HIỀN LÀNH NHỊN NHỤC
__________________________________ ________
Hãy học cùng Ta
vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt11,29)
I. ĐẠO LÝ CỦA CHÚA
GIÊSU.
Hôm nay chúng ta cùng nhau đề cập đến sự hiền
lành nhịn nhục, một giáo lý mới mẻ của
Chúa Giêsu khác hẳn với giáo lý thời Cựu ước.
Chúng ta hãy tìm hiểu giáo lý của Ngài và dõi theo gương sáng của Ngài về điểm
này để chúng ta có thể thực hiện trong đời sống chúng ta.
1.
Sách Thánh dạy.
Trong Cựu ước, luật trả
thù được khai thác triệt để, luật được đặt ra nhằm giữ sự công bình ngay thẳng,
chứ không đả động gì đến đức bác ái. Đối với mọi người thời đó, luật này rất dễ
được chấp nhận vì nó phù hợp với lối suy luận của mọi người. Nhưng giáo lý của
Chúa Giêsu hôm nay trái ngược lại :
“Các ngươi đã nghe
lời dạy rằng : mắt đền mắt, răng đền răng. Nhưng Ta bảo các ngươi : đừng chống
cự với người ác. Trái lại, nếu ai tát má bên phải ngươi, hãy đưa má kia cho họ
nữa. Ai muốn kiện tụng hầu đoạt chiếc áo cánh của ngươi, hãy nhường cả áo ngoài
cho họ. Ai bắt ngươi đi một dặm đường, ngưoi hãy đi với nó hai dặm nữa. Ai xin ngươi cứ cho, họ muốn vay mượn
ngươi đừng từ chối
(Mt 11.29)
Đọc đoạn Phúc âm trên,
ta thấy giáo lý của Chúa Giêsu mâu
thuẫn với cách sống thường tình của con người. Phải chăng phải im lặng chịu
đựng những lạm dụng, để mình bị bạc đãi, bị khai thác ? Nếu như vậy mãi, sống
thế nào được ? Phải chăng đòi hỏi của Chúa Giêsu trái ngược với luân lý của
Ngài, làm nhu nhược tất cả sự vững mạnh trung thực, hủy bỏ tận gốc tinh thần can trường và chí mạo hiểm sao ? Hình
như sự đòi hỏi của Đức Kitô có vẻ khuyến khích tội ác...
Thực sự, giáo lý của
Chúa không nhằm giải quyết những tranh chấp của cuộc sống hiện tại.Giáo lý của
Ngài là một lý tưởng vượt quá không gian và thời gian, và có thể áp dụng cho
mọi hoàn cảnh. Giáo lý của Chúa không nhằm áp dụng vào những trường hợp cụ thể
nhưng là một lý tưởng tổng quát nhằm tới thái độ nội tâm. Đây là một lý tưởng,
mà đã là lý tưởng thì không ai đạt tới được, mà chỉ cố gắng vươn tới thôi.
Người ta sẽ hiểu rằng,
đó là một lý tưởng, mà nhờ ơn thánh có thể thực hiện được, nếu biết tận lực cố
gắng. Đây là một đòi hỏi tâm tình quảng đại, sự tận hiến vô điều kiện. Hăng say
làm việc không cần nghỉ ngơi, chiến đấu không lo bị thương tích, tự giải thoát
khỏi những gì đê tiện, ích kỷ, cằn cỗi, vượt qua tinh thần “Tiểu trưởng giả”. Muốn thế, phải biến cải
nếp sinh hoạt, biết chấp nhận những viễn tượng rộng rãi và chân trời cao xa,
chấp nhận một thái độ tự thoát, hiến thân và hy sinh chính tình yêu vô biên,
cho ta sức mạnh thi hành những điều đó theo như thiên ý này. Do đó, ít người
đạt tới đời sống này, ngoại trừ các vị thánh nhân. Quả thực, các vị thánh nhân như thế hiếm biết bao.
(Richard Gutzwiller, Suy
niệm Tin mừng Mt, 1973, tr 108,110)
2. Gương Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã dám
khuyên mọi người hãy theo gương Ngài, khi Ngài nói :”Hãy học cùng Ta, vì Ta
hiền lành và khiêm nhường trong lòng: (Mt 11,29). Những gì Ngài dạy thì Ngài đã
làm gương trước để chúng ta noi theo. Ngay trong Cựu ước, con người hiền lành
của Chúa Giêsu đã được tiên tri Isaia mô tả :
“Ngài phải điệu đi như con chiên đem đi giết, Ngài
chẳng mở miệng ra như chiên con không
kêu một tiếng trước mặt thợ xén. Ngài bị luận xử một cách đê hèn. Ai sẽ thuật
lại được đời Ngài vì đời sống Ngài đã bị xoá khỏi trần gian” (Is 53, 7 và cvsđ
8,32).
Trong cuộc khổ nạn,
Chúa Giêsu đã tỏ ra là con người hiền lành nhịn nhục đến tột độ. Nếu ngày nay
người ta khâm phục thái độ nhịn nhục của Socrate, Khánh Kỵ,Lạn tương Như, vua
Philippê II... tại sao người ta lại không thán phục thái độ nhịn nhục của Chúa
Giêsu ?
Theo dõi bước đường đau
khổ của Chúa, ta thấy Chúa Giêsu đã bị tên Giuđa bán với giá 30 đồng bạc (Mt
26,16), dân Do thái xin tha tên trộm cướp Baraba mà đóng đinh Chúa Giêsu (Mt
27,20-21), bị quân dữ khoác áo đỏ, đội mạo gai qùi xuống chế nhạo (Mt
27,28-29), nhất là trên cây thánh giá, trước sự chế nhạo thô bỉ của nhiều
người, Chúa Giêsu đã chịu đựng một cách bình tĩnh, không một lời than trách, mà
chỉ xin Cha Ngài tha cho họ, biện hộ cho họ vì lầm chẳng biết”
(Mt 27,39tt).
3. Lời khuyên của thánh Phêrô.
Các tông đồ đã theo
gương Chúa Giêsu, các ngài đã sống hiền lành nhịn nhục theo gương Thầy mình. Đời
sống các ngài đã làm chứng điều ấy vì tất cả các tông đồ đã sẵn sàng chịu chết
vì Chúa mà không mở một lời than trách. Vì thế, thánh tông đồ Phêrô đã khuyên
chúng ta :
“Hết thảy anh em hãy
đồng tâm nhất trí với nhau, đầy tình huynh đệ, đầy lòng thương xót và khiêm tốn nhã nhặn. Đừng lấy ác báo ác, lấy lời
nguyền rủa đáp lời nguyền rủa, mà trái lại hãy chúc lành, vì Thiên Chúa đã kêu
gọi anh em thừa hưởng phúc lành” (1Pet 3,8-9).
II. QUAN NIỆM CỦA
NGƯỜI ĐỜI.
1. Sự hiền lành nhịn nhục được ca
tụng.
Trong cuốn sách “Cái
dũng của thánh nhân”, tác giả Nguyễn duy Cần đã ra công rút các tinh hoa Á Âu
để giải thích một cách rành mạch cái “DŨNG” của thánh nhân. Sau khi cử nhiều ví
dụ, và kể những câu chuyện con con rất có duyên, ông Cần lại chỉ cho ta phương
pháp để mong đến chỗ siêu việt ấy.
DŨNG là mạnh, nhưng đây
không phải sức mạnh của xác thịt, võ lực thiên bẩm hoặc do sự luyện tập cơ thể
mà có. Đây là sức mạnh của tâm hồn, làm cho con người trở nên bậc siêu nhân,
sống tự do thư thái, với trọn nghĩa thanh cao của chữ “sống”.
Người dũng, dầu lâm vào
trường hợp ngang trái, khó khăn đến đâu cũng một mực, không khinh, không giận.
Lúc nào cũng tự chủ, thất kinh bị kềm hãm bên trong. Họ quan niệm cái bệnh, cái
chết một cách thản nhiên; đứng trước nguy cơ, mặt không đổi sắc, tim không đập
nhanh, đầu không choáng, trí rất bình, lượng sức mình màø đối phó với cảnh ngộ.
Muốn đạt cái dũng phải dầy công luyện tập cái tính căn bản là sự điềm đạm.
(Huỳnh khắc Dụng trong
Khoa học tạp chí, số Nhâm thìn)
Ông Nguyễn duy Cần làm
nổi bật cái triết lý “nhu nhược thắng cương cường” của Lão Tử. Trong phép đấu
tranh có hai cách : dùng cương cường chế cương cường, hoặc dùng nhu nhược chế
cương cường. Phép cương chế cương là một phương pháp thô sơ tạm bợ, chỉ dùng
trong những trường hợp bất đắc dĩ thôi vì một khi đã dùng cường lực chế trị
cường lực rồi, dù cường lực của đối phương tan rã vẫn còn lưu lại cái thù oán
đến mực mùi rồi... Trong phép võ Judo của Nhật đã có nguyên tắc “Nhượng bộ để
chiến thắng” (céder pour vaincre). Chính JUDO là chữ NHU ĐẠO mà âm ra vậy.
Để làm nổi bật cái
triết lý “Nhu nhược thắng cang cường” trong phương diện cách mạng, tác giả đã
đề cập tới cuộc giải phóng dân Ấn độ do Gandhi điều khiển. Chính sách đề kháng
bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế giới hết sức ngạc nhiên và thán phục. Để
người ta nhao nhao nói :”Á đông nhu nhược ! Á đông nhu nhược, hèn yếu !...
Đâu phải người ta không
biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó là còn hạ sách. Ông Gandhi nói
:”... Nếu ta bị bắt buộc phải chọn một trong hai lẽ, khiếp nhược hay bạo động,
thì tôi sẽ khuyên nên bạo động... Tôi dạy sự yên lặng can đảm chịu chết hơn là
giết người. Nhưng với những ai không có
đủ cái can đảm ấy, thì tôi muốn họ thà tập luyện thuật giết người... còn hơn là
khiếp nhược chạy trốn một cách nhục nhã trước nguy cơ... Tôi chịu thấy Ấn độ
dùng đến khí giới bênh vực danh dự mình hơn là khư khư khiếp nhược cúi đầu
chứng kiến sự nhục nhã của mình. Nhưng
tôi biết chắc rằng bất bạo động còn cao hơn bạo động vô cùng, sự tha thứ còn
hùng dũng hơn sự trừng phạt... Bao dung là món trang sức của nhà chiến sĩ.
Nhưng không trừng phạt mà sở dĩ gọi được là bao dung, khi mà mình có quyền hay
có thể trừng phạt mà không thèm trừng phạt kia. Bằng không thì nó không có ý
nghĩa gì nữa cả... Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. Một trăm ngàn người
Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn phải sợ kia. Bất bạo động đâu phải chịu
lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động,là dùng cả sức mạnh của tâm hồn để chống lại
với cường quyền của kẻ độc tài. Một
người như thế thôi cũng đủ khiêu khích cả một đế quốc và làm cho nó “tan tành
nghiêng ngửa”.
Trong cuốn Tiểu sử ông
Gandhi, Romain Rolland đã nói :”Sức mạnh của bạo lực, thế mà còn phải chịu quì
gối trước sự mềm dịu anh hùng”.
Ông Tam Ích, trong số
báo nói về Gandhi còn nói :”... Người ta không giải quyết được cái gì cả bằng
cường lực, nhưng người ta đoạt được tất cả bằng sự hiểu nhau và lòng bác ái, và
chỉ có những người này thôi, mới có thể cứu được nhân loại điên cuồng”.
(báo France-Asie, n. 32
(1948)
Có một điều lạ là không
ai chịu được cái triết lý của Lão Tử và cái giáo lý cách mạng của Chúa Giêsu,
nhưng khi người ta nghe những mẩu chuyện của những người áp dụng bài học ấy thì
người ta lại khâm phục.
Truyện
: Lạn tương Như và Liêm Pha.
Lạn tương Như được
phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới,
nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh
mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội
sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn
xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như :
- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là
bậc thượng phu nên mến mà theo.Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng
thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại
tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá thế vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ,
vậy xin đi không ở nữa.
Tương Như nói :
- Các
ngươi xem Liêm tướng quân có hơn được vua Tần không ?
Bọn xá nhân đáp :
- Không.
Tương Như nói :
- Lấy
cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa
triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một
Liêm tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta
và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe
tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi
việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng :
- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi
đại chí của tướng công. .
Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của
Tương Như cả thẹn than rằng :”Ta thật còn kém Lạn tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ
tội với Tương Như, quì mọp mà rằng :”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao
dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm
bạn sống chết với nhau.
(Nguyễn duy Cần, Cái
DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163)
Bài học về sự hiền lành
nhịn nhục của Đức Giêsu đã được Tương Như thi hành đến triệt để, mặc dầu chưa
được nghe đến bài học ấy. Chính Đức
Phật Thích Ca cũng dạy tương tự :”Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng. Lấy đức
báo oán, oán ấy tiêu tan”. Nho gia cũng dạy :”Dĩ đức báo oán”. Tertulliano nói :”Kẻ bị sỉ nhục, dùng sỉ
nhục để báo thù, có khác gì người sỉ nhục họ không ? Chẳng qua là những kẻ cùng
làm quấy như nhau, chỉ khác kẻ trước
người sau mà thôi vậy”.
2. Sự hiền lành nhịn nhục cần
thiết.
Trong đời sống hằng
ngày, người có quyền bính đều xử dụng tính nóng nảy của mình đối với người
khác, có khi còn giận cá băm thớt. Hành
động theo tính nóng có phải là phản ứng của người quân tử không ? Người ta đã
từng nói :”no mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên, để luôn luôn tự cảnh giác, ông
Nguyễn đình Giản, thời Lê mạt, đã viết vào một miếng giấy, dán lên chỗ ngồi
giải trí, câu sau đây :
TẢO CẤP TẮC BẠI SỰ (nóng tính thì hỏng việc)
Hơn nữa, ông để sẵn một
bình nước lạnh, mỗi khi gặp một điều trái ý, thấy trong mình lửa giận bốc lên,
ông liền cầm uống từ từ, từng hớp nhỏ, cho đến khi lấy lại được hòa khí trong
tâm hồn mới thôi.
(Vũ minh Nghiễm, Sống
sống, 1971, tr 309-310)
Ông Tô đông Pha nói
:”Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tình
có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy,
vuươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ Đại dũng trong thiên hạ,
trái lại, thình lình gặp những việc phi
thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là
nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.
Vương phủ Nhân cũng nói
:”Nói đương sướng hả mà nín ngay được, ý đang hớn hở mà thu hẳn lại được, tức
giận ham mê đương sôi nổi, nồng nàn mà tiễu trừ biến mất được, không phải là
người kiên nhẫn thì không tài nào được như thế”.
Cảm biết sự cần thiết
và giá trị của sự hiền lành nhịn nhục, người đời đã phải hết lời ca tụng :
Chữ nhẫn là chữ tương
vàng,
Ai mà nhẫn được thì
càng sống lâu.
(ca dao)
Nhận xét những cái ở
đời, ta thấy biết bao nhiêu cái mềm thì
còn tồn tại mà cái cứng rắn thì mất. Cái đòn gánh không bao giờ cứng mà phải
mềm mới dễ gánh và không bị gẫy. Cái lò xo có sức chịu đựng được sự dồn ép mà
không gẫy, khi hết sự dồn ép thì lại giãn ra như thường. Văn vương Trung nói :”Lửa bốc lên cao, nước
chảy xuống thác, thế mà bao giờ lửa cũng thua nước”:. Người ta sợ lửa hơn là sợ nước, thế mà chết cháy ít, chết đuối
vẫn nhiều. Nước mát, lửa nóng, thế mà
lửa vẫn sợ nước vì người ta đã lấy nước trị lửa trong các đám cháy.
Truyện
: gió và mặt trời.
Một hôm gió và mặt trời khoe về sức mạnh. Gió tự
phụ là có sức mạnh hơn mặt trời, còn mặt trời lại tự phụ là mạnh hơn gió. Hai
bên đều tự phụ hơn nhau, không bên nào chịu bên nào. May thay lúc đó, giữa một
con đường thênh thang quang đãng, có một lão ăn mày đang tiến bước. gió và mặt trời liền thách thức nhau, xem ai
đủ sức mạnh để tung chiếc áo của người ăn mày ra khỏi anh ta.. Mặt trời liền
lặng lẽ ẩn mình vào trong tầng mây dầy đặc để gió thử sức trước.
Gió liền thổi thực mạnh
để bay tung chiếc áo của người ăn mày ra, nhưng càng thổi mạnh, thì người ăn
mày càng giữ chặt lấy chiếc áo. Thổi mãi, gió mệt, mà người ăn mày cứ giữ chặt
chiếc áo. Gió đành chịu.
Lúc đó mặt trời mới
tươi cười, ló mặt ra sau đám mây, chiếu những tia nắng xuống đường : người ăn
mày thấy trời nắng, mồ hôi thấm chảy, vội vàng cởi tung áo ra. Mặt trời được
cuộc và bảo gió :”Đấy anh xem, tươi cười và dịu dàng bao giờ cũng có sức mạnh
hơn là hung hăng và tàn bạo”.
(Đỗ đình Tiệm, Muốn
thành công, 1969, tr 53-54)
3. Ích lợi của sự hiền lành nhịn
nhục.
Lúc không gặp sự trái
ý, phản đối, người ta thường hiền lành, vui vẻ, dễ dãi, song khi sự khó và trái
ý đến, nhiều người sinh ra khó tính, cau có, bẳn gắt, chửi bới, đập đánh.
Nhân tiện chúng ta cũng
nên phân biệt tính hiền lành và nhân đức hiền lành. Tính hiền lành là đức tính
tự nhiên sẵn có ngay khi lọt lòng mẹ : dịu dàng, dễ dãi, dễ tha thứ, không nóng
nảy, không cáu kỉnh, bẳn gắt, sống với ai cũng được, gặp gì trái ý cũng thản
nhiên, bỏ qua, không chấp. Đấy chỉ là đức tính hiền lành, chưa phải là nhân đức
hiền lành vì hiền lành như vậy do ở tự nhiên, không do ở sự cố gắng luyện
tập. Còn nhân đức hiền lành do ở sự cố
gắng và luyện tập. Bẩm tính nóng nảy, nhiều hay là ít, song biết cầm hãm, không
buông theo tính nóng nảy tự nhiên sẵn có. Gương hiền lành của thánh Phanxicô
Salesiô là điển hình của sự tập nhân đức hiền lành.
Sự hiền lành đem lại
nhiều lợi ích cho cá nhân người hiền lành cũng như cho xã hội nữa.
a) Cho cá nhân hiền lành.
* Bình an và vui vẻ
luôn.
o Người
nóng nảy thường có điều tức bực, khó chịu luôn, ở đâu và ở với ai cũng vậy
không bao giờ vừa lòng, hay kêu ca, trách móc, la lối. Họ khổ và khổ lây cho
người chung quanh, mà chỉ đổ tội cho người nọ, người kia, còn chính mình thì lại vô tội, hoặc có lỗi
thì cũng chỉ một chút thôi, còn bao nhiêu thì do hoàn cảnh gây nên.
Ở thế gian và sống giữa
loài xác thịt, người hiền lành, cũng
gặp tất cả mọi sự như người kia, nhưng có nhân đức hiền lành, người ấy không
quan trọng hoá, nghe vậy hay là nghe hơn, trông thấy thế hay là thấy hơn nữa,
người đó vẫn bình tĩnh, thản nhiên, coi
như việc nhỏ mọn, tầm thường, không đáng kể, rồi để mặc cho nó qua, như pho
tượng hiên ngang đứng vững trên nền tảng chắc chắn, mặc cho gió gào sấm ran.
Làm êm dịu sống gió
trong mình, người hiền lành cũng làm êm dịu luôn sóng gió trong lòng người
khác. Nóng mà chẳng gặp người nóng lại, sự nóng cũng chóng nguôi, giận chửi đập
đánh mà không có ai đáp, chẳng lẽ giận, chửi và đánh lộn một mình !
Không gây cho ai sự bực
tức, khó chịu, và cũng chẳng ai hay là sự gì gây được cho mình sự tức giận,
nhiên hậu đời sống trôi chảy trong yên vui. Nhưng ai nắm tay thâu ngày chí tối,
dẫu hiền lành đôi khi cũng vô tình làm mất lòng kẻ nọ, người kia, song biết là
người hiền lành, không có bụng dạ nào người ta dễ tha thứ, bỏ qua, cắt nghĩa
tại thế này thế nọ, và sẽ không có sự cãi cọ.
* Được đất làm cơ
nghiệp.
“Ai hiền lành ấy là
phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy”. Đất nói đây là
lòng con người. Chiếm được lòng con
người là cái khó và khó hơn hết, có thể chinh phục chiếm được đất đai, tiền
của, địa vị, song chiếm được lòng con người ta, khiến họ yêu mến, kính phục,
tận tình, là điều khó lắm. Các cuộc cách mạng liên miên ở nhiều nơi, và những
hằn thù, cãi cọ, kiện tụng, kêu trách,
là dấu chưa chinh phục và làm chủ được lòng con người. Napoléon đã chiếm
được nhiều đất đai, đã thắng những trận oanh liệt, nhưng một nhà viết sử nói
:”Có lẽ trên đời, không có ai bị nhiều người ghét như Napoléon”.
Không đánh đông dẹp
bắc, không tuyên truyền rầm rộ, chẳng cđổ của ra lấy lòng, không nịnh nọt a
dua, người hiền lành chinh phục lòng người cách dễ dàng : ai cũng yêu mến,thích
lui tới, bè bạn . Ta chẳng thấy là gì ? Cha mẹ hiền lành con cái yêu mến, thầy hiền
lành học sinh thích thụ nghiệp, mẹ chồng hiền lành con gái thích làm dâu, chủ
hiền lành đầy tớ thích giúp việc, người hiền lành có lắm bạn bè. Sự hiền lành như mật ngọt thu hút lôi cuốn,
như nam châm kéo mạnh. Chống tàn bạo, vũ khí, thông minh, thế lực, không ai
chống kẻ hiền lành.
(Trần công Hoán, Tìm
hiểu ít nhân đức, 1965, tr 69-70)
b) Cho nhân quần xã
hội.
Người hiền lành đem đến
cho những người chung quanh sự thoải mái, dễ thương, dịu dàng vì người hiền
lành không bao giờ gây gỗ với những người chung quanh, trái lại còn làm cho bầu
khí chung quanh có sự hòa dịiu, dễ thở.
Truyện
: thánh Clementê hiền lành nhịn nhục.
Một hôm, thánh Clementê
thuộc dòng Chúa Cứu thế lững thững đi vào quán cơm ngã tay ra
- Xin quí ông rộng
lượng bố thí cho các em Cô nhi viện một miếng ăn.
Tức thì các thực khách
cười lên hô hố, cách khinh miệt vô cùng. Một anh thợ đóng giầy nhỏ thó tên là
Wilszek trợn mắt nói :
- Một
miếng ăn cho các em ? Ừ, được lắm chứ !
Vừa nói, anh ta vừa nâng cốc bia lên miệng
uống, rồi búng má phun thật mạnh, như tát
nước, thẳng vào mặt cha Clementê.
Thánh nhân đã phản ứng
ra sao ?
Múa tay một cái, ngài
quật ngã anh thợ đóng giầy nhỏ thó mà lớn mật kia xuống đất (vì thánh nhân là
một người vạm vỡ khỏe mạnh) ? Không,
ngài vẫn điềm nhiên bình tĩnh, như chẳng có việc gì xẩy tới cả. Ngài thong thả
rút khăn mùi-xoa ra lau sạch mặt cùng vạt áo đi, rồi lại ung dung giơ tay ra vui vẻ nói :
- Thưa
các ngài, đó là phần của tôi. Còn phần của các em Cô nhi viện đâu chưa thấy ?
Wilzsek đang ngồi trên ghế cao, bỗng té nhào
xuống đất, như vừa bị một cú đấm thôi sơn
giáng xuống trên mang tai. Anh ta chẳng bao
giơ dám tưởng tượng ra rằng trên thế giới đầy nham nhở này, lại có thể có được
người đầy khí phách thần dụng đến mức này.
Một khi hoàn hồn, chàng
lồm cồm ngồi dậy, ấp úng nói :
- Tôi,
tôi... sẽ gửi tặng các em... một món quà.
Quả thực, sau đó anh ta tự động đi lạc quyên
giữa các bạn xa gần, và thân hành đến trao tận tay cho thánh nhân một số tiền lớn
(100 đồng Đức kim thời bấy giờ) để tạ tội.
(Vũ minh Nghiễm, Sống
sống, 1971, tr 355-357)
Nhờ sự hiền lành nhịn
nhục của cha Clementê mà các em cô nhi được một món tiền để sống. Nếu lúc ấy,
cha Clementê hành động theo tính nóng nảy thì kết quả sẽ ra sao ? Chắc chắn sẽ
có một cuộc ẩu đả xẩy ra, và các em cô nhi sẽ chẳng được gì cả !
4. Sự
tức giận ở đâu tới ?
Có phải người khác làm
cho ta tức giận không ? Có phải sự vật làm cho ta phải giận không ? Thực sự những
cái đó rất ít. Ta hãy nghe xem nhà hiền triết Épictète nói như thế nào :
“Làm cho người phiền
muộn, không phải là tự ở sự vật, chính là ở cái cách người ta phán đoán về sực
vật. Như cái chết có gì đáng sợ đâu, nếu đáng sợ thì Socrate đã sợ, nhưng đáng
sợ, là sự phán đoán rằng cái chết đáng sợ. Như vậy thời mỗi khi ta buồn bực,
bối rối, phiền não, ta đừng trách ai,
nghĩa là trách sự phán đoán của ta mà thôi.
Phải nhớ rằng : làm
nhục cho mình, không phải là kẻ nó chửi mình, nó đánh mình, nhưng là tự mình
phán đoán cho rằng nó làm nhục mình. Có kẻ nào làm cho mình giận dữ thì phải
biết rằng chính sự phán đoán của mình nó làm cho mình giận dữ đấy”.
Ta thường tự hỏi :
“Người đánh ta, ta giận, là tại người hay tại ta làm cho ta giận” ? Phần đông
sẽ trả lời :”Vì người đánh ta nên ta giận”. Nhưng nếu ta biết người đánh ta là
người điên, ta có giận người ấy nữa không ? Chắc hẳn là không, nếu ta là người
biết xét. Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tình, thì ắt ta không
khỏi phải nổi cơn giận dữ.
Cũng một việc xẩy đến
cho ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi thì ta bực tức nóng giận. Tại
nơi đâu ? Có phải là tại nơi sự phán
đoán của ta chăng ? Tôi không thấy tại
nơi sự vật chỗ nào cả.
Sách Bảo huấn nói :”Ở
đời, nếu gặp phải kẻ ngang ngược, hãy coi như mình đang đi trong bụi rậm, áo
vướng phải gai. Chỉ nên thong thả dừng chân lại, gỡ dần ra thôi. Cái gai góc
kia có biết gì mà đáng giận”.
Mạnh Tử cũng nói :”Ta
nên coi những xúc phạm đến ta như chiếc thuyền không, chẳng may đâm phải ta,
như cơn gió dữ chẳng may thổi tạt vào ta. Có gì mà phải tức bực” ?
Truyện
: Ông Socrate và bà vợ dữ dằn.
Một hôm, ông Socrate
mời các bạn dùng cơm tại nhà. Không biết có việc gì, bà vợ bưng cả đồ ăn (ông
ăn ròng rau trái) quăng ra ngoài cửa sổ.
Ông cũng như thường,
tươi cười bảo :”Thì bà muốn chúng mình ra sân ăn mát mẻ hơn”.
Quá sức tức tối, bà bèn
vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ông đã lượm sắp vô mâm, đĩa... Các bạn ông giận
đỏ mặt, muốn gây sư ï. Ông biết trước, đã nắm tay áo các ông bạn lại và ôn tồn
bảo :”Ví dụ các anh em đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào, làm
văng cả bát đĩa, các anh có đi gây sự với nó không” ?
Một lần khác, có bạn rủ
đi sớm. Bà la lối gầm hét om sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà
lại đứng trên lầu đổ trút thau nước dơ lên đầu ông... Các bạn ông tỏ dấu bất
bình phản đối... Ông cười và bảo :”Thì có gì lạ, hễ trời hết gầm, thì đổ mưa”.
Ông thản nhiên trở vô thay áo.
Nếu một người khác gặp những trường hợp này, chắc chắn là đã mất cả sự
điềm tĩnh rồi vậy. Không phải nơi sự vật xẩy đến cho ta, nó làm cho ta vui mừng
hay giận dữ mà do sự phán đoán của ta cho là họ làm cho ta vui mừng hay giận
dữ.
(Nguyễn duy Cần, Cái
DŨNG của thanh nhân, tr 106-107)
Ngoài ra, có những hoàn
cảnh rất thông thường không đáng cho người ta phải sinh sự, không đáng cho
người ta phải cãi cọ để đi đến sự tức giận, nhưng vì tính HIẾU THẮNG, vì TỰ ÁI
đã thúc đẩy người ta từ những câu chuyện không đâu mà làm mất lòng nhau, giận
nhau chí tử. Câu chuyện sau đây sẽ làm chứng câu khẳng định trên.
Truyện
: con chuột lắt.
Nhàvăn Lê văn Trương
dựa theo cốt truyện của một nhà văn Tây phương mà kể lại câu chuyện”con chuột
lắt” khá thú vị như sau:
Có đôi vợ chồng trẻ mới
lấy nhau và yêu nhau lắm... Cậu mợ đang ôm nhau “tri kỷ” ở trong phòng thì úi
chà, một con chuột lắt ở xó xỉnh nào đó chạy vọt ra. Nghe tiếng động, vợ giật
nảy mình, ôm chặt lấy cậu... Đến khi nhìn rõ ra là con chuột lắt, mợ mới phì
cười áp vào má cậu:
- Thế
mà nó làm em sợ quá.
Cậu vuốt tóc mợ :
- Thế
mà làm cho người ta tưởng là cái gì.
- Không
biết con nởm ấy ở đâu chạy ra thế ?
- Ở
trong gầm tủ áo.
- Ấy
không, ở trong gầm giường. Cậu lầm.
- Lầm
đâu, ở trong gầm tủ mà.
- Rõ
ràng từ trong gầm giuờng.
- Gầm
tủ chứ lại gầm giường.
- Gầm
tủ đâu ? Gầm giường chứ ?
- Thế
mà cũng nói, mắt với mũi.
- Rõ
ràng mà lị.
- Rõ
ràng gầm tủ.
- Rõ
ràng gầm giuờng.
Câu chuyện con nỡm chỉ có thế, rồi ai cũng
dành phần phải về mình, rồi tự ái bốc lên trời, trước còn lời nặng tiếng nhẹ,
sau rồi xô xát to, rồi người ta chẳng nể lời nữa, rồi cậu cáu tiết, tát cho mợ
một cái nên thân. Rồi mợ khóc, rồi người ta giận nhau hàng năm.
... Rồi thì một hôm cậu
nghĩ ra :”Ồ, con chuột nó từ gầm tủ chạy ra hay từ gầm giường chạy ra mặc nó,
hà cớ vì thế mà cãi nhau, giận nhau cho gia đình đang yên vui biến thành ra cái
địa ngục”. Rồi thì cậu mợ làm lành với nhau...
(Nguyễn văn Y, Có chí
thì nên, 1971, tr 105-106)
Phần đông chúng ta cũng
thường hơn thua nhau, tranh dành lẽ phải về mình từng những việc nhỏ nhặt, rất
nhiều khi chúng ta vì một chút tự ái vặt không chịu hoà thuận vui vẻ với nhau
như cặp vợ chồng vừa nói trên. Gặp những trường hợp ấy, tốt nhất thì phải nói :
Ai nhất thì tôi thứ
nhì,
Ai mà hơn nữa tôi thì
thứ ba.
(Ca dao)
III. CÁCH TẬP ĐỨC
HIỀN LÀNH NHỊN NHỤC.
Chúng ta có thể tập đức
hiền lành nhịn nhục qua hai phương diện tiêu cực và tích cực nghĩa là sửa tính
nóng nảy, không cho tính nóng nảy bộc phát ra ngoài đi theo với những cử chỉ giận dữ của chúng ta. Đồng thời ta có
thể theo gương Chúa Giêsu và các bậc thánh nhân để sống một đời sống hoàn toàn
hiền lành nhịn nhục.
1. Phương diện tiêu cực.
Đối với vấn đề sửa trị tính nóng nảy, ta thấy
có ba chủ trương khác nhau :
· Đông
Lai tiên sinh nói :”Phép trị ham muốn là giam cầm, phép trị tức giận là đè nén,
không cho nó trổi lên”.
· Có
người chủ trương rằng :”Đói thì cứ cho ăn, no rồi sẽ thôi. Khát thì cứ cho
uống, đã rồi sẽ thôi. Ham muốn thì cứ cho được yêu cầu, thoả mãn rồi sẽ thôi”.
· Nhưng
như thế có khác chi sợ lửa bùng lên, lại đem củi bỏ vào để dập tắt. Làm như vậy
là nuôi thêm sức lửa (Theo Đông Lai bác nghị, tr 26).
Phép đè nén của Đông Lai tiên sinh cũng chưa phải là thượng sách, vì phép ấy có
thể phát sinh cảnh tức nước vỡ bờ, do những biến chứng bất ngờ nguy hiểm, phải
tìm cho con bệnh một lối thoát.
Có người cho rằng lối thoát ấy là... CƯỜI.
Cười thật to càng hay.
Truyện
: thuốc làm cho cười.
Nhà bác học Priestly có
lẽ muốn tài bồi cho quan niệm này, nên đã sáng chế ra một thứ thuốc cười, gồm
có chất Protoxyde-Natrium. Ai hít thuốc này sẽ thấy các đuờng gân chuyển động
dần lên, rồi bỗng nhiên cười. Cười ruồi, cười nụ, cười nắc nẻ... Và tức thì
không thấy đau khổ hay buồn phiền gì nữa. Đến như người đang khóc mà hít thuốc
này, cũng sẽ thấy nước mắt bị thâu hồi, và rồi cười từ âm thầm cười tới...
Ta cũng nên mua một lọ
thuốc cười dự trữ sẵn trong túi áo, phòng khi có chuyện buồn tủi giận hờn xẩy
đến bất thần – như trường hợp Tân Ti Tụ – thì đem ra hít một hơi để điều hoà
không khí nội tâm !
... Hoặc đặt mua một cái máy do một người Anh sáng
chế ra từ hồi năm 1951 ?
Máy này là một chiếc
ghế thật đẹp, thật sang. Khi ai thấy mình buồn khổ sầu muộn, bất mãn thù đời...
thì hãy lên ngồi trên đó. Tức thì như đi lạc vào động Thiên thai, và được một
bàn tay tiên ngọc ngà huyền diệu vuốt ve mơn trớn... Đồng thời một cái máy
phóng thanh phát ra những lời cổ võ du dương , êm ái, ngọt ngào, không khác chi
tiếng oanh vàng đang thỏ thẻ vào tai :”Này bạn mến, hãy vui lên. Đời đẹp lắm,
đáng sống mà”... Lugdah, người phát
minh ra cái máy này, đã gọi là MÁY NÂNG CAO TINH THẦN.
(Vũ minh Nghiễm, Sống
sống, 1971, tr 353-354)
Ngoài ba cách trên,
người ta còn đề nghị một cách khác để sửa trị tính nóng nảy là ĐỪNG NÓI, vì
trong khi nóng chúng ta hay “đa ngôn đa quá”, khó có thể cầm hãm đuợc lời
nói. Joubert nói :”Phải dùng lời nói
như dùng vàng bạc vậy”. Câu này nói lên
tầm quan trọng của lời nói vì như sách Gương Chúa Giêsu nói :”Những điếu chưa
nói, mình làm chủ nó, nói ra rồi, mình làm tớ nó”. Đã nói rồi không thể rút lại được như lời Sách Nho dạy :”Nhất ngôn thuyết quá, tứ mã nan truy”. vì
thếâ ngạn ngữ Tây phương cũng dạy :”Phải uốn lưỡi bảy lần truớc khi nói”. Làm
chủ được lời nói có thể đem lại được nhiều cái lợi vì “một sự nhịn chín sự
lành”.
Truyện : chai nước thánh.
Thánh Vincent Ferrier ở
thành Valence, nước Tây ban nha. Ngày kia, có một người đàn bà đến xin ngài chỉ
cho một phương pháp để sống bằng an hòa thuận với chồng, vì chồng bà hung ác
quá, chửi bà nhiều quá, bà không chịu nổi.
Thấy bà nói chuyện huyên thuyên, kể lể mọi thứ tội của ông chồng. Thánh
nhân biết rõ ngay căn bệnh. Đó là bệnh LẮM MỒM. Ông lắm mồm mà bà còn lắm mồm hơn. Ngài liền bảo : Bà hãy đến
cổng nhà dòng tôi, xin thầy giữ cửa múc cho một chai nước ở cái giếng giữa nhà
dòng, đem nước đó về, khi nào chồng bà nổi giận la lối, chửi mắng, bà hãy uống
một ngụm nước đó và nhớ NGẬM LÂU TRONG MIỆNG, ĐỪNG NUỐT.
Bà đem nước về, làm
đúng như lời thánh nhân dạy. Mấy ngày sau,
bà sung sướng đến báo tin cho ngài hay :NƯỚC GIẾNG THÁNH đem lại kết quả
lạ lùng. Và bà xin ngài cho thêm một chai nữa. Thánh nhân trả lời :
- Nước
đó không có gì lạ, không phải là nước giếng thánh, nhưng là nước giếng thường
các thầy dòng vẫn dùng để nấu cơm. Kết quả tốt đẹp đó là do sự NÍN LẶNG của bà.
Người đời đã am hiểu
được sự quan trọng của lời nói, của sự nín lặng, nên luôn đề cao cảnh giác khi
cần phải nói. Chu Tử đã nói :
“Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành. Thị
phi chỉ vị đa khai khẩu, phiền não giai nhân cưỡng xuất đầu” nghĩa là giữ miệng
như bình kín, phòng ý như thành xây, phải trái chỉ do miệng mà ra, phiền não đều ở đầu tất cả.
(Minh tâm bửu giám, Tạ
thanh Bạch dịch, tr 110)
2. Phương diện tích cực.
Phương pháp tốt nhất để
tập sự hiền lành nhịn nhục là theo gương bắt chước Chúa Giêsu. Ngài đã làm
gương cho ta trước. Đây ta hãy tưởng tượng ra cái quang cảnh Chúa Giêsu đang
đứng trước mặt thượng tế Caipha xem Chúa Giêsu đã đối xử như thế nào. Thầy thượng tế hỏi Chúa Giêsu về giáo lý của
Ngài. Chúa Giêsu đáp :”Tôi nói công
khai trước mặt thiên hạ. Tôi thường dạy dỗ ở nhàõ hội và trong đền thờ, là nơi
các người Do thái quen hội họp. Tôi chẳng nói gì lén lút. Ông hỏi tôi làm chi ?
Cứ hỏi những kẻ đã nghe tôi nói, họ
biết tất cả các điều tôi dạy dỗ”. Chúa
Giêsu vừa dứt lời, một tên lính hầu vả mặt Chúa Giêsu và nói :”Thưa với vị
thượng tế vậy ư”?Chúa Giêsu đáp :”Nếu tôi nói bậy, hãy làm chứng điều bậy đó,
bằng tôi nói phải, sao lại đánh tôi” (Ga 18,19t).
Khi Chúa Giêsu sắp sinh thì, người ta vẫn còn tiếp
tục chế nhạo Chúá.Dân chúng đứng đó nhìn xem. Nhưng cấp trên hợp với chúng nhạo
cười :”Hắn đã cứu được kẻ khác, nếu là Kitô, Đấng Thiên Chúa chọn hãy tự cứu
mình đi” (Lc 23,35) Trước những lời ngạo mạn ấy, Chúa Giêsu chẳng có phản ứng
nào ngoài việc xin Cha tha cho họ, và còn biện hộ cho họ là lầm chẳng biết.
Phải trường hợp chúng ta thì nhất định chúng ta phải xuống khỏi thập giá tát
cho mỗi đứa mấy cái để chúng sáng mắt ra !...
K Ế
T L U Ậ N
Chúng ta hãy trở lại
bài học của Chúa dạy :”Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong
lòng” (Mt 11,29). Hình ảnh Chúa Giêsu được tiên tri Isaia mô tả trong chương 53
đã làm cho chúng ta cảm phục thái độ hiền lành nhịn nhục của Chúa Giêsu, đặc biệt
trong cuộc khổ nạn của Ngài. Có lẽ Lão Tử đã áp dụng đúng giáo lý của Chúa
Giêsu khi ông nói :
“Thắng nhân giả, hữu
lực, tự thắng giả cường.
Nhu thắng cang, nhược
thắng cường”
(Thắng người là có sức,
thắng mình là mạnh,
nhu nhược thắng cương
cường )
Trong dời sống thiêng
liêng, ta hãy lợi dụng đức hiền lành nhịn nhục để nên thánh. Thánh Bernard
không lấy sự ăn chay, thức khuya dậy sớm làm khó bằng nhịn nết xấu anh em trong
dòng, và nhờ đó ngài đã lập được rất nhiều công phúc về đức nhịn nhục. Ngài đã
nói :”Hy sinh lớn nhất của tôi là nhịn nết xấu và khuyết điểm của anh em”.
Để kết thúc bài chia sẻ
hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau xem thái độ bình tĩnh, hiền lành, nhịn nhục của
một nhà sư, tuy không có đạo công giáo như chúng ta nhưng cũng đã biết thực
hành giáo lý mà Chúa dạy chúng ta về sựï hiền lành nhịn nhục.
Truyện
: thiền sư Hakuin
Thiền sư Hakuin được
những người chung quanh ca tụng là người sống đời sống trong sạch.Một gia đình
người Nhật bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở, có cô con gái đẹp. Bất ngờ một hôm
cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai.
Việc này làm cha mẹ cô
nổi giận. Cô không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau
bao nhiêu là phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.
Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ
cô gái đến ngay vị thầy này. Hakuin chỉ thốtá lên vỏn vẹn hai tiếng : THẾ À,
rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra,
nó được đem tới trao cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc
này không làm ông buồn. Hakuin săn sóc đứa bé ấy rất tử tế. Hakuin xin sữa của
những người mẹ hàng xóm, và những đồ dùng cần thiết cho đứa bé.
Một năm sau, cô gái
không còn chịu đựng được nữa. Nàng nói sự thật với cha mẹ nàng – rằng cha thật
sự của đứa bé không phải là Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
Lập tức cha mẹ cô gái
đến ngay Hakuin, xin Hakuin tha lỗi. Chuyện xin lỗi dài dòng, và xin đưa đứa bé
về. Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt lên hai tiếng
THẾ À.
(Thiền sư MUJU, Góp
nhặt cát đá, Lá Bối, 1972, tr 14-15)
Lm Giuse Đinh lập
Liễm
Giáo xứ Kim phát
Ngày 26/5/2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét