VRNs (22.06.2013)
– Sài Gòn- Ngày nay, hầu như cái gì cũng có đồ thật và đồ giả, rất khó
phân biệt hàng hiệu và hàng dỏm. Vì lợi nhuận, người ta làm giả mọi thứ.
Thật tội nghiệp những người lương thiện! Nhưng không chỉ có đồ giả mà
người ta còn dám tạo ra những “người giả” – giả danh giả nghĩa, đạo đức
giả, chứ không phải “người mẫu” (người giả, ma-nơ-canh, mannequin) ở các
tiệm may!
Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu,
đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong. Vì
chối bỏ vị Chúa Tể đã chuộc họ về, họ sẽ mau chóng chuốc lấy hoạ diệt
vong. Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và vì họ, con
đường sự thật sẽ bị phỉ báng. Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em
để trục lợi. Án phạt họ đã sẵn sàng từ lâu, và hoạ diệt vong đã gần
kề” (2 Pr 2:1-3).
Trong lời cảnh báo của vị giáo hoàng tiên
khởi không hề có liên từ “nếu” hoặc “nhưng”, màh chỉ dùng câu rõ ràng
và xác định. Đã có những tiên tri giả trong dân Israel thời Cựu ước, đó
là vấn đề lịch sử.
Các tiên tri giả là vấn đề không ngừng
xảy ra trong Cựu ước, họ mạo nhận là tiên tri của Chúa. Dân chúng bị họ
“khủng bố” về đời sống tâm linh.
Thánh Phêrô nói: “Sẽ có các ngôn sứ giả và các thầy dạy giả hiệu trong dân”.
Ngài không nói về những con người của kỷ nguyên mới, mà nói về những
người trong các giáo hội địa phương, các thành viên của các giáo đoàn
địa phương.
Không có những điều như vậy khi Giáo hội
tinh tuyền. Lúa mì và cỏ lùng cùng mọc: Satan là kẻ giả danh… Satan là
Tin Mừng giả (x. Gl 1:6-9), Satan là các tông đồ giả (x. 2 Cr 11:13-12),
Satan tạo ra các Kitô hữu giả (x. 2 Cr 11:26)… Satan gieo cỏ lùng vào
nơi Thiên Chúa trồng lúa (x. Mt 13:38).
LÀM SAO PHÂN BIỆT THẬT VÀ GIẢ?
Chúng ta có thể nhận biết các Kitô hữu thật và giả qua trình thuật 2 Pr 1-2:
1. Nguồn khác nhau – Sứ điệp đó đến từ đâu?
Thánh Phêrô nói: “Chúng tôi nói cho
anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường
thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy
phong lẫm liệt của Người” (2 Pr 1:16). Rồi ngài nói về các thầy dạy giả danh: “Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi” (2 Pr 2:3).
Như vậy, các thầy dạy chính hiệu nói những điều có nguồn gốc từ Kinh
Thánh. Thầy dạy giả hiệu dựa vào sự sáng tạo riêng của họ, đưa ra các sứ
điệp riêng.
2. Sứ điệp khác nhau – Sứ điệp có chất gì?
Đối với thầy dạy chính hiệu, Chúa Giêsu là trung tâm điểm: “Đức
Kitô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì
giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết
Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta” (2 Pr
1:3). Đối với thầy dạy giả hiệu, Chúa Giêsu chỉ đứng bên lề: “Những thầy dạy giả hiệu sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong” (2 Pr 2:1).
Chú ý chữ “lén lút”, tức là “bí mật lừa
bịp”. Hiếm có người công khai chối bỏ Chúa Giêsu. Thầy dạy giả hiệu sẽ
nói về cách người khác có thể giúp bạn thay đổi cách sống, nhưng nếu bạn
lắng nghe điều họ nói, bạn sẽ thấy rằng Đức Giêsu Kitô không là chủ yếu
trong sứ điệp của họ.
3. Vị trí khác nhau – Sứ điệp này đặt bạn vào vị trí nào?
Kitô hữu chân chính “được thông phần bản
tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra
trong trần gian” (2 Pr 1:4). Hãy nghe cách Thánh Phêrô mô tả Kitô hữu
giả hiệu: “Họ hứa cho những kẻ đó được tự do, nhưng chính họ lại làm
nô lệ cho lối sống dẫn đến hư vong, vì đã thua ai thì phải làm nô lệ
người ấy” (2 Pr 2:19). Tín hữu thật sẽ tránh sự hư đốn, còn tín hữu giả sẽ bị sự hư đốn điều hành.
4. Tính cách khác nhau – Loại người nào có sứ điệp này?
Tín hữu thật theo đuổi điều đức độ, hiểu
biết, tiết độ, đạo đức, kiên nhẫn, tử tế, và bác ái (2 Pr 1:5). Các Kitô
hữu giả hiệu ham muốn những điều ô uế mà sống theo xác thịt, những kẻ
khinh dể chủ quyền của Chúa (2 Pr 2:10), nhìn thấy phụ nữ là ao ước
ngoại tình, phạm tội không chán, nhử mồi các tâm hồn nông nổi, lòng dạ
đã quen thói tham lam (2 Pr 2:14). Đó là những điểm chung của các tín
hữu giả.
5. Lời kêu gọi khác nhau – Tại sao chúng ta nên nghe sứ điệp này?
Thầy dạy thật thu hút vào Kinh Thánh: “Như
vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú
tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm,
cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh
em” (2 Pr 1:19). Thiên Chúa nói gì thì thầy dạy chính hiệu đều nghe theo.
Thầy dạy giả hiệu khác hẳn: “Miệng
nói những lời huyênh hoang rỗng tuếch, họ dùng những ham muốn xác thịt
dâm ô mà nhử những người vừa thoát tay các kẻ sống trong lầm lạc” (2 Pr
2:18). Thầy dạy chính hiệu hỏi: “Chúa nói gì qua Kinh Thánh?”. Thầy dạy giả hiệu hỏi: “Người ta muốn nghe gì? Điều gì thu hút xác thịt?”.
6. Hoa quả khác nhau – Kết quả thế nào trong đời sống?
Tín hữu chính hiệu tác dụng hiệu qua và
sản sinh dồi dào trong việc hiểu biết Thiên Chúa (2 Pr 1:8). Tín hữu
chính hiệu Tín hữu giả hiệu “là suối không có nước, là mây bị bão cuốn
đi” (2 Pr 2:17). Họ hứa nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu!
7. Kết thúc khác nhau – Sứ điệp dẫn đi đâu?
Có điều tương phản. Tín hữu chính hiệu có
“con đường rộng mở để đón nhận vào Nước vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô là
Chúa và là Đấng cứu độ” (2 Pr 1:11). Tín hữu giả hiệu “sẽ mau chóng
chuốc lấy hoạ diệt vong” (2 Pr 2:1) và “án phạt họ đã sẵn sàng từ lâu,
và hoạ diệt vong đã gần kề” (2 Pr 2:3).
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng có nhiều người liên quan sứ vụ nhân danh Ngài, và Ngài nói: “Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước
Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên
trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21). Những người này là ai? Chắc chắn Thánh Phêrô mô tả họ trong đoạn văn này.
ĐỪNG NHẸ DẠ, CẢ TIN
Đừng ngây ngô hoặc không biết: “Có những ngôn sứ và thầy dạy giả dạng” (2 Pr 2:1). Nhưng làm sao áp dụng lời cảnh báo này?
Thứ nhất, lời than phiền của Thánh Phêrô
nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội cần được bảo vệ. Trong số nhiều người đi
qua Cửa Giáo Hội hằng năm, một số người lại làm hại hơn là làm lợi.
Có thể họ có vẻ là những người dễ thương
nhất, nhưng họ không tin vào quyền lực của Kinh Thánh hoặc tính độc nhất
của Ơn Cứu Độ nơi Đức Kitô. Chúng ta đón tiếp những người như vậy, vì
họ cần Đức Kitô cũng như chúng ta, nhưng chúng ta không nên để họ gây
ảnh hưởng xấu tới Giáo hội.
Thứ nhì, những người đa nghi luôn có thể
chỉ ra sự đạo đức giả và sự mâu thuẫn trong Giáo hội. Họ luôn làm như
vậy, và sẽ làm như vậy. Một trong các lý do lạ lùng nhất đối với việc
không theo Đức Kitô là thế này: “Tôi thấy những người trong Giáo hội là những người giả hình”. Do đó, bạn sẽ không dám bước theo Đức Kitô chỉ vì có một số người nói rằng làm như vậy là đạo đức giả?
Sự hiện hữu của những “người giả” không
bao giờ là lý do tốt để loại bỏ những “người thật”. Thánh Phêrô đang
nhắn nhủ với mỗi chúng ta: “Dĩ nhiên là có những Kitô hữu giả. Dĩ
nhiên có các thầy dạy làm hại Giáo hội hơn là làm lợi. Chúng ta mong chờ
gì ở thế giới sa đọa này? Hãy đứng dậy và hãy trưởng thành! Đừng ngây
ngô! Đừng bỏ lỡ cái thật vì bạn đã thấy cái giả”.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TheGospelCoalition.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét