CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Liên hệ giữa cái bên ngoài và cái bên trong

Thứ Ba Tuần 28 TN1


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Ba Tuần 28 TN1

Bài đọc: Rom 1:16-25; Lk 11:37-41.

1/ Bài đọc I: 16 Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp.
17 Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.
18 Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý.

19 Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ.
20 Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được,
21 vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội.
22 Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.
23 Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.
24 Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn.
25 Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

2/ Phúc Âm: 37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn.
38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.
39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.
40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?
41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa cái bên ngoài và cái bên trong

Cái bên ngoài là dấu chỉ của thực tại bên trong, vì "lòng có đầy miệng mới nói ra." Cái bên ngoài không tự ý nó đứng vững, mà phải được nâng đỡ bởi cái bên trong; ví dụ, việc giúp đỡ người nghèo là biểu tỏ tình yêu của một người bên trong; nhưng nếu không có tình yêu bên trong, việc giúp đỡ người nghèo sẽ chỉ là cách để lấy tiếng khen, và sẽ không thể tồn tại lâu dài được.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sự liên hệ giữa các hành động bên ngoài với tâm tình bên trong. Trong Bài Đọc I, Thánh Phaolô xác tín: dựa vào những cái bên ngoài là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, con người phải nhận ra uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, để con người tin vào Ngài, và thờ phượng Ngài cho đúng đạo làm con. Nếu không, con người sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả tai hại cho cuộc sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng các Biệt-phái chỉ biết chú trọng đến cái bên ngoài như việc rửa tay trước khi ăn. Ngài mời gọi họ hãy chú trọng nhiều hơn đến việc thanh tẩy bên trong, để biết sống theo sự thật, lòng nhân từ, và công lý; vì Thiên Chúa sẽ xét xử con người theo những yếu tố bên trong đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hai cách Thiên Chúa mặc khải cho con người.
1.1/ Tin Mừng mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa: Con người không thể tự sức mình biết những ý định của Thiên Chúa, vì Ngài vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Nhưng Thiên Chúa chọn để tỏ mình cho con người biết các ý định của Thiên Chúa, nhất là qua việc nhập thể của Đức Kitô, người Con Một của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã mặc khải cho con người biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua Tin Mừng Ngài rao giảng, và các thánh ký đã viết lại Tin Mừng này.
Thánh Phaolô xác tín: ''Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.'' Tin vào Đức Kitô là một mầu nhiệm, vì đức tin không phải hoàn toàn do sự cố gắng của con người; nhưng còn tùy thuộc vào sự trợ giúp của Thiên Chúa như cho có cơ hội để nghe giảng, có người rao giảng, và ban ơn thánh thần để hiểu biết sự thật.

1.2/ Thiên nhiên mặc khải sự hiện hữu và vinh quang của Thiên Chúa.
(1) Kiến thức con người có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, với sự khôn ngoan tối thiểu, con người có thể nhận ra Thiên Chúa qua thiên nhiên, những công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: ''Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được.''
Khi không nhận ra Thiên Chúa qua thiên nhiên, trí óc con người còn thua khả năng nhận thức của loài vật. Tiên tri Isaiah đau đớn nói lên một sự thật: con bò biết chủ, con lừa biết máng của chủ; con người không biết Đấng tạo dựng ra mình. Kinh nghiệm con người cũng chứng minh: con chó biết vẫy đuôi khi chủ cho khúc xương, con mèo biết nép mình bên chân chủ khi được gọi; con người không biết cám ơn Thiên Chúa về tất cả những gì Thiên Chúa làm cho họ! Đối với hạng người không nhận ra và cảm tạ Thiên Chúa, Phaolô trách họ: ''vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.''
(2) Khi con người không thờ phượng Thiên Chúa, họ sẽ phải lãnh nhận những hậu quả tai hại: ''Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý.'' Kinh nghiệm đời dạy chúng ta: nếu không chịu tuân theo luật lệ, con người sẽ phải lãnh nhận hậu quả tai hại. Vài ví dụ sẽ làm sáng tỏ vấn đề: Trong nông nghiệp, nếu chủ ruộng không chịu gieo đúng thời tiết, ông sẽ không gặt hái được mùa màng. Hay trong luật kiến trúc, nếu thợ xây không chịu theo đúng sơ đồ đã vẽ, nhà cửa có thể bị sập. Hay trong luật giao thông, nếu một người không chịu theo sự chỉ dẫn của luật đi đường, người đó có thể mất mạng sống cách dễ dàng. Tương tự như thế trong lãnh vực đức tin, nếu con người không chịu theo những lời dạy dỗ của Thiên Chúa, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả tai hại cả đời này và đời sau. Đời này, họ sẽ bị hướng dẫn vào mọi sự điên rồ: ''thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.'' Họ sẽ bị hướng dẫn vào các đồi bại về luân lý: ''Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn.''

2/ Phúc Âm: Hãy chú trọng tới sự thanh sạch của tâm hồn.

2.1/ Nhóm Pharisees chú trọng đến hình thức bên ngoài: Rửa tay trước khi ăn nằm trong luật thanh sạch của người Do-thái. Chúa Giêsu không chống lại việc rửa tay trước khi ăn, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến việc thanh sạch tâm hồn bên trong hơn là thanh sạch bên ngoài. Những người biệt-phái có thể nghĩ không ai biết được những gì đang xảy ra trong tâm hồn họ; nhưng chỉ có thể nhìn thấy và đánh giá những hành động họ làm bên ngoài; do đó, họ chú trọng đến việc cầu nguyện nơi công cộng để mọi người thấy họ đạo đức; ủ rũ khi ăn chay để mọi người thấy họ biết ăn năn, thống hối; khua chiêng vỗ trống khi làm phúc bố thí để mọi người biết họ thương người nghèo. Chúa đã từng đả kích những hành động giả hình này và dạy các môn đệ làm ngược lại: khi cầu nguyện, vào phòng đóng cửa lại; khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu; khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Chúa Giêsu chống việc đánh giá chỉ dựa trên những hình thức bên ngoài; vì nó không thật, giả hình, và đánh lừa tha nhân. Nó cũng nguy hiểm cho chính người làm vì họ sẽ có nguy cơ bị tha hóa: khi đã quá quen với những hành động giả nhân, giả nghĩa, họ không còn nhận ra sự thực nữa, đeo mặt nạ mà tưởng là mặt thật của mình.

2.2/ Chúa mời gọi con người chú trọng đến tâm hồn bên trong: Tâm hồn thành thực bên trong là điều quí trọng trước nhan thánh Chúa; vì Ngài nhìn thấu suốt những cái mà con người không nhìn được. Thánh Luca nhắc nhở những ai muốn đánh lừa Thiên Chúa bằng các hình thức bên ngoài: "Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người." Nếu một người có tâm hồn cao đẹp bên trong, họ sẽ biểu tỏ qua lời nói và các hành động bên ngoài. Đó là những người có tâm hồn chân thật và yêu thương tha nhân tận đáy lòng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta bằng nhiều cách. Để nhận ra Ngài, chúng ta cần có một tâm hồn khiêm nhường, hăng say học hỏi, và biết quí trọng sự thật.
- Khi con người chối từ Thiên Chúa, họ sẽ bị dẫn vào các lầm lạc của thế gian. Hậu quả là một cuộc sống vô luân, làm nô lệ cho ma quỉ, và lạc xa đích điểm của cuộc đời.
- Chúng ta hãy biết sống chân tình với Thiên Chúa và với tha nhân. Một cuộc sống hời hợt và giả hình sớm muộn rồi cũng bị phát giác; và nhất là, không mang lại cho chúng ta kết quả tốt đẹp.

Không có nhận xét nào: