VRNs (25.3.2014)
– Sài Gòn - Công Đồng Vatican 2 được mệnh danh là Công Đồng Đại Kết và
cũng chính vì vậy người ta không khỏi đặt lại vấn đề về lòng sùng kính
Đức Maria: như phái Luthero từng phán đoán: đỉnh cao các giáo huấn sai
lầm của Công Giáo Roma nằm trong các tín điều của họ về Đức Nữ Trinh
Diễm Phúc Maria. Đối với người Luthero, các tín điều này không có căn
bản trong Thánh Kinh và chỉ được sự hỗ trợ đáng hồ nghi của truyền
thống… và tạo thành không hơn không kém một cuộc tấn công trực diện vào
giáo huấn thiêng liêng, theo đó con người chỉ tìm được ơn cứu rỗi nhờ
công nghiệp của Chúa Kitô mà thôi. Theo cái nhìn của tác giả này, “Phán
đoán tổng hợp về nền Thánh Mẫu Học Công Giáo” do một số thần học gia
theo phái Luthero nêu ra chứng tỏ nền Thánh Mẫu Học ấy không hợp Thánh
Kinh, chỉ là một sản phẩm của sự cao ngạo Giáo Hoàng và là một bác bỏ
học lý về sự công chính” ( Nguồn Vietcatholic News – Vũ văn An Thánh Mẫu
Học của Martin Luther và các hệ luận của nó đối với một Thánh Mẫu Học
Đại Kết – 16.3.2010 ).
Lý do khiến các hệ phái Tin Lành không
thể chấp nhận Thánh Mẫu Học tức các tín điều về Đức Mẹ, bởi cho rằng nó
hoàn toàn không có căn bản Thánh Kinh. Lấy Thánh Kinh làm cơ sở cho mọi
phê phán thần học đó là chủ trương của cái gọi là Duy Kinh Thánh ( Sola
scriptura ). Tính chất Duy Kinh Thánh này chúng ta thấy không chỉ ảnh
hưởng nơi các hệ phái Tin Lành nhưng còn với cả Công Giáo. Mặc dù mỗi
nhà đều duy mỗi kiểu khác nhau, có thể là duy Đức Tin ( Sola fide ) duy
ân sủng ( sola gratia ) hoặc duy Tin Mừng v.v… Thế nhưng tất cả đều phát
xuất cùng một cái nguồn là duy lý.
Một trong những nhà thần học mang nặng
ảnh hưởng duy lý đó là Linh Mục Tissa Balasuriya, viện trưởng Viện Cao
Đẳng Aquina ở Colombo ( Tích Lan ), Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội
và Tôn Giáo Colombo. Năm 1976, ông còn là thành viên sáng lập Hiệp Hội
Đại Kết các nhà thần học thuộc đệ tam thế giới ( Eatwot ).
Vào tháng 1 năm 1997, Tòa Thánh Roma
quyết định rút phép thông công Lm. Tissa vì ông đã cho xuất bản cuốn
“Đức Maria và công cuộc giải phóng con người” ( Mary and Human
Libération ). Lý do việc rút phép thông công này là bởi tác phẩm ấy được
cho là không phù hợp với Thánh Mẫu Học của Giáo Hội. Dù rằng sau đó ít
lâu việc cất phép thông công này đã được thu hồi, thế nhưng dẫu sao quan
điểm này cũng trái ngược hoàn toàn với Đức Tin Công Giáo. Giáo sư Trần
Văn Toàn, tiến sĩ triết học và cao đẳng thần học đã viết một thiên khảo
luận khá dài, trong đó ông trích dẫn tác phẩm và có ý tán thành quan
điểm của Lm. Tissa, đồng thời phê phán đường lối tôn sùng Đức Maria của
Giáo Hội Công Giáo.
“Trong phần dẫn nhập tác giả nhận định
là theo cái nhìn của anh em Tin Lành thì người Công Giáo chúng ta coi
Đức Bà Maria như thể có một vị trí cao gần bằng Thiên Chúa ( người Việt
Nam ta trước đây mấy thế kỷ gọi là Đức Chúa Bà ). Vì vậy ông muốn xét
lại căn bản của thần học cổ truyền về Đức Bà. Căn bản đó ông thấy là đã
được xây dựng trên bốn điểm: một là lối giải thích Thánh Kinh theo nghĩa
đen về mấy chương đầu của sách Sáng Thế. Hai là giả thuyết về tình
trạng nguyên thủy của loài người về tội nguyên tổ. Ba là lối suy luận
thiên về tưởng tượng của các nhà thần học. Bốn là ý thức hệ trọng nam
khinh nữ. Trên căn bản đó người ta đặt Đức Bà vào một vị trí ngoại lệ:
không vướng mắc tội lỗi gì, không biết gì về cám dỗ. Tác giả nhận xét là
nội dung của các sứ điệp mà Đức Bà hiện ra dạy bảo thì thường là tùy
thuộc vào cái nhìn của Giáo Hội của mỗi thời đại về đời sống tôn giáo…
Ví dụ ở Lộ Đức thì Đức Bà hiện ra xưng
mình là vô nhiễm nguyên tội nhưng lại không có một lời về giai cấp công
nhân đang bị áp bức kịch liệt vào giữa thế kỷ XIX. Đức Bà Fatima thì nói
về Cộng Sản bên Nga Xôviết mà không nói gì đến chế độ thực dân đang đàn
áp biết bao là dân tộc. Nói tóm lại, những lối tôn sùng Đức Bà như thế
chỉ nhấn mạnh vào lòng đạo có tính cách cá nhân chủ nghĩa chứ không
khuyến khích Giáo Dân tranh đấu cho công lý. Ông Toàn viết: nếu chúng
tôi khuyến khích cho người ta đặt lại vấn đề Đức Bà Maria thì là vì có ý
làm sao cho việc tôn sùng Đức Bà không còn phải là phương tiện đàn áp
con người nhưng là lợi khí đem lại cho mọi người nam nữ trên thế giới
này một cuộc sống hoàn hảo hơn về mọi mặt” ( Nguồn:
Vietnameselutheranchurch.net – Vấn đề Tôn Sùng Đức Bà Maria – Tác giả
Antôn Trần Văn Toàn ).
Cho rằng việc tôn sùng Đức Maria trong
Giáo Hội Công Giáo từ trước tới nay chỉ là phương tiện được dùng để… đàn
áp con người, điều này thật không sao hiểu nổi, thế nhưng đây lại là
cái logic của Thần Học Giải Phóng. Sở dĩ nói logic là bởi thứ thần học
này không bao giờ có thể thoát khỏi đường lối đấu tranh chính trị của
chủ nghĩa Mác. Chính bởi không thoát được như thế mà Tissa mới đưa ra
những nhận định có phần quái gở khi cật vấn Đức Mẹ tại sao khi hiện ra
tại Lộ Đức chỉ xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội lại không có một
lời về giai cấp công nhân đang bị áp bức ? Tại sao khi hiện ra ở Fatima
chỉ nói đến Cộng Sản bên Nga Xô mà không nhắc gì đến các chế độ thực dân
đang đàn áp biết bao dân tộc trên thế giới ?
Thần Học Giải Phóng thực chất chỉ là
một trong những biến tướng của duy lý. Đang khi đó thần học Duy Lý nói
chung lại là con đẻ của lối giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa đen hay còn
gọi là nghĩa mặt chữ ( Sens litteral ). Theo nghĩa này thì quả thật có
một đấng gọi là Tạo Hóa dựng nên vũ trụ trong sáu ngày. Có ông Adong, có
bà Evà thật và là tổ tông của loài người. Một khi hiểu Kinh Thánh theo
nghĩa như vậy thì không có cách chi nhận ra vai trò của Đức Maria trong
công cuộc Cứu Độ của Đức Kitô. Để nhận ra vai trò ấy thì nhất thiết cần
phải hiểu sách Sáng Thế theo huyền nghĩa, và theo nghĩa này thì Đức
Maria chính là Người Nữ đạp giập đầu rắn Satan.
I. Đức Maria – Người Nữ
Cốt lõi của sách Sáng Thế nói riêng và
của toàn bộ Kinh Thánh nói chung nằm trong câu chuyện sa ngã của nguyên
tổ. Thiên Chúa tạo dựng con người nên giống Hình Ảnh Người “Đức Chúa
Trời phán rằng chúng ta hãy làm nên loài người theo như Hình Ảnh Ta” (
St 2, 26 ). Là Hình Ảnh Thiên Chúa, nguyên tổ sống an nhiên nơi Vườn Địa
Đàng cùng với mệnh lệnh: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong
vườn nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai
ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 – 17 ). Lệnh cấm đã được ban ra
cách rõ ràng: không được ăn trái cây phân biệt, hễ ăn vào thì phải chết.
Ấy vậy nhưng nguyên tổ vẫn cứ nghe theo cám dỗ của rắn Satan để rồi đã
phải bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Thế nhưng trước khi ban ra lệnh ấy
Thiên Chúa đã báo cho biết về một cuộc chiến sẽ diễn ra giữa Người Nữ và
rắn: “Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người
Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn
gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Vì sa ngã nên nguyên tổ đã bị đuổi khỏi
Địa Đàng, nhưng nếu việc bị đuổi ấy là vĩnh viễn tức ra đi không có
ngày về thì thật chẳng còn gì để nói, có nghĩa cũng chẳng có cuốn sách
gọi là Kinh Thánh để ngày nay chúng ta đọc và giải nghĩa này nọ. Thật
vậy, toàn bộ Kinh Thánh kể cả Cựu Ước và Tân Ước chỉ có mục đích để ghi
chép lại cuộc hành trình ra đi và trở về của Dân Chúa. Việc ra đi ấy
trước hết là của nguyên tổ và sau là của tổ phụ Apraham. Tuy khác về
tính chất, một đàng là biểu tượng, một đàng là sự kiện, nhưng cả hai đều
có chung một lời hứa của Thiên Chúa là cho trở về. Thiên Chúa trách
phạt con rắn nhưng đồng thời cũng ban lời hứa cho trở về với điều kiện
là phải kinh qua một cuộc chiến giữa Người Nữ Maria và Satan tức con rắn
xưa nơi vườn Địa Đàng, “Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ).
Xưa kia Satan đã lừa dối nguyên tổ cách
nào thì đối với cháu con Adong Evà là chúng ta đây cũng vẫn cùng một
cách ấy. Thiên Chúa cấm không được ăn trái cây phân biệt, ăn vào sẽ
chết. Nhưng Satan lại nói: “Hai người chẳng có chẳng chết đâu, nhưng Đức
Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó mắt mình mở ra sẽ
như Đức Chúa Trời biết điều thiện điều ác” ( St 3, 4 – 5 ). “Mắt mở ra
sẽ như Đức Chúa Trời biết phân biệt thiện ác”. Lời cám dỗ ấy xem ra có
vẻ rất ư hấp dẫn. Thế nhưng sau khi ăn, quả nhiên mắt hai người mở ra
nhưng mở ra để thấy mình lõa lồ, phải lấy lá cây vả đóng khố che thân” (
St 3, 7 ). “Mắt mở ra” ở đây tức là khi con người bước vào vòng lý trí
phân biệt thị phi giàu nghèo xấu tốt thiện ác v.v… Tất cả những cái thấy
biết bằng lý trí ấy đều đem đến cho con người khổ đau bất hạnh. Thế
nhưng ác nghiệt thay con người lại cứ sẵn lòng nghe theo sự cám dỗ chết
người đó.
Đức Kitô xuống thế rao giảng sự thật
nhưng thế gian không chấp nhận. Lý do bởi vẫn cứng lòng nghe theo sự cám
dỗ của tên lừa dối Satan. Có lần Chúa đã thẳng thừng vạch mặt nó là
quân giết người “Từ ban đầu ( thuở Sáng Thế) nó là kẻ giết người, chẳng
đứng trong lẽ thật vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì
tự mình nó nói. Vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8,
44 ).
Satan chuyên nghề dối trá nhưng con
người do bởi ảnh hưởng tội nguyên tổ nên không một ai có thể nhận ra bộ
mặt thật của nó, ngoại trừ Người Nữ Maria cũng là Đấng Vô Nhiễm Nguyên
Tội. Nếu Satan sử dụng lý trí kiêu ngạo hòng cám dỗ con người đi vào chỗ
chết thì Đức Maria lại lấy lòng khiêm nhường thẳm sâu, tức gót chân
người nữ đạp giập đầu rắn cứng cỏi kiêu căng, hầu cho ta được sống.
II. Đức Maria – Người Mẹ
Phái Tin Lành Luthero cực lực bác bỏ bất
cứ ý niệm nào coi Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô và
là trung gian các ơn. Bởi lẽ họ chỉ công nhận có một đấng trung gian duy
nhất là Đức Kitô: “Chỉ có một Đức Chúa Trời và cũng chỉ có một Đấng
Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người” ( 1 Tm 2, 5 ). Quả thật Đức
Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Tuy
nhiên cần phải hiểu Thiên Chúa mà Đức Kitô làm trung gian ấy là đấng nào
?
Nếu cho Thiên Chúa là đấng thần linh Tạo
Hóa ngoại tại thì Đức Giêsu Kitô chẳng chút chi liên hệ. Lý do bởi vì
Đấng mà Ngài mạc khải là Đấng Thiên Chúa nội tại đồng thời cũng là Thiên
Chúa Tình yêu: “Hễ ai thừa nhận Giêsu là Con Đức Chúa Trời thì Đức Chúa
Trời cứ ở trong người ấy và người ấy cũng ở trong Đức Chúa Trời. Chúng
ta biết và đã tin sự thương yêu Đức Chúa Trời vẫn có đối với chúng ta.
Đức Chúa Trời là thương yêu, ai cứ ở trong thương yêu thì ở trong Đức
Chúa Trời và Đức Chúa Trời cũng cứ ở trong người ấy” ( 1 Ga 4, 14 – 16
).
Hễ ai thừa nhận Giêsu là Con Thiên Chúa
thì Thiên Chúa ở trong người ấy. Lý do bởi vì Thiên Chúa đích thực là
Cha của Chúa Giêsu nhưng cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta.
Nhận biết Thiên Chúa là Cha, và như vậy Chúa Giêsu hẳn nhiên là người
anh cả ( Trưởng Tử ) do cùng một Mẹ là Đức Maria sinh ra “Cùng một năng
lực của Đấng Chí Cao, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho
Maria sinh hạ Đấng Cứu Chuộc cũng làm cho người tín hữu sinh ra trong
nước tái sinh” ( Thánh Lêô – Mẹ Trong Đời Tôi ).
Từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, tất
cả tín hữu chúng ta đều trở nên con cái Thiên Chúa. Mặc dầu phẩm chất
Con Thiên Chúa ấy đã in dấu trong tâm hồn nhưng nó mới chỉ ở trong tiềm
thể. Dấu ấn ấy có thể ví như một hạt giống, tuy không thể mất đi nhưng
nó cần phải được dưỡng nuôi chăm sóc để lớn lên. Một khi Đức Maria đã
sinh ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, thì Ngài không thể không sinh ra chúng
ta. Tại sao ? Bởi vì đây là nhiệm vụ, là vai trò của Mẹ Maria khi Ngài
nhận lời với sứ thần Gabrien “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin
vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38 ).
Chính do bởi tiếng Xin Vâng ấy mà Đấng
Cứu Thế đã được sinh ra. Thế nhưng việc sinh ấy nếu chỉ sinh có một mình
Chúa Giêsu thì làm sao Ngài có thể cứu độ nhân loại ? Chúa cứu độ bằng
cách mạc khải để con người nhận biết Thiên Chúa đích thực là Cha của
mình. Nhận biết Thiên Chúa là Cha như vậy có nghĩa chúng ta hết thảy đều
là con của Ngài. Chân lý này thật vô cùng cao cả, nhưng chân lý ấy sẽ
không thể nhận ra nếu chúng ta không được sinh ra bởi cùng một Mẹ với
Chúa Giêsu.
Nhìn nhận Đức Maria làm Mẹ và hết lòng
tôn sùng Ngài đó cũng là phó chúc của Chúa Giêsu với Thánh Gioan khi còn
ở trên Thánh Giá: “Chúa Giêsu thấy mẹ và môn đồ mà Ngài thương yêu đứng
bên cạnh thì nói cùng mẹ rằng: “Bà kia ơi, kìa là con bà”. Đoạn Ngài
phán cùng môn đồ ấy rằng: “Kìa là Mẹ con”. Chúa Giêsu là con đầu lòng (
Primo Genitus ) còn toàn thể tín hữu cũng được Đức Maria sinh ra trong
ơn thánh. Chúng ta cần phải hết lòng tôn sùng Đức Mẹ như Gioan: “Từ giờ
đó môn đồ ấy rước bà về nhà mình” ( Ga 19, 25 – 27 ).
PHÙNG VĂN HÓA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét