Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C – Ga 20,19-31
Thứ Tư – 3/4/2013
CẦU NGUYỆN VÀ XIN ƠN
THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giê-su, chúng con đang sống trong tuần bát nhật
phục sinh, phụng vụ Lời Chúa suốt trong tuần bát nhật giúp chúng con suy niệm
Mầu Nhiệm Phục Sinh của Ngài. Và Tin Mừng Ga 20,19-31 chúng con tìm hiểu chiều
nay sẽ giúp chúng con kiểm điểm lại đời sống lòng tin của mình qua lời tuyên
tín của tông đồ Tô-ma. Nguyện xin Chúa Giê-su Phục Sinh ban Thánh Thần xuống
trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con tham dự giờ Suy Tôn Lời Chúa chiều nay
thật sốt sắng.
(Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN
MỪNG Ga 20,19-31
A. LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Chủ đề của bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc là…
ĐỨC GIÊ-SU HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ
Và Giáo Hội sẽ công bố bản văn Tin Mừng này vào Chúa Nhật II
Phục Sinh – Năm C vài ngày tới đây.
Chúng ta tìm hiểu bài Tin Mừng theo bố cục sau:
1. Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ lần thứ
nhất, không có Tô-ma (Ga 20,19-23).
2.
Đức
Giê-su hiện ra với các môn đệ lần thứ hai, lời tuyên tín của Tô-ma (Ga
20,24-29).
3.
Kết
thúc trình thuật (Ga 20,30-31).
B. TÌM HIỂU CHI TIẾT
1.
Đức
Giê-su hiện ra với các môn đệ lần thứ nhất, không có Tô-ma (Ga 20,19-23).
Mở đầu trình thuật, Tin Mừng Gioan đưa
chúng ta vào một phòng có cửa đóng kín để chứng kiến một cuộc gặp gỡ quý báu
của các môn đệ với Đức Ki-tô Phục Sinh. Và như vậy, chúng ta được chứng kiến
một buổi họp Chúa Nhật của các môn đệ. Thình lình Đức Giê-su hiện ra và các môn
đệ rất vui mừng. Các ông không vui mừng sao được khi Thầy mình đã bị đóng đinh
thập giá, đã táng xác trong mồ đá, và nay họ sợ cho số phận của mình cũng sẽ
giống như Thầy, do vậy, họ cứ ru rú trong phòng kín vì sợ người Do-thái. Trình
thuật nói rằng, Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”
Nếu đọc hết bản văn Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giê-su đã lặp đi lặp lại lời
chúc này đến ba lần. Chúng ta không nên coi câu “Bình an cho anh em” là một lời
chào bình thường. Trước Phục Sinh, không bao giờ thấy Đức Giê-su chào chúc như
vậy cả. “Bình an”: “eirênê”, được liên kết theo lối phản đề với “sợ hãi”:
“phobos”. Bằng sự hiện diện của mình, Đức Giê-su Phục Sinh đến đánh tan nỗi sợ
hãi, niềm xao xuyến của môn đệ do việc Ngài ra đi gây nên, và họ bị bỏ “mồ côi”
ở giữa một thế gian thù nghịch. Trong viễn tượng ấy, “bình an” mang một nghĩa
rộng hơn. “Bình an” chính là sung mãn hạnh phúc, vui mừng và tình yêu trọn hảo
nhất. Bình an đó là sự thanh thản nội tâm: hài hòa, hiệp nhất, nhân hậu. Đó là
kho tàng từ tâm hồn chảy tràn ra khắp bản thân. Thánh Augustino định nghĩa sự
bình an là: trí lòng yên tĩnh, quả tim đơn sơ, tình yêu hòa hợp, tình bạn hiệp
nhất… Bình an của Chúa Phục Sinh trao ban khác hẳn với bình an của thế gian.
Bình an của Chúa không chỉ là thôi chiến tranh, thôi các tranh chấp… nhưng là
một cuộc sống thanh thản trong tinh thần và trong tình thương, bất chấp hoàn
cảnh bên ngoài có thế nào… Chúa Giê-su đã chuộc lại sự bình an đó cho chúng ta.
Bằng cái chết khổ nạn thập giá, Người đã hòa giải loài người với Thiên Chúa và
mở cửa Nước Trời cho chúng ta.
Sau lời chúc bình an, Đức Giê-su cho các môn đệ xem tay và
cạnh sườn Người. Việc hiện ra và cho xem các dấu thương ở đây muốn nói gì? Một
đàng, Gioan xem ra muốn cho thấy thân xác sống lại của Đức Giê-su có những đặc
tính lạ lùng và siêu vật lý, nghĩa là khả năng đi xuyên qua cửa đóng kín. Đàng
khác, tác giả Tin Mừng lại muốn cho biết thân xác ấy có thể sờ đụng được và có
tính thể xác thật. Nói rõ hơn, Đức Giê-su mà các môn đệ gặp đây không phải là
bóng ma, một thị kiến nội tâm hay một giấc mơ. Ở đây người ta thấy Đức Giê-su
như một người sống thật, cũng nói, cũng nghe, cũng di chuyển, và người ta có
thể động chạm tới Người như tông đồ Tô-ma đã làm; Người cũng ăn, cũng uống…Đức
Giê-su Phục Sinh là người thật và là Thiên Chúa thật, Người có thể hiện ra và
biến đi, không bị ràng buộc bởi những hạn chế của định luật không gian và thời
gian. Và quan trọng hơn, Đức Giê-su sống lại ấy cũng chính là Đức Giê-su đã
chịu đóng đinh. Người môn đệ phải hiểu rằng, phải có thập giá mới có vinh
quang, phải có sầu buồn tang tóc mới có vui mừng, bình an và hy vọng.
Trình thuật kể tiếp, Đức Giê-su trao sứ vụ cho các môn đệ:
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi
vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì
người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Chúng ta có vài
nhận xét:
Thứ nhất: Sứ vụ Đức Giê-su trao cho các môn đệ là sứ vụ khởi
đi từ Chúa Cha trao cho Đức Giê-su, nay Đức Giê-su lại trao cho các môn đệ và
Hội Thánh của Người.
Thứ hai: Người thổi hơi vào các ông và nói rằng, Anh em hãy
nhận lấy Thánh Thần. Tác giả Tin Mừng Gioan muốn nhấn mạnh rằng, ở cuộc tạo
dựng thứ nhất, Thiên Chúa đã hà hơi sống vào con người làm họ trở nên một sinh
mạng sống động, cũng vậy, nay ở cuộc tạo dựng mới, Đức Giê-su thổi Thần Khí
Thánh của Người vào các môn đệ, làm họ trở thành tạo vật mới có sự sống đời
đời, và qua đó, nhân loại cũng được sự sống ấy nhờ tin vào danh Người.
Thứ ba: Quyền cầm buộc và tháo cởi, hiểu là bí tích giải
tội, cũng được Đức Giê-su trao ban cho các môn đệ và Hội Thánh trong lần hiện
ra này.
2.
Đức
Giê-su hiện ra với các môn đệ lần thứ hai, lời tuyên tín của Tô-ma (Ga
20,24-29).
Tiếc rằng, trong Nhóm Mười Hai, Tô-ma đã không có kinh
nghiệm gặp gỡ này vì ông vắng mặt khi Chúa Giê-su hiện đến lần thứ nhất. Và khi
các ông khác nói với Tô-ma là họ đã thấy Đức Giê-su vẫn sống, thì ông không tin
họ. Một cách như là hỗn xược, ông tuyên bố rằng, ông sẽ chỉ tin nếu ông sờ được
vào các vết đinh ở tay Đức Giê-su và vết sẹo ở cạnh sườn Người.
Trình thuật kể tiếp, tám ngày sau, cộng đoàn lại tụ họp, và
có Tô-ma ở đó với họ. Một lần nữa, Chúa lại hiện ra giữa họ và chào họ. Trước
sự ngỡ ngàng của mọi người, Đức Giê-su mời ông Tô-ma thọc ngón tay ông vào các
vết thương trên tay của Chúa đã bị chọc thủng và thọc cả bàn tay ông vào vết
thương ở cạnh sườn Người.
Đối mặt với sự hiện diện của Đức Giê-su, một thực tại không
thể chối cãi được, ông Tô-ma bị khuất phục và tuyên bố: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Ông Tô-ma đã tuyên xưng
lòng tin của ông bởi vì ông đã nhìn thấy Chúa Ki-tô Phục Sinh. Nhưng Đức Giê-su
nói tiếp: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà
tin!”. Như thế, Đức Giê-su đã nghĩ đến tất cả những kẻ đến sau và sẽ tin, dù
rằng họ chẳng thấy bằng con mắt tự nhiên
như các môn đệ Chúa.
3.
Kết
thúc trình thuật (Ga 20,30-31).
Phần kết thúc trình thuật được đánh nổi ở câu 31: Ai tin vào Đức
Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, sẽ được sống nhờ danh Người.
GỢI
Ý ÁP DỤNG
1. Chúng ta suy nghĩ thế nào về câu nói sau đây: “Có
những người mang danh là có đạo nhưng tâm hồn họ không có Chúa”. Bản thân tôi
là Ki-tô hữu, tôi có xác tín rằng, Chúa ở trong tâm hồn tôi không, đặc biệt là
một Thiên Chúa hiện sống, và tôi đặt để Người ở vị trí nào trong cuộc đời tôi
so với tiền bạc, quyền lực, danh vọng và dục vọng thấp hèn…?
2. Tông đồ Tô-ma đã tuyên xưng thần tính của Đức
Giê-su Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Tận cõi sâu tâm
hồn mình, có bao giờ tôi tuyên xưng về Chúa như vậy không, đặc biệt trong Năm
Đức Tin, Năm Thánh và cũng là Năm Sống Định Hướng Truyền Giáo của Giáo Xứ, tôi
đã tuyên xưng niềm tin vào Chúa Phục Sinh của tôi như thế nào trước mặt anh chị
em lương dân sống chung quanh tôi?
3. Trong đời sống gia đình, tôi tin và thần phục
Chúa tôi, tôi đặt để Chúa tôi ở vị trí trung tâm hay tôi tôn mình thành Chúa để
mọi người trong gia đình thần phục tôi khi tôi tước quyền tự do của người thân,
buộc họ phải sống như tôi, phải tốt như tôi, phải đạo đức như tôi, nếu không tôi
sẽ sát phạt họ bằng lời ăn tiếng nói không mấy ngọt ngào hoặc bằng bạo lực
thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để đưa họ vào nề nếp theo ý muốn của tôi?
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1. "Đức Giê-su đến, đứng giữa các môn đệ và
nói: "Bình an cho anh em! (Ga 20,19).
2. "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em."22 …"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy
bị cầm giữ." (Ga 20,21-23).
3. Ông Tô-ma thưa Đức Giê-su: "Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con! "" (Ga 20,28).
4. "Vì đã thấy
Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! " (Ga 20,29).
LỜI NGUYỆN
1. Trên đường làm chứng Chúa Giêsu phục sinh,
Hội Thánh luôn gặp gian nan thử thách. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô và Hội
Thánh vững lòng tin, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đem tin vui Phục Sinh
đến cho mọi người.
Xướng: Chúng con nguyện xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. Nhân loại ngày càng tin theo của cải vật
chất, chạy theo hạnh phúc chóng qua của trần gian hơn là tin Chúa. Xin cho mọi
người tin theo Chúa là nguồn sống, và là nguồn hạnh phúc muôn đời.
3. Ðời sống bác ái và đạo đức của các tín hữu
sơ khai là chứng tá tuyệt vời Chúa Giêsu Phục Sinh. Xin cho các Kitô hữu biết
hy sinh giúp đồng loại, và siêng năng cầu nguyện tham dự thánh lễ để làm chứng cho
Chúa.
4. Chúa đã nhờ các tông đồ làm chứng Chúa
sống lại. Xin cho các tín hữu cộng đoàn chúng ta biết làm chứng cho Chúa, bằng
đời sống bác ái và gương mẫu hằng ngày.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Biên soạn: Gioa-kim Phạm Văn Lượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét