Lúc 9h30 sáng thứ Năm 20 tháng Hai, Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường đã bắt đầu tại Hội trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ở Nội thành Vatican.
Tham dự Công Nghị Hồng Y này có tất cả các Hồng Y trên thế giới đang có mặt tại Rôma kể cả 19 vị sẽ được tấn phong vào thứ Bẩy 22 tháng Hai.
Sau kinh giờ Ba, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn đã chào đón Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y về Rôma họp bàn về các thách đố của gia đình, trong viễn tượng Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt tháng 10 năm nay về gia đình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ sau:
“Anh em thân mến, tôi xin gởi lời chào nồng nhiệt đến tất cả anh em, và cùng với anh em, tôi cảm tạ Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta những ngày gặp gỡ và làm việc cùng nhau. Chúng ta đặc biệt hoan nghênh những anh em của chúng ta sẽ được tấn phong Hồng Y vào thứ Bảy này và chúng ta đồng hành với những anh em này trong lời cầu nguyện và trong tình huynh đệ.
Trong những ngày này, chúng ta sẽ suy tư đặc biệt về gia đình, là tế bào cơ bản của xã hội. Từ thuở ban đầu Tọa Hóa đã chúc phúc cho những người nam nữ để họ có thể là sinh sôi nẩy nở, và vì vậy gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới này. Suy tư của chúng ta trước hết phải giữ cho được vẻ đẹp của gia đình và hôn nhân. Sự cao cả của thực tại nhân loại này tuy đơn giản nhưng rất phong phú, bao gồm niềm vui và hy vọng, đấu tranh và đau khổ, như là toàn bộ của cuộc sống. Chúng ta sẽ tìm cách đào sâu hơn thần học về gia đình và phân định xem những thực hành mục vụ nào tình hình hiện nay đang đòi hỏi.
Cầu xin cho chúng ta có thể làm như vậy một cách chu đáo nhưng không rơi vào "tranh biện phức tạp" bởi vì chắc chắn điều này sẽ làm giảm chất lượng công việc của chúng ta. Ngày hôm nay gia đình bị xem nhẹ và khinh thường. Chúng ta được mời gọi để xác nhận thật là đẹp, thật là đúng đắn và tốt đẹp để bắt đầu một gia đình, để là một gia đình ngày hôm nay, và gia đình là điều thật thiết yếu cho cuộc sống của thế giới và cho tương lai của nhân loại.
Chúng ta được mời gọi để loan báo kế hoạch tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho gia đình và giúp những đôi vợ chồng cảm nghiệm cách hân hoan kế hoạch này trong cuộc sống của họ, trong khi chúng ta đồng hành với họ giữa vô vàn những khó khăn .
Chúng ta cảm ơn Đức Hồng Y Walter Kasper vì những đóng góp rất giá trị của ngài sẽ đưa ra cho chúng ta trong lời mở đầu. Cảm ơn tất cả anh em, và chúc anh em một ngày tốt lành!”
2. Đức Thánh Cha gặp gỡ 30.000 người đính hôn
Lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ riêng các cặp đính hôn. Ngài nhắn nhủ họ đừng chiều theo thứ văn hóa tạm bợ; vun trồng sự lịch sự, biết ơn và tha thứ tha thứ cho nhau, và nhất là để Chúa hiện diện trong đời sống chung.
Đáp lời mời của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, 30 ngàn người đính hôn đến từ 30 quốc gia đã đến tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, tại quảng trường thánh Phêrô trưa 14 tháng 2, nhân ngày lễ kính thánh Valentino, Giám Mục giáo phận Terni, tử đạo ở Roma, bổn mạng của các cặp đính hôn. Hiện diện tại quảng trường cũng có hơn 10 Giám Mục đặc trách các Ủy ban gia đình.
Từ 11 giờ sáng họ bắt đầu sinh hoạt chung qua phần ca hát và trình bày chứng từ, trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến quảng trường lúc 12 giờ rưỡi.
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã nhắc lại sự tích thánh Valentino hồi thế kỷ thứ 4 đã giúp một thiếu nữ Công Giáo kết hôn với một người lính La Mã ngoại đạo, từ đó nhiều cặp khác cũng xin thánh nhân giúp đỡ và ngài được tôn làm bổn mạng các cặp đính hôn.
3 cặp đã lần lượt trình bày chứng từ về cuộc sống và việc chuẩn bị cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị lễ cưới. Họ đã nêu lên 3 câu hỏi xin Đức Thánh Cha chỉ dẫn.
Một cặp đã thưa với Đức Thánh Cha:
Kính thưa Đức Thánh Cha, bao nhiêu người ngày nay nghĩ rằng hứa chung thủy trọn đời với nhau là một công trình quá khó khăn; nhiều người cảm thấy rằng thách đố sống với nhau trọn đời thật là đẹp, hấp dẫn, nhưng quá khó khăn, hầu như không thể được. Chúng con xin Cha một lời để soi sáng chúng con về vấn đề này.
Đức Thánh Cha đáp: Thật là điều quan trọng khi tự hỏi mình có thể yêu nhau trọn đời không. Ngày nay bao nhiêu người sợ không dám đưa ra những chọn lựa vĩnh viễn, trọn đời, đối với họ dường như đó là điều không thể được. Ngày nay tất cả đều thay đổi mau lẹ, không có gì kéo dài mãi.. Và tâm thức này làm cho bao nhiêu người chuẩn bị kết hôn nói rằng: “Chúng ta ở với nhau bao lâu còn tình yêu”. Nhưng chúng ta hiểu thế nào là tình yêu? Phải chăng đó chỉ là một tình cảm, một trạng thái tâm vật lý? Chắc chắn nếu tình yêu là như thế, thì ta không thể xây dựng mình cái gì vững chắc. Nhưng trái lại nếu tình yêu là tương quan, thì nó là một thực tại tăng trưởng và chúng ta cũng có thể nói giống như khi chúng ta xây một căn nhà. Căn nhà ta cùng nhau kiến thiết, chứ không xây một mình! Xây dựng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi và giúp tăng trưởng. Anh chị em đính hôn thân mến, anh chị em đang chuẩn bị cùng nhau tăng trưởng, xây dựng căn nhà này, để sống với nhau mãi mãi. Anh chị không muốn xây dựng căn nhà trên bãi cát tình cảm đến rồi đi, nhưng trên đá tảng của tình yêu chân thực, tình yêu đến từ Thiên Chúa. Anh chị em hãy cầu xin Chúa gia tăng tình yêu của mình. Trong kinh Lạy Cha chúng ta nói: “Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”. Các đôi vợ chồng cũng có thể học cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu hằng ngày”
Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời nguyện giáo dân do các cặp đính hôn xướng lên, Kinh Lạy Cha và Phép lành của Đức Thánh Cha. Ngài còn đứng lại đích thân bắt tay chào thăm khoảng 60 người, trước khi dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người. Bấy giờ là gần 2 giờ chiều.
3. Đức Thánh Cha thăm giáo xứ Thánh Tôma tại Rôma
Chiều Chúa Nhật 16 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm giáo xứ Thánh Tôma Tông đồ trong khu Infernetto ở ngoại ô Rome nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ này. Đây là một giáo xứ lớn hiện có khoảng 20,000 người.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khích lệ anh chị em tín hữu thường xuyên nhìn vào con tim mình, từ cảm xúc đến các ý hướng.
Ngài nói:
“Chúng ta nên có một cái nhìn vào nội tâm để xem chúng ta cảm thấy thế nào vì cảm xúc bên trong của chúng ta cuối cùng sẽ thể hiện ra và nếu đó là những cảm xúc xấu, chúng sẽ gây ra thiệt hại. Ngược lại những cảm xúc tích cực sẽ đem lại những điều thiện. Thật đẹp để nói thật với chúng ta về chính mình, và cảm thấy xấu hổ khi chúng ta đang ở trong những tình huống trái với thánh ý Chúa, hay đang muốn đưa ra một quyết định xấu xa. Khi con tim của ta đầy lòng thù hận, đầy những ước muốn trả thù, hoặc những suy nghĩ tội lỗi, chúng ta hãy tự hỏi mình, lúc đó con tim ta trông giống như cái gì?”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng bước đầu tiên là không tự lừa chính mình. Người ta phải học để nhận biết con tim mình đầy tình thương hay lòng ghen ghét. Muốn được vậy phải xin Chúa ban ơn biết phân định. Sau đó, ngài nói tiếp rằng những hành vi gian ác của chúng ta luôn có những hậu quả thực sự.
“Đôi khi chúng ta nghe người này nói xấu người khác, có vẻ như chúng ta quên đi rằng vu khống và phỉ báng là những tội lỗi. Làm như những từ này đã bị loại bỏ khỏi từ điển. Nhưng nói xấu người khác là một tội lỗi. Tại sao tôi nói xấu cho người ta? Thưa, bởi vì trong tôi có sự thù hận, có ác cảm, không có tình yêu.”
Lịch trình của chuyến thăm của Đức Thánh Cha bao gồm: một cuộc gặp gỡ với các trẻ em và thanh thiếu niên của giáo xứ, là những em đang chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu và chịu Phép Thêm Sức; gặp gỡ các anh chị em giáo dân trong giáo xứ tại sân nhà thờ; gặp gỡ các trẻ em mới được rửa tội trong những tháng gần đây và với cha mẹ các em; gặp gỡ với người già người bệnh, và với Hội bảo trợ cho các gia đình có trẻ em khuyết tật. Đức Thánh Cha cũng giải tội cho một số người trước khi cử hành Thánh Lễ, lúc 6:00 giờ chiều.
4. Đức Thánh Cha nhóm họp phiên thứ Ba với các Hồng Y cố vấn
Hôm thứ Hai 17 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã bắt đầu khóa họp phiên thứ Ba kéo dài 3 ngày với Hội đồng Hồng Y cố vấn đang giúp ngài cải tổ giáo triều Roma và cai quản Giáo Hội hoàn vũ.
Khóa họp được tiến hành liền trước hai ngày họp của Hồng Y đoàn, ngày 20 và 21 tháng Hai, và lễ tấn phong 19 tân Hồng Y vào sáng thứ Bẩy 22 tháng Hai.
Các phiên họp do Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục của Tegucigalpa, Honduras, làm điều hợp viên. Đức Hồng Y tân cử Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng tham dự các phiên họp này.
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết các vị Hồng Y đã đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha vào lúc 7 giờ ở Nhà Trọ Thánh Marta. Và cuộc họp sau đó cũng diễn ra trong một phòng tại nhà trọ này.
Trong phiên họp sáng ngày 17 tháng Hai, Đức Thánh Cha và các Hồng Y đã nghe đại diện của Ủy ban tham vấn về việc tổ chức kinh tế tài chánh của Tòa Thánh tường trình về kết quả hoạt động trong 8 tháng qua. Theo chương trình, trong phiên họp ngày 18 tháng Hai, các vị nghe tường trình kết quả hoạt động của Ủy ban tham vấn về Viện Giáo Vụ tức là Ngân hàng Vatican.
Hai Ủy ban này có chức năng giới hạn và có nhiệm vụ tường trình cho Đức Thánh Cha ý kiến về ngân hàng Vatican cũng như làm thế nào để giảm chi cho Tòa Thánh. Vì thế việc nghe tường trình về hoạt động của hai Ủy ban có mục đích giúp Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn đi tới những kết luận cụ thể nhằmm cải tiến trình trạng kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh cũng như về cơ cấu và hoạt động của ngân hàng Vatican.
Chiều thứ Tư, 19 tháng Hai, theo dự kiến sẽ có một cuộc gặp gỡ giữa các Hồng Y cố vấn và Hội đồng 15 Hồng Y quốc tế về các vấn đề quản trị, và kinh tế của Tòa Thánh.
Sáng thứ Năm, 20 tháng Hai, Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn sẽ bắt đầu. Tất cả các Hồng Y đều được mời tham dự khóa họp 2 ngày tại Hội trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Nội thành Vatican.
Công nghị Hồng Y như thường lệ sẽ bắt đầu lúc 9.30 sáng với kinh giờ Ba, rồi lời chào của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn; lời chào của Đức Thánh Cha và phát biểu ngắn của ngài với các Hồng Y. Tiếp đến là bài thuyết trình dẫn nhập của Đức Hồng Y Walter Kasper người Đức nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, về đề tài gia đình, vì Công nghị Hồng Y này bàn về các thách đố của gia đình, trong viễn tượng Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt về gia đình sẽ nhóm họp vào tháng 10 năm nay.
Sau đó là phần tự do phát biểu của các Hồng Y. Cả phiên họp ban chiều cùng ngày và hôm sau, 21 tháng Hai cũng vậy.
Thời biểu của hai ngày họp là 9.30 đến 12.30, và 16.30 đến 19.00.
Sáng Thứ Bẩy, 22 tháng Hai, Đức Thánh Cha sẽ phong 19 Hồng Y mới và sáng Chúa Nhật 23 tháng Hai, ngài sẽ đồng tế thánh lễ với các tân Hồng Y tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Trong hai ngày 24 và 25 tháng Hai, sẽ có khóa họp của Hội đồng 15 Hồng Y về tài chánh và tổ chức của Giáo Hội, và Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới.
Trong cuộc họp báo sáng ngày 17 tháng Hai, trả lời câu hỏi của một ký giả, Cha Lombardi cho biết hiện thời ngài không được thông báo vào về việc Đức Thánh Cha sẽ đưa ra quyết định cụ thể nào trong tuần lễ này hay không.
5. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 19 tháng Hai
Tiếp nối loạt bài giáo lý về các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo, hôm thứ Tư 19 tháng Hai, dưới bầu trời nắng ấm Đức Thánh Cha đã đề cập đến Bí Tích hòa giải là bí tích mà Đức Hồng Y tân cử Vincent Nichols của tổng giáo phận Westminster Anh Quốc cho rằng đang gặp khủng hoảng tại các nước Tây phương.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến ,
Thông qua các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo, chúng ta nhận được cuộc sống mới trong Đức Kitô. Tuy nhiên, vì cuộc sống này diễn ra nơi dương thế, và chúng ta vẫn bị cám dỗ, đau khổ, và chết đi. Do bởi tội lỗi, chúng ta thậm chí có thể đánh mất đi cuộc sống mới này. Do đó, Chúa Giêsu đã muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho các con cái mình, đặc biệt , qua Bí Tích Hòa Giải, tuôn chảy từ mầu nhiệm Vượt Qua. Sự tha thứ chúng ta nhận được không phải là kết quả những nỗ lực của chúng ta, nhưng là ân sủng của Chúa Thánh Thần hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.
Việc cử hành Bí Tích này tuy mang tính cá nhân, nhưng lại được bắt nguồn từ cộng đoàn Giáo Hội, trong đó Chúa Thánh Thần hiện diện để hiệp nhất tất cả chúng ta nên một trong Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta xưng thú tội lỗi mình với vị linh mục, là người không chỉ đại diện Thiên Chúa, nhưng cũng là đại diện của cộng đồng Giáo Hội đang đồng hành với chúng ta trên con đường hoán cải.
Mặc dù bí tích này là một kho tàng tuyệt vời, chúng ta có thể bị cám dỗ lơ là bí tích này do sự lười biếng hoặc xấu hổ, hoặc vì mất đi ý thức tội lỗi và xem thường những hậu quả của chúng. Quá thường khi chúng ta xem mình là trung tâm và là thước đo của tất cả mọi thứ, và như thế cuộc sống của chúng ta có thể bị trôi dạt. Bí Tích Hòa Giải kêu gọi chúng ta trở lại với Thiên Chúa, và bao bọc chúng ta trong lòng thương xót vô hạn của Ngài và niềm vui. Xin cho chúng ta để cho tình yêu của Ngài canh tân chúng ta như con cái Ngài và giao hòa chúng ta với Ngài, với chính chúng ta và với tha nhân.
6. Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa Do thái và Công Giáo
Sáng thứ Năm 13 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn Ủy ban Do thái Hoa kỳ gồm 55 người, và ngài cổ võ sự cộng tác giữa Công Giáo và Do thái trong xã hoạt động từ thiện và xã hội.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha cám ơn Ủy ban Do thái Hoa Kỳ (American Jewish Committee) trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc đối thoại và tình huynh đệ giữa các tín hữu Do thái và Kitô. Ngài nhắc đến sự kiện năm 2015 tới đây là kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng chung Vatican 2 về tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác trong đó có Do thái giáo.
Đức Thánh Cha nói: “Từ văn kiện này đã có sự phát triển mạnh mẽ suy tư về gia sản chung liên kết các tín hữu Kitô và Do thái, đồng thời tạo nên một nền tảng cho sự đối thoại giữa hai bên. Nền tảng này có tính chất thần học, chứ không phải chỉ biểu lộ ước muốn của chúng ta tôn trọng và quí chuộc nhau mà thôi. Vì thế điều quan trọng là sự đối thoại của chúng ta luôn được ghi dấu sâu đậm nhờ ý thức về quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “bên cạnh sự đối thoại, điều quan trọng là nêu bật sự kiện các tín hữu Do thái và Kitô có thể cùng nhau hoạt động để kiến tạo một thế giới tốt đẹp và huynh đệ hơn. Về vấn đề này, tôi muốn đặc biệt nhắc nhớ sự phục vụ chung dành cho ngừơi nghèo, những người ở ngoài lề xã hội, những người đau khổ. Sự dấn thân chung này ăn rễ sâu nơi giáo huấn của Kinh Thánh về việc bảo vệ người nghèo, góa phụ, cô nhi và ngoại kiều (Xc Xh 20,20-22). Đó là một công tác được Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta, phán ánh thánh ý và sự công chính của Chúa”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha cổ võ sự thông truyền cho các thế hệ trẻ gia sản sự hiểu biết, lòng quí chuộng và tình thân hữu giữa các tín hữu Kitô và Do thái đối với nhau, được xây dựng trong nhiều năm qua. Ngài nói: “Tôi cầu mong đề tài quan hệ với Do thái giáo tiếp tục được giữ cho sinh động trong các chủng viện và các chung tấm huấn luyện giáo dân Công Giáo, cũng như tôi tin rằng trong các cộng đồng Do thái và nơi các Rabbi trẻ của Do thái cũng gia tăng sự quan tâm đối với Kitô giáo”.
Trong buổi tiếp kiến, Ông Stanley Bergman, Chủ tịch Ủy ban Do thái Hoa Kỳ, cám ơn Đức Thánh Cha vì sự dấn thân của ngài trong việc cải tiến quan hệ giữa Do thái và Công Giáo, và nói: “Chúng tôi đến đây với cảm tưởng sâu đậm rằng ngài là người bạn thực của chúng tôi và chúng tôi cảm thấy chúng tôi thuộc về ngài”.
Phái đoàn của Ủy ban cũng gặp Đức Hồng Y Kurt Kock, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Do thái giáo và với Đức Hồng Y tân cử Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Rabbi David Rosen, Giám đốc Ủy ban quốc tế liên tôn của Do thái, cho các phóng viên biết cuộc trao đổi của phái đoàn với ĐHY tân cử Quốc vụ khanh Tòa Thánh xoay quanh vấn đề thăng tiến tự do tôn giáo, giáo dục và cộng tác trong các hoạt động từ thiện.
Trả lời câu hỏi của báo chí, Rabbi Rosen cho biết ông mong ước chương trình viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Israel vào tháng 5 năm nay sẽ dài hơn 30 tiếng đồng hồ, nhưng tôi chắc chắn rằng ĐGH sẽ làm tất cả những gì cần làm”
7. Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Dục Công Giáo
Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Năm 13 tháng Hai, dành cho 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ Giáo Dục Công Giáo, Đức Thánh Cha đề cao giá trị của đối thoại trong việc giáo dục và khuyến khích các vị đào tạo luôn quan tâm đến việc thường huấn.
Trong số các tham dự viên có 30 Hồng Y và 3 Giám Mục thành viên của Bộ.
Khóa họp của Bộ giáo dục Công Giáo kết thúc hôm 14 tháng 2, và đặc biệt bàn về việc canh tân Tông Hiến Sapientia Christiana, củng cố căn tính của các Đại học Công Giáo, cũng như chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh của Công đồng chung Vatican 2 về giáo dục, và 25 năm Tông hiến Ex Corde Ecclesia về các đại học Công Giáo, sẽ được cử hành vào năm 2015 tới đây.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng nền giáo dục Công Giáo là một trong những thách đố quan trọng nhất đối với Giáo Hội, dấn thân thực thi công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa luôn biến đổi.
Ngài đề cao việc đối thoại trong công tác giáo dục và nhận định rằng trong các đại học và trường học Công Giáo thường cũng có nhiều học sinh và sinh viên không Công Giáo. Các tổ chức này được mời gọi đáp ứng quyền của mọi người được đạt tới kiến thức và sự hiểu biết. Và tất cả đều được mọi gọi cống hiến đề nghị Kitô giáo, tức là Chúa Giêsu Kitô, như ý nghĩa của đời sống, vũ trụ và lịch sử, trong niềm tôn trọng hoàn toàn tự do của mỗi người và những phương pháp riêng của môi trường học đường.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh một khía cạnh khác, đó là việc chuẩn bị các nhà đào tạo. Ngài nói: “Nền giáo dục ngày nay hướng tới một thế hệ đang thay đổi, vì thế mỗi nhà giáo dục và toàn thể Giáo Hội cũng phải “thay đổi”, nghĩa là biết đả thông với những người trẻ mình đang đào tạo. Giáo dục là một hành vi yêu thương và ban sự sống. Điều này đòi nhà giáo dục phải có nhiều khả năng, biết ở giữa người trẻ như một nhà sư phạm, để thăng tiến sự tăng trưởng nhân bản và tinh thần. Người trẻ cần một nền giáo dục có chất lượng đồng thời cần các giá trị không những được tuyên dạy, nhưng còn được chứng thực. Sự kiện nhà giáo dục sống đúng như các giá trị mình giảng dạy là một điều không thể thiếu được đối với người trẻ.
8. Đức Thánh Cha lên tiếng ca ngợi sự năng động của cộng đồng Công Giáo Bulgaria
Trong buổi tiếp kiến hôm thứ Năm 13 tháng Hai dành cho các Giám Mục Bảo Gia Lợi hay còn gọi là Bulgaria đang trong chương trình ad limina viếng mộ Các Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng ca ngợi cộng đồng Công Giáo Bulgaria vì tính năng động và chủ động tông đồ của họ.
Thống kê toàn quốc năm 2011 ghi nhận có 48,945 anh chị em tín hữu Công Giáo tại quốc gia này. 10 năm trước đó số người Công Giáo là 43,811. Như vậy, số tín hữu Công Giáo gia tăng hơn 5,000 người. Trong tổng số 6,900,000 dân, 60% theo Chính Thống Giáo. Hồi Giáo chiếm 80%. Người Công Giáo chỉ chiếm 0.7% dân số được chia thành 2 giáo phận.
Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù người Công Giáo là nhóm thiểu số tại Bulgaria, nhưng chứng tá của họ là rất quan trọng "trong một xã hội có nhiều khoảng trống tinh thần do chế độ vô thần cũ để lại và tình trạng chấp nhận không chút phê phán các mô hình văn hóa duy vật chất và thực dụng" của các nước Tây phương.
Ngài nhận xét rằng Giáo Hội tại Bulgaria đã đưa ra những chứng tá anh hùng trong quá khứ, và tiếp tục đưa ra cho xã hội những phản bác cho trào lưu duy vật chất cũng như sự trợ giúp cho những người nghèo và quẫn bách.
Đức Thánh Cha cũng nhắc các Giám Mục Bulgaria là ngày 27 tháng 4 ngài sẽ phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Đó là một ngày đặc biệt đối với người Công Giáo Bungari. Chân Phước Gioan Phaolô II đã giữ một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của họ vì ngài là vị Giáo Hoàng Slavic đầu tiên. Chân Phước Gioan XXIII đã từng sinh sống nhiều năm tại Bulgaria khi ngài là sứ thần Tòa Thánh ở đó.
Một vị Giám Mục Bulgaria đã xin Đức Thánh Cha đứng bên trái ngài để chụp hình lưu niệm. Đức Thánh Cha đã đứng chụp hình nhưng bông đùa rằng: “Tôi ái ngại quá vì sợ người ta hiểu lầm là tên trộm ở bên trái Chúa Giêsu chịu đóng đinh.” Truyền thống, thường gọi là người trộm dữ, là kẻ tới chết cũng không có chút lòng ăn năn.
9. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Tiệp
Sáng thứ Sáu 14 tháng 2, lễ hai thánh Cyrillô và Mêthôđiô bổn mạng châu Âu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn các Giám Mục Tiệp đang trong chương trình ad limina viếng mộ Các Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.
Trong diễn từ được in ra trao cho các Giám Mục Tiệp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Giáo Hội tại Tiệp cần "tăng cường các sáng kiến mục vụ thích hợp cho anh chị em tín hữu được chuẩn bị vững chắc trước khi lãnh nhận các Bí tích và khích lệ họ tham gia tích cực trong phụng vụ.”
Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các Đức Giám Mục dấn thân trong việc giáo dục tôn giáo để Giáo Hội có thể hiện diện xứng đáng trong môi trường giáo dục và văn hóa của đất nước. Ngài nói thên là đứng trước những thách thức hiện đại và các vấn đề mục vụ cấp bách, cần thiết là phải có một sức mạnh tổng hợp giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.
Đức Thánh Cha nói: "Trong một thời gian dài Giáo Hội tại đất nước các hiền huynh đã bị đàn áp bởi một chế độ dựa trên hệ tư tưởng trái ngược với phẩm giá con người và tự do, hôm nay các hiền huynh lại phải đối mặt với những thách đố xảo quyệt hơn, như chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối. Do đó, cần thiết là cùng với việc công bố không mệt mỏi các giá trị Tin Mừng, Giáo Hội cần tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với tất cả mọi người, ngay cả với những người xa lạ với những cảm thức tôn giáo.
Đức Thánh Cha cũng khích lệ các giám mục "kiên trì trong cầu nguyện, hào phóng trong việc phục vụ đàn chiên được trao phó, và đầy nhiệt huyết trong việc rao giảng Lời Chúa.”
Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm sóc mục vụ gia đình và tầm quan trọng của sự hiệp nhất giữa các giám mục với nhau, cũng như sự hiệp thông của các ngài với người kế vị Thánh Phêrô.
Giáo Hội tại Tiệp hiện có 1.08 triệu người Công Giáo, tức là 10% dân số, được chia thành 8 giáo phận trong đó có 2 tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Prague và tổng giáo phận Olomuoc. Công Giáo, tuy chỉ chiếm 10%, vẫn là tôn giáo lớn nhất tại Tiệp. Trong tổng số 10,600,000 dân, đa số coi mình là vô thần.
10. Tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn muốn mời Đức Thánh Cha thăm Ấn Độ
Cuối phiên họp khoáng đại từ 5 tháng Hai đến 12 tháng Hai, các Giám Mục Ấn Độ đã bầu Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal là thượng phụ Công Giáo nghi lễ Syro-Malanka làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn thay thế cho Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, người đã giữ chức vụ này trong 4 năm qua và hiện là một trong 8 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Phiên họp đã quy tụ 185 Giám Mục thuộc 167 giáo phận bao gồm cả Công Giáo nghi lễ La Tinh, Công Giáo nghi lễ Syro-Malankara, và Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar.
Đức Hồng Y tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn sinh ngày 15 tháng Sáu năm 1959. Ngài được thụ phong linh mục ngày 11 tháng Sáu năm 1986, và được tấn phong Giám Mục ngày 15 tháng Tám 2001.
Ngài đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tấn phong ngày 24 tháng 11 năm 2012.
Hôm thứ Bẩy 08 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm anh chị em người Sri Lanka di dân sang Ý do Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo dẫn đầu. Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã chào đón Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, và cảm ơn ngài vì lời mời tới thăm Sri Lanka. Ngài nói: "Tôi hoan nghênh lời mời này, và tôi nghĩ rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta đặc ân đó."
Trước diễn biến này, Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal bày tỏ hy vọng là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Ấn Độ trong chuyến đi thăm Sri Lanka.
11. Bất ngờ lớn: Account Twitter của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng La Tinh thu hút 213,000 người.
Account Twitter của Đức Thánh Cha bằng 9 sinh ngữ thông dụng trên thế giới đã có hơn 10 triệu người theo dõi. Điều bất ngờ nhất là account bằng tiếng La Tinh. Theo dự kiến ban đầu, account này sẽ thu hút khoảng 5,000 người theo dõi nhưng hiện nay đã có hơn 213,000 người.
Cha Daniel Gallagher, học giả tiếng La tinh, đang làm việc tại phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói:
"Nó gần như một phép lạ. Chúng tôi không biết chắc lý do tại sao account này đã thành công lớn như vậy. Tuy nhiên, từ các thư từ nhận được, các dòng nhắn tin và các ý kiến đóng góp, thì rõ ràng nhiều người trong công chúng vẫn nghĩ rằng La Tinh ngày nay vẫn còn là một ngôn ngữ rất hữu ích, dù là dùng để trao đổi những suy nghĩ cao siêu hay chỉ để nói chuyện bình thường. Thực tế là có một nền văn hóa lớn đằng sau ngôn ngữ này."
Mặc dù, xem ra khá mỉa mai, nhưng thực tế cho thấy dù La Tinh là một ngôn ngữ không được dùng để nói trong nhiều thế kỷ qua, nó vẫn có thể trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến nhất và hiện đại.
Cha Daniel Gallagher nói:
“La Tinh có khả năng thể hiện trọn vẹn các ý tưởng một cách ngắn gọn, chính xác, và vui tươi mà nhiều ngôn ngữ khác không làm nổi. Những gì chúng ta thường phải dùng đến 12 hoặc 14 từ để thể hiện trong các ngôn ngữ khác thì trong tiếng Latin bốn từ là đủ. Tiếng La Tinh nổi tiếng về khả năng rút ngắn, và thể hiện chính xác những điều muốn chuyển tải.”
Hiện nay số người theo dõi account Twitter của Đức Thánh Cha bằng tiếng La Tinh còn đông hơn số người theo dõi bằng tiếng Ả Rập, Ba Lan và tiếng Đức.
Cha Daniel Gallagher nói tiếp:
"Không thể nói chính xác nơi cư trú của những người đang theo dõi các account của Đức Thánh Cha. Nhưng nhiều người Đức nói với chúng tôi họ thích theo dõi account tiếng La Tinh của Đức Thánh Cha. Chúng ta biết là việc học tiếng La Tinh vẫn còn rất phổ biến trên toàn nước Đức, đến mức mà học sinh lớp Tư hay lớp Năm đã có thể bắt đầu hiểu nội dung của những lời nhắn."
Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội đã sử dụng Latin để trao đổi với nhau, và truyền bá thông điệp Tin Mừng trên toàn thế giới. Trong thời hiện đại, có vẻ như xã hội ngày nay đã biết đánh giá cao ngôn ngữ cổ điển này.
12. Đức Thánh Cha tiếp Tổng thống Cộng hòa Cyprus
Sáng thứ Bẩy 15 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Cyprus, là ông Nicos Anastasiades.
Trong các cuộc thảo luận trong đó nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Cyprus (thường được gọi là Síp), hai bên đã đề cập đến một số vấn đề quan tâm chung: như vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội và việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Cả hai vị bày tỏ sự hài lòng với việc nối lại các cuộc đàm phán về tình hình hiện tại của đảo quốc này.
Cyprus là một đảo quốc ở Đông Địa Trung Hải. Đây là hòn đảo đông dân thứ ba ở Địa Trung Hải nằm ở phía đông của Hy Lạp, về phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây Syria và Li Băng, phía tây bắc của Israel và phía bắc Ai Cập.
Ngày 15 Tháng Bảy năm 1974, chính quyền quân sự Hy Lạp thực hiện một cuộc đảo chính tại Cyprus, nhằm thống nhất hòn đảo này với Hy Lạp. Năm ngày sau, vào ngày 20 tháng 7 năm 1974, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược hòn đảo với lý do khôi phục lại trật tự hiến pháp của nước Cộng hòa Cyprus. Áp lực quốc tế dẫn đến một lệnh ngừng bắn, và sau đó 37% hòn đảo nằm dưới quyền kiểm soát của người Thổ Nhĩ Kỳ. 180, 000 người Cyprus gốc Síp Hy Lạp đã bị đuổi đi. Đồng thời, khoảng 50.000 người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ được chuyển đến các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thành lập Nước Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ. Hy vọng của nước Cộng hòa Cyprus lấy lại được phần lãnh thổ này rất mong manh.
Đức Thánh Cha và tổng thống Nicos Anastasiades cũng đã bày tỏ mối quan tâm về sự bất ổn chính trị trong vùng Cận và Trung Đông là nguyên nhân dẫn đến đau khổ của đông đảo dân chúng, và chia sẻ hy vọng là cộng đồng Kitô hữu trong các quốc gia được tự do và được tiếp tục đóng góp xây dựng một tương lai thịnh vượng và hạnh phúc.
Sau khi gặp Đức Thánh Cha, ông Nicos Anastasiades đã gặp Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti , Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước.
13. Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức gặp nhiều khó khăn vì trận lụt năm ngoái
Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức đã sẵn sàng để đón những người hành hương trong ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức hôm 11 tháng Hai vừa qua, nhưng "vẫn còn rất nhiều việc phải làm" để sửa chữa những thiệt hại từ trận lũ lụt kinh hoàng năm ngoái.
Đức Cha Nicolas Brouwet Giám Mục Tarbes và Lourdes nói với hãng tin ANSA rằng thiệt hại do lũ lụt năm ngoái là rất nặng nề vì toàn bộ đền thánh đã bị ngập nước. "Chúng tôi đã làm việc không ngừng trong tám tháng qua để sửa chữa.” Chi phí phục hồi Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức ước tính lên đến 7,3 triệu €. Với sự giúp đỡ "chưa từng có" của các ân nhân, hơn một nửa số tiền đó đã quyên được trong vòng vài tuần sau khi trận lũ lụt xảy ra nặng nề đến mức ngôi đền thờ nổi tiếng nhất nước Pháp đã phải đóng cửa.
Tuy nhiên, Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức vẫn phải đối mặt với những mối quan tâm về tài chính. Một phần là do sự suy giảm về số lượng khách hành hương thăm viếng đền thờ mỗi năm. Đức Cha Brouwet nói: "Chúng tôi đang cảm thấy khó khăn từ cả cuộc khủng hoảng về đức tin cũng như cuộc khủng hoảng về kinh tế".
Theo Đức Cha Brouwet những vị có trách nhiệm tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, trong khi sửa chữa thiệt hại lũ lụt, cũng nhận được sự tư vấn của các chuyên gia về cách bảo vệ đền thánh trước những trận lũ lụt trong tương lai.
14. Quốc tế phải can thiệp để tránh cảnh tắm máu tại Cộng hòa Trung Phi.
“Hận thù đã nhập vào tĩnh mạch con người, những cuộc tắm máu đã diễn ra phổ biến trên khắp đất nước. Nếu không có một ai giữ lại bàn tay của ma quỷ ở đây, nó sẽ đạt được mục tiêu của mình.” Đó là tiếng kêu cứu của Đức Cha Dieudonne Nzapalainga, Tổng Giám Mục thủ đô Bangui thuộc Cộng hòa Trung Phi với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội đau khổ.
Đức Tổng Giám Mục nói ngài đã “nhìn thấy những điều làm cho ai cũng phải nghĩ đến một cuộc diệt chủng, tương tự như cuộc tắm máu đã xảy ra ở Rwanda.”
Theo Đức Tổng Giám Mục, điều cần thiết là phải có một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn bạo lực lan rộng, vì chính phủ nước này không thể duy trì hòa bình. Cho đến nay lời kêu cứu của Đức Cha Nzapalainga vẫn chỉ rơi vào những đôi tai giả điếc của các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới.
Các cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt giữa quân Hồi Giáo Séléka với lực lượng Anti-Balaka trung thành với tổng thống François Bozizé là người đã bị Séléka lật đổ hồi tháng Ba năm 2013. Thủ lĩnh của Séléka là tổng thống Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng.
ra tại Bỉ.
15. Kết thúc khoá họp khoáng đại lần thứ 31 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ
Giáo Hội tại Ấn được mời gọi để trở thành “một tấm gương của sự đơn sơ, minh bạch, công bằng, lòng thương xót, trong một xã hội bị ô nhiễm bởi tham nhũng và bạo lực”. Đó là tuyên bố cuối cùng của khoá họp khoáng đại lần thứ 31 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ, được tổ chức tại Palai, từ tháng 5 Hai đến 13 tháng Hai với chủ đề "một Giáo Hội đổi mới cho sự canh tân xã hội". Trong văn bản gửi đến thông tấn xã Fides, 185 giám mục nhóm họp nói, “Theo gương Đức Thánh Cha Phanxicô: chúng tôi muốn Giáo Hội tại Ấn thực sự là một Giáo Hội của người nghèo”.
16. Áp đặt luật Sharia tại Aceh, Indonesia
Trong một diễn biến tệ hại thống đốc Aceh là ông Zaini Abdullah đã ban hành sắc lệnh áp đặt luật Hồi Giáo Sharia trên toàn đảo Banda Aceh trên cả người Hồi Giáo lẫn không Hồi Giáo. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo trong vùng nói luật này chà đạp nhân quyền và tự do tôn giáo. Trong ngày đầu áp dụng cảnh sát đứng la liệt trên đường phố như thể một cuộc đảo chính đang diễn ra. 62 người đã bị cảnh sát bắt vì tội “ăn mặc không đứng đắn” trong đó có 2 người không phải là Hồi Giáo.
17. Một Kitô hữu bị cảnh sát đánh chết tại Pakistan
Tại Islamabad, hàng ngàn Kitô hữu đã biểu tình với những biểu ngữ như “Ai đã giết Kitô hữu Sabir Masih?”. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết anh Sabir Masih, 32 tuổi bị cảnh sát bắt vì một tội danh không rõ ràng và sau đó đã bị đánh chết trong tù hôm 12 tháng Hai.
18. Tổng Giám Mục Anh Giáo tố cáo tình trạng đàn áp các tín hữu Kitô tại Pakistan.
Tổng Giám Mục Anh Giáo Ijaz Inayat Masih của tổng giáo phận Karachi nói với thông tấn xã Fides hôm thứ Năm 13 tháng Hai rằng tình trạng an ninh của các Kitô hữu tại Pakistan đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết: “Trong vài năm trở lại đây các tôn giáo thiểu số đã trở thành mục tiêu của bách hại tôn giáo, làng mạc của họ bị đốt cháy, họ bị cáo gian là phạm thượng với tiên tri Muhammad, thường xuyên là nạn nhân đe dọa, bị ép buộc hôn nhân và bị bắt buộc phải cải sang đạo Hồi”.
Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/121685.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét