người Hy-Lạp, nhất là những người theo chủ thuyết Khắc Kỷ, họ tin có Đấng Tối
Cao; nhưng không tin Ngài có cảm xúc trước những đau khổ của con người. Họ lý
luận: Nếu con người có thể làm cho Ngài vui hay buồn, tức là con người có ảnh
hưởng trên Ngài; khi con người có ảnh hưởng trên Ngài là con người lớn hơn
Ngài; nhưng không ai có thể lớn hơn Đấng Tối cao. Vì vậy, Đấng Tối Cao phải là
Đấng không có cảm xúc. Niềm tin này hòan tòan ngược lại với niềm tin của người
Công Giáo, Thiên Chúa cảm thương với nỗi đau khổ của con người. Thánh Luca tường
thuật Chúa Giêsu chạnh lòng thương Bà mẹ góa chỉ có đứa con côi mà giờ đây cũng
không còn nữa, Ngài an ủi: "Bà đừng khóc nữa!" Trước khi cho Lazarus
sống lại, Gioan tường thuật “Chúa khóc” (Jn 11:35) và “Chúa thổn thức trong
lòng” (Jn 11:38).
Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Trong Cựu Ước, chỉ có tiên tri
Elisha làm cho con trai của Bà góa miền Shunem sống lại bằng cách kề miệng ông
trên miệng nó (2 Kgs 4:34-37). Trong Phúc Âm, có ít nhất 3 lần Chúa làm cho kẻ
chết sống lại: Cho con gái của ông trưởng hội đường Giaia sống lại (Mt 9:18-26,
Mc 5:35-43, Lk 8:40-56); Chúa Giêsu làm cho anh thanh niên sống lại và trao anh
lại cho bà mẹ Nain hôm nay (Lk 7:11-17); và Chúa cho Lazarus chết 3 ngày được sống
lại (Jn 11:38-44). Khi chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại,
con người kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất
hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hình ảnh những chi thể khác nhau của một thân thể sẽ giúp chúng ta giải quyết
nhiều những vấn đề trong cuộc sống: tham quyền hành, ghen tương, bè đảng, khai
trừ nhau … Mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng trong tòa nhà của Thiên Chúa và đều
được Thánh Thần trao cho một sứ vụ để xây dựng tòa nhà này.
- Thiên Chúa có quyền trên sự chết và Ngài quan tâm đến những đau khổ của kiếp
người. Những điều này là hy vọng cho cuộc đời chúng ta vì biết rằng những đau
khổ có ý nghĩa và sự chết chỉ là tạm thời. Nếu chúng ta kiên trì vượt qua đau
khổ, chúng ta sẽ cùng sống lại và chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét