CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa.

Thứ Bảy Tuần 7 TN2

Thứ Bảy Tuần 7 TN2, Năm chẵn
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
 
Bài đọc: Jam 5:13-20; Mk 10:13-16.

1/ Bài đọc I: 13 Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca.
14 Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.
15 Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.
16 Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.
17 Ông Ê-li-a xưa cũng là người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng.
18 Rồi ông lại cầu xin, thì trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái.
19 Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về,
20 thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.

2/ Phúc Âm: 13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.
14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.
15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."
16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

                        GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa.
           
            Chúng ta lo lắng quá nhiều trong cuộc sống: bệnh tật, việc làm, gia đình, con cái; nhưng chúng ta có lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì cả, vì chúng ở ngoài tầm tay của chúng ta. Nhiều người lo lắng quá mất ngủ hay sinh bệnh tật; kẻ khác lo lắng quá nên tối ngày cằn nhằn người phối ngẫu hay con cái, làm mất cả hạnh phúc gia đình.
            Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa như trẻ thơ tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay cha mẹ của chúng. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu những điều cần làm trong khi vui cũng như lúc buồn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, nhất là biết cộng tác với Thiên Chúa trong việc đưa những người xa chân lý trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, các môn đệ vì quá lo lắng cho Chúa Giêsu không có giờ nghỉ ngơi, nên xua đuổi các trẻ khi chúng đến với Chúa Giêsu. Ngài bảo các ông hãy cứ để các trẻ nhỏ đến với Ngài, vì Nước Trời là của những ai biết cư xử giống như chúng.    

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
           
1.1/ Những điều quan trọng người tín hữu cần làm: Thánh Giacôbê liệt kê 3 điều quan trọng người tín hữu cần làm.
            (1) Cầu nguyện khi đau khổ và đau yếu: “Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện... Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.” Giáo Hội Công Giáo dựa vào câu này để lập phép Xức Dầu Thánh. Linh mục được mời sẽ xức dầu trên trán và hai tay của bệnh nhân, và cầu nguyện cho bệnh nhân được phục hồi sức khỏe. Dĩ nhiên, không phải cứ xức dầu là khỏi bệnh. Bệnh nhân phải biết tuân theo ý Chúa: nếu Ngài muốn để cho sống, Ngài sẽ cho phục hồi sức khỏe; nếu Ngài muốn cất về, xin cho được hưởng Nhan Thánh Chúa.
            Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến cả bệnh phần xác: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy,” và bệnh phần hồn: “Nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.”
            (2) Hát thánh ca khi vui vẻ để tạ ơn Thiên Chúa: Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu nên hát thánh ca, thánh thi, cùng thánh vịnh (Eph 5:19; Col 3:16). Mục đích là để ngợi khen và cảm tạ những ơn lành đã nhận được từ Thiên Chúa.
            (3) Thú tội với nhau: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” Dòng Đa-minh có giờ các tu sĩ thú tội và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Nếu được làm đúng cách và với tinh thần khiêm nhường, việc làm này sẽ giúp thăng tiến bản thân và cộng đoàn.
           
1.2/ Cộng tác với Thiên Chúa để đưa anh em lạc xa chân lý trở về: Đây có lẽ là điều quan trọng thứ hai sau việc mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình. Thánh Giacôbê cho chúng ta một phần thưởng quan trọng của việc làm này: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” Tội lỗi ai cũng phạm; xưng thú tội lỗi sẽ được Thiên Chúa tha thứ; nhưng để đền bù các hậu quả của tội, chúng ta cần đưa nhiều anh/chị/em về với Ngài. Càng giúp đưa các linh hồn trở về với Thiên Chúa càng nhiều, chúng ta càng được giảm bớt các vạ do tội lỗi của chúng ta mang lại.

2/ Phúc Âm: Tin tưởng Thiên Chúa như trẻ thơ tin vào cha mẹ chúng.

2.1/ Vấn đề với con trẻ: Không phải chỉ có các môn đệ ngăn cản trẻ thơ đến với Chúa Giêsu; nhưng có rất nhiều các cặp vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2, 3 con. Một số lý do họ nêu ra:
            (1) Sợ con trẻ gây phiền hà: Người lớn hôm nay sợ trẻ con hàn nhà làm họ phải thu dọn tối ngày, họ sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh, sợ chúng khóc đêm làm mất giấc ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong nhà.
            (2) Sợ phải săn sóc con trẻ: Con trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn toàn vào người lớn. Nhiều cặp vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em sẽ không còn giờ lo cho bản thân họ.
            (3) Những ngụy biện của con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều quá lấy chỗ đâu mà sống; khả năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ hư, nên thà đừng có tốt cho chúng hơn.
            Đàng sau những lý do này là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ phải tốn thời gian săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình và đi đây đó. Họ sợ sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ không còn thời giờ lo cho mình.

2.2/ Các đức tính của con trẻ: Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu những đức tính của trẻ thơ có, rồi áp dụng chúng vào những người đi tìm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ xét tới trường hợp chung của trẻ thơ, chứ không để ý tới trường hợp những trẻ thơ ngoại lệ.
            (1) Thành thật: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng. Tục ngữ Việt-nam có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Câu này có nghĩa khi đi ra đường, một người cần hỏi kinh nghiệm của người già; nhưng khi về nhà, một người hỏi trẻ em là biết hết những gì đã xảy ra. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải có đức tính này trong các mối liên hệ: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm bớt điều gì là do ác quỉ gây nên.”
            (2) Khiêm nhường: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.
            (3) Vâng lời: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu lý do tại sao phải làm như vậy. Người lớn không hành động như thế, họ luôn tìm hiểu lý do phải làm, và nhiều khi còn tìm những lý do để không phải làm.
            (4) Tin tưởng: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài. Đối với chúng, cha mẹ nói gì, chúng tin là có. Thiên Chúa muốn chúng ta đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài; tất cả những Ngài đã nói, sẽ xảy ra; và những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ ban cho con người.
            (5) Yêu mến: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn cho chúng. Nếu chúng có giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ quên. Người lớn không dễ dàng tha thứ. Có những mối hận họ sẽ không bao giờ quên, và để được tha thứ, họ đòi nhiều điều kiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            Tất cả những đức tính trên đây của trẻ thơ Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và sợ nguy hiểm là những lý do khiến chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

Không có nhận xét nào: