CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Tin Công giáo thế giới, ngày 10.9.2013


123456-120x80VRNs (10.9.2013) – Sài Gòn –  1. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chống lại tội ác buôn bán vũ khí
Theo Catholicherald, nói trước đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, trưa Chúa nhật 08.9.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Cuộc chiến chống lại cái ác, có nghĩa là nói không với hận thù khiến huynh đệ tương tàn và sử dụng những lời dối trá, nói không với bạo lực dưới mọi hình thức, nói không với sự gia tăng vũ khí và bán nó ra ngoài thị trường chợ đen.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đây là kẻ thù mà chúng ta phải đoàn kết, thống nhất để chống lại. Vì không có lợi ích nào khác ngoài mưu cầu cho hòa bình và lợi ích chung.”
Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn những người đã tham gia buổi cầu nguyện vào tối thứ Bảy, 07.9. Buổi cầu nguyện đó đã thu hút hơn 100.000 người tham dự tại quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các tín hữu hãy cầu nguyện để sớm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, cho hòa bình tại Trung Đông, cho sự ổng định và chung sống hòa bình tại Libăng cũng như chấm dứt bạo lực giáo phái tại Iraq và cuộc xung đột Israel-Palestine nhanh chóng được giải quyết.
Cuối cùng, ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho Ai Cập, để tất cả người dân Ai Cập, Hồi Giáo cũng như Kitô Giáo, có thể cam kết xây dựng một xã hội vì lợi ích của mọi người.”
Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại nhiều lần lời kêu gọi hòa bình ở Trung Đông. Đức Thánh Cha còn kêu gọi các Kitô hữu tiến hành một “cuộc chiến sâu sắc hơn” chống lại sự dữ, trong đó có việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, mà theo ngài là nguyên nhân gây nên nhiều cuộc xung đột trên thế giới.
2. Các Giám mục Công giáo Châu Âu và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác: “Nói không với chiến tranh ở Syria”
Theo CWN, Hội đồng các Giáo hội Châu Âu, một tổ chức đại kết, đã tham gia cùng Hội đồng Giám Mục Châu Âu để kêu gọi hòa bình cho Syria.
Chủ tịch của cả hai Hội đồng nói rằng: “Người dân Syria đã phải chịu đựng đau khổ quá lâu và bây giờ họ đang phải đối mặt với những đau khổ, tàn phá và chết chóc. Chúng tôi tái khẳng định ‘không để chiến tranh xẩy ra’. Tại thời điểm này, chúng tôi đặc biệt hướng về các Kitô hữu và gia đình của họ, những người đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột ở Syria do các vụ giết người và một cuộc di cư hàng loạt với rất nhiều những rủi ro.”
Hai vị chủ tịch nói thêm: “Cùng với Đức tổng Giám mục Anh giáo Canterbury (Justin Welby), và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội khác, chúng tôi muốn gửi tới tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang họp Hội nghị thượng định G20 tại St Petersburg lời nhắc nhở là, hãy đặt con đường đối thoại lên hàng đầu chứ không phải là vũ khí.”
3. Thảm kịch nhân đạo tại Syria
Cũng theo CWN, trong cuộc phỏng vấn ngắn với tờ Người Quan Sát Roma, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân đưa ra các khía cạnh của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria.
Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch của Hội đồng nói rằng: “Tình hình ở Syria đặc biệt thảm hại và ngày càng tồi tệ hơn với những hậu quả nhân đạo sâu sắc. Trong 6 tháng qua, số người tị nạn đã tăng gấp đôi từ 1 triệu lên đến 2 triệu người. Một nửa trong số những người tị nạn là trẻ em”. Vì vậy, “cả một thế hệ  trẻ em sẽ bị chết.”
Đức Hồng Y cho biết thêm: “1/3 dân số vẫn còn đang ở Syria,- khoảng 7 triệu người , cần hỗ trợ nhân đạo.” Và đã có hơn 100.000 người bị giết.”
4. Sri Lanka xác nhận chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước này
Theo Cha Benedict Joseph, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Colombo, Sri Lanka đã xác nhận rằng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới thăm Sri Lanka. Giáo hội Công giáo tại Sri Lanka đã thông qua chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và sẽ công bố lịch trình chuyến viếng thăm này trong thời gian gần đây.
Cha Benedict Joseph nói rằng, Đức Thánh Cha Phanxicô đang rất háo hức đến thăm hòn đảo này.
Theo thể thức, Giáo hội Công giáo địa phương cần một thỏa thuận với chính phủ. Và một khi chính phủ đồng ý, Hội đồng Giám mục phải đưa ra lời mời chính thức đến Đức Thánh Cha đến thăm đất nước.
Tháng trước, Tổng thống Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka cũng đã ngỏ lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm đất nước này. Trong lá thư của Tổng thống, ông nói rằng, thay mặt Chính phủ và nhân dân Sri Lanka, ông cho rằng, đó sẽ là một đặc ân và là niềm vinh dự để đón Đức Thánh Cha viếng thăm đất nước xinh đẹp vừa mới thoát khỏi cảnh xung đột cách đây 3 thập kỷ.
Ông nói tiếp: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Sri Lanka sẽ là một dịp quan trọng cho tất cả người dân Sri Lanka. Và tôi thiết tha hy vọng, tôi sẽ sớm có vinh dự chào đón ngài ở đất nước chúng tôi “
Lá thư cũng viết “Kể từ khi ngài được bầu làm Giáo hoàng của Giáo hội công giáo vào tháng 3 vừa qua, người dân Sri Lanka đã chứng kiến sự khiêm nhường, lòng từ bi, sự khôn ngoan, tận tâm của ngài qua việc ngài thực hiện nhiệm vụ Giáo hoàng.”
Ông Tổng thống cũng viết trong lá thư rằng, “Giáo hội Công giáo La mã ở Sri Lanka đóng một vai trò quan trọng trong những năm qua về việc cải thiện cuộc sống của nhân dân, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế xã hội và các dịch vụ của Giáo hội giúp khắc phục hậu quả từ cuộc xung độ để tái thiết, hòa giải và khôi phục các cộng đồng.”
Đây là lần thứ 3 các Đức Giáo Hoàng tới thăm Sri Lanka: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến Sri Lanka vào năm 1970, Đức Gioan Phaolô II thăm đất nước này năm 1995 để phong chân phước cho cha Joseph Vaz, một nhà truyền giáo Sri Lanka. Tòa Thánh Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Sri Lanka vào năm 1976.
 PV.VRNs

Không có nhận xét nào: