Hữu Ngữ, CMC
|
“ Chúng ta đến với người nghèo không có mục
đích nào khác ngoài mục đích là đem niềm vui đến cho những người
mang hình ảnh của Chúa Giê-su đau khổ. Cho dù họ là ai, dân tộc nào,
trình độ nào… thì tất cả họ là những người cần được quan tâm”.
Đó chính là lời phát biểu của thầy Đa-minh Ma-ri-a Đinh Chí Đệ, Đặc
trách Ban Bác ái Dòng Đồng Công, trong buổi họp thường kì củaTổng
Ban Truyền giáo.
Hình ảnh Chúa Giê-su đau khổ, họ là ai? Phải rồi!
Họ là những người đang mang trên mình căn bệnh AIDS, họ là những
người nhiễm bệnh cùi, họ là những người già cả không nơi nương tựa,
họ là những em bé mồ côi không có ai chăm sóc…nhiều và rất nhiều.
Chính vì hình ảnh này mà các tu sĩ Đồng Công năm nào cũng có những
chuyến viếng thăm, đem niềm vui đến cho những người người bất hạnh.
Ngày 11/01/2014, Ban Truyền giáo Dòng Đồng Công lại có chuyến thăm 6
cơ sở bác ái đó là:
- Viện Dưỡng Lão Suối Tiên, Cây Gáo, Trảng
Bom, Đồng Nai
- Làng phong Hàn Mặc Tử, Tân Mai, Biên Hoà,
Đồng Nai
- Hội Khiếm thị Nhơn Trạch, Đồng Nai
- Làng phong Bình Minh, Long Thành, Đồng Nai
- Cô Nhi viện Thiên Bình, Long Thành, Đồng
Nai
- Làng phong Thiên Trợ, Long Thành, Đồng Nai.
Khi Ông Mặt Trời đã nhô khỏi bụi cây, tiếng chim
hót rộn ràng trong khe lá, chúng đua nhau ca hát đón chào ngày mới.
Chính lúc ấy, một số tu sĩ Đồng Công hối hả xếp lên xe những gói
quà đầy tình nghĩa. Đúng 7g30, hai chiếc xe (một chở người và một
chở đồ) đã rời cổng sau Nhà Dòng, nhắm hướng Đồng Nai chạy tới.
Chiếc xe lao vun vút, để sau lưng sự ồn ào náo nhiệt, giũ lại những
bon chen của cuộc sống. Sau gần hai tiếng đồng hồ, phái đoàn đã có
mặt tại Viện Dưỡng lão Suối Tiên – Cây Gáo.
1. Viện Dưỡng Lão Suối Tiên, Cây Gáo, Trảng
Bom, Đồng Nai
“Tôi không muốn về quê”. Đó là lời của cụ
H đang sống trong nôi ấm cúng này. Không chỉ mình cụ H, mà tất cả
các cụ đang sống nơi đây, ai cũng mang trong mình tâm trạng như thế.
Cả một đời làm ăn vất vả, đến lúc tuổi già cần được nghỉ ngơi, dưỡng
sức. Nhưng trớ trêu thay, cuộc đời lại “bạc như vôi”. Cuộc đời đã
vắt sạch tất cả nơi các cụ: nào là sắc đẹp, nào là tiền tài, danh
vọng… Chẳng còn nơi đâu mà nương tựa, có cụ đã phải đi ăn xin, cụ
thì đi ở nhờ, cậy dựa vào con cái cháu chắt, họ hàng… May cho các cụ,
giữa cuộc đời bội bạc ấy vẫn còn những tấm lòng vàng. Các cụ đã được
quy tụ về đây sống với nhau thành một gia đình cho tới khi nhắm mắt
lìa đời.
Khu đất mang số
528, ấp Suối Tiên , xã Cây Gáo , huyện Trảng Bom , tỉnh Đồng Nai,
chính là cái nôi yêu thương của bao cụ già neo đơn ấy. Sơ Ca-ta-ri-na
Lê Thị Mai Toàn thành lập năm 1993, tọa lạc trên khu đất diện tích
7806m2, sang nhượng của ông bà Nguyễn Văn Bình. Cuối năm
2005, do cảm thấy sức khỏe yếu dần, sơ Toàn đã xin Hội Dòng cho thêm
người phụ giúp sơ. Vào ngày 07/01/ 2006, sơ Maria Phùng Thị Mỹ Hạnh
đã được sai đến trước khi sơ Toàn li trần vì bệnh tim vào lúc 5g20
sáng ngày 20/01/2006. Ngày 05/ 02/ 2006, để bù đắp cho sự mất mát
lớn lao nơi những người nghèo khổ, già cả neo đơn, tàn tật, sơ
Isabelle Trần Thị Kim Hường, nguyên BTTQ của Dòng, đã tình nguyện
tới phục vụ Viện Dưỡng Lão Tình Thương. Từ đây sơ Isabelle thay sơ
Mai Toàn để cùng với các chị em khác yêu thương và săn sóc những
người Chúa gởi đến Viện Dưỡng Lão.
Công việc trong nhà đã ổn, các sơ nghĩ đến việc
tạo nguồn để có thu nhập nuôi các bà. Nhìn thấy bên kia suối của
viện là khu đất được mua lại của ông Vy Đình Bang vào năm 2002 còn
bỏ hoang, nên sơ Bề trên Isabelle đã tiến hành làm đơn xin chuyển
mục đích để đào ao nuôi cá. Chiều ngày 14/02/2006 máy múc đã đến
khởi công đào ao. Ngoài ra, các sơ còn trồng rau, nuôi thêm heo và
gia cầm.
Vì không có nhà riêng, các sơ cùng chung sống với
các bà trong cùng một nhà. Cho nên, để tiện cho sinh hoạt của chị
em, sơ Bề trên và chị em đã nhất trí dùng nhà cơm của các bà chia
phòng cho mỗi chị em. Công việc nhiều, nhưng vì không có chỗ ở, nên
cộng đoàn chỉ có ba chị em. Tháng 08/2010, Hội Dòng đã cho thêm một
sơ nữa, để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của viện Dưỡng Lão sau
khi được chính thức công bố thành lập của UBND tỉnh Đồng Nai ngày
22/05/2010 sau hơn 17 năm chờ đợi.
Trong khuôn viên có 5 hồ lớn được dẫn nước ở suối
vào để nuôi cá, chung quanh hồ ghép bằng đá móng. Đá móng này các sơ
không phải đi mua mà chính là đá có sẵn ở khu đất do thợ bổ ra. Đây
là nguồn kinh tế của viện. Đường đi lối lại quanh hồ trồng toàn cây
cau kiểng tuyệt đẹp. Vì nhu cầu cấp thiết, các sơ đã làm thêm một
dãy nhà mới khá rộng, nhà quét sơn xanh nhạt, trong nhà mới, tất cả
các giường ngủ của các bà đều làm bằng Inox. Hiện nay, có 70 cụ bà,
phần đông đi lại được, mười mấy cụ yếu bệnh khó đi lại đã trên 80,
90 tuổi, đã có 67 cụ qua đời. Các sơ cố gắng giúp cho mọi người theo
đạo Công Giáo, hiện nay chỉ còn 2 bà chưa được rửa tội vì các bà
chưa hội đủ những yếu tố cần thiết để nhập đạo. Phục vụ ở đây có 5
sơ, phụ vào đó là những bà còn khỏe giúp các bà yếu. Cha Camillo
Lelis Maria Nguyễn Đức Tuân đã tới chúc tết các sơ, các bà và phát
quà cho các bà cụ... Nhà Dòng Đồng Công cũng tặng cho Viện Dưỡng Lão
một số tiền. Sơ Giám đốc đã dẫn phái đoàn đi thăm quan toàn khu,
cũng có ốc đảo Thánh Martin Pores ở giữa hồ nước trông thật thơ mộng.
Có tượng đài Thánh Giuse, thánh Giu-se hiện ra trên cây vú sữa, nghe
các sơ kể về Ngài rất thiêng, Ngài đã ban nhiều ơn lành cho cộng
đoàn. Khoảng hơn 10 giờ, phái đoàn từ giã các sơ, các cụ bà và lên
xe trở về Biên Hòa tới làng phong Hàn Mặc Tử.
2. Làng phong Hàn Mặc Tử, Tân Mai, Biên Hoà,
Đồng Nai
Chiếc xe Hyundai 30 chỗ chở các thầy chạy lòng
vòng trong thành phố Biên Hoà. Khoảng 11g30, xe dừng lại gần con hẻm
của làng phong Hàn Mặc Tử,Tân Mai. Lọt thỏm giữa thành phố Biên Hoà
rộng lớn là ngôi làng phong nhỏ bé với
hơn 150 hộ gia đình bệnh nhân phong.
Làng phong đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng
người bệnh vẫn một lòng tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Thiên
Chúa và sự trợ giúp của mọi người.
Ngược dòng thời gian, khoảng
năm 1968 có 10 gia đình bệnh nhân phong và 8 gia đình tật nguyền
khác quy tụ lại ở thôn Tấn Minh, xã Thanh Giản,Tp. Biên Hoà, thuộc
giáo xứ Đa Minh, để định cư và sinh sống. Không ai bảo ai, chính
tình yêu của những người đồng cảnh ngộ đã quy tụ họ lại với nhau,
nương tựa nhau để sinh sống.
Thế rồi, tình cờ
một vài người trong số họ gặp được một tu sĩ dòng Phanxicô trong
chuyến hành khất từ Đình Phong Phú về, người tu sĩ đó là thầy Lê
Trọng Nhung OFM, người mà ngày nay người làng Tam Hiệp vẫn quen gọi
một cách thân thương là cha Nhung. cảm thương với số phận
những người bị bệnh phong cùi, thầy Lê Trọng Nhung Dòng Phan-xi-cô
đã ra tay giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Thầy chạy vạy đi xin hết
chỗ này đến chỗ khác để kiếm tiền, đồ ăn cho họ. Cũng từ đó, thầy
Nhung đã trở thành “người cha tinh thần” của làng phong.
Không chỉ lo cơm áo gạo tiền trước mắt, thầy còn
lo cho họ có nhà cửa, và con cái họ cũng được đến trường như bao trẻ
khác. Thầy đã vận động chính quyền các cấp và những nhà hảo tâm gần
xa rộng tay giúp đỡ. Từ những năm 1982 trở lại đây, Nhà nước và các
nhà hảo tâm đã xây nhà tình thương, làm đường bê-tông, kéo điện nước
về như bao nơi khác. Các em nhỏ con cái của làng phong cũng được cắp
sách tới trường. Hiện nay số các em học từ lớp 1 – 12 có khoảng hơn
300 em, hơn chục em đang theo học đại học. Đối với những người bệnh
thì hàng tháng được trợ cấp đều đặn và có những loại thuốc chuyên
biệt để trị bệnh. Về mặt tôn giáo thì nơi đây đã trở thành một họ
đạo, trong giữa làng nổi lên ngôi nhà thờ tuy không lớn nhưng rất
xinh xắn.
Khoảng 12g15, phái Đồng Công đã có mặt tại Nhà
thờ giáo họ. Cha Tuân chúc mừng năm mới mọi người, và xin Chúa chúc
lành cho họ. Ngay sau đó, 81 phần quà đã được trao tận tay mỗi người.
Hai chiếc xe lại chuyển bánh nhằm hướng Long
Thành chạy tới.
3. Hội Khiếm thị Nhơn Trạch, Đồng Nai
Nằm cạnh con đường nối từ Quốc lộ 51 đi phà Cát
Lái, trụ sở Hội Khiếm thị Nhơn Trạch mang số 215 đường Lý Thái Tổ,
ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn, Đồng Nai. Phía mặt tiền là căn
nhà cấp 4 dùng để làm phòng mat-xa cho khách. Phía trong cũng là căn
nhà cấp 4 khá khang trang, có đầy đủ bếp, chỗ để xe, sân chơi nhỏ,
đây là nơi làm việc của một số nhân viên trong hội.
Hội được thành lập từ năm 2003, nhằm giúp đỡ
những người khiếm thị có được những kĩ năng cần thiết, và là nơi
giao lưu học hỏi,trao đổi cho nhau cách làm ăn, việc làm, kinh
nghiệm sống. Với con số 60 người khiếm thị rải đều trong 22 xã của
toàn huyện, họ đã cùng nhau, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn,
những mặc cảm.
Hội đã xây dựng được 1 cơ sở xoa bóp mat-xa tạo
việc làm ổn định cho cho 8 hội viên, thu nhập bình quân từ 1,5 triệu
đến 2 triệu đồng/tháng; lập một số dự án giải quyết cho nhiều lượt
hội viên vay tiền từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm để trồng
trọt, làm dịch vụ, buôn bán nhỏ… Chính những việc làm ấy đã thu hút
người khiếm thị tham gia vào hội ngày càng đông. Hiện tại, một số
hội viên đã đọc được chữ nổi, biết sử dụng máy vi tính để tìm hiểu
thông tin trên các lĩnh vực, vượt qua được mặc cảm, mạnh dạn tham
gia các hoạt động tập thể, xã hội. Chủ tịch của Hội khóa (2013 -
2018) vẫn là bác Trương Văn Hiểm, bác tâm sự:
- Từ
khi Hội thành lập đã được sự quan tâm của rất nhiều nhà hảo tâm
trong và ngoài nước giúp đỡ.
- Đây
là tổ chức của Nhà nước hay cá nhân vậy bác? – phóng viên hỏi.
- Thực
ra mới đầu chỉ là tính cách cá nhân, chúng tôi kết hợp với các tổ
chức khác nữa trong tỉnh. Sau này Nhà nước công nhận và bây giờ là
tổ chức của tỉnh Đồng Nai.
Tất cả đều nhờ vào sự trợ giúp bao tấm lòng vàng
từ mọi miền đất nước. Phái đoàn Đồng Công cũng đã trao tận tay những
phần quà tuy nhỏ bé nhưng mang đầy ý nghĩa. Cha Tuân đã chúc tết mọi
người và viết một vài cảm tưởng vào cuốn Sổ Vàng của Hội. Đây là
cuốn sổ mới năm 2014 của Hội và phái đoàn Đồng Công vinh hạnh là
phái đoàn đầu tiên ghi vào đó. Phát quà xong cũng là lúc “đồng hồ
bụng” của các thầy báo giờ ăn trưa, phái đoàn ghé ăn tại một quán
ven Quốc lộ 51, để lấy sức cho chuyến hành trình sắp tới.
4. Làng phong Bình Minh, Long Thành,
Đồng Nai
Nằm ở cây số 72 Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, cách thị
trấn Long Thành 15 km thuộc xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng
Nai. Lúc đầu họ ở thưa thớt, mỗi nhà cách xa nhau hàng trăm mét. Dần
dần họ quy tụ lại thành từng nhóm nhà và cuối cùng là ngày
20/03/1974, trại phong Bình Minh được thành lập do hội Tin Lành Na
Uy thiết lập trước giải phóng với mặt bằng 47 hecta. Bây giờ trại
Bình Minh trực thuộc Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh quản lí và trực thuộc
Khu điều trị Bến Sắn. Trại có 122 gia đình, sống chủ yếu bằng nghề
trồng trọt, chăn nuôi đốt than. Mỗi gia đình được cấp 3000 m2
đất vườn và 600 m2 đất thổ cư. Hằng tháng, mỗi bệnh
nhân được cấp 400.000 đồng và được hưởng các loại thuốc đặc trị về
bệnh phong. Trong trại được chia là nhiều khu, có sân đá bóng, một
Nhà nguyện, một Niệm Phật đường, một Trạm xá và một Trường học có 4
phòng (từ lớp 1 - 4), từ lớp 5, cấp II và cấp III, các em ra ngoài
học.
Cuộc sống của họ là thế, phần nhiều là nhờ lòng
hảo tâm của mọi người gần xa. Từ mấy năm nay, Dòng Đồng công thường
cho các tu sĩ đến viếng thăm trại vào dịp gần tết. Cha Tuân đã chúc
tết mọi người và 122 phần quà lại được trao tận tay cho mỗi gia đình.
Sau buổi phát quà, các thầy còn chụp hình lưu niệm với bà con trong
trại.
Ông Mặt Trời đã ngả dần sau những lùm cây, ánh
nắng nhạt dần, các tu sĩ Đồng Công lại hối hả lên xe và hướng về Cô
Nhi viện Thiên Bình.
5. Cơ sở bảo trợ xã hội Cô nhi Thiên Bình, Long Thành, Đồng Nai
Khu đất mang số 138 ấp Thiên Bình, xã Tam Phước,
TP Biên Hòa, Đồng Nai, đó chính là Cơ sở Cô nhi Thiên Bình. Nằm nép
mình trong khu rừng bạt ngàn thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, cơ sở bảo
trợ xã hội Thiên Bình rộng khoảng 4,8 ha, hiện là nơi sinh sống của
132 trẻ mồ côi, 28 người già neo đơn. Hầu hết họ đều mang trong mình
những chứng bệnh nan y, khiếm thính, khiếm thị, tâm thần, khuyết tật…
Cơ sở được thành lập từ năm 1968, do sơ Lucia Nguyễn Thị Toàn và
Sơ Anne Sumalle (người Thái Lan)
thuộc Dòng Nữ Tì Chúa Ki-tô. Hiện nay cơ sở trực thuộc Giáo phận
Xuân Lộc quản lí và có khoảng 10 sơ đang phục vụ tại đây. Sơ Nhan –
Giám đốc Cô Nhi viện tâm sự:
- Mặc
dù rất mệt nhưng được chăm sóc các em đó là niềm vui cho chúng con.
- Đối
tượng được nhận vào đây như thế nào, thưa sơ? –phóng viên hỏi.
- Thuộc
đủ mọi thành phần. Nhiều đêm con nghe thấy tiếng trẻ em khóc tại
cổng, chúng ra bế vào thôi. Chẳng biết bố mẹ chúng là ai nữa.
Phái đoàn Đồng Công ghé thăm khi bóng chiều đã xế
tà; các sơ tập họp các em lại, Cha Tuân chia sẻ với các em và mỗi em
được lãnh một phần quà nhỏ. Nhìn các em hồn nhiên, ngây thơ, vội
vàng bóc kẹo ăn mà lòng các thầy đầy cảm thương. Tại sao mới bằng ấy
tuổi đời mà các em chưa bao giờ được gọi trên môi miệng của mình
tiếng “ mẹ ơi”. Tình trạng ấy còn tỏ lộ rõ hơn nơi các em nhỏ sơ
sinh. Các em sà vào lòng ngay khi có bàn tay ai đó chìa về phía các
em.
Phái đoàn đi thăm và lần lượt phát quà hết cho
các em, các cụ già rồi tiếp tục lên đường hướng về làng phong Thiên
Trợ.
6. Làng phong Thiên Trợ, Long Thành, Đồng Nai
Nằm trong Quốc lộ 51 khoảng mấy trăm mét, với
những căn nhà nhỏ cấp 4 thấp thoáng dưới hàng cây tràm, không ai
nghĩ đó là làng phong. Thế nhưng đây lại là nơi ở của hơn
100 hộ, trong đó có tới 60 người
mang bệnh phong, đó chính là làng phong Thiên Trợ, Phước Tân, Long
Thành. Hiện nay trong làng ngoài những gia đình mang bệnh ra
còn có rất nhiều gia đình khác đến đây lập nghiệp, đa số họ là những
công nhân lành nghề và không hề sợ bị lây nhiễm bệnh.
Làng này do các
sơ Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn thành lập từ năm 1968. Với diện tích
mua khi đó 32 mẫu, nhà dòng đã xây và cấp cho mỗi hộ bị bệnh phong
một căn nhà cùng một sào đất để sinh sống. Hiện nay với 8 sơ, lo
lắng cho hơn 100 hộ và dạy khoảng 200 em nhỏ. Có 2 sơ và 2 nhân viên
Nhà nước lo về mặt y tế cho các bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân hằng tháng
được lãnh thêm tiền và có thuốc điều trị chuyên biệt.
Phái đoàn tới và
tranh thủ phát quà cho mỗi người. Một chị đã đọc danh sách từng gia
đình và 108 phần quà đã trao tận tay cho đại diện mỗi gia đình.
Phát xong quà thì Ông Mặt Trời đã nấp vào bụi cây
từ lâu, phái đoàn hối hả lên xe nhằm hướng Sài Gòn chạy tới.
Chỉ trong một ngày mà các thầy Dòng Đồng Công đi
tới 6 cơ sở bác ái. Mỗi nơi ấy vẫn còn đọng lại trong tâm hồn họ
những dư âm ngọt ngào nào đó. Làm sao họ quên được những hình ảnh
thật dễ thương nơi các em nhỏ ở cô nhi viện Thiên Bình; làm sao họ
quên được lời dặn của các cô bác tại làng phong Hàn Mặc Tử Tam Hiệp:
“Xin các thầy đừng bỏ rơi chúng tôi nha…”; làm sao họ có thể
quên được hình ảnh của các cụ già tại Viện Dưỡng lão Suối Tiên… Và
tất cả những hình ảnh ngọt ngào ấy lại là động lực cho mội tu sĩ
Đồng Công khi cầu nguyện. Họ cầu xin cho những người bất hạnh, đau
khổ... Và xin Chúa đánh động tâm hồn mỗi người biết nghĩ đến những
người đau khổ, để rồi biết quảng đại và cho đi.
|
Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014
YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét