Thứ Tư Tuần 21 TN1
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 21 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: I Thes 2:9-13; Mt 23:27-32.
1/ Bài đọc I: 9 Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.10 Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được.11 Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con;12 chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người.13 Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.
2/ Phúc Âm: 27 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!29 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.30 Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ."31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ.32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tri hành đồng nhất: việc làm bên ngoài và ý hướng bên trong.
Trong cuộc sống, con người có thể chọn hai lối sống: Thứ nhất, là lối sống giả hình, giả nhân, giả nghĩa. Người theo lối sống này có thể đánh lừa thiên hạ bằng lời nói: "bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao;'' hoặc bằng cử chỉ điệu bộ: "cầu nguyện lâu giờ nơi công cộng để mọi người biết mình đạo đức, mang dáng bộ thiểu não để mọi người biết mình ăn chay;" hoặc bằng việc làm có tính toán: "thả con tép bắt con tôm." Thứ hai, lối sống tình nghĩa và chân thật: có gì nói đó; trong lòng nghĩ làm sao, cư xử làm vậy. Đây là lối sống theo tình yêu thực sự, không chỉ diễn tả bằng lời nói, nhưng còn được chứng tỏ bằng việc làm; không cho đi để được nhận lại, nhưng cho đi cách chân thành và vô vị lợi.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra hai mẫu người tương phản. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn chứng minh cho các tín hữu Thessalonica: ngài yêu họ thực sự như tình yêu của một người cha đối với con, chứ không phải với một tình yêu giả hình như một số người Do-thái tố cáo ngài vì ghen tức. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tố cáo cuộc sống giả hình của các người kinh-sư và biệt-phái. Họ chỉ chú trọng tới bên ngoài như những mồ mả bên ngoài có vẻ công chính tốt lành, nhưng bên trong đầy những mưu mô, thủ đoạn, và tính toán.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được.
1.1/
Việc làm chứng tỏ tình thương: Có những người khôn ngoan chỉ cần nhìn
vào thái độ và việc làm của một người, họ biết đương sự có thành thật
hay không. Đối với những người này, khó lòng mà qua mặt họ. Nhưng cũng
có những người ngây thơ và nhẹ dạ, dễ bị người khác lợi dụng và đánh
lừa. Đây là những người bị người Do-thái lợi dụng để chống lại Phaolô.
Người Do-thái cho rằng sở dĩ Phaolô hết lòng rao giảng cho các tín hữu
Thessalonica là vì lòng ham muốn lợi nhuận. Khi Phaolô nghe biết có
những dư luận như thế, Ngài phải viết thư để khuyên các tín hữu phải
khôn ngoan nhớ lại những gì ngài làm khi còn ở với họ: "Thưa anh em, hẳn
anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã
làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt
thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Anh em
làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín
hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách
được."
Phaolô
rất hãnh diện về thái độ "tay làm hàm nhai" của mình. Nghề nghiệp
Phaolô làm để sinh sống là nghề chế tạo lều, một vật không thể thiếu cho
những người du mục. Nhiều lần Phaolô nói với các tín hữu mặc dù ngài có
thể đòi các tín hữu phải trợ cấp như các tông-đồ khác, vì Ngài cũng là
nhà rao giảng Tin Mừng; nhưng Ngài chọn để sống tự lập, để không trở
thành gánh nặng cho bất cứ ai. Việc làm lều để kiếm tiền sinh sống là
một bằng chứng lời tố cáo của những người Do-thái ghen tị không có bằng
chứng.
1.2/
Không xấu hổ trước mặt Thiên Chúa: Có những nhà rao giảng Tin Mừng chỉ
nói để hoàn tất sứ vụ của mình; nhưng cũng có những nhà rao giảng nhiệt
thành làm mọi cách để đưa tha nhân về với Chúa. Phaolô muốn chứng minh
ngài là mẫu người thứ hai: "Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi
người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ,
van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào
Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người."
Một
điều nữa thánh Phaolô muốn các tín hữu nhận ra là bản chất của Tin
Mừng: Lời Chúa tự nó có thể giúp các tín hữu nhận ra điều nào là sự thật
hay gian trá, như một thanh gươm hai lưỡi xuyên thấu mọi tâm hồn: "Bởi
thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi
chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không
phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính
của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu."
2/ Phúc Âm: Sống giả hình để đánh lừa thiên hạ và che giấu tội lỗi.
2.1/
Cuộc sống giả hình: Chúa Giêsu tố cáo các kinh-sư và biệt-phái: "Khốn
cho các người, hỡi các kinh-sư và biệt-phái giả hình! Các người giống
như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương
người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ
công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian
ác!''
+ giả hình "u`pokrith,j"
có ba ý nghĩa: Thứ nhất, là người trả lời, hay người thông dịch, chỉ
biết những cái gì hai bên muốn nói, nhưng không biết ẩn ý bên trong. Thứ
hai, là kịch sĩ hay bất cứ ai giữ vai trò trong vở kịch. Kịch sĩ là
những người phải diễn tả những gì soạn giả muốn nói. Kịch sĩ nổi tiếng
là người phải nhập vai, phải diễn tả chính xác và như thật với vai trò
của nhân vật mình đang đóng; ví dụ, phải khóc thảm thiết trong lúc tâm
hồn thực sự chẳng có lý do gì để khóc, phải cười rũ rượi trong khi lòng
đang buồn sầu lo lắng. Sau cùng, là người giả hình, những người chỉ chú ý
đến điệu bộ bên ngoài, để che dấu những gì họ muốn bên trong.
+
Mồ mả tô vôi: để tránh khỏi bị nhơ bẩn cho dân chúng, các mồ mả được
quét vôi trắng để mọi người nhận ra mà tránh đụng vào để khỏi bị "không
sạch." Tuy nhiên, có trắng thế nào chăng nữa, cũng không che đậy được
thực tế bên trong là xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.
+
Lối sống giả hình: của các kinh-sư và biệt-phái cũng giống như vậy. Họ
mặc đủ mọi thứ áo quần, đeo những thẻ kinh và tua áo, làm những điệu bộ
cung kính bên ngoài ... Tất cả những điều này chỉ có thể đánh lừa những
người nhẹ dạ dễ tin; nhưng không thể qua mặt được những người khôn ngoan
kinh nghiệm, và không thể nào giấu được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi
cảm nghĩ và những thủ đoạn của họ.
2.2/
Truy tố các ngôn sứ: "Khốn cho các người, hỡi các kinh-sư và biệt-phái
giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công
chính. Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn
chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ." Như
vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ
đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên
các người đi!"
Xây
mồ cho các ngôn sứ: Hầu hết các ngôn sứ đếu bị người Do-thái đối xử bất
công, truy tố, và giết chết. Lý do đơn giản là các ngôn sứ vâng lời
Thiên Chúa nói những gì dân chúng không thích, hay tố cáo tội lỗi của
vua quan hay dân chúng. Các kinh-sư và biệt-phái xây mồ cho các ngôn sứ
hay tô mả cho các người công chính để chứng tỏ họ không giống như cha
ông của họ. Chúa Giêsu tố cáo: nếu họ thực lòng muốn như thế, họ phải
thay đổi thái độ và tiếp nhận các ngôn sứ. Đàng này, họ vẫn đang tìm
cách bắt bớ và truy tố chính Chúa Giêsu, Ngôn Sứ cao trọng nhất của
Thiên Chúa.
Thời
nay vẫn không thiếu những người như các kinh-sư và biệt-phái này. Có
những người tín hữu khi cha mẹ còn sống thì chẳng chăm sóc hay thăm
viếng; khi cha mẹ chết rồi mới than khóc vật vã để che mắt thiện hạ. Họ
tổ chức tang lễ cho thật linh đình và xây mồ mả thật đẹp cho cha mẹ để
che mắt sự bất hiếu của mình. Tục ngữ Việt-nam châm biếm những người
này: "Lúc sống, thời chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải tập để biết sống thành thực với Thiên Chúa, với tha nhân,
và với chính mình. Đừng sống giả hình như những kịch sĩ trên sân khấu,
để rồi không biết sự thật là gì nữa.
-
Khi sống thành thực, chúng ta sẽ cảm thấy bình an, không lo sợ bị lột
mặt lạ, và nhất là không lo sợ khi phải ra trước Tòa Phán Xét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét