CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Hội Thảo Truyền Giáo DCCT.VN ngày 27/9/2013




PVL (29/9/2013) – “Căn tính truyền giáo của người Ki-tô hữu” là đề tài được Cha Giuse Trần Sỹ Tín triển khai đến các tham dự viên Khóa Hội Thảo Truyền Giáo sáng ngày 27/9, ngày cuối cùng.
Với lời dẫn mở đầu, Cha An-tôn Lê Ngọc Thanh lướt qua lịch sử Giáo Hội thời sơ khai với việc cấm cách, bắt đạo 300 năm khiến Giáo Hội phải bước vào thế “Giáo Hội hầm trú, hang toại đạo”. Chỉ khi Hoàng đế Constantin, vị Hoàng đế đầu tiên theo Ki-tô giáo của Đế quốc La Mã, là người ban Sắc lệnh Milano chấm dứt thảm sát các tín đồ Ki-tô giáo trong toàn Đế quốc. Qua đó, ông đã chuyển đổi dần nước La Mã từ một Đế quốc Đa Thần giáo dần dà trở thành một Đế quốc Kitô giáo hùng mạnh. Do vậy, Giáo Hội Công Giáo mới được tự do xây dựng đền thờ, tự do lo việc phụng tự, tự do truyền đạo. Người  giáo dân lúc này đã có cơ hội dấn thân phục vụ Hội Thánh. 




Trong ý hướng này, Cha Trần Sỹ Tín tiếp lời Cha An-tôn Lê Ngọc Thanh, triển khai “Căn tính truyền giáo của Hội Thánh, cũng là căn tính truyền giáo của người Ki-tô hữu, trong kinh nghiệm của sứ vụ JARAI.”
Một số ý tưởng được ghi nhận như sau:
Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo là rao giảng Phúc Âm (evangelizatio) và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ.
Phương tiện chính để gieo trồng các Giáo Đoàn là việc rao giảng Phúc Âm của Chúa Giê-su Ki-tô.
Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Ki-tô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới.
Mỗi môn đệ Chúa Ki-tô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin khi hội nhập văn hóa người bản địa.
Việc làm rõ vài từ cũng cần thiết: VIỆC TRUYỀN GIÁO, từ chính thức của Hội Thánh là MISSIO do bởi động từ MITTERE có nghĩa là gửi đi, sai đi. PHÚC ÂM HÓA dịch từ EVANGELIZATIO. Trước đây chúng ta quen gọi là PHÚC ÂM, nay chúng ta quen gọi là TIN MỪNG. Nhưng chúng ta buộc phải dùng từ PHÚC ÂM HÓA (Hán Việt), không dùng từ TIN MỪNG HÓA (vì lẫn cả Hán lẫn Việt). Do vậy, chúng ta khẳng định ngay với nhau: TIN MỪNG hay PHÚC ÂM là CHÍNH CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ.
Những yếu tố làm thành căn tính truyền giáo có thể gút lại như sau:
HẠT GIỐNG LỜI CHÚA – KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA – PHÚC ÂM VÀ PHÚC ÂM HÓA – CẦU NGUYỆN – CHÚA THÁNH THẦN – GIÁO ĐOÀN – GIÁO HỘI – TRỒNG GIÁO ĐOÀN – TRỒNG GIÁO HỘI – SỐNG BẰNG LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ - TRƯỞNG THÀNH VÀ TIẾP TỤC PHÚC ÂM HÓA VỚI HỘI NHẬP VĂN HÓA.



Cuối cùng, Cha Giuse Trần Sỹ Tín đề cập đến Sứ  Vụ JRAI: Nào là học sống, học làm, học nói với JRAI. Nào là cùng với người JRAI cẩu nguyện với Lời Chúa. Kêrigma, Lời Rao Giảng Tiên Khởi cũng được mang đến cho người JRAI. Kêrigma không phải chỉ là tóm kết của đức tin hay là một phần của đức tin, nhưng là MẦM GIỐNG, từ đó xuất hiện mọi thứ còn lại. Thần Khí luôn luôn làm chứng và lôi kéo chúng ta làm chứng với Ngài. Ngài luôn xuất phát như trong ngày Hiện Xuống. Ngài là linh hồn của Hội Thánh Thừa Sai.
Cha Giuse Trần Sỹ Tín nhắc lại 3 từ liên quan đến câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi giúp người Ki-tô hữu sống đức tin giữa thời đại nhiều thách đố hiện nay. Đó là:
GIÊ-SU – CẦU NGUYỆN và LÀM CHỨNG.
Kết thúc chủ đề ban sáng, tham dự viên ghi nhận 3 câu hỏi để thảo luận tổ như sau:
Câu 1: Kêrigma, Lời rao giảng tiên khởi, cần như thế nào cho đời sống đức tin của tín hữu hôm nay? Tại sao?
Câu 2: Anh chị hãy phân biệt hai ý niệm HIỆP NHẤT  của Chúa Thánh Thần, và ĐỒNG NHẤT của ý muốn con người. Cái nào cần cho Sứ Vụ Truyền Giáo?
Câu 3: Khi nào anh chị sẽ thực hiện điều Chúa Giê-su muốn: “Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…”?
Sau khi các Tổ thảo luận xong, mọi người quay lại hội trường để đúc kết chung, lắng nghe tiếng nói của đại diện các Tổ.



Sau phần đúc kết chung, còn dư 15 phút, tham dự viên may mắn được lắng nghe Cha GB. Trương Thành Công, Giáo Xứ Thới Thạnh, Giáo Phận Cần Thơ,  chia sẻ về MỤC VỤ DẠY GIÁO LÝ CHO NGƯỜI DỰ TÒNG. Ngài trình bày một số ý sau.
Trước hết, ngài nhận định 3 điểm đối với người dự tòng:
Một là: Họ học đạo như là điều bị ép buộc để lấy vợ, lấy chồng Công Giáo.
Hai là: Họ muốn học lấy xong, học chiếu lệ để lấy vợ, lấy chồng Công Giáo.
Ba là: Họ cưới được rồi thì thôi Nhà Thờ.
Với nhận định như thế, ngài đề nghị người dạy Giáo Lý cần:
Một là: Thái độ tiếp đón niềm nở.
Hai là: Trấn an họ.
Ba là: Nói với họ, đạo Công Giáo có nhiều điều tốt, nhiều nét đẹp.
Sau cùng, ngài gợi ý thuyết phục họ học Giáo Lý với 6 điểm sau đây:
Một là: TÌNH YÊU dành cho người phối ngẫu.
Hai là: Tỏ thiện cảm, yêu thương đối với những người thân trong GIA ĐÌNH của người phối ngẫu.
Ba là: GIÁO DỤC CON CÁI cùng một niềm tin với cha mẹ sẽ thành công hơn, những nguy cơ, hậu quả đối với con cái sẽ giảm nhiều so với khi cha mẹ chúng khác niềm tin.
Bốn là: Hiểu biết đạo Chúa là điều cần thiết (Giáo Lý).
Năm là: HỌC 6 THÁNG một cách nghiêm túc (100 giờ học), không học lấy có, học làng nhàng dễ “Tẩu hỏa nhập ma”.
Sáu là: Việc học giáo lý là chuyện liên quan đến thần thánh. Có thể gạt linh mục, gạt cha mẹ người phối ngẫu, gạt người phối ngẫu, nhưng không được gạt thần thánh, gạt Chúa vì hậu quả sẽ khôn lường!



Cha GB. Nguyễn Minh Phương, Trưởng ban tổ chức, nêu lên hai ý thuyết phục:
Một là: Nhà truyền giáo cứ làm hết lòng, hết sức của mình, phần còn lại để Chúa Thánh Thần hoạt động.
Hai là: Hai vợ chồng giữ MỘT ĐẠO LÀ HẠNH PHÚC.
Vào buổi chiều, Cha An-tôn Lê Ngọc Thanh hướng  dẫn chính chủ đề MỤC VỤ CHO ANH CHỊ EM TÂN TÒNG. Ngài nhận định, từ KIẾN THỨC đến TRÃI NGHIỆM là một khoảng cách lớn. Giáo Hội Việt Nam tăng trưởng chậm. Trẻ em được rửa tội ở các gia đình Công Giáo thật đáng kể. Một số trẻ em khác, vì lý do nào đó, cha mẹ chúng không giữ đạo, đến lúc gặp khó khăn, bế tắc thì khi đứa bé lớn lên, chúng y như những tân tòng đi học đạo.
Người tân tòng như một chồi non trông đẹp nhưng dễ vỡ, dễ bị giập, chết.
Còn cây cổ thụ, bên ngoài coi xù xì, xấu xí nhưng bên trong là lõi, chắc chắn. Người có đức tin vững chắc y như cây cổ thụ vậy.
Ngoài ra, Cha An-tôn Lê Ngọc Thanh còn nhận định:
Người nữ theo đạo chồng, sống đạo tốt, tỷ lệ khá cao, thậm chí sống đạo tốt hơn chồng, đạo gốc.
Người nam theo đạo vợ, sống đạo nghiêm túc thì ít.
Sau khi nêu lên nhận định của mình, Cha An-tôn mời các chứng nhân đa số là người dân tộc, có cả người Kinh mới theo đạo, đang tham dự khóa hội thảo lên chia sẻ dựa trên các câu hỏi gợi ý của ngài để vấn đề đang trao đổi, chia sẻ có tính thuyết phục hơn.
Cuối cùng, một câu hỏi được nêu lên cho tham dự viên trở về thảo luận Tổ. Đó là:
“MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO NÊN ƯU TIÊN NHỮNG GÌ ĐỂ ĐƯA NHỮNG NGƯỜI TÂN TÒNG GẮN BÓ VỚI GIÁO HỘI VÀ SẴN SÀNG RA ĐI TRUYỀN GIÁO?”.
Tất cả tham dự viên trở về Tổ thảo luận dựa trên câu hỏi trên, sau đó, trở lại hội trường đúc kết chung.



Cha GB. Nguyễn Minh Phương đã có “Một bản đúc kết tóm tắt 4 ngày hội thảo” thật bổ ích. Có thể nói chung là: MÔN KI-TÔ HỌC đã được triển khai tường tận đến tham dự viên để mọi người hiểu, yêu mến, dấn thân cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng, mà trọng tâm loan báo chính là giới thiệu một ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH, CHỊU CHẾT VÀ SỐNG LẠI, HIỆN THỜI NGÀI VẪN ĐANG SỐNG ĐỂ CỨU ĐỘ TRẦN GIAN.



Tất cả 134 tham dự viên gồm đủ mọi thành phần trong Hội Thánh đã bước vào Nhà Thờ để cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn lúc 18 giờ 00 sau 4 ngày HỘI THẢO TRUYỀN GIÁO. Cha Giám Tỉnh DCCT.VN đã chủ sự Thánh lễ và giảng lễ. Các bài đọc và lời chia sẻ của Cha giảng xoáy vào việc Sai Đi Loan Báo Tin Mừng tại môi trường sống của mỗi người. Cuối Thánh lễ là một nghi thức sai đi trang trọng, sốt sắng với những ánh nến lung linh mà mỗi tham dự viên thắp lên từ nến Phục Sinh. Đại diện Khóa Hội Thảo ngỏ lời cảm ơn Tỉnh DCCT.VN và Quí Cha, Quí Thầy trong Ban tổ chức đã giúp tham dự viên có nơi ăn chốn ở, có điều kiện học hỏi truyền giáo trong 4 ngày qua. Những tiếng hát hướng về Mẹ Maria vang lên… Tất cả tham dự viên, sau đó chụp hình lưu niệm ghi lại những ngày tươi đẹp cùng sống với nhau, cùng học hỏi với nhau, cùng thắp cho nhau những ngọn lửa nhiệt thành để dấn thân phục vụ truyền giáo tại nơi mà Thần Khí Chúa sai đi.



Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, biết ơn Thánh Tổ phụ Anphong đã giúp cho Khóa Hội Thảo Truyền Giáo thành công tốt đẹp.





Không có nhận xét nào: