CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

THÔNG BÁO CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN C




THÔNG BÁO
CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN C
MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
2/6/2013
VPGX trân trọng thông báo:
1/ Đáp lời kêu gọi của Đức Hồng Y Tổng Giáo Phận Sàigòn, nhân tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu về việc đóng góp quỹ hưu dưỡng chăm sóc Quý Cha sau thời gian phục vụ, nay già yếu, bệnh tật đang nghỉ hưu.
Giáo Xứ có đặt thùng quyên góp trọn ngày Thứ Bảy 01/6 và Chúa Nhật 02/6/2013.

2/ Chúa Nhật hôm nay lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, cũng là ngày chầu lượt của Giáo Xứ. Giờ chầu được phân công như sau:
-       Từ 11 đến 12 giờ 00          : Xóm Giáo 6 + 8
-       Từ 12 đến 13 giờ 00          : Xóm Giáo 1 + 3
-       Từ 13 đến 14 giờ 00          : Xóm Giáo 4 + 5
-       Từ 14 đến 15 giờ 00          : Xóm Giáo 2 + 7
-       Từ 15 đến 15 giờ 30          : Xứ Đoàn Kitô Vua.
Vào lúc 16 giờ 30 (sau Thánh lễ thiếu nhi) có kiệu Thánh Thể và chầu Thánh Thể tại Nhà Chầu và Lễ Đài.
(Sau Thánh lễ 10 giờ Chúa Nhật không đọc thông báo này).

3/ Chúa Nhật 2/6/2013 vào lúc 5 giờ, giờ Rôma. Tại Đền Thánh Phêrô ở Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự giờ chầu Thánh Thể.
Trong tâm tình hiệp thông cùng Đức Thánh Cha, và cùng với các Nhà Thờ, các Tu Viện, Dòng Tu trên thế giới, Giáo Xứ sẽ tổ chức giờ chầu Thánh Thể vào lúc 22 giờ.

4/ Thứ Hai đầu tháng 3/6/2013, vào lúc 6 giờ có Thánh lễ tại Phòng Hài cốt.

5/ Thứ Năm đầu tháng 6/6/2013, có Thánh lễ giới gia trưởng và hiền mẫu lúc 18 giờ .
6/ Kể từ ngày 4/6 đến 7/6/2013, Quí Cha Quí Thầy tĩnh tâm, do đó tại Nhà Thờ Giáo Xứ, Quí Cha:
-         Không giải tội.
-         Không tiếp khách.
-         Không có giờ học hỏi về Năm Đức Tin vào chiều Thứ Ba 4/6/2013.
-         Không có giờ Suy Tôn Lời Chúa tối Thứ Tư 5/6/2013.
-         Không có giờ Chầu Thánh Thể tối Thứ Năm 6/6/2013.
-         Tại các Nhà Nguyện Xóm không có Thánh lễ.

7/ Chúa Nhật 9/6/2013, sau Thánh lễ 6 giờ 30 có buổi họp phụ huynh các em đăng ký học lớp giáo lý thêm sức. Địa điểm: Phòng Hiệp Nhất Lớn sau Nhà Thờ.

8/ Giáo Xứ sẽ mở lớp Giáo Lý Hôn Nhân Khóa 89, khai giảng vào Chúa Nhật 21/7/2013 và kết thúc vào Chúa Nhật 01/12/2013.
Lớp dành cho mọi người quan tâm đến đời sống hôn nhân và gia đình, cách riêng các bạn trẻ mong muốn có sự chuẩn bị tốt hơn khi bước vào đời sống hôn nhân và gia đình.
Thời gian ghi danh kể từ 02/6/2013 tại VPGX (nghỉ Thứ Hai).
-         Sáng: 8 giờ – 10 giờ 30
-         Chiều: 14 giờ 30 – 17 giờ 00
-         Tối: Các ngày trong tuần từ 18 giờ 00 tại Văn Phòng Lớp Giáo Lý Hôn Nhân tầng trệt, phòng A.01.
Kính mời quí cộng đoàn hiệp thông tham dự.
VPGX

Xin Lưu Ý: Tối Thứ Bảy 8/6/2013, vào lúc 19 giờ có buổi hội thảo chuyên đề hậu kết hôn do Cha Tôma Aquinô Phạm Phú Lộc tổ chức với đề tài “Phút Hồi Tâm” do Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế thuyết trình. Địa điểm: Dẫy A Lầu 3 Phòng 201.
Xin mời các bậc phụ huynh, các gia đình trẻ và những ai quan tâm các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình tham dự.

Câu chuyện hay về cuộc sống


 
Câu chuyện bắt đầu ở một chung cư có 80 tầng.
2 anh em sống trên tầng 80 của một chung cư cao ngất, một ngày kia về nhà sau một ngày làm việc họ choáng váng nhận ra thang máy của chung cư đã bị hỏng mất rồi. Họ buộc phải leo bộ lên căn hộ của mình. Ban đầu họ lưỡng lự nhưng rồi sức trẻ và sự háo hức khám phá những căn nhà mà trước đây chưa bao giờ thấy vì suốt ngày chỉ đứng trong thang máy, thế là họ hăm hở leo lên bằng sức trẻ của mình.
Đến tầng 20 họ thở hổn hển vì mệt mỏi, họ quyết định để lại túi xách của mình tại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người anh bắt đầu lầm bầm và sau đó là cãi nhau, ban đầu chỉ là sự than thở vì sự lựa chọn nơi ở mà không nghĩ đến chuyện thế này có thể xảy ra. Lâu dần họ lôi những tật xấu của nhau ra để phơi bày như chưa bao giờ được nói, họ vừa tiếp tục những bước chân nặng nề của mình,vừa cãi nhau đến tầng 60.
Bỗng họ chợt nhận ra rằng chỉ còn 20 tầng nữa thôi, họ quyết định ngừng cãi nhau và cùng leo lên trong sự im lặng và bình an giả tạo. Họ im lặng leo lên và cuối cùng cũng lên đến căn hộ của mình. Đến nơi họ chợt phát hiện họ đã để quên chìa khóa trong túi xách lúc nãy, để lại ở tầng 20.
Một câu chuyện giản đơn mang một thông điệp không hề đơn giản:
20 năm đầu cuộc đời, là lứa tuổi của sự hồn nhiên, của hi vọng và lạc quan. Chúng ta không chỉ mang trên vai kì vọng về ước mơ của cha mẹ, ông bà, người thân mà cả những hình ảnh tốt đẹp nhất vẫn luôn đâu đó trong mỗi suy nghĩ giấc ngủ.
Xem một bộ phim về siêu nhân nào đó, ta cũng thường mơ ước một ngày được bay trên đôi cánh dũng mãnh. Nhìn thấy một doanh nhân thành đạt, ta cũng hình dung tới một ngày biệt thự, chiếc xe sang trọng kia không còn là xa lạ. Cứ như thế ta bước đi háo hức và chờ đợi được khám phá.
20 tuổi, ta sẽ bắt đầu cho những lựa chọn, lựa chọn có thể là của ta nhưng cũng có thể là của ba mẹ, người thân hoặc của một ai đó. Dẫu của ta hay của ai đó, thích hay không ta cũng bắt đầu thực dụng hơn để sống với lựa chọn này bỏ lại sau lưng những hoài bão, những ước mơ của ngày xưa. Ta hăm hở đi tiếp cuộc hành trình của cuộc đời.
40 tuổi, cột mốc để mỗi chúng ta cảm nhận được giá trị của bản thân mình. Thành công, chưa thành công, không thành công khi đó đã rõ ràng. Và như chúng ta thấy về câu chuyện ngôi nhà 80 tầng, đâu đó sự vô tình trách móc đã xảy ra với chúng ta. Tìm kiếm lí do để biện hộ, kiếm những hoàn cảnh để biện minh cho bản thân dường như đã là thói quen. Và cứ như thế từ cái tuổi 40, ta càu nhàu bước tiếp cuộc sống của mình.
60 tuổi, cảm giác bình yên giả tạo che đậy sự bất lực. Và im lặng thường là giải pháp. Có bao giờ bạn thấy những cụ già ngồi trầm tư bó gối kể về những ngày xưa trong sự hoài niệm khôn nguôi bất lực và chấp nhận sống tiếp quãng đời còn lại. Và dường như điều đó vẫn chưa phải là điều khủng khiếp lắm.
80 tuổi, ta cứ cho là cuộc đời của mình kết thúc ở đây. Và hơn bao giờ hết, khi cận kề cái chết ta mới nhận ra một cách thảng thốt. Những gì ý nghĩa nhất của cuộc đời ta đã bỏ quên từ những năm 20 tuổi.

Bài học từ loài ngỗng


 
Vào mùa thu, khi bạn thấy đàn ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào đó có thể rút ra từ đó? Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẫy cho con ngỗng bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một.

Khi là thành viên của một nhóm, ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, ta sẽ đi đến nơi ta muốn nhanh hơn và dễ dàng hơn, vì ta đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Mỗi khi con ngỗng bay lạc hỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ và được hưởng những ưu thế của sức mạnh bầy đàn.

Nếu chúng ta cũng cảm nhận sự tinh tế của loài ngỗng, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin với những người cũng đang cùng một mục tiêu như chúng ta.

Khi con ngỗng đầu đàn mệt mỏi, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.

Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận.

Tiếng kêu của đàn ngỗng từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng. Những lời động viên sẽ tạo nên sức mạnh cho những người đang ở đầu con sóng, giúp họ giữ vững tốc độ, thay vì để họ mỗi ngày phải chịu đựng áp lực công việc và sự mệt mỏi triền miên.

Cuối cùng khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến khi nào con ngỗng bị thương có thể bay lại được hoặc là chết và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác và bay về Phương Nam.

Nếu chúng ta có tinh thần của loài ngỗng, chúng ta sẽ sát cánh bên nhau khi có khó khăn. Lần sau có cơ hội thấy một đàn Ngỗng bay bạn hãy nhớ....Bạn đang hưởng một đặc ân khi là thành viên của một nhóm.

Lời Chủ Chăn Tháng 6/2013


Lời Chủ Chăn tháng 6.2013
Tòa TGM Thành phố HCM
Kính gửi linh mục, tu sĩ, giáo dân
trong gia đình giáo phận,
Tin Chúa là tin, sống, và chia sẻ cho nhau
lòng từ bi thương xót của Cha trên trời
Anh chị em rất thân mến,
1. Trọng tâm của lòng tin Chúa. Tin Chúa, trước hết là tin Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót đối với loài người. Là tin Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người, là hiện thân của lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Là tin Chúa Thánh Thần là suối nguồn lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa.
Tin Chúa, cơ bản trong thực tế cuộc sống, còn là tin rằng: do và nhờ lòng Chúa thương xót vô biên ban mọi ơn lành, mọi người, mọi gia đình mới có được như ngày hôm nay. Với niềm tin đó, người tín hữu đi hành hương trong Năm Đức Tin, có thể khám phá nhiều dấu ấn của lòng Chúa thương xót, theo dòng lịch sử, trải dài trên đời sống gia đình nhân loại trong thế giới hôm nay.
2. Những dấu ấn trên Thánh địa. Thánh địa ghi lại dấu ấn những điều kỳ diệu lòng Chúa thương xót đã thực hiện trong lịch sử, vì sự sống của gia đình nhân loại:
- Con Thiên Chúa nhập thể làm người, khiêm tốn chia sẻ phận người,
- dấn thân loan truyền Tin Mừng cứu độ, phục vụ cho sự sống con người, chữa lành bệnh tật, làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, phục hồi sự sống cho người chết, hóa bánh ra nhiều nuôi nhiều ngàn người,
- yêu thương đến cùng, yêu đến độ chấp nhận khổ hình và cái chết tủi nhục trên thập giá,
- phục sinh vinh hiển, mở đường cho người người đi đến cội nguồn sự sống mới của Chúa Giêsu Phục Sinh, sự sống dồi dào chan hòa ánh sáng chân lý, yêu thương, bình an...
3. Những dấu ấn ở những nơi Thánh Mẫu Maria hiện ra. La Vang, Lộ Đức, Fatima, là những nơi ghi lại dấu ấn Thánh Mẫu Maria cộng tác với Đấng Cứu độ mang lòng Chúa thương xót đến ủi an, nâng đỡ, ban bình an cho nhiều người, đặc biệt người lâm cảnh khó khăn, giúp mọi người vững tâm tiến bước theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu dẫn đến nguồn sống dồi dào chan hòa ánh sáng chân, thiện, mỹ, trong Nước Chúa.
4. Những dấu ấn tại Roma, trung tâm của Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập. Roma là nơi ghi lại dấu ấn các vị thi hành sứ vụ Phêrô mở rộng Nước Chúa là cõi trời mới đất mới chan hòa ánh sáng chân lý, yêu thương và an bình, tỏa sáng lòng Chúa thương xót đối với con người. Cụ thể Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với con tim chan chứa lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, gặp gỡ và đồng cảm với cảnh ngộ người cùng khổ, bị loại trừ. Ngài dùng sức mạnh của lòng Chúa thương xót, khiêm tốn phục vụ cho sự sống mới cùng niềm hy vọng mới của mọi người trong thế giới hôm nay...
5. Lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa và quyền lực trong xã hội loài người. Người trẻ hôm nay chỉ cho tôi thấy có hai thứ quyền lực trong xã hội, quyền lực cứng và quyền lực mềm.
"Quyền lực cứng" là quyền lực dùng sức mạnh áp đặt của uy quyền cùng luật lệ, thúc ép con người làm điều quyền lực cứng mong muốn. Quyền lực cứng tạo ra thế đối đầu, không mở đường cho đối thoại và hợp tác xây dựng. Do đó, quyền lực cứng làm cho con người sợ, khép lòng lại, tránh né, hoặc theo bản năng tự vệ cùng lòng tham sân si phản ứng chống trả...
"Quyền lực mềm" là quyền lực dùng sức mạnh hấp dẫn, lôi cuốn, của lòng từ bi thương xót, mở rộng sự đồng cảm và tình liên đới, cùng nhau tiến bước đi đến niềm hy vọng mới, hy vọng chung sức phát triển toàn diện và vững bền sự sống con người, chung lòng chung ý xây đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương chan hòa ánh sáng chân, thiện, mỹ, cho xã hội chỉ bận tâm với cơm áo gạo tiền, bận tâm với khuynh hướng hưởng thụ duy vật chất hôm nay.
6. Sống niềm hy vọng mới trong thế giới hôm nay. Con người sống niềm hy vọng mới, là người vững tin vào Thiên Chúa tình yêu, luôn gắn bó với nguồn chân, thiện, mỹ, thường xuyên mở rộng lòng tin đón nhận lòng Chúa thương xót, sống và chia sẻ lòng từ bi thương xót trong gia đình, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội và xã hội, đặc biệt đối với người sống trong hoàn cảnh khó khăn với nhiều thách đố trong xã hội hôm nay.
Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý, người không làm theo Lời Chúa dạy yêu thương nhau, yêu thương mọi người, yêu thương cả kẻ địch thù chống đối mình, thì dễ chạy theo sự xúi giục của tà thần, dễ chạy theo khuynh hướng hưởng thụ những thứ tự do của văn hóa sự chết, tự do ly dị, tự do phá thai, tự do đồng tính, tự do đấu tranh chống đối nhau, kết án nhau, loại trừ nhau.
7. Chuyên cần cầu nguyện cho nhau. Tôi ước mong mọi người không ngừng cầu nguyện cho nhau, cho tôi, xin Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn hồng ân đức tin, chia sẻ cho nhau lòng Chúa thương xót vô biên, kiên vững trong niềm hy vọng mới, chung sức xây đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương cho xã hội đất nước hôm nay.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục

Chúa hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường.

Lễ Mẹ đi thăm viếng


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Lễ Mẹ đi thăm viếng, Năm Chẵn

Bài đọc: Sop 3:14-18a (Rom 12:9-16); Lk 1:39-56.

1/ Bài đọc I: 14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.

15 Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa.
Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.

16 Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: "Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời."
17 Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng 18 như trong ngày lễ hội.
Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai hoạ
khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa.


2/ Phúc Âm: 39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.
41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!

50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường.

Luôn luôn có một sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa: Con người yêu thích quyền cao, chức trọng; Thiên Chúa yêu mến kẻ hèn kém, khiêm nhường. Con người thích được mọi người phục vụ; Thiên Chúa yêu mến kẻ phục vụ mọi người. Con người trốn tránh đau khổ; Thiên Chúa yêu mến những người đau khổ... Một cách cụ thể, Thiên Chúa chọn cha sở xứ Ars, một người ít học, quê mùa làm quan thầy hàng giáo sĩ; Ngài chọn Mẹ Têrêxa phục vụ kẻ nghèo để đưa bao nhiêu người vào Giáo Hội. Ngài chọn một y tá Martinô để chữa bệnh biết bao người, ngay cả tại Việt Nam.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật công trình kỳ diệu của Thiên Chúa nơi những người vâng phục nghèo hèn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Sophonia tiên báo Chúa sẽ đưa con cái Israel và Judah còn lại từ khắp nơi trở về để xây dựng lại quê hương và Đền Thờ trong vui mừng, giữa lúc không còn tia hy vọng nào nữa. Trong Phúc Âm, bà Elisabeth nhận ra ngay lý do Maria được tôn phong làm Mẹ Thiên Chúa vì Maria tin những gì Chúa phán sẽ được thực hiện. Mẹ Maria cũng nhận ra quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ, một thôn nữ nghèo hèn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.

1.1/ Bất tuân lệnh Thiên Chúa là lý do của hai cuộc lưu đày: Hai lý do khơi dậy sự tức giận của Thiên Chúa khiến Ngài để mặc dân Do-thái cho kẻ thù phương Bắc Assyria và Babylon giày xéo và mang đi lưu đày:
(1) Rời bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang: Khi con người trở nên giàu có, họ có khuynh hướng xa lìa Thiên Chúa như câu tục ngữ Việt Nam “no cơm rửng mỡ.” Đọc các Sách Ngôn Sứ, chúng ta thấy Thiên Chúa không ngừng gởi các ngôn sứ tới để kêu gọi dân ăn năn trở lại; nhưng họ đã không thèm nghe, lại còn bắt bớ, xỉ nhục và bỏ tù nữa.

(2) Sống bất công với người nghèo khổ: Lý do chính con người trở nên giàu có không phải vì chăm chỉ làm ăn, mà là đối xử bất công với người nghèo khổ. Những kẻ quyền thế lợi dụng quyền hành để chiếm đất đai của dân nghèo hay trả lương không đủ để họ có thể sống. Khi tiếng dân nghèo kêu kên Thiên Chúa, Ngài sẽ lắng nghe họ.

1.2/ Tin tưởng nơi tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phải ra tay sửa phạt dân không phải vì Ngài ghét bỏ họ; nhưng để họ nhận ra những lỗi lầm mà ăn năn trở lại. Trong khi dân chúng phải sống cực khổ nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để cung cấp niềm hy vọng cho dân: Nếu họ biết ăn năn trở lại, Ngài sẽ ra tay cứu thoát họ.
Tiên tri Sophonia là một trong các tiên tri sống trong nơi lưu đày với dân. Sứ điệp của tiên tri gởi đến cho dân là “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!
Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.”

Nhiều người sẽ nản lòng và không tin, nếu họ nghĩ xưa kia còn vua và binh lính mà còn chưa giữ được quốc gia; phương chi bây giờ phải chịu khốn khổ nơi lưu đày, lấy binh lính và khí giói đâu mà chống lại quân thù? Những người hiểu như thế là chưa biết uy quyền và sự quan phòng của Thiên Chúa. Lịch sử chứng minh Thiên Chúa đưa dân về mà không cần đến lực lượng quân sự. Ngài thay dạ đổi lòng vua Dân Ngoại Persia để vua này không những ra chiếu chỉ cho dân hồi hương mà còn cấp tiền của để dân kiến thiết lại xứ sở và Đền Thờ.
2/ Phúc Âm: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

2.1/ Elisabeth nhận ra chức vụ “Mẹ Thiên Chúa” của Maria: Có hai điều kỳ lạ xảy ra cho Elisabeth trong cuộc gặp gỡ này.
+ Điều lạ thứ nhất: Maria chưa hề hé môi nói cho Elisabeth biết những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi mình; nhưng chỉ cần sự hiện diện của Maria, Elisabeth đã biết tất cả. Bà biết là do sự hiện diện của Thánh Thần bao trùm cả hai mẹ con như lời bà thú nhận: “vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên vui sướng, và bà được đầy tràn Thánh Thần.” Ngài là Thần Chân Lý, vì thế, không lạ gì Elisabeth biết: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”
+ Điều lạ thứ hai: Elisabeth biết rõ Maria được Thiên Chúa tôn phong là thân mẫu của Chúa Giêsu vì Maria “tin Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện.”

2.2/ Maria nhận ra ý thích và quyền năng thực hiện của Thiên Chúa.

Nhiều học giả cho bài ngợi ca “Magnigicat” không phải của thánh sử Lucas, cũng không phải của Maria; nhưng đã có trong truyền thống và được đặt vào đây để nói lên tâm trạng biết ơn của Maria dành cho Thiên Chúa. Điều này cũng dễ hiểu, vì các tín hữu thường thuộc lòng những bài ca quen thuộc và hát lên để tạ ơn Thiên Chúa khi cơ hội tới như bài “Tán tụng hồng ân” mà nhiều người chúng ta hát trong các dịp để tạ ơn. Tuy nhiên, chúng ta đừng đánh giá thấp sự linh hứng của Thánh Thần trong Mẹ Maria, Ngài có thể giúp Mẹ làm chuyện này.
Hai điều quan trọng chúng ta học được trong bài “Ngợi Ca” hôm nay:
(1) Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường và ghét người kiêu căng: Trước tiên, Mẹ nhận ra những điều Chúa làm cho Mẹ là hoàn toàn do ý định và uy quyền của Ngài. Mẹ chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, không đáng nhận những ơn lành này. Mẹ ngợi ca tình yêu của Thiên Chúa và ước mong cho mọi người biết những việc Ngài làm.
Tại sao Thiên Chúa không thích người kiêu căng? Thứ nhất, người kiêu căng ăn cắp công ơn của Thiên Chúa đã làm cho họ. Hiểu cho tới ngọn nguồn, chẳng có sự gì con người có được mà không đến từ Thiên Chúa: quyền thế, danh vọng, của cải, tài năng, thời gian... Thứ hai, kiêu căng làm con người kiêu căng nghĩ mình không cần Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ mình có thể làm mọi sự, họ sẽ không cần chạy đến với Ngài. Sau cùng, kiêu căng làm con người khinh thường tha nhân, vì không được như họ.
(2) Chúa trông đến kẻ khó nghèo: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” Đây cũng là phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Khó nghèo không chỉ hiểu là nghèo khó về phương diện vật chất, nhưng giầu có khó vào Nước Trời vì nó làm cho con người xa Thiên Chúa, như trường hợp của chàng thanh niên giàu có. Nghèo khó hiểu cho đúng phải bao gồm mọi khía cạnh của đời sống. Con người phải ý thức mình cần Thiên Chúa trong mọi sự và không thể sống thiếu ơn lành của Thiên Chúa: sự hiện hữu, tình yêu, sự thật, ơn thánh...

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin tưởng và tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền nếu muốn được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành. Cãi lệnh Thiên Chúa chỉ chuốc lấy thiệt hại vào thân.
- Làm theo thánh ý Thiên Chúa là điều kiện để được Ngài chúc phúc. Chúng ta đừng kiêu căng đánh cắp công ơn của Ngài đã đổ xuống trên chúng ta.

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

NHẬT KÝ NGÀY 30/5/2013



5 giờ 00 - 6 giờ 00: Tham dự Thánh lễ và trực Nhà Chầu Thánh Thể.

6 giờ 30 – 7 giờ 30: Phụ làm vườn rau sạch trên sân thượng và đọc, đăng bài suy niệm v.v… lên blogspot, facebook và twitter.

8 giờ 00 – 10 giờ 30: Trực Văn Phòng Giáo Xứ ĐMHCG.SG

Tiếp một đan sĩ Xi-tô liên hệ xin học lớp ca trưởng.

Giải đáp qua ĐT một nam giáo dân ở Gò Vấp hỏi về lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng.

Giúp một nữ giáo dân ở Biên Hòa liên hệ xin số ĐT của Cha Lê Trung Ân đang dưỡng thương vì tai nạn giao thông!

Thực hiện Thông báo Chúa Nhật IX Thường Niên C.

Chỉnh sửa nhỏ Báo Cáo Tháng 5/2013.

Giúp Ông Cố LVP làm hồ sơ về nhà đất.

Một phụ nữ không có đạo đến liên hệ về hôn nhân của con trai bà:

-           Tôi xin gặp Cha (linh mục).

-          Bà có việc gì cần liên hệ?

-          Xin tư vấn về trường hợp con trai của tôi.

-          Bà có thể nói rõ hơn.

-          Gia đình chúng tôi không có đạo, con trai tôi đã có vợ và hai con và hiện giờ hồ sơ ly hôn của con tôi với vợ nó đã gửi toàn án chờ phán quyết của tòa, hai đứa sống trong tình trạng ly thân. Con trai tôi đang học lớp giáo lý dự tòng, lớp giáo lý hôn nhân tại nhà thờ này vì đang yêu và dự định kết hôn với một cô gái Công giáo.

-          Vấn đề đã được trình lên Cha xứ nơi cô gái ở không?

-          Có.

-          Vậy Cha xứ có ý kiến gì không?

-          Cha trả lời là không được phép.

-          Do vậy bà mới đến đây?

-          Phải.

-          Vậy, mời bà đi với tôi qua Văn Phòng Cha Chánh Xứ, sẽ có Cha Phó Xứ tiếp bà. Bà cứ trình bày đúng sự thật như đã trao đổi với tôi, không được giấu giếm điều gì.

Người phụ nữ đi theo sự hướng dẫn… Khoảng 30 phút sau… Bà đến Văn Phòng Giáo Xứ.

-          Bà đã gặp Cha, vậy Cha giải đáp thế nào?

-          Cha cũng cho biết là không được phép cử hành bí tích cho đôi nam nữ kể cả con trai bà theo đạo…

15 giờ 00 – 17 giờ 00: Lên danh sách các em học thêm sức vào tháng 6/2013.

19 giờ 00 – 21 giờ 00: Dạy giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân.