CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tin Công giáo thế giới, ngày 27.08.2013


01852-120x80VRNs (27.08.2013) – Sài Gòn – Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc tại kỳ họp của các nhà lãnh đạo dòng Âu Tinh
CNA đưa tin, ngày mai, 28/8, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ khai mạc kỳ họp của các vị lãnh đạo dòng thánh Âu Tinh, cuộc họp tập trung vào việc đặt ra mục tiêu của dòng trong 6 năm tới cũng như bầu ra vị lãnh đạo mới
Địa điểm của buổi cử hành là Vương cung Thánh đường thánh Âu Tinh ở Campo Marzio. Thánh lễ nhằm khai mạc Công hội của tỉnh dòng, diễn ra 6 năm một lần, kéo dài từ 2 đến 3 tuần và sẽ được bắt đầu vào thứ 4 tuần này nhân lễ thánh Âu Tinh.
Đức Hồng Y Prospero Grech, một tu sĩ dòng Âu Tinh cho biết trong một tuyên bố ngày 26 tháng 8 “Đức Giáo hoàng rất nhiệt thành với thánh nữ Monica (mẹ của Thánh Âu Tinh) và thường đến viếng thăm mộ của thánh nữ Monica để cầu nguyện.”
Khoảng một trăm tu sĩ dòng Âu Tinh từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung tại Rôma để tham dự Công hội lần thứ 184 để bầu vị bề trên Cả.
Dự kiến sau 7 đến 10 ngày kể từ thời điểm Công hội được bắt đầu, vị đứng đầu tỉnh dòng sẽ được lựa chọn. Cho đến khi tiến trình bầu cử kết thúc, cha Tổng đại diện Michael Di Gregorio sẽ chủ trì cuộc họp. Vị Bề trên cả hiện nay là Cha Robert F. Prevost, ngài đã phục vụ 12 năm sau khi được tái đắc cử vào năm 2007.
Dòng thánh Âu Tinh hiện có mặt tại 50 quốc gia trên năm lục địa. Một trong những lý do khiến Công hội kéo dài vài tuần là do giữa các quốc gia có những vấn đề thực tế khác nhau và mục tiêu trong 6 năm tiếp theo sẽ được thiết lập sao cho phù hợp.
Dòng thánh Âu Tinh được thành lập vào năm 1244, với mục đích sống và phát huy tinh thần của cộng đoàn Kitô hữu Tiên khởi, dựa trên lời giảng dạy của thánh Âu Tinh, Đức Giám Mục thành Hippo, người đã sống trong khoảng thế kỷ thứ tư và thứ năm. Dòng Âu Tinh bao gồm cả dòng nam và dòng nữ với cùng 1 quy tắc “sống hòa thuận với nhau, cùng một tâm hồn và một trái tim, trên con đường hướng về Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha yêu cầu các chuyên gia tìm ra cách thức giải quyết nạn buôn người
Hãng Sứ Giả Công Giáo đưa tin, Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, các học giả và các nhà nghiên cứu thuộc hai học viện Giáo hoàng và Liên đoàn Thế giới của Hiệp hội Y tế Công giáo, đã cùng nhau nghiên cứu hiện tượng buôn bán người và tìm cách chống lại vấn nạn này.
Đức Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, hiệu trưởng danh dự của 2 học viện cho biết, nhóm cộng tác của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Khoa học và Khoa học Xã hội cùng Liên đoàn sẽ họp tại Vatican trong hai ngày, 2 và 3 tháng 11, để kiểm tra độ rộng lớn của vấn đề, cũng như nguyên nhân, các bước cần thực hiện để ngăn chặn nạn buôn người và giúp đỡ các nạn nhân.
Vị giám mục còn nói với Đài phát thanh Vatican rằng, không ai có thể phủ nhận rằng “việc buôn bán người là một tội ác khủng khiếp, chống lại phẩm giá của con người và vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người”.
Đức Giám mục Sanchez cho biết thêm, nhóm quốc tế các bác sĩ, các nhà khoa học, luật sư, nhà kinh tế và các học giả khác tham dự tại cuộc họp, sẽ xem xét các cách thức theo chuyên ngành riêng của họ nhằm giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người và để chống lại hiện tượng này.
Ví dụ, các nhà khoa học có thể dùng mẫu ADN đã đăng ký, của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng thông báo đã mất tích, để so sánh với những trẻ em đã được cứu thoát khỏi bọn buôn người.
Trong khi đó, các nhà khoa học xã hội nhìn nhận việc buôn bán người là một trong những “vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội và chính trị, gắn liền với tiến trình toàn cầu hóa”.
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, có 20,9 triệu người là nạn nhân của việc cưỡng bức lao động trên toàn cầu, trong số đó cả nạn nhân của nạn buôn người. Đức Giám mục Sanchez cho biết, ước tính có khoảng hai triệu người, chủ yếu là trẻ em gái, bị buôn bán mỗi năm cho các nhà chứa.
Ngài nói tiếp, “Một số nhà quan sát tin rằng, trong một vài năm nữa, nạn buôn bán người sẽ vượt qua nạn buôn bán ma túy và vũ khí để trở thành hoạt động tội phạm hấp dẫn nhất trên thế giới”
Trong một bài phát biểu vào tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, nạn buôn người là “một hoạt động đê hèn, một sự sỉ nhục đối với xã hội của chúng ta, cái được mô tả là văn minh”. Những người tị nạn, di dân và không có quốc tịch rất dễ vướng phải “dịch nạn buôn người”
Đức Hồng Y Oswald Gracias: Ấn Độ đang suy giảm trong đời sống tinh thần và xã hội
Trao đổi với hãng Asianews, Đức Hồng Y Oswald Gracias cho biết, vụ hãm hiếp một phóng viên ảnh trẻ ở Mumbai “phản ánh sự suy giảm trong đời sống tinh thần, xã hội và văn hóa của đất nước Ấn Độ. [Vì thế] thật khẩn cấp biết bao, để Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm của cuộc sống trong gia đình, trong xã hội, tại nơi làm việc và hướng dẫn chúng ta đến các giá trị của Tin Mừng “
Vị Tổng giám mục Mumbai và là Chủ tịch HĐGM Ấn Độ còn nói rằng, tai nạn xảy ra hôm 22 tháng Tám vừa qua gây ra sự “đau đớn và tức giận.” Đó “là điều tồi tệ nhất mà một người phụ nữ phải gánh chịu. Hãm hiếp là hành vi khủng bố về thể chất và tâm lý, một tội ác ghê tởm chống lại danh dự của phụ nữ.”
Nạn nhân của vụ việc là một phóng viên ảnh trẻ tuổi, đang thực tập tại một tạp chí tiếng Anh có trụ sở ở Mumbai. Cô đi cùng với các đồng nghiệp đến một nhà máy dệt hoang tàn, để thực hiện một buổi chụp hình.
Một toán đoàn ông xuất hiện và nói rằng họ không được chụp ảnh. Năm trong số họ đã đánh đập và buộc chặt người đồng nghiệp và sau đó tấn công cô gái trẻ
Theo cảnh sát, họ đã bắt giữ tất cả các nghi phạm của vụ án. Hiện nay, người phụ nữ trẻ đang trong tình trạng ổn định tại bệnh viện.
Bộ trưởng Maharashtra đã ra lệnh xét xử nhanh chóng với năm người đàn ông, tuổi từ 18 đến 23. Đây là trường hợp tương tự với vụ việc xảy ra tại New Delhi, vào tháng 12 năm 2012.
Ngoài ra, Đức Hồng Y còn đề xuất hướng giải quyết, “Giáo Hội là một công cụ để phục vụ cho xã hội và quốc gia, thông qua việc giáo dục trong các cơ sở của mình”
Ngài yêu cầu các trường học công giáo, khắc sâu các giá trị của công bằng và tôn trọng giới tính, không chỉ cho các học sinh mà còn cho các bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về cách chúng ta đối xử với phụ nữ trong gia đình. Giáo Hội tại Mumbai và toàn Ấn Độ sẽ thúc đẩy một nền văn hóa cao thượng, được xây dựng trên sự bình đẳng, công bằng và tôn trọng giữa người nam và người nữ. “
PV. VRNs

Không có nhận xét nào: