CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Làm sao để được Thiên Chúa yêu thương và trở thành người nhà của Ngài?



Thứ Ba Tuần 16 TN2, Thánh Maria Magdala 
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Bài đọc: Mic 7:14-15, 18-20; Mt 12:46-50 (Jn 20:1-2, 11-18)

1/ Bài đọc I: 14 (Lạy Đức Chúa,) xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân
là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài,
đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái.
Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Ba-san và Gi-le-ad
như những ngày thuở xa xưa.
15 Như thời Ngài ra khỏi đất Ai-cập,
xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công.
18 Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm,
Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài?
Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa,
19 Người sẽ lại thương xót chúng ta,
tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân.
Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.
20 Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp,
và tình thương cho Áp-ra-ham,
như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.

2/ Phúc Âm: 46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.
47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."
48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"
49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

2/ Phúc Âm (Jn 20:1-2, 11-18): 1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! "14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy").17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"."18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để được Thiên Chúa yêu thương và trở thành người nhà của Ngài?

Khi chứng kiến sự khôn ngoan cũng như uy quyền của Chúa Giêsu, một người cảm phục đã thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu trả lời: “Hạnh phúc hơn cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa” (Lk 11:27-28).
Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, và coi như người nhà là phải nghe lời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Micah cung cấp nguồn hy vọng cho con cái Israel, nếu họ muốn được Thiên Chúa xót thương và giải thoát khỏi cảnh lưu đày. Họ phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa và ăn năn quay về với Ngài. Trong Phúc Âm, khi được báo cáo mẹ và anh em của Chúa Giêsu đang chờ Ngài ở ngoài, Chúa Giêsu cung cấp nguồn hy vọng cho khán giả: Mẹ và anh em Ta là tất cả những ai nghe và giữ lời Ta.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm.

1.1/ Chính Thiên Chúa sẽ chăn dắt dân Ngài: Đây là những câu cuối cùng của Sách tiên tri Micah. Giống như phần đông các Sách Ngôn Sứ, Micah tuy thấy trước việc mất nước và những ngày lưu đày sẽ không tránh khỏi, nhưng ông cũng cho dân chúng một niềm hy vọng vào tương lai, nếu họ biết ăn năn hối cải.
Ông kêu gọi dân chúng nhìn lại quá khứ để biết những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố biểu lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã làm những điềm thiêng, dấu lạ để đưa dân Israel ra khỏi nô lệ bên Ai Cập và đem vào miền đất Canaan phì nhiêu, chảy sữa và mật. Ngài cũng đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Biến cố này đã làm cho các dân chung quanh Israel phải khiếp sợ kinh hoàng.
Nếu họ ăn năn quay về, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân chúng là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài. Ngôn sứ đề cập đến hai vùng nổi danh mà người Do-thái quen thuộc: Bashan là ngọn núi cao nằm ở biên giới giữa Syria và Do-thái. Đây là một vùng đất màu mỡ vì sự kết tụ của đất và nhất là nước trào tràn khắp nơi. Nơi đây, nước từ trên núi tuyết của Bashan chảy xuống kết hợp với những sông của Syria trước khi tràn vào Biển Hồ Galilee. Bashan nổi tiếng về gỗ cây sồi, lý tưởng cho việc trồng lúa mì và chăn nuôi. Xuôi xuống miền Nam dọc theo sông Jordan là Gilead, vùng Transjordan. Vùng này cũng nổi tiếng về cây sồi, thông, và rất thích hợp cho việc chăn nuôi. Ngày nay, du khách đi dọc theo vùng này có thể thấy những cánh đồng chuối nối tiếp nhau.

1.2/ Thiên Chúa trung thành yêu thương cho dù con người phản bội.
(1) Thiên Chúa phải sửa phạt để con người biết nhận ra tội lỗi và quay trở về với Ngài, chứ không phải để tiêu diệt. Một khi con người đã nhận ra và quay trở lại, Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và cứu họ, cho dù chỉ còn một số nhỏ còn sót lại.
(2) Ngài là Thiên Chúa của thương sót: Như một người cha, Thiên Chúa không vui mừng gì khi thấy con mình quằn quại trong đau khổ. Ngài cũng hiểu hoàn cảnh của con người: khi họ còn mang thân xác yếu đuối, tội lỗi là điều khó tránh khỏi. Điều cần thiết là phải biết nhận ra tội lỗi và thống hối ăn năn. Khi con người đã biết ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả tội lỗi và phục hồi quyền làm con cho con người. Ngôn sứ diễn tả tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân chúng: “Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”
(3) Lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ Ngài sẽ thi hành: “Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Jacob, và tình thương cho Abraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.”

2/ Phúc Âm: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"

2.1/ Thi hành thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."
Khi nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ gia đình; nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:
(1) Mọi người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
(2) Cách trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời. Theo cách của người đời, một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng cách sinh ra trong gia đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con nuôi (Jn 1:13). Theo cách của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng cách làm theo thánh ý Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa (Jn 1:12).

2.2/ Đức Mẹ là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Đức Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể trưng dẫn ba nét chính:
(1) Trong biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng: "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền" (Lk 1:38).
(2) Tại tiệc cưới Cana: Khi nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến kêu cầu với Chúa: "Họ hết rượu rồi!" Mặc dù Chúa nói với Mẹ: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;" Mẹ vẫn căn dặn gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Jn 2:4-5).
(3) Khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằngghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).

2/ Phúc Âm: Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Bà Mary Magdala 

2.1/ Mary Magdala tiếp tục tìm xác Chúa: Trình thuật này tiếp tục trình thuật Bà chạy về báo tin cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mộ và chạy về. Bà vẫn quanh quẩn bên mộ Chúa vì thương mến, và có lẽ vì tội nghiệp Chúa đã phải chịu cái chết đau khổ như thế, mà giờ đây vẫn chưa hết đau khổ, vì con người vẫn chưa tha cho xác chết của Ngài. 
            (1) Mary thấy sứ thần Thiên Chúa, nhưng không nhận ra họ: Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" 
            (2) Mary nghe tiếng Chúa và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Chúa: Đức Giêsu nói với bà: "Này Bà! sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà tưởng Chúa là người làm vườn, và nghĩ có thể ông đã lấy xác Chúa, liền nói với ông: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 

2.2/ Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu. 
            (1) Nhận ra Thiên Chúa không bằng những gì nghe và thấy bên ngoài, vì Bà đã nghe và thấy Chúa như trình bày ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: "Mary!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Do-thái: "Rabbouni!" Chỉ có hai con tim đang yêu mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài, và sung sướng kêu lên “Thầy của con.” 
            (2) Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức Giêsu bảo bà: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em."" 
            Khác với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang tin mừng đến cho họ. 
            (3) Bà Mary Magdala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa!" và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Một khi đã tìm thấy và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành kẻ hát rong, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được biết. Cuộc đời không còn gì lôi cuốn được người có tình yêu Thiên Chúa; họ sẽ không đánh đổi tình yêu này cho bất cứ điều gì. Chỉ có tình yêu này mới có sức mạnh đủ để họ làm chứng cho Chúa giữa bao nghịch cảnh: bắt bớ, roi đòn, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương dù con người bất trung phản bội. Nếu chúng ta biết ăn năn quay về, Ngài sẵn sàng giơ hai tay để đón nhận chúng ta như những người con.
- Chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa vì tin tưởng và làm theo thánh ý Ngài, chứ không phải vì liên hệ máu mủ hay vì bất kỳ lý do nào khác.


Không có nhận xét nào: