CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

1/10 - Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu,

Phụng Vụ Thánh Lễ
Các Bài Đọc
01/10 - Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu,
trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Bổn mạng các xứ truyền giáo.
Lễ kính


Bài đọc 1 – Is 66, 10-14c
"Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó".
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Đó là lời Chúa.
 
Đáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Đáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.
3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.
 
Allêluia - x. Mt 11, 25
All. All. - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - All.

PHÚC ÂM - Mt 18, 1-4
"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Đó là lời Chúa.

Xin đọc thêm:

Thái Độ Trước Cuộc Đời Gian Khổ

Đây là bài cha Tanila Hoàng Đắc Ánh OP
giảng vào ngày 1/10/1988 tại Đan Viện Cát Minh Sài gòn
và được chọn in trong cuốn :
Nhìn lại quá khứ ; cuốn sách kỷ niệm kim khánh Linh Mục của cha.

Thưa anh chị em.
Hôm nay, ngày đại lễ kính nhớ thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su Hài Đồng, tôi xin phép Đức Tổng Giám Mục và Mẹ Bề trên Đan viện Cát minh này, chia sẻ với anh chị em một vấn đề. Vấn đề này chắc là không hấp dẫn nhưng lại là chính yếu trong đời sống của chị thánh Tê-rê-sa và rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta, người Ki-tô hữu. Đó là : Thái độ trước cuộc đời gian khổ.
Tôi muốn nói ba điều : thứ nhất cuộc sống thánh nữ Tê-rê-sa là một đời gian khổ; thứ hai thái độ của chị đối với gian khổ rất anh hùng và thứ ba một đời sống như vậy là một bài chúng ta phải học, bao giờ còn sống trên mặt đất.
1. Một cuộc đời gian khổ
Đừng thấy hình thánh nữ Tê-rê-sa trẻ, đẹp, ôm hoa hồng mà lầm tưởng như tôi rằng đời của chị lúc nào cũng khoái lạc, nhàn nhã ( ĐĐV/PVTĐ, Rose).
Lúc tôi lên sáu, ba má gởi tôi đi học trường các nữ tu. Các nữ tu này xưng mình là “Mến Thánh Giá”. Các bà có “Mến Thánh Giá” không, tôi không biết nhưng rõ ràng là các bà “mến Thánh Tê-rê-sa”. Sau bất cứ câu kinh nào, các bà cũng bắt chúng tôi thêm :“ Chị thánh Tê-rê-sa Giê su Hài Đồng, cầu cho chúng em”. Hơn nữa, để chúng tôi nhớ, các bà đặt tượng : tượng ở ngoài cổng, tượng ở trong lớp và còn tượng ở giữa sân chơi nữa. Tượng chị thánh Tê-rê-sa trẻ, đẹp, ôm hoa hồng, làm chúng tôi cứ tưởng là chị đứng coi tụi em chơi, rồi thưởng hoa hồng cho những đứa nào chơi mà không ăn gian, không gây lộn.
Thế rồi, một hôm, không biết  tại sao, cha sở không cho con trai học chung với con gái, nên tôi phải qua trường nam học. Từ đó, tôi không được nghe nói về Thánh nữ nữa. Cũng từ đó, khi nghe nói đến thánh nữ Tê-rê-sa là tôi hình dung một nữ tu trẻ, đẹp, ôm hoa hồng.
Lần đầu tiên, cách đây chín, mười năm, khi được Mẹ Bề trên Đan viện Cát minh này nhờ nói về thánh nữ Tê-rê-sa, tôi đã lật sách nghiên cứu về hoa hồng để nói. Nhưng trời đất ! Tôi không thấy hoa, mà chỉ thấy gai. May mà một nhà thần học chuyên môn về đời sống và tư tưởng của chị thánh Tê-rê-sa có nói : “ về đời sống thánh nữ Tê-rê-sa thì hoa hồng là mặt ngoài mà gai nhọn là mặt trong : chính đau khổ đã biết biến thành nhân đức mới trổ ra hoa hồng”.
À ! thì ra hoa hồng là thế. Mà lầm tưởng như vậy  là tại tôi, vì trên tay chị thánh Tê-rê-sa tôi chỉ nhìn hoa hồng mà không nhìn thấy sau hoa hồng là cây Thập giá. Mỗi lần mừng đại lễ thánh nữ Tê-rê-sa, đan viện này đã phát ra hàng vạn hoa hồng chắc là để nhắc chúng ta hãy biến đau khổ thành nhân đức, thứ hoa hồng thiêng liêng quý giá hơn thứ hoa hồng thiên nhiên nhiều
2. Cuộc sống trước ngày đi tu
Nhưng hỏi : chị Tê-rê-sa đã gặp những gì trong cuộc đời mà gọi là đau với khổ ? Thưa có, và có quá nhiều nữa. Ở đây, tôi xin đan cử một vài sự việc, chỉ một vài thôi :
Chị Tê-rê-sa ra đời năm 1873. Mới lên 4 tuổi chị đã mất mẹ. Thế là chị mồ côi mẹ và bắt đầu cuộc đời đau khổ. Sau này chị nói : “ Đứng trước quan tài, hồi đó, tôi tưởng chiếc hoa nhỏ bé này đã bị hái đi lúc chớm nở”. Để vá víu, chị xin Pauline là chị mình làm mẹ nuôi (1877). Nhưng chưa được mấy năm, mẹ nuôi cũng bỏ con nuôi mà đi tu mất (1882). Nghĩ lại những ngày chị Pauline bỏ chị đi tu, chị nói : “Trong chốc lát, đời sống xuất hiện trần trụi trước mắt tôi : đời chỉ là đau khổ, chỉ là một cuộc phân ly nối dài”. Cảnh cô đơn làm chị ngã bệnh, một thứ bệnh thần kinh phức tạp. Và cũng năm ấy, lúc mới lên 9 tuổi, chị bị mắc bệnh đau đầu. Rồi, năm 1885, chị còn thêm chứng bệnh “bối rối”. Trong trạng huống đó, lẽ ra chị phải được gia đình âu yếm. Đằng này, chị em từ từ bỏ chị đi tu hết : đã chị Pauline rồi chị Léonie và bây giờ chị Marie nữa. Thánh nữ Tê-rê-sa là một cô gái nhạy cảm, lại còn bé mà phải bị thử thách liên hồi. Chị khóc. Chị xin Chúa. Chúa chưa cho. Chị lại khóc. Cứ như vậy, mãi từ lúc 4 tuổi đến lúc 14,15 tuổi, nghĩa là đến ngày chị đi tu.
Ngay cả chuyện đi tu, đâu phải dễ gì ? Lúc được 2 tuổi, chị cảm thấy mình phải đi tu. Lúc lên 9 tuổi, lên 13, tiếng Chúa gọi ngày càng thúc bách. Nhưng đâu phải hễ muốn đi tu là được ? Ông cậu của chị phản đối. Cha Bề trên Đan Viện Cát Minh phản đối. Nhưng người ta xin đi tu chứ có xin đi… tù đâu mà phản đối ? Nghĩ thế, chị buồn, chị khóc. Dầu vậy, không ngã lòng, chị chạy đến Đức Giáo Hoàng, xin cho kỳ được mới thôi. Và rốt cuộc, ngày 9 tháng 4 năm 1888, chị vào dòng Cát Minh trước tuổi luật pháp quy định.
3. Cuộc đời tu sĩ
Nhưng ai bảo đi tu là sướng ? Trong hồi ký, chị thánh Tê-rê-sa  nói rằng : “ Đời đau khổ của tôi thực sự bắt đầu từ khi bước chân vào nhà tu”. Ở đây, đời tu của chị thật gian khổ, đau đớn trên thân xác, đau khổ trong tâm hồn.
a. Đau đớn trên thân xác
Tháng 6 năm 1894, chị bắt đầu bệnh đau cổ họng kinh niên. Tháng 7 cũng năm ấy, ông Martin,than sinh của chị qua đời. Năm 1896, cơn bệnh sống chết của chị bắt đầu xuất hiện. Thứ Năm tuần Thánh, chị chầu Mình Chúa đến nửa đêm. Về đến phòng, vừa đặt lưng xuống chiếc nệm rơm là máu trào lên miệng. Suốt ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chị ăn chay, kiêng thịt, lau nhà như chị em những tưởng rằng chẳng có gì đáng lo. Ngờ đâu, tối hôm ấy, cũng vào lúc sắp lên giường, chị bị ói máu lần nữa. Từ nay, chị bị cơn bệnh bám sát. Chị đuối sức. Nhiều tối, sau kinh khuya, chị phải mất cả nửa giờ mới bò hết cầu thang để về phòng, chịu lạnh cả đêm, không sao ngủ được. Trong một đêm nọ, chị nữ tu, y tá Đan viện vào thăm, thấy chị Tê-rê-sa chắp tay, ngước mắt lên trời. Chị y tá hỏi : “ Làm gì vậy ? Sao không ngủ ?”. Chị Tê-rê-sa trả lời : “Ngủ không được. Đau quá nên em cầu nguyện”.
Ngày 30 tháng 9 năm 1897, lúc 5 giờ chiều, cơn hấp hối sau hết bắt đầu. Chị thở dốc, mặt ứ máu, tay tím lại, mình mẩy run lên, mồ hôi toát ra, thấm cả chăn, cả nệm. Đúng 7g30, chị mở mắt, âu yếm nhìn lên thập giá và nói : “ Lạy Chúa là Thiên Chúa, con yêu mến Chúa”. Vừa nói xong, chị ngả đầu về phía sau và trút hơi thở cuối cùng trong kinh nguyện.
Đó là đau đớn trên thân xác, còn những nỗi khổ đau trong tâm hồn.
b. Đau khổ trong tâm hồn
Có kẻ bảo rằng chị thánh Tê-rê-sa chịu đau đớn trên thân xác nhưng những đau khổ trong tâm hồn mới gọi là đau khổ.
Phải. Anh chàng đau răng nói nhức răng mới gọi là đau. Cô dâu nói chỉ có bị mẹ chồng hành mới gọi là khổ.Nhưng đau đớn trên thân xác hay đau khổ trong tâm hồn chị thánh Tê-rê-sa đều có cả.
Trong Đan viện, chị phải đau khổ vì Mẹ Bề trên , một bà khó tánh. Mỗi lần gặp bà là mỗi lần chị phải hôn đất, chị nói thế. Còn Mẹ Giáo tập thì tốt nhưng lại phải cái tánh “ nói trước quên sau”, nên nhiều lần chị vâng lời rồi lại bị khiển trách. Rồi cộng đoàn chị em nữa, nhiều khi cũng nói ra, nói vào. Chỉ vì trong cộng đoàn 18 người mà dòng họ Martin đóng góp đến 5. Bà Bề trên, chẳng hạn, có lần đã nói : “  Cái chị Tê-rê-sa được hết mọi chuyện, chỉ trừ một chuyện là có đến 4 chị em trong nhà này”. Trời ơi ! Người ta rủ nhau đi tu mà cũng nói ! Có lần nghĩ đến chuyện ấy, chị Tê-rê-sa nói : “ Những bước đầu tiên của tôi vào đan viện đã đạp phải gai, gai hoa hồng”.
Thưa anh chị em ! Anh chị em có cần tôi kể thêm nữa thôi ? Nhưng thiết tưởng bấy nhiêu cũng đã quá nhiều đối với một cô gái lứa tuổi 24,25. Vả lại điều quan trọng không phải là tìm hiểu chị thánh Tê-rê-sa đau khổ nhiều hay ít mà là tìm hiểu xem do đâu chị ham mê và chấp nhận đau khổ ?
4. Thái độ của chị thánh Tê-rê-sa trước sự đau khổ.
Chị thánh Tê-rê-sa nói : “ Đau khổ là điều tôi thích ưa trên đời”. Tại sao thế ? Có phải chị mang chứng bệnh mà y khoa gọi là “tính dục biến thái” ? Không ! Hoặc phải chăng vì chị muốn làm một nữ triết gia Socates, miệng vừa uống thuốc độc vừa thao thao dạy đời ? Cũng không !
Chị đón nhận đau khổ một cách can đảm là vì Đức Giêsu. Chị nói : “ Là vị hôn thê của Đức Giê-su, tôi cần phải chịu đau khổ. Tôi cảm thấy trong lòng tôi sự ước muốn đau khổ và sự xác tín rằng Đức Giê-su còn dành cho tôi nhiều thập giá”. Thì ra chị là nữ tu Mến Thánh Giá, tuy không danh hiệu, áo,lúp.
Dĩ nhiên, là con người, thánh nữ Tê-rê-sa  cũng muốn sướng như ai và cũng như ai, chị không thích khổ đau, chết chóc. Và trong nguyên thủy, Thiên Chúa không muốn con người đau khổ. Vì thế mà Đức Giê-su sợ khổ đau, chết chóc. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Người đã sợ chết, sợ đến toát mồ hôi máu, sợ nên mới xin khỏi chết, xin đến ba lần. Thế là, đã chấp nhận làm người thì dầu là Ngôi Hai Thiên Chúa, cũng sợ chết. Chị thánh Tê-rê-sa cũng không thoát khỏi định luật tự nhiên ấy. Chị nói muốn đau khổ nhưng không phải hễ muốn đau khổ thì khi đau khổ đến không còn đau khổ nữa. Khi đau khổ đến, chị cũng thấy rùng mình và kêu cứu. Chị nói : “ Giê-su, người bạn hiền của tôi, đi đâu mất. Người không thấy chúng ta đau đớn quá sao ? Sao không đến an ủi ?”.
Thiên Chúa không muốn con người đau khổ. Nhưng bởi con người đã bất chấp qui luật mà đau khổ và chết chóc xuất hiện và thống trị con người. May phúc là với kế hoạch diệu kỳ, Thiên Chúa đã biến đau khổ, chết chóc thành con đường cứu độ, thành lời chứng tình thương. Vì tổ tiên đã yêu mình hơn yêu Thiên Chúa mà loài người mất thế quân bình, mất tình nghĩa với Thiên Chúa, mất sự sống siêu việt Ngài định ban. Thì nay, Ngôi Hai làm người đã yêu Thiên Chúa hơn yêu mình, yêu đến nỗi một lòng trung thành, vâng phục Thiên Chúa, dầu phải khổ đau, chết chóc và chết trên thập giá. Trên thập giá, Đức Giê-su có một thái độ siêu phàm. Nhà triết học Xê-nê-ca kể lại rằng : trên thập giá, kẻ bị treo thường nguyền rủa ngày sinh, tháng đẻ của mình, nguyền rủa cha mẹ đẻ mình làm chi… nhưng Đức Giê-su đã có một thái độ ngược hẳn : Bảy câu tuyệt mệnh của Ngài trên thập giá là những lời quí hơn vàng hơn ngọc, đầy can đảm, yêu thương và tha thứ. Chính cử chỉ yêu thương và vâng phục Thiên Chúa ấy mới xóa bỏ tội ích kỷ và bất tuân của tổ tiên, mới nói lên, nói lại tình yêu của loài người đối với Thiên Chúa và nhờ đó, Thiên Chúa mới trả lại cho con người tình nghĩa nguyên thủy và sự sống đời đời. Nói gọn lại, chính vì yêu thương và vâng phục mà thập giá mới đem lại vinh quang, mới mang lại ơn cứu độ cho loài người. Theo gương ấy,chị thánh Tê-rê-sa đón nhận đau khổ như đường cứu độ. Chị nói : “ Tôi đi tu là để cùng Đức Giê-su cứu độ thế gian, cứu độ các linh hồn. Nhưng Nguưười chỉ ban cho tôi các linh hồn qua cây thập giá. Nên tôi đón nhận đau khổ như Người đã đón nhận thập giá”.
Chị đón nhận một cách tích cực. Khi biết Thánh Ý Chúa Cha là Người phải :hiến dâng mạng sống là giá chuộc muôn người” ( Mc 10,45), Đức Giê-su đã can đảm tiến ra đón nhận thập giá. Người nói : “Đứng dậy, ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới” ( Mt 26,46). Loài người có chấp nhận con đường cứu độ ấy không ? Sách “Theo gương Chúa Giê-su” nói : “ Ai cũng muốn vui hưởng với Đức Giê-su nhưng không ai muốn chia sẻ đau khổ với Người. Họ theo Người đến hết phần bẻ bánh, nhưng khi bắt đầu chén đắng, họ liền bỏ Người mà đi”. Nếu sách này đúng thì chị thánh Tê-rê-sa  là một luật trừ. Ngày ngày, chị đón nhận những nghịch cảnh có thể xảy ra, đến nỗi chị dám nói : “ Một ngày không đau khổ là một ngày vô ích, một ngày hỏng việc”. Nói cách khác, bằng ngôn ngữ của thánh Phao-lô, một ngày đau khổ là một ngày chia cay, sẻ đắng với Đức Giê-su, và những gian khổ Đức Giê-su còn phải chịu, chị xin mang vào thân cho đủ mức ( Cl 1,24).
Chị thánh Tê-rê-sa đã cùng chịu đau khổ với Đức Giê-su cho đến hơi thở cuối cùng và cho đến cử chỉ cuối cùng. Chúng ta hãy đọc kỹ thánh Gioan một chút. Sau khi chu toàn công trình cứu độ, tác giả nói Đức Giê-su “nghiêng đầu” trao hơi thở (Ga 19,30). “Đầu nghiêng” không phải vì không còn tự chủ và vì bị sức hút của trái đất. Không, Người nghiêng đầu, tự ý nghiêng đầu (động từ klino ở dạng chủ động). Khi thực thi chương trình cứu độ, Đức Giê-su luôn luôn ở thế chủ động. Và trong chương trình này, nghiêng đầu là một hành vi phải làm trước khi trao hơi thở thì Người cũng tự chủ, tự làm, tự nghiêng. Đọc chuyện thánh Tê-rê-sa, chúng ta cũng thấy có một hành vi tương tự. Sau khi thở dốc và trước khi thở hơi cuối cùng, sách nói, chị mở mắt nhìn lên thập giá, khẳng định tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, rồi chị nghiêng đầu ra đi. Đối với chị, Đức Giê-su là gương mẫu khi sống cũng như khi chết. Gương tốt này, chúng ta nên bắt chước.
5. Thái độ của chúng ta trước cuộc đời.
Cuộc đời của thánh nữ Tê-rê-sa  tuy vắn vỏi nhưng đã để lại tấm gương sáng cho già trẻ soi chung.
Trên đời, có ai mà không đau khổ ? Có là thánh cũng khổ, hay nói đúng hơn càng thánh càng khổ. Nhìn vào xã hội loài người, chúng ta thấy gì ? Những bệnh viện ung thư thiếu giường, thiếu thuốc. Những người phong cùi lê lết từ Bến Sắn đến Sài Gòn, từ các sân nhà thờ đến các tiệm cơm thật là tội nghiệp. Bên cạnh những bệnh nan y thì ho hen, đói rách. Đó là chưa kể những đau khổ tâm hồn : Con bỏ nhà đi hoang, chồng phản bội, vợ ngồi sòng bạc quên chồng, quên con ở nhà … xin anh chị em kể tiếp … ! và nói chung ai cũng chào đời bằng tiếng khóc. Về điểm này anh chị em phải đồng ý với tôi. Vậy thì vấn đề còn lại và cần thiết là chúng ta phải phản ứng thế nào cho xứng hợp với phẩm giá con người, cho hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Thánh Ý Thiên Chúa chắc chắn là chúng ta không được phép ngồi lỳ mà than trời, trách đất nhưng phải ra tay phấn đấu với mọi khó khăn. Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên trời đất, sáng tạo loài người, cho loài người quyền thống trị và quản lý trời đất. Để loài người thống trị, Thiên Chúa ban cho loài người tay chân và trí óc. Thiên Chúa phán : “ Ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú và mọi vật bò ngang dọc trên mặt đất” (St 1,26). Điều này Thiên Chúa đã phán từ rất lâu và đã được ghi vào ngay trang đầu bộ Kinh Thánh trên hai mươi sáu thế kỷ rồi. Chỉ có điều là chúng ta không chịu học hoặc vừa học vừa quên. Nên khi nghe thiên hạ nói, chúng ta ngẩn người, cho là hay ho, mới mẻ. Thể theo Thánh Ý vừa nói trên, Đức Giê-su đã có lần lánh mặt kẻ thù, vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào” và nhất là vì Giờ Người chưa tới. Cũng vì lẽ ấy, chị thánh Tê-rê-sa đã nghe lời bác sĩ và chấp nhận sự chăm sóc của chị em, thì khi đứng trước khổ đau, chúng ta cũng phải dùng đến sức lực, trí óc Chúa ban mà thống trị và quản lý trái đất này, chứ không tiêu cực than thân, trách phận, kêu trời, trách đất …
Nói như thế không có nghĩa là từ nay, con người sẽ không còn ốm đau, sẽ sống đời trên mặt đất. Không, trái đất này đã già rồi và sẽ biến thái. vật chất làm sao mà bất diệt được ? Dù ông Mơ-thu-se-lác có thọ đến 969 tuổi đi nữa thì rốt cuộc cũng phải chết. Đã là con người có xác, nhất là một thân xác bị nhiễm trùng tổ tông thì làm sao sống đời đời như Thiên Chúa ? Nên Thánh Ý Thiên Chúa là trong tấn kịch thế giới này, chúng ta đóng vai “vương giả” nhưng rồi cũng phải biết xuống khỏi sân khấu khi buổi kịch hạ màn. Tôi muốn nói rằng khi con người đã đem tất cả sức lực và tài năng ra để bảo vệ và thăng tiến con người mà không thể lướt thắng được nữa thì con người cũng phải can đảm ra đi, không luyến tiếc, không than trách : “ giá mà… giá mà …”. Giá mà Mẹ Bề trên chăm sóc chị hơn, giá mà bác sĩ chích cho chị vài ống thuốc,… Tôi xin nhắc : Strepto và Rimattan nữa chỉ có 50 đồng một viên thôi. Bộ óc con người chúng ta đã phát minh những thuốc “tiên” này, nhưng hỏi năm nào ? Vả lại chị thánh Tê-rê-sa không thuộc hạng người mỗi chút, mỗi rên nên khó mà biết rõ bệnh tình của chị. Hơn nữa, nữ tu Cát minh mà được Mẹ Bề trên bắt phải ăn thịt, uống rượu nho thì còn bảo lo sao nữa ?
Phải nói rằng trong vở kịch thế giới bao la, Thiên Chúa muốn chị thánh Tê-rê-sa đóng vai một cô bé, lên sân khấu, nói vài câu, làm vài bộ điệu rồi xuống : một vai tuồng rất nhỏ, rất ngắn, nhưng chị đã đóng rất hay, đóng một cách tuyệt vời. Thì chúng ta cũng hãy đóng vai của mình, không cần lớn, không cần lâu, miễn sao cho khéo, rồi ra đi. Khi thấy Chúa Cha không thay đổi chương trình cứu độ, Đức Giê-su đã can đảm đứng dậy ra đón những kẻ đến bắt mình và chịu chết lúc mới 37,38 tuổi. Cũng vậy, khi thấy Thiên Chúa muốn mình chết trẻ, chị thánh Tê-rê-sa can đảm đón nhận cái chết và chết sau một cuộc đời mới được 24 năm 9 tháng. Giá trị như một nhà đại thi hào kia đã nói, giá trị không đợi phải tuổi già. Theo những tấm gương ấy, chúng ta cũng hãy can đảm chấp nhận mọi cảnh thăng trầm của cuộc đời dương thế và luôn luôn biến đau thương thành sức mạnh, thành nguồn ơn cứu độ. Cứ như vậy cho đến chết.
Đi xa hơn nữa, cái đau khổ của người Ki-tô hữu không phải chỉ là cuộc chiến một mất một còn với tai họa của thiên nhiên và tai ương của xã hội. trên bình diện thiêng liêng, nó còn là một phần của cây thập giá Đức Giê-su để dành cho họ. Người chiến đấu, chúng ta chiến đấu bên cạnh Người. Mà theo chương trình cứu độ, Người chiến đấu bằng thập giá thì chúng ta cũng phải chiến đấu bằng thập giá nghĩa là bằng khổ đau. Và người đã được hưởng vinh quang sau khi chiến thắng; cũng vậy như thánh Phao-lô nói một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người ( Rm 8,17). Và như thế, chết không phải là hết mà là sống một cuộc sống đời đời, lại còn mới mẻ và viên mãn.
Tôi xin kết thúc :
Thưa chị thánh Tê-rêsa,
Có lẽ lúc bé thơ, nhiều người thương chị vì thấy trong hình chị trẻ, dẹp, ôm hoa hồng. Nhưng khi lớn rồi, chúng tôi biết chị không có hoa hồng, lại còn mang bệnh ho lao. Tuy nhiên chúng tôi càng mến chị vì chị còn trẻ mà có rất nhiều đức tính chẳng hạn can đảm vác thập giá cuộc đời với Đức Giê-su.
Hôm nay ngày đại lễ kính nhớ chị, chúng tôi chỉ xin chị một điều là cùng chúng tôi khẩn cầu Thiên Chúa cho chúng tôi được một lòng vững tin khi gặp nghịch cảnh và tích cực biến mọi gian khổ thành sức mạnh, thành ân sủng, hầu đem lại cho ai nấy hạnh phúc siêu việt ở đời sau và ngay ở đời này nữa. A-men
Tanila Hoàng Đắc Ánh OP


Không có nhận xét nào: