CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ.


Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 26 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Job 3:1-3, 11-17, 20-23; Lk 9:51-56.

1/ Bài đọc I: Sau cùng, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói: Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: "Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!" 
Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm? Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã nằm uống yên hàn, đã an giấc nghỉ ngơi cùng các bậc vương hầu khanh tướng đã xây lăng xây mộ cho mình, hay những bậc thủ lãnh vàng bạc chất đầy nhà. Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã không hiện hữu, khác nào thai nhi chết yểu bị đem chôn, hay trẻ sơ sinh không nhìn thấy ánh sáng. Tại đó, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa, cũng tại đó người kiệt sức lại được nghỉ ngơi. 
Sao Ngài lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng?
Họ là những người mong chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu. Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy phần mộ. Sao lại ban ánh sáng và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề?

2/ Phúc Âm: Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Ngài sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Ngài, vì Ngài đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Ngài là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ.

Khi gặp trái ý hay đau khổ trong cuộc đời, con người thường có 3 khuynh hướng:

(1) Trách Thiên Chúa hay trách Trời: bắt con người phải đau khổ như những lời mở đầu của Truyện Kiều: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen … Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
(2) Trách tha nhân: Có thể là cha mẹ, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Có thể là tha nhân như triết gia hiện sinh J.P. Sastre nói: “Tha nhân là hỏa ngục.” Hay như phản ứng của 2 Tông Đồ Giacôbê và Gioan hôm nay: muốn lửa từ trời xuống thiêu rụi các thành của Samaria.
(3) Trách chính mình: đã sinh ra dưới một ngôi sao xấu như ông Gióp hôm nay.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phản ứng của ông Job: than thân trách phận!

1.1/ Ông Gióp ước mong mình không có mặt trong cuộc đời. Nhiều người cho những lời ông Gióp nguyền rủa ngày chào đời của ông: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!” là một lời nguyền rủa Chúa; nhưng nếu xét kỹ chúng ta không thấy ông ám chỉ Chúa. Đúng ra, đây là những lời than thân trách phận của một người chưa tìm ra nguyên nhân của đau khổ trong cuộc đời.

1.2/ Ông Gióp ước mong mình được chết. Nếu sống trong cuộc đời con người chỉ thấy tòan những đau khổ thì chết là một sự giải thóat. Chúng ta cần lưu ý Sách Gióp cũng như các Sách Khôn Ngoan được viết vào khỏang thế kỷ 5 – 2 BC, và chịu ảnh hưởng rất nhiều của nền văn minh Hy-Lạp. Họ coi thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn nên chết là giải thóat linh hồn khỏi xác, và sẽ không còn phải chịu đau khổ nữa. Đối với người Do-Thái, niềm tin vào cuộc sống đời sau và làm sao để đạt được cuộc sống đó chưa rõ nét cho tới khi được mặc khải bởi Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao ông nói: “Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã không hiện hữu, khác nào thai nhi chết yểu bị đem chôn, hay trẻ sơ sinh không nhìn thấy ánh sáng. Tại đó, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa, cũng tại đó người kiệt sức lại được nghỉ ngơi.”

1.3/ Ông Gióp không hiểu nguyên do của đau khổ: Vì không hiểu mục đích của cuộc đời nên ông Gióp cũng chẳng tìm ra được ý nghĩa của cuộc đời. Con người sống trong cuộc đời này để làm gì? Chẳng lẽ để chịu đau khổ? Nếu sống chỉ để chịu đau khổ thì chết tốt hơn. Ông không tìm ra được những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này: “Sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng? Họ là những người mong chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu. Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy phần mộ. Sao lại ban ánh sáng và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề?”

2/ Phúc Âm: Phản ứng của hai ông Giacôbê và Gioan: muốn tiêu diệt đối phương.

2.1/ Người Do-Thái và người Samaria: Cách tốt và ngắn nhất nếu đi từ Galilea tới Jerusalem là băng ngang qua Samaria; nhưng hầu hết các người Do-Thái đều tránh dùng lối đó vì giữa hai bên có một mối thù không đội trời chung. Người Do-Thái dùng hai lối khác đi lên Jerusalem: hoặc đi đường ven biển hoặc đi dọc theo sông Jordan đến Jericho rồi đi lên Jerusalem. Người Samaria tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho người Do-Thái đi ngang qua lãnh thổ của họ như ta thấy hôm nay: Dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Jerusalem.

2.2/ Phản ứng của Giacôbê và Gioan: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Đây là phản ứng thông thường của người Do-Thái dành cho Dân Ngọai. Các ông nghĩ Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình xuống để vào làng và để rao giảng Tin Mừng cho họ, thế mà họ lại từ chối không đón nhận; vì vậy họ không đáng được nghe Tin Mừng và cũng không đáng sống vì đã từ chối Con Thiên Chúa.

2.3/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài quay lại quở mắng các ông. Tiêu diệt đối phương không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột nhưng làm cho họ trở thành bạn thì sẽ giải quyết mọi vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu?” Chương 4 của Phúc Âm Gioan tường thuật Chúa Giêsu đã hóan cải người phụ nữ xứ Samariathành nhà truyền giáo đầu tiên trước cả các Tông Đồ. Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật sau cuộc tử đạo đầu tiên của Phó Tế Stephen, Philip đi giảng ở Samaria, chữa trị nhiều người, và làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu (Acts 8:4-8). Nếu các Tông Đồ đã khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy các thành Samaria, thì làm sao kiếm được các tín hữu tin vào Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta may mắn hơn ông Gióp vì đã được Chúa Giêsu mặc khải cho biết mục đích của cuộc đời và làm sao để đạt tới đích điểm đó. Đau khổ trái ý trong cuộc đời cần thiết để thanh luyện và chứng tỏ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
- Chúng ta không thể hiểu nổi hết kế họach của Thiên Chúa vì nhiều giới hạn của con người. Vì thế, khi gặp trái ý hay thử thách, chúng ta cần phải bắt chước gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Các Ngài giữ những sự ấy và suy niệm trong lòng; thay vì than thân, trách phận hay tiêu diệt đối phương.
- Tiêu diệt đối phương không phải là cách để giải quyết xung đột, nhưng biến họ thành bạn là cách hay nhất để tiêu diệt mọi xung đột.


Không có nhận xét nào: